2018-05-06 15:37:00

Kỷ niệm 50 năm Hội nghị Medellin 2)


Trong các ngày từ mùng 3 tới mùng 5 tháng 4 vừa qua Hội nghị quốc tế với đề tài “Medellin: 50 năm sau” đã diễn ra tại Đại học giáo hoàng Javeriana trong thủ đô Bogota bên Colombia. Đại hội đã do Phân khoa thần học đại học Javeriana và Trường thần học và thừa tác đại học Boston cùng tổ chức, bảo trợ, và do ĐHY Baltazar Porras Cardoso, TGM Merida, điều hợp. Tham dự đại hội đã có khoảng 25 vị gồm các Hồng Y, Giám Mục, giáo sư và hàng trăm sinh viên đại học. Trong các ngày đại hội mọi người đã suy tư  về nhiều đề tài, trong đó có giá trị thời sự của việc Giáo Hội lựa chọn “sống cho dân nghèo và sống nghèo”, cũng như về “gương mặt của một Giáo Hội thực sự nghèo, truyền giáo và phục sinh”.

Nhân lần kỷ niệm 40 năm Hội nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Medellin bên Colombia trong các ngày từ  26 tháng 8 đến mùng 7 tháng 9 năm 1968, sử gia Jose Oscar Beozzo, người Brasil, đã viết một bài dài tóm tắt hướng đi của Hội nghị Medellin và trình bầy các âm hưởng của nó trên huấn quyền, cũng như trong các lãnh vực mục vụ, phụng vụ và Kitô học.

Trên bình diện Giáo hội học Hội nghị Medellin hoàn toàn tiêu hóa các trực giác của Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân về Giáo Hội: Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa; bí tích Rửa Tội như suối nguồn và gốc rễ của các chức thừa tác; ơn gọi của từng kitô hữu là ơn gọi nên thánh và là tông đồ. Tuy nhiên, Medellin có vài bước tiến tới, đồng thời tuyệt đối hóa vài điểm khác. Trước hết Giáo Hội được trình bầy như là Giáo Hội của tất cả mọi người, nhưng một cách cấp thiết là Giáo Hội của người nghèo, phục vụ các giá trị của Nước Trời. Tài liệu số 14 có tựa đề “Nghèo khó trong Giáo Hội” và trọng tâm của nó là đề nghị  thần học và mục vụ: “Chúng tôi muốn rằng Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh là Giáo Hội loan báo Tin Mừng và liên đới với người nghèo, làm chứng cho giá trị của các thiện ích của Nước Trời và là tôi tớ khiêm hạ của tất cả mọi người trong các dân tộc của chúng ta” (MED 14,8). Việc lựa chọn bênh vực quyền lợi của người nghèo được canh tân trong Hội nghị Puebla. Hội nghị Puebla thừa nhận rằng tình trạng của dân nghèo đã trở thành trầm trọng hơn: “Đại đa số các anh chị em của chúng ta tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói đến độ bần cùng ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta muốn ý thức được điều Giáo Hội Mỹ Latinh đã làm, hay đã thôi làm cho người nghèo sau Hội nghị tại Medellin, như điểm khởi hành cho việc tìm ra các con đường lựa chọn hữu hiệu trong hoạt đồng loan báo Tin Mừng trong hiện tại và trong tương lai tại Mỹ châu Latinh” (P. 1135).

** Lấy người nghèo làm mức đo việc theo Chúa Giêsu của chúng ta: “Khi chúng ta tới gần người nghèo để đồng hành với họ và phục vụ họ, là chúng ta làm điều Chúa Kitô đã dậy chúng ta, khi Ngài trở thành người anh em của chúng ta, nghèo nàn như chúng ta. Vì thế, việc phục vụ dân nghèo là thước đo ưu tiên việc theo Chúa Kitô của chúng ta, nhưng không có khuynh hướng loại trừ” (P 1145).

Hội nghị Puebla mới mẻ so sánh với hội nghị Medellin, khi nâng người nghèo lên thành các chủ thể và tác nhân của việc loan báo Tin Mừng và thầy dậy của Giáo Hội: “Việc dấn thân với người nghèo và bị áp bức  và việc nảy sinh ra các cộng đoàn cơ bản đã giúp Giáo Hội khám phá ra tiềm năng rao giảng Tin Mừng  của người nghèo, trong nghĩa họ liên tục gọi hỏi Giáo Hội, mời gọi Giáo Hội  hoán cải, và nhiều người trong họ thực hiện trong cuộc sống của họ các giá trị tin mừng của tình liên đới, phục vụ, sự đơn sơ và sẵn sàng đón nhận ơn của Chúa” (P. 1147).

Tới lượt mình Hội nghị Aparecida đào sâu gốc rễ kitô học của việc lựa chọn người nghèo của hội nghị Medellin: “Đức tin của chúng ta công bố rằng “Chúa Kitô là gương mặt nhân bản của Thiên Chúa và là gương mặt thiên linh của con người” (EAm 67). Vì vậy, “việc ưu tiên lựa chọn người nghèo  được bao gồm trong niềm tin kitô học, trong đó Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để làm giầu cho chúng ta với sự khó nghèo của Ngài” (DI 3). Việc lựa chọn này nảy sinh từ niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa làm người, trở thành người anh em của chúng ta” (x. Dt 2,11-12). Tài liệu thứ 15 của hội nghị Medellin giới thiệu các cộng đoàn cơ bản như là con đường canh tân các cơ cấu của Giáo Hội. Bắt đầu từ nền tảng của xã hội và của Giáo Hội, bằng cách dành nhiều khoảng không hơn cho các giáo dân, dành chỗ trung tâm cho Lời Chúa thích hợp với các người bé nhỏ, gắn liền đức tin và cuộc sống, kinh nghiệm giáo hội và dấn thân xã hội chính trị để biến đổi xã hội: “Chính vì vậy nỗ lực mục vụ của Giáo Hội phải hướng tới chỗ biến các cộng đoàn cơ bản này trở thành “gia đình của Thiên Chúa”, bắt đầu bằng cách hiện diện trong chúng như men trong bột, giữa một hạt nhân, cả khi có bé nhỏ đi nữa, tạo ra một cồng đoàn của đức tin, đức cậy và đức mến” (LG 8). Trong cách thế đó cộng đoàn kitô cơ bản là   nhân tố đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội. Trên bình diện chuyên biệt nó phải có trách nhiệm về sự phong phú và mở mang đức tin, cũng như việc phụng tự mà nó diễn tả. Như thế, cộng đoàn cơ bản là tế bào khai mào cấu trúc giáo hội và là khuôn mẫu của việc rao truyền Tin Mừng, và hiện nay là yếu tố trước tiên của việc thăng tiến nhân bản và phát triển” (MED 15,10).

**  Trong khi tại các nước như Brassil các cộng đoàn cơ bản đã trở thành ưu tiên của toàn Giáo Hội trong các chương trình và định hướng mục vụ, thì tại các nước khác như Colombia chúng lại bị cấm hoạt động và bị tố cáo là Giáo Hội “song song” hay Giáo Hội “nhân dân” trong nghĩa xấu. Triệu chứng là nhóm các Giám Mục được bầu lên để trao ban hình thái có hệ thống cho các đề nghị được chấp thuận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ năm 1997 để soạn thảo Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Giáo Hội tại Mỹ châu, đã được ĐHY Jan Schotte thư ký THĐGM báo trước rằng các từ HĐGM Brasil và “Thần học giải phóng” không thể hiện diện trong văn bản.  Trong các đề nghị quy chiếu HĐGM Brasil được thay thế bằng “các cộng đoàn kitô nhỏ” hay “các cộng đoàn kitô cơ bản”.

Tại Hội nghị Aparecida các Giám Mục đã bầy tỏ sự trân quý đối với HĐGGM Brasil, thừa nhận giá trị kinh  nghiệm giáo hội của các vị, và mối dây nối kết của các vị vói con đường khai tâm của các cộng đoàn đầu tiên trong sách Tông Đồ Công Vụ, kinh nghiệm tử đạo của nhiều thành phần kitô và mối tương quan lịch sử với Medellin: “Trong kinh nghiệm giáo hội châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi, các cộng đoàn cơ bản của Giáo Hội đã là trường học góp phân đào tạo các môn đệ và thừa sai của Chúa, với chứng tá dấn thân quảng đại của nhiều thành phần cho tới chỗ đổ máu. Họ theo kinh nghiệm của các cộng đoàn kitô tiên khởi, như được miêu tả trong sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 2,42-47). Hội nghị Medellin đã thừa nhận nơi chúng một tế bào khởi đầu của cơ cấu giáo hội, và khuôn mẫu đức tin và việc rao truyền Tin Mừng. Được đâm rễ trong con tim của thế giới chúng là các không gian ưu tiên giúp sống đức tin một cách cộng đồng, suối nguồn của tình huynh đệ và liên đới và là lựa chọn đối với xã hội ngày nay, được xây dựng trên ích kỷ và tranh đua không thương xót” (AP 178).

Công Đồng Chung Vatican II sẽ được ghi nhớ như là Công Đồng đã tái lập trong nghĩa của Giáo Hội Latinh tính hội đồng như yếu tố nòng cốt của cơ cấu giáo hội, có mô thức  diễn tả trong Đoàn Mười Hai. Trong đoàn đó Phêrô được giao nhiệm vụ củng cố các anh em khác “Và anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của mình nên vững mạnh” (Lc 22,32). Công Đồng Chung Vatican II tìm tái lập một thế quân bình nào đó chưa đạt được giữa quyền tối thượng Phêrô và tính giám mục đoàn. Công Đồng đã không tiến tới được chỗ thiết lập nguyên tắc của tính đoàn thể giữa các Giáo Hội với nhau và không chỉ giữa các chủ chăn là các Giám Mục.

** Tuy nhiên, kiểu nhập thể của tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả các Giám Mục cùng nhau với Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội đã ở nửa đường, với việc thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, chỉ có tính cách tham vấn chứ không quyết định. Hội nghị Medellin như là một câu trả lời cho Công Đồng trên bình diện đại lục đã thực thi tính giám mục đoàn, một cách quyết định, đạt tới một huấn quyền thực sự, không thể so sánh trong kinh nghiệm của Giáo Hội Phi châu, Á châu và Âu châu.

Trong nghĩa này Hội nghị Medellin đã trình bầy môt mô thức gần nhất với Công Đồng Chung quyết định chứ không như các Thượng Hội Đồng Giám Mục hiện nay chỉ có tính cách tham khảo. Hội nghị tai Santo Domingo, vì bị giáo quyền Roma kiểm soát nghiêm ngặt, đã diễn tả một bước thụt lùi. Việc triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về châu Mỹ năm 1997 đã ngắt quãng một chuỗi các HĐGM, đã để lại trong không khí môt nghi ngờ, không biết có còn không gian cho một Thượng Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh khác nữa hay không.

Thật ra, khi Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh thúc giục Roma triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ năm vào ngàn năm mới để cho phép châu Mỹ Latinh và vùng quần đảo Caraibi lượng định các hoàn cảnh mới, và đề nghị các hướng đi của lộ trình riêng, thì câu trả lời đầu tiên của văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục đã là Thượng Hội Đồng Giá Mục thì được, nhưng Hội nghị thì không; Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Roma thì được, Thượng Hội Đồng Giám Mục bên châu Mỹ Latinh thì không, vì sức khỏe yếu kém của Đức Giáo Hoàng.

Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và vùng quần đảo Caraibi đã trực tiếp đưa vấn đề lên Đức Gioan Phaolô II,  bầy tỏ ước muốn thực hiện một Hội nghị mới của tổ chức CELAM chứ không phải một Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Trước một khó khăn như thế ĐGH xin tham khảo ý kiến các Hồng Y châu Mỹ Latinh.  12 vị đề nghị thực hiện một Thượng Hội Đồng Giám Mục và 18 vị đề nghị triệu tập một Hội nghị. Trong số các HĐGM châu Mỹ Latinh 1 đề nghị họp THĐGM, và 21 đề nghị triệu tập một Hội nghị mới.  Khi đó Đức Gioan Phaolo II thiết định rằng phải theo truyền thống của Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Duy  trì truyền thống này là điều nòng cốt đối với châu Mỹ Latinh, nhưng cũng nòng cốt đối với Giáo Hội hoàn vũ, để các Giáo Hội địa phương nở hoa trong sự hiệp thông với Ngai Tòa Roma, với mục vụ, thần học, phụng vụ, huấn quyền và các đại hội biểu quyết của các Giáo Hội địa phương, bằng cách có các dụng cụ mục vụ riêng, luôn ngày càng đâm rễ sâu và hội nhập văn hóa trong thực tại của từng vung miền và đại lục.

Medellin 2

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.