2018-04-11 16:17:00

Giáo Hội Malawi chống nạn gian tham hối lộ


Hồi đầu tháng 3 vừa qua HDGM Malawi bên Phi châu đã mạnh mẽ kêu gọi giới trẻ toàn nước hiệp nhất chống lại tệ nạn gian tham hối lộ đang hoành hành, khiến cho quốc gia rơi vào tình trạng nghèo túng và chậm tiến hiện nay.

Các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong lễ khai mạc đại hội hàng năm của phong trào Thanh Sinh Công nhóm tại Montfort Lake House với sự tham dự của hàng trăm bạn trẻ đến từ nhiều giáo phận toàn nước.

Trong diễn văn khai mạc đại hội ĐC Montfort Stima, Giám Mục Mangochi, đã nhận xét rằng đa số các bạn trẻ ngày này không có can đảm đề cập đến các sự dữ đang khiến cho xã hội đau khổ, mặc dù họ có năng lực và các khả thể cần thiết giúp thay đổi thế giới. Đa số giới trẻ ngày nay chỉ hạn chế trong việc nhìn các sự vật, nhưng lại sợ hãi phán đoán điều mình trông thấy, vì họ không có can đảm hành động. Các bạn trẻ phải có can đảm lên tiếng một cách công khai  chống lại sự dữ đang lan tràn. Chính vì thế cần phải đưa ra ánh sáng tất cả những gì không đúng đắn mà người trẻ gặp phải trong các môi trường làm việc của mình, và chiến đấu chống lại những sai trái, bất công, và nhất là nạn tham ô đang khiến cho xã hội Malawi bị băng hoại.

Quy chiếu khẩu hiệu của đại hội Thanh Sinh Công toàn quốc “Nhìn, phán đoán và hành động” các Giám Mục Malawi khích lệ các bạn trẻ ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh họ. Các vị nhấn mạnh rằng: các bạn trẻ phải luôn luôn đặt Chúa Giêsu vào trung tâm hành động của mình và phán đoán các tình trạng, các sai trái đang xảy ra trong lãnh vực làm việc và trong môi trường sống và hành động dựa trên sự phán đoán ấy. ĐC Stima là phó chủ tịch Ủy ban mục vụ của HDGM Malawi cũng cổ võ giới trẻ mạnh dạn tiến lên lãnh các trách nhiệm trong cuộc  sống Giáo Hội.  Ngài nhấn mạnh rằng họ là các người lãnh đạo của ngày hôm nay, chứ không phải của ngày mai. Các bạn tất cả đều được chào mừng trong việc phục vụ Chúa Kitô như là các linh mục và tu sĩ nam nữ.

** Phong trào Thanh Sinh Công có các tuyên uý giáo phận hướng dẫn. Văn phòng tuyên uý quốc gia của phong trào do linh mục Valerian Mtseka làm giám đốc, và có trụ sở bên cạnh trụ sở của HĐGM Malawi. Ngỏ lời với các bạn trẻ tham dự đại hội cha Valerian nói: “Chúng tôi tin tưởng nơi các bạn là các người lãnh đạo ngày nay. Hãy tận dụng đại hội này  để cùng nhau tìm ra các quyết định giúp tiến tới với tinh thần làm việc cho thiện ích của phong trào tại Malawi cũng như cho Giáo Hội tại đây nữa.

Tham dự hội nghị đã có 60 thành viên và linh mục tuyên uý thuộc 8 giáo phận trong nước. Phong trào Thanh Sinh Công đã hiện hữu tại Malawi từ năm 1956 và hiện diện trong cả  8 giáo phận toàn nước với tổng cộng 1.500 thành viên.

Malawi rộng 118.480 cây số vuông, có hơn 13 triệu dân, 90% sống tại đồng quê. Người dân Malawi gồm nhiều bộ lạc khác nhau như Chewa, Nyanja, Yao, Tumbuka, Lomwe, Sena, Tonga, Ngoni, Ngonde và một thiểu số da trắng, đông nhất là gốc Anglosassone, Á châu và Ấn Độ. Chewa là nhóm đông nhất. Tiếng Chewa là tiếng chính nhưng người dân cũng dùng tiếng Anh trong các thành phố, nhưng không được biết đến trong các vùng quê chỉ cách thủ đô 20 cây số hay trong các tỉnh lẻ. Trên bình diện tôn giáo, 75% xưng mình là tín hữu kitô, trong đó có 55% theo tin lành và 20 % theo công giáo, trong khi hồi giáo chiếm 15%, còn lại theo các tôn giáo cổ truyền phi châu.

Tên gọi Malawi là tên của hồ Malawi trong tiếng Bantu, nhưng nguồn gốc của nó không chắc chắn. Người ta giả thiết nó phát xuất từ tên một bộ lạc miền nam, và quy chiếu ánh sáng mặt trời chiếu lên từ hồ. Tên gọi cũ gắn liền với tên của hồ là Niassaland.

Các di tích khảo cổ cho biết vùng này đã có dấu vết người ở cách đây hơn 1 triệu năm. Giữa các năm 50.000 tới 60.000 trước công nguyên đã có các người tiền sử sống chung quanh hồ Malawi hay hồ Nissa. Vào khoảng năm 8.000 trước công nguyên các dân tộc địa phương có các sắc thái giống các chủng tộc vùng sừng Phi châu.

Vào khoảng năm 1480 liên bang  Maravi thành hình trong vùng hạ sông Shire, do một vua lãnh đạo gọi là Calonga, và phát triển cho tới thế kỷ XVIII. Vào thế kỷ XIX người Malawi trở thành nạn nhân các cuộc xâm lăng của người Wayao, và bị bắt làm nô lệ rồi bị bán cho các lái buôn Swahili vùng Kilwa Kisiwani và Zanzibar. Các người Swahili này thành lập một trung tâm buôn bán nô lệ tại Nkhotakota.

** Tuy người Bồ Đào Nha đã tới vùng này vào thế kỷ XVI, nhưng việc khám phá được chính thức gán cho ông David  Livingstone, là người đã đi ngược sông Shire lên cho tới hồ Malawi năm 1859. Sau đó Giáo Hội tin lành Ecốt thành lập vài cứ điểm truyền giáo tại đây với mục đích chống lại việc buôn bán nô lệ sang vịnh Ba Tư, kéo dài cho tới thế kỷ XIX. Năm 1878 có một nhóm thương gia từ Glasgow tới thành lập Công Ty các hồ Phi châu, và cung cấp các thừa sai cho các cứ điểm truyền giáo. Tiếp đến có nhiều người âu châu tìm đến đây buôn bán, săn bắn hay trồng tiả.

Năm 1891 người Anh thành lập Vùng bảo hộ trung  Phi châu, và năm 1907 vùng bảo hộ Nyassa Land Nyassa có nghĩa là hồ trong tiếng Yao và ngày nay hồ Malawi cũng được gọi là Niassa. Trong suốt tiền bán thế kỷ XX người Anh cố duy trì vùng bảo hộ, mặc dù có nhiều hoạt động giành độc lập của dân bản xứ. Trong thời gian này có nhiều người phi châu đi học bên Âu châu về, và năm 1944 họ thành lập Đảng Phi châu Nyassaland. Năm 1953 Nyassaland trở thành một phần của Liên bang Rhodesia và Nyassaland cùng với Bắc và Nam Rhodesia. Năm 1958 bác sĩ Hastings Kamuzu Banda đã từng du học bên Hoa Kỳ và hành nghề bên Anh quốc và Ghana trở về nước, và trở thành lãnh tụ Đảng Phi châu Nyassaland sau đó trở thành Đảng Hội nghị  Malawi. Năm 1959 ông bị tù vì hoạt động chính trị và được tự do năm 1960.

Trong cuộc bầu cử ngày 15 tháng 4 năm 1961 đảng của ông thắng lớn và cai trị Nyassaland một năm. Năm 1962 Nyassaland được tự trị. Ông Banda trở thành Thủ tướng chính phủ năm 1963. Tân hiến pháp phê chuẩn nền độc lập của Nyassaland, và ngsày 31 tháng 12 năm 1963 Liên bang Rhodesia và Nyassaland bị giải tán. Tháng 6 năm sau đó Malawi là thành viên Khối Thịnh Vượng Chung với Hiến pháp mới và trở thành một quốc gia độc đảng có ông Banda là tổng thống.

** Năm 1970 đảng Hội nghị Malawi tuyên bố ông là tổng thống mãn đời. Cánh dân quân của đảng duy trì Malawi trong chế độ độc tài cho tới năm 1990. Các áp lực của các Giáo Hội và cộng đồng quốc tế khiến cho người dân Malawi lựa chọn chế độ dân chủ đa đảng qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 14 tháng 6 năm 1993. Các cuộc bỏ phiếu tự do ngày 17 tháng 5 năm 1994 khiến cho Mặt trận hiệp nhất dân chủ của ông Bakili Muluzi liên minh với đảng Liên hiệp dân chủ, thắng cử. Ông Muluzi được bầu làm tổng thống. Liên hiệp bị giải tán năm 1996, nhưng ông Muluzi và nhiều người vẫn ở lại trong chính quyền. Các cuộc bầu cử năm 1999 tái chọn ông Muluzi làm tổng thống. Nhưng năm 2004 ông Bingu wa Mutharika thuộc Mặt trận thống nhất dân chủ thắng cử. Tuy không có đa số ghế trong quốc hội, nhưng ông thành lập chính phủ hiệp nhất quốc gia. Năm sau đó ông bỏ đảng Mặt trận hiệp nhất quốc gia vì chiến dịch chống tham nhũng do ông đề xướng không được ủng hộ.

Người dân Malawi rất nghèo 3 phần 4 tổng số dân sống với dưới 1 mỹ kim 25 xu mỗi ngày. Một trong các thách đố lớn là số người bị bệnh Liệt kháng Sida lên tới 14,1 % tổng số dân. Kinh tế dựa trên nông nghiệp chiếm 38,6% tổng sản lượng quốc gia và bảo đảm tới 80% công ăn việc làm và 80% sản phẩm xuất cảng. Ba sản phẩm chính là thuốc lá, trà và đường miá, cũng như ngô là thực phẩm chính của người dân địa phương. Bên cạnh đó là đậu, gạo, cassava và đậu lạc.

Nền kinh tế nông nghiệp của Malawi rất bấp bênh vì tuỳ thuộc giá cả thị trường trồi sụt bất thường. Bên cạnh đó hệ thống giao thông và các cơ cấu hạ tầng không thích hợp. Malawi lại không có các quặng mỏ, lực học của dân chúng thấp, nạn bàn giấy rườm rà, nạn gian tham hối lộ trong guồng máy chính quyền, sự tuỳ thuộc nước ngoài trong lãnh vực y tế, tất cả đều là các lý do khiến cho nền kinh tế không ngóc đầu lên nổi. Mới đây chính quyền đã đề ra một loạt các cải tiến nhằm phát huy các doanh thương tư nhân, kiểm soát giá cả, cho tự do thương mại và trao đổi với nước ngoài, tư nhân hoá các hãng xưởng của chính quyền và cải tổ cuộc sống dân sự.

Các Giáo Hội Kitô đóng góp một phần rất lớn cho các cải tổ này, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, y tế, bác ái xã hội và thăng tiến an sinh. Đại hội Thanh Sinh Công toàn quốc nói trên nằm trong chiều hướng này.

Linh Tiến Khải

 








All the contents on this site are copyrighted ©.