2018-06-13 16:48:00

Diễm Ca, một cuốn sách rộng mở và tự do như tình yêu


Sách Diễm Ca là cuốn sánh chỉ dài 8 chương với 117 câu và 1.220 chữ, ca tụng tình yêu say đắm trong mọi chiều kích của nó,  trong đó tên của Thiên Chúa đã không bao giờ được nhắc tới, nhưng người đọc lại có thể nhận ra  vẻ đẹp vô tận của Đấng Tạo Hoá. Từ bao thế kỷ qua vấn nạn lớn nhất là câu hỏi tại sao sách Diễm Ca lại có tên trong danh sách các tác phẩm của Thánh Kinh. Ngay từ năm 90 trong công nghị Do thái nhóm tại Jamnia vấn đề của sách Diễm Ca đã được thảo luận một cách sôi nổi. Mục đích công nghị là duyệt xét xem các sách nào đáng được nhận vào danh sách các tác phẩm kinh thánh. Các rabbi pharisêu do thái tham dự công nghị đã biểu quyết chấp nhận sách Diễm Ca và sách được đọc trong ngày lễ Pesakh, tức lễ Vượt Qua, nhưng không có một vai trò chính yếu. Trong phụng vụ công giáo sau khi được canh cải thời Công Đồng Chung Vaticăng II, chỉ có ba văn bản cuả sách Diễm Ca được đọc trong ngày lễ nghỉ. Và cho đến nay các linh mục vẫn không khuyên các đôi tân hôn muốn chọn vài văn bản của sách  cho các bài đọc trong lễ cưới của họ.

Theo chị Nicoletta và anh Corrado Demarchi, hai vợ chồng thuộc phong trào các Nhóm Gia Đình Italia, trong dòng thời gian câu chuyện của hai người trẻ yêu nhau đã được giải thích không chỉ như là lịch sử tình yêu giữa một  người nam và một người nữ, nhưng như một thực tại sâu xa hơn và có ý nghĩa thần học rất lớn. Đối với tín hữu Do thái đó là tương quan giữa dân Israel là phu thê và Giavê Thiên Chúa là phu quân với các chặng khác nhau: xuất hành, vào đất hứa, bị lưu đầy và trở về quê cha đất tổ.

Đối với kitô hữu phu quân là Chúa Kitô và phu thê là Giáo Hội; đối với các chuyên viên thánh mẫu học phu thê là Đức Maria; sau cùng còn có ý nghĩa duy cá nhân trong đó linh hồn là phu thê, và văn bản nói tới đám cuới  tinh thần của linh hồn với Thiên Chúa. Chúng ta tôn trọng các kiểu giải thích này. Điều đáng ghi nhận đó là một sưu tập các bài ca tình yêu giữa một người nam và một người nữ diễn tả với một sự đơn sơ rất lớn và tự nhiên, hơi nồng ấm của sự thân thiết và nỗi đam mê của họ. Chúng được sống một cách táo bạo, không sợ hãi và không mắc cỡ. Tuy Thiên Chúa chỉ được nhắc tới vào cuối tác phẩm, nhưng người ta lại nhận ra vẻ đẹp vô biên của Đấng Tạo Hoá, Đấng đã viết trong trái tim người nam và người nữ tình yêu vô biên giới này. Khởi hành từ việc sinh ra của chính tình yêu, một tình yêu lôi cuốn đảo lộn và toàn diện, người ta đi tới việc chia lià giữa hai người si mê nhau, kiếm tìm nhau mà không gặp, hay tìm ra nhau nhưng lại mất nhau ngay sau đó, rồi đi từ niềm vui sang nỗi thất vọng để tới cuộc gặp gỡ cuối cùng nơi đôi tình nhân hiệp nhất với nhau một cách vĩnh viễn.

Điểm thứ hai có thể ghi nhận ở đây đó là sách Diễm Ca là một văn bản, trong đó người nữ là tác nhân chính. Hơn là một bài thơ sách Diễm Ca là một bức thư tình, trong đó người nữ là nhân vật chính, chắc chắn về mình, được ca tụng trong nữ tính của mình, trong một bối cảnh lịch sử, trong đó nữ giới không có tiếng nói và bị gạt bỏ bên lề xã hội, bị đối xử như một đồ vật chứ không phải là một chủ thể của cuộc sống.

Người nữ được yêu  ca tụng vẻ đẹp của người nam được yêu và ngược lại, bằng cách chiêm ngưỡng và vui hưởng cuộc gặp gỡ của họ, nếm hưởng sự hiệp nhất của hai thân xác, sống tình dục và tính dục như là một món quà, một ơn, theo cách thức Thiên Chúa đã nghĩ và đã muốn cho họ sống.

Tình yêu là một ơn luôn luôn bị đe dọa, không bao giờ ổn định và cần sự kiếm tìm và dịu hiền đích thực. Đây không phải là dấu chỉ của sự yếu đuối, nhưng là sự tín thác, chú ý, săn sóc và tôn trọng lẫn nhau. Trong dòng thời gian qua các lúc gặp gỡ và cô đơn, ánh sáng và bóng tối, sự hiện diện và vắng bóng. Tình yêu này được lồng vào một quang cảnh mùa xuân, khi vẻ đẹp, lòng hăng say, niềm vui sống bùng nổ.

Sự giao thoa này giữa tình yêu và thiên nhiên  làm nở hoa cả hai: không có gì là thờ ơ đối với tình yêu này, là dấu chỉ của Thiên Chúa, nhưng trong đó người ta trông thấy sự hài hoà nguyên thuỷ giữa người nam và người nữ, như Thiên Chúa đã mơ ước trong công trình tạo dựng.  Sau cùng khi đọc sách Diễm Ca chúng ta được mời gọi nhìn vào tình yêu như ĐHY Gianffanco Ravasi đã gợi ý: “Điều đáng ca ngợi nhất mà Thiên Chúa đã làm, điều mầu nhiệm nhất, hấp dẫn nhất đó là con người có khả năng yêu thương và yêu thương Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta kết thúc sách Diễm Ca và chính Thánh Kinh với lời định đoạt mà Thiên Chúa đã thì thầm vào tai con người, TÌNH YÊU”.

Nếu áp dụng vào mục vụ gia đình, chúng ta phải nhấn mạnh đích điểm của nó là phải đưa ra ánh sáng ơn Thiên Chúa ban cho đôi vợ chồng: đó là bản chất bí tích của họ. Hình ảnh cặp vợ chồng, mà Chúa đã cống hiến cho chúng ta ngay từ lúc tạo dựng, phải được đặt vào trung tâm của mục vụ gia đình. Như thế cũng có nghĩa là trả lại sự rạng ngời vào chỗ chuyên biệt và nguyên thủy, mà Thiên Chúa đã muốn ban cho cặp vợ chồng và cho gia đình trong chương trình cứu chuộc.

Theo anh Renzo Bonetti, cũng thuộc phong trào các Nhóm Gia Đình Italia, cần phải nêu bật trở lại lứa đôi như bí tích. Tính cách độc đáo này cần được thừa nhận và phát triển ngày càng tốt hơn, tuy nó đã trở thành điểm chắc chắn của việc đọc hiểu chú giải thần học Thánh Kinh, nhưng chưa được dân kitô biết tới một cách sâu rộng. Vì thế mục tiêu của mọi hoạt động mục vụ gia đình là đánh bóng trở lại sự rạng ngời cổ xưa đó.

Đàng khác chúng ta không thể che dấu một sự khác biệt giữa lý tưởng giáo hội cao cả này và thực tại mục vụ thường cho thấy một cơ cấu hôn nhân mệt mỏi lỏng lẻo te tua, gắn liền với một xã hội, nơi hôn nhân và gia đình xem ra ngày càng ít được coi trọng. Vậy tại sao lại không lấy sách Diễm Ca làm nguồn chính yếu của nền tu đức cho cuộc sống lứa đôi?

Sách Diễm Ca có thể thực sự là một thời điểm mạnh mẽ của công tác mục vụ gia đình, bởi vì trong đó nổi bật vẻ đẹp chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chương 1 câu 27 sách Sáng Thế đã viết: Từ nguyên thuỷ “Thiên Chúa đã sáng tạo   con người theo hình ảnh Ngài… Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Và điều đã được nẩy mầm nơi đó cho thấy trong sách Diễm Ca là hoa là trái, điều đã được cưu mang trong đó hoạt động ở đây trong kiểu diễn tả tràn đầy nhất vẻ đẹp của nó.

Trong sách Diễm Ca chúng ta có thể nhận ra tất cả chân trời của tình yêu mà Thiên Chúa đã viết trong trái tim của người nam và người nữ. Trong khi liên quan tới hình ảnh Thiên Chúa trong văn bản sách Sáng Thế  chúng ta phải tiến tới nhưng chỉ dựa trên kinh nghiệm của chúng ta, với điều chúng ta biết về người nam và người nữ, thì sách Diễm Ca với lời mạc khải vén mở cho chúng ta thấy ai là Thiên Chúa Tình Yêu này, đâu là tương quan của Ngài với nhân loại khởi sự từ kinh nghiệm cụ thể của người nam si tình và người nữ si tình này, từ bên trong của một kinh nghiệm lứa đôi trở thành con đường dẫn tới sự hiểu biết Thiên Chúa.

Trong nghĩa đó sách Diễm Ca là một cuốn sách luôn luôn có giá trị. Và điều này có giá trị đối với toàn cuộc sống lứa đôi, trong nghĩa có thể phân tích nó với các mô thức riêng biệt, tuỳ theo chu kỳ cuộc sống gia đình. Thật thế, có thể bắt đầu với việc đính hôn, khi chúng ta nêu bật sự phong phú và vẻ đẹp  của nó: có thể nghĩ tới điều sách Diễm Ca miêu tả liên quan tới sự chờ đợi và kiếm tìm người yêu. Việc đính hôn không phải là một kinh nghiệm xa cách Thiên Chúa, nhưng là kinh nghiệm của những con người đã được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Thế rồi hôn nhân bí tích đặt để lứa đôi trong điều kiện là hình ảnh của Thiên Chúa giữa lòng thế giới, ở điểm mà cặp vợ chồng được mời gọi  diễn tả trong thân xác của người nam và người nữ hình ảnh khởi đầu đó của Thiên Chúa. Và ở đây chỉ cần nghĩ tới các quy chiếu tình dục miêu tả trong sách Diễm Ca thì đủ hiểu. Nhưng cả đối với gia đình sách Diễm Ca cũng là một lời mời gọi không bỏ qua nền tảng của hôn nhân bằng cách quá nhấn mạnh trên chức làm cha mẹ. Ở đây người ta có thể đặt vấn nạn: đề nghị của sách Diễm Ca xem ra đi ngược với  kiểu đề nghị của mục vụ gia đình nhấn mạnh trên việc truyền sinh và chức làm cha làm mẹ.

Tại sao sách Diễm Ca lại là một đề nghị đi ngược dòng? Trước hết một cách đơn sơ là vì văn bản chỉ được biết tới qua các lời trích trong các hoàn cảnh đặc biệt hay đã được dùng bởi các nhà thần bí lớn. Trong thực hành mục vụ gia đình văn bản không được hiểu biết trong cấu trúc, trong chiều sâu và trong sự phong phú mà nó có thể cống hiến cho cuộc sống lứa đôi của hai vợ chồng. Một lý do chậm trễ thứ hai của việc sử dụng văn bản sách Diễm Ca đó là tâm thức của nhân viên mục vụ gia đình ngày nay. Cả khi nhân viên mục vụ gia đình đó có từ chỗ khinh rẻ tính dục, thừa hưởng được từ tâm thức sống đạo bề ngoài và bài tính dục của thế kỷ XIX, tiến tới chỗ ca tụng nó theo khuynh hướng duy thiên nhiên, thường não trạng của họ vẫn còn ăn rễ sâu trong kiểu phân tích chia lẻ giữa sự thánh thiêng và trần tục, tình yêu thánh thiêng và tình yêu trần tục, hay tính dục hoặc tu đức.

Trong chương trình của Thiên Chúa như trình bầy trong sách Diễm Ca cả hai chiều kích tình yêu dục vọng và tình yêu hiệp thông, tình yêu tính dục và tình yêu tinh thần đồng hiện hữu với nhau. Nói cách khác, tính dục dĩ nhiên đã bị sự ích kỷ của tội tổ tông ghi dấu và mang trong nó các dấu chỉ hậu quả của thực tại thê thảm buồn thương này, nhưng chúng ta cũng phải thêm rằng nhân tính nam nữ đã được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài và giông giống như Ngài. Thật ra, trước khi là một ơn được dùng cho các mục đích riêng tư, cá nhân và ích kỷ, và trước khi là một cái gì trong đó tinh thần sự dữ có thể thường xuyên can thiệp, tính dục là một ơn của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn ban nó cho con người để con người sống nó như chiều kích của ơn gọi làm người. Chúng ta không thể không chú ý tới tiếng kêu đau đớn của nhân loại bị thương tích: người có con bài chiến thắng để nhìn căn tính sâu xa, để nhìn vẻ đẹp của tính dục không phải là kẻ đề nghị tự do sử dụng tính dục, mà là người biết rằng tính dục đã do Thiên Chúa tạo nên. Như thế Kitô giáo phải tái khám phá và đề nghị trở lại vẻ đẹp và sự tốt lành của liên hệ yêu thương.

Và cũng như bóng tối được trông thấy nếu có ánh sáng, kitô hữu chúng ta sẽ không thể hiểu được  ý nghĩa của tội lỗi và việc xa rời sự thật, nếu không chiếm được trở lại quan điểm đích thật cao hơn này. Thực hành mục vụ vẫn còn có nguy cơ chỉ nhìn tính dục từ bóng tối: suối nguồn của ánh sáng trên tính dục phải được thắp lên bằng cách ngày càng khám phá ra rằng cả tình dục  (eros) cũng đến từ Thiên Chúa bằng cách luôn ngày càng rộng mở cho cái nhìn trên điều Thiên Chúa đã mơ tưởng cho nhân loại.

Tới đây thì chúng ta sẽ có thể giải thích và nói với con người đâu là các nguy cơ của việc sống tính dục một cách không đúng đắn và không thật. Con người đánh mất đi cái gì khi sống tính dục lệnh lạc? Nó đánh mất đi chính mình, bởi vì nó đánh mất đi vẻ đẹp nguyên thủy, bởi vì nó đánh mất đi khả thể sống tràn đầy. Nhưng chính đôi vợ chồng kitô có bổn phận cho thấy vẻ đẹp này của tính dục được sống như là ơn huệ, như Thiên Chúa đã tạo dựng (Renzo Bonetti, Lezione d’amore, Queriniana 2009, tr. 9-13).

DC 20

Linh Tiến Khải

 

 

 








All the contents on this site are copyrighted ©.