2017-06-11 18:38:00

TV 84


Vì nhiều lý do thánh vịnh 84 khiến chúng ta nhớ tới thánh vịnh 42/43. Vì bị xâm chiếm bởi một nỗi buồn sầu chết được, nhưng lại sống xa Đền Thánh Chúa, tác giả thổ lộ nỗi khát khao không thể cưỡng nổi của ông hướng tới “Thiên Chúa cuộc sống của ông”. Ở đây tác giả không phải là một người bị đi đầy bị bó buộc nhớ tới và hy vọng, nhưng là một người hành hương may mắn. Sau khi đã đi được chặng này chặng nọ trên lộ trình hành hương, giờ đây ông đã tới đích và đang sửa soạn bước qua ngưỡng cửa Nhà Chúa, mà hồn ông âu lo mong mỏi gặp Ngài.

Thánh vịnh là một trộn lẫn bao gồm nhiều lý do, đề tài và kiểu diễn tả chắc hẳn phán ánh tình trạng tràn đầy của tâm hồn tác giả. Tình yêu của ông đối với Đền Thánh Chúa không phải là kết quả của sự cuồng tín đối với cơ cấu bằng đá gạch, tức chất liệu chết, hay đối với các cơ cấu ít nhiều duy hình thức bề ngoài. Trái lại, nó là hoa trái niềm tin  của ông  nơi sự hiện diện cứu độ và  diễm phúc của “Thiên Chúa các Đạo Binh”, là Đấng đã đặt ở Sion trụ sở vinh quang của Ngài và ngai thánh sủng của Ngài. Trong điểm này thánh vịnh 84 giống thánh vịnh 16, là thánh thi chúc tụng việc kết hiệp diễm phúc với Giavê.

Văn thể là thánh ca Sion. Thánh vịnh gồm câu tung hô mở đầu, câu 2; phần chính, các câu 3-12; và câu 13 kết luận.

Giống như thánh vịnh 8 thánh vịnh 84 mở đầu với một khẳng định tung hô hướng tới Thiên Chúa. Giọng điệu suy niệm của nó cũng trình bầy đề tài của toàn sáng tác.

“Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái.”

“Các nơi ở của Ngài” mishkenốt trong tiếng Do thái, dịch sát chữ là các lều trại. “Khả ái biết bao các lều của Ngài, ôi lậy Giavê các Đạo Binh!”. Đây là kiểu diễn tả cổ xưa ám chỉ điều kiện của cuộc sống du mục của Israel xưa kia và của Thiên Chúa lang thang trong sa mạc với dân của Ngài.

Các câu 3-12 là phần chính của thánh vịnh gồm bốn thời điểm: thứ nhất là nỗi uớc mong và niềm hạnh phúc được nếm hưởng trước khi bước qua ngưỡng cửa Đền Thánh (cc.3-5), kỷ niệm hành trình được chúc phúc (cc. 6-8); lời cầu bầu cử cho nhà vua (cc.9-11) và sau cùng là việc hưởng nếm ân huệ của Thiên Chúa trong đền thánh (cc.11-12).

“Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng. Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ, ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con
bên bàn thờ của Chúa! Phúc thay người ở trong thánh điện họ luôn luôn được hát mừng Ngài. Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh, ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương. Lúc trẩy qua thung lũng Khô Cằn, họ biến nó thành nguồn suối nước, mưa đầu mùa đổ phúc lộc  chứa chan. Càng tiến lên, họ càng mạnh bước đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on. Lạy Giavê là Chúa Tể càn khôn, xin đoái nghe lời con cầu nguyện.
Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Gia-cóp. Lạy Chúa là khiên mộc chở che, xin thương xem nhìn đến gương mặt đấng Ngài đã xức dầu. Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày. Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân! Thiên Chúa là vầng thái dương, là thuẫn đỡ, Giavê tặng ban ân huệ với vinh quang. Ai sống đời trọn hảo, Người chẳng nỡ từ chối ơn lành.”

“Linh hồn con khát khao mong mỏi”: Đây cũng đã là tâm tình của tác giả thánh vịnh 42: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 2-3).

“Tim con thịt con” là hai từ diễn tả hai cơ phận hay phần của thân xác, nhưng ám chỉ toàn con người trong khía cạnh nội tại là trái tim, và bề ngoài là thịt xác. Đây cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 63: “ Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” (Tv 63,2). Tác giả thánh vịnh 42 có cùng tâm tình khát khao mong mỏi như vậy: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42,2-3).

“Cả chim sẻ cũng tìm được nhà”:  nhận xét cả chim sẻ cũng được đặc ân tự do bay lượn trong đền thánh Đấng Tối Cao và cả làm tổ tại đó gợi lên nơi tác giả một sự ghen tương thánh thiện nào đó. Ông coi chúng hạnh phúc hơn mình, vì ông chỉ có được một thời gian ngắn dừng lại trong Nhà Chúa chứ không được may mắn sống tại đây như lũ chim kia bên “cạnh các bàn thờ Chúa”. Số nhiều ở đây là số nhiều thơ văn như thường thấy trong ngôn ngữ của các thánh vịnh.

“Vua của con và Thiên Chúa của con”: nhiều nhà chú giải cho rằng được thêm vào sau này, như được xưng tụng trong thánh vịnh 5 và 44 “Chính Ngài là Vua, là Thiên Chúa của con”

“Phúc thay những kẻ ở trong nhà Ngài”: là các tư tế và các nhân viên phụng tự phục vụ trong Đền Thánh Chúa. Nhưng thay vì là một việc ở lại trên thân xác trong đền thờ, thì nó ám chỉ việc ở lại trong tinh thần với hoa trái thiêng liêng phong phú như nói trong thánh vịnh 23: “ Lòng nhân hậu và tình thương Giavê ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.” (Tv 23,6) hay như ước mong của tác giả thánh vịnh 27: “ Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Giavê tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Giavê tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng.” (Tv 27,4). Có lẽ tác giả ám chỉ quyền của người ngay lành được ở trong sự hiện diện cứu độ của Giavê, nghĩa là trong đền thánh, như viết trong thánh  vịnh 92; “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Giavê, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 92,13-15).

“Mưa đầu mùa” môre ở đây là mưa mùa thu, sau muà hè nắng hạn khi mưa xuống thảo mộc xanh tươi trở lại và tràn đầy sức sống, kể cả các vùng sa mạc khô cằn, như viết trong thánh vịnh 65: “ Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi.

Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ, cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh, chiên cừu phủ trắng đồng xanh, lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào, câu hò tiếng hát trổi cao.” (Tv 65,11-14). Chi tiết này cho thấy cuộc hành hương của tác giả được gắn liền với lễ hội mùa thu là lễ Lều, kỷ niệm hành trình của dân Israel băng qua sa mạc Sinai để tiến về Đất Hứa, đồng thời cũng là phúc lành của các trận mưa đầu tiên của mùa thu khai mào cho năm nông nghiệp tạị Palestina (x. Dc 14,16-17).

“Họ đi từ sức mạnh này sang sức mạnh khác”: là kiểu diễn tả chứa đựng tử tưởng chương 40 sách ngôn sứ Isaia: “Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng…  Nhưng những người cậy trông Giavê thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” (Is 40,29.31).

“Giavê sẽ hiện ra với họ”: việc trông thấy Thiên Chúa, nghĩa là kinh nghiệm thần bí về sự hiện diện diễm phúc trong thánh điện là mục đích của cuộc hành hương. Nó biến đổi mọi gai góc của cuộc hành trình gian khổ thành hoa hồng. Lộ trình hành hương phải đi qua nhiều miền và có thể gặp nhiều hiểm nguy cản trở khác nhau, kể cả thú dữ và trộm cướp. Kiểu nói “Thiên Chúa sẽ hiện ra” có lẽ là một sửa đổi kiểu nói “chúng tôi sẽ trông thấy Thiên Chúa” trong văn bản Thánh Kinh do thái Masoret, nhắm tránh một giải thích ý niệm quá vật chất hoá về Thiên Chúa.

“Ôi lậy Chúa, xin nhìn đến thuẫn của chúng con”: ám chỉ nhà vua, đấng được Giavê thánh hiến có nhiệm vụ che chở dân Ngài, “xét xử theo công lý và bênh vực kẻ nghèo hèn (Tv 72,2). Vì thế ông thuộc cộng đoàn không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho ông. Vì “Giavê là sức mạnh cho dân Chúa, là thành trì cứu độ cho đấng Người đã xức dầu tấn phong.” (Tv 28,8). Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng, Thiên Chúa là thuẫn đỡ của dân Ngài, còn nhà vua chỉ là người thừa hành lệnh Chúa cai quản dân.

Sau lời cầu nguyện cho nhà vua, tác giả trở lại việc chiêm ngắm và vui hưởng Thiên Chúa hiện diện trong đền thánh, nơi Ngài rộng tay ban phát dư tràn phúc lộc cho những ai trung hiếu với Ngài. Chính vì thế một ngày tại khuôn viên thánh điện thì quý hơn cả ngàn ngày ở nơi khác. Nó giống tư tưởng của tác giả thánh vịnh 63: “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống” (Tv 63,4). Do đó tác giả thánh vịnh 84 đã chọn ở cổng đền Thiên Chúa hơn là sống trong lều trại của những kẻ gian ác. Sự lựa chọn của ông là lựa chọn giữa sự thiện và sự dữ, giữa công lý và sự gian tà, giữa sự vô tội và tội lỗi. Bí quyết hạnh phúc của ông là biết lựa chọn đúng đắn và tốt lành.

“Vì Thiên Chúa là mặt trời và thuẫn đỡ”: tuy trong Thánh Kinh Cựu Ước Thiên Chúa không bao giờ được gọi một cách trực tiếp với tính từ này, nhưng trong chương 60 ngôn sứ Isaia khẳng định rằng vinh quang Thiên Chúa là ánh sáng mọc lên trên Giêrusalem và Giavê mọc lên như mặt trời trên nó: “Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa, và ban đêm, ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi: Giavê sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ. Mặt trời của ngươi sẽ không bao giờ lặn, mặt trăng của ngươi cũng chẳng hề tàn, vì Giavê sẽ là ánh sáng muôn đời cho ngươi và những ngày tang tóc của ngươi sẽ mãn.” (Is 60,19-20).

“Những người bước đi trong sự toàn vẹn” là những kẻ đầu tiên đã đến được núi của Giavê và có thể ở trong lều Ngài.

Thánh vịnh 84 kết thúc với lời công bố niềm hạnh phúc cho bất cứ ai bước vào cuộc sống thân tình với Thiên  Chúa: “Lạy Chúa Tể càn khôn, phúc thay người tin tưởng vào Chúa!”

TV 84

LinhTiến Khải

 








All the contents on this site are copyrighted ©.