2017-02-02 16:31:00

Thánh vịnh 74 A


Lời than van vì đền thánh Chúa bị phá hủy và phạm thánh: TV 74 A

Thánh vịnh 74 là thánh vịnh đầu tiên trong nhóm các thánh vịnh than van công cộng (Tv 74; 77; 79; 80), tất cả đều thuộc sưu tập của Asaf có nhiều nét giống nhau liên quan tới các đề tài văn chương cũng như thần học. Lý do chung của các lời than van  không chỉ là việc miêu tả cuộc mạo hiểm đổ ập trên quốc gia, mà nhất là miêu tả vịêc thối thúc Thiên Chúa thức tỉnh đất nước khỏi cảnh bất động ngủ vùi, bằng cách canh tân các cử chỉ cứu độ xưa kia, đến cứu giúp “gia tài” của Ngài bị áp bức. Thánh vịnh 74 chắc hẳn phản ánh tình trạng của cộng đoàn Israel. Sau khi Giêrusalem thất thủ và đền thánh bị phá hủy bởi đạo binh Babilonia, bị hạ nhục vì trông thấy kẻ thù xúc phạm tới danh Thiên  Chúa của mình, dân Israel nôn nóng đợi chờ Thiên Chúa chấm dứt biết bao hổ nhục ấy, bằng cách ra tay toàn năng can thiệp để bảo vệ đoàn chiên bị tản mát.

Văn thể là lời than van công cộng. Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập, câu 1; lời cầu khai mào và việc trình bầy trường hợp, các câu 2-11; việc tái gợi lại sự toàn năng của Thiên  Chúa, các câu 12-17; lời cầu kết thúc, các câu 18-23.

“Lạy Chúa Trời, sao cứ mãi bỏ rơi, sao bừng bừng nổi giận
với đoàn chiên Ngài hằng chăn dắt?

Tác giả hướng tới Thiên Chúa lời kêu cầu mở đầu trong hình thái câu hỏi, là một nét đặc thù của các thánh vịnh than van (10,1; 22,2). Mục đích là để lôi kéo sự chú ý trên tình trạng Thiên  Chúa Mục Tử bỏ rơi quốc gia được tuyển chọn. Đây là một lời kêu gọi trinh bầy chủ đề nhắc nhớ Thiên Chúa về tình trạng đau đớn trong đó đoàn chiên của Ngài đã bị rơi vào. Tự nó đã là một lời xin cấp thiết Thiên Chúa can thiệp.

“Tại sao Chúa khước từ chúng con luôn mãi?”: theo niềm tin của dân Israel sự hạ nhục của quốc gia là dấu chỉ không thể nhầm lẫn được sự bỏ rơi của Thiên Chúa. Vì thế tác giả thánh vịnh 44 mới kêu cầu: “ Lạy Chúa, xin tỉnh giấc! Ngài cứ ngủ được sao? Xin trỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi!  Sao Ngài còn ẩn mặt, quên rằng chúng con bị khổ cực đọa đày?” (Tv 44,24-25); hay lời nài van của tác giả sách Ai Ca: “Sao Ngài đành quên chúng con mãi mãi, đành bỏ mặc chúng con suốt chuỗi ngày dài?” (Ac 5,20). Ở đây tác giả thánh vịnh 74 nhấn mạnh trên tình cảnh quốc gia bị tai ương vô tận, tức thời gian sau này khoảng năm 520 trước công nguyên, theo sau biến cố thành Giêrusalem và đền thờ bị Nabucodonosor tàn phá năm 586-587 trước công nguyên. “Đoàn chiên Ngài chăn dẫn”: là kiểu nói diễn tả tình yêu dịu hiền tế nhị của Thiên Chúa đối với Israel, trái nghịch với sự “giận dữ” của Ngài trong lúc này. Tác giả thánh vịnh 79 thưa với Chúa: “Phần chúng con là dân của Ngài, đoàn chiên Ngài chăn dắt, chúng con sẽ tạ ơn Ngài mãi mãi và dâng lời ca tụng đến muôn thuở muôn đời.” (Tv 79,13). Tác giả thánh vịnh 95 cũng khẳng định: “ Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95,7).

Các câu từ 2 tới 11 là phần đầu của lời than van, trình bầy trường hợp (cc. 4-9) được đi trước bởi lời cầu kép xin Thiên Chúa can thiệp (cc.2-3), theo sau là câu hỏi kép liên quan tới mục đích của biết bao tai ương như thế (c. 10): cho tới khi nào, và tại sao Thiên Chúa xem ra không hành động (c. 11). Việc tàn phá đền thờ bị phàm tục hoá, là trung tâm của lời than van tha thiết, tha thiết tới độ nó không chỉ diễn tả sự hổ nhục của quốc gia được tuyển chọn, mà cũng diễn tả sự phàm tục hoá danh Thiên Chúa nữa (cc. 7.10). Trên bình diện văn chương việc miêu tả sự tàn phá của quân thù không được nhận ra trong tất cả mọi chi tiết của nó, vì văn bản bị hư hại nhiều.

“Xin nhớ đến đoàn dân Ngài quy tụ thuở ban đầu, chi tộc Ngài chuộc lấy làm sản nghiệp riêng, và núi Xi-on, nơi Ngài ngự trị. Xin đặt bước vào chốn điêu tàn vạn cổ. Trong thánh điện, quân thù đã phá đổ tan hoang.  Chính chỗ xưa từng làm nơi hội họp, nay đối phương ầm ĩ thét gào; chúng trương cờ làm hiệu kỳ chiến thắng. Chúng như những kẻ múa rìu trong rừng rậm, vồ búa vung lên, đập tan nát cửa đền. Thánh điện Ngài, chúng châm lửa đốt, đền thờ Thánh Danh, chúng xúc phạm, chúng san bằng; rồi tự nhủ: "Mình phá hết đi! " Trong cả xứ, chúng thiêu huỷ mọi nơi thờ phượng. Dấu lạ xưa, chúng con đâu thấy nữa, ngôn sứ cũng chẳng còn. Mãi đến khi nao, ai nào có biết?  Lạy Thiên Chúa, tới bao giờ đối phương còn phỉ báng? Địch quân cứ nhục mạ danh Ngài mãi mãi sao? Cánh tay Ngài, cánh tay dũng mãnh, sao Ngài rút lại, chẳng can thiệp gì?”

“Xin nhớ đến”: dẫn nhập vào lời cầu nguyện khai mào, bao gồm việc giới thiệu trường hợp (c.4-9). Lời cầu của ngôn sứ Giêrêmia kết thúc sách Ai Ca cũng bắt đầu với cùng lời kêu hướng lên Thiên Chúa (Ac 5,1).

“Mà Chúa đã chuộc lấy từ lâu”: Thiên Chúa mua quyền sở hữu trên Israel, trên bình diện lịch sử, chính yếu là trong  cuôc Xuất Hành, với việc chuộc Israel khỏi Ai Cập, đưa họ băng qua sa mạc Sinai và vào định cư trong Đất Hứa (Xh 15,13). Đây là thời vàng son của lịch sử Israel, thời gian của “tình yêu đầu đời”, của tình yêu thời son trẻ với “Vì Thiên Chúa chiếm hữu” nó, như ngôn sứ Hosêa diễn tả trong chương 2. Khi đó dân được tuyển chọn để cho Ngài hướng dẫn như đoàn chiên ngoan ngoãn bước theo mục tử của mình.

“Của núi Sion, nơi Ngài đã đặt chỗ ở của Ngài”: đề tài tuyển chọn Sion tự nó không thuộc chu kỳ Xuất Hành, nhưng thuộc chu kỳ sau này của vương quyền Đavít. Tuy nhiên, việc nối liền nó với chu kỳ Xuất Hành đã được chứng thực trong bài thánh thi chiến thắng của dân Israel sau khi vượt qua Biển Đỏ (Xh 15,1-18). Bài thánh thi kết thúc như sau: “Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài.  Lạy Giavê, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên. Giavê là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời." (Xh 15,17-18).

“Xịn hãy quay bước chân Ngài tới các đổ nát không thể sửa chữa được nữa”: với loại ngôn ngữ nhân hình tác giả thúc giục Thiên Chúa đến như Vua và quan án trả thù cho thủ đô xưa kia của Ngài và giờ đây đã biến thành một đống đổ nát “không sửa chữa được nữa”, dịch sát chữ là “bị chỉ định là luôn mãi như thế”, nếu thiếu sự cứu giúp của Chúa. “Hướng tới tất cả những tàn phá”, dịch sát chữ là “tất cả những gì mà thù địch đã tàn phá trong đền thánh”: tuy tác giả chú ý tới sự tàn phá đền thò Giêrusalem và tại mọi nơi thờ tự trong xứ, nhưng cũng không loại trừ việc hướng tới tất cả thành thánh và quốc gia được tuyển chọn, được coi như là “đền thánh sống động” của Giavê, như khẳng định trong thánh vịnh 114: “Thuở Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, thuở nhà Gia-cóp rời bỏ ngoại bang, thì Giu-đa trở thành nơi Chúa ngự, Ít-ra-en nên lãnh địa của Người.” (Tv 114,1-2).

“Các thù địch Chúa gầm lên trong nơi hội họp” mừng lễ của Israel, nơi thinh lặng tôn kính thường ngự trị, hay nơi có tiếng reo vui của tín hữu mừng lễ, nhưng giờ đây vang lên tiếng la hét phạm thánh của địch thù, giống như tiếng sư tử gầm thét.

“Nơi đó chúng giăng cao hiệu kỳ”: chắc chắn đây là quân kỳ bằng chứng cho thấy đạo binh thù địch đã chiếm được thành thánh.

Hai câu 5-6 miêu tả cuộc đánh phá của địch quân được tác giả sống trở lại với tất cả sự sâu đậm của nó.

“Chúng sẽ đánh sập cửa của nó”: vì chi tiết đặc biệt này cùng với các dấu chỉ khác, nhiều nhà chú giải thích quy chiếu lời than van liên quan tới việc phạm thánh đền thờ từ phiá vua Antioco Epifane IV vào thời Macabei (1 Mcb 4,38; 2 Mcb 1,8).

“Chúng đốt đền thánh của Ngài”: việc đốt phá đền thánh và cung điện hoàng gia cũng như các dinh thự tại Giêrusalem do quân đội Babilonia cũng được kể trong sách các Vua II chương 25 câu 9. Văn bản song song chương 19 sách Sử Biên II chỉ nói tới việc đốt phá đền thờ và tường thành Giêrusalem.

“Chúng phạm thánh cho tới cả đất”: có nghĩa là chúng tàn phá tất cả bình địa.

“Tất cả các nơi thờ tự”, dịch sát chữ là “các nơi tụ họp của Thiên Chúa”. Biến cố vua Giosia phát động cuộc cải cách tôn giáo, tập trung việc thờ tự tại đền thánh Giêrusalem hồi thế kỷ thứ VII trước công nguyên khiến cho sự hiện hữu của các “nơi thờ tự khác” ngoài đền thờ Giêrusalem như nói tới ở đây, trở thành một vấn nạn. Trong kiểu giải thích thánh vịnh trong nhãn quan của anh em nhà Macabei các nơi thờ tự này có thể được nhận diện như là các hội đường do thái rải rác khắp nơi trong và ngoài đất Israel. Tuy nhiên, kiểu nói này có thể được coi như một biệt định việc phá hủy hoàn toàn được đặt trên miệng của các kẻ thù. Ngoài ra việc tàn phá đền thờ nói cho cùng đại diện cho việc tàn phá thành Giêrusalem, như thế, ít nhất trọng trí của quân binh Babilonia, sự phá hủy các nơi thờ tự khác hiện hữu trong xứ, phân tích cho cùng, là sự phá hủy  tất cả các nơi thờ tự nhỏ hơn, các thành phố Giuđa, mà tác giả thánh vịnh 69 xin Thiên Chúa tái thiết: “Vì Chúa Trời sẽ giải cứu Xi-on, các thành thị miền Giu-đa, Người cũng tái thiết, cho dân đến định cư lập nghiệp.” (Tv 69,36).

“Các hiệu kỳ của mình chúng con không còn trông thấy nữa”: chúng là các dấu hiệu báo trước sự can thiệp thuận lợi của Thiên Chúa. Sự vắng bóng chúng có nghĩa là bình minh cứu rỗi vẫn còn xa.

“Không còn ngôn sứ nữa”: khẳng định này có thể là vào thời các anh em nhà Macabei, khi người ta xác tín rằng thời đại của các ngôn sứ đã chấm dứt vĩnh viễn, và chỉ còn phải chờ đợi vị “ngôn sứ trung thành”, do ông Môshê thăng tiến. Nhưng có lẽ kiểu nói này chỉ có giá trị tương đối, nghĩa là muốn nhấn mạnh sự thờ ơ của Thiên Chúa đối với tình trạng đổ vỡ không thể sửa chữa được nữa, mà dân Chúa đang phải sống. Không phải Thiên Chúa chỉ không can thiệp một cách trực tiếp, mà Ngài cũng bẻ gẫy “kênh truyền thông” là ngôn sứ với dân Israel nữa. Ngoài việc làm ô uế đền thánh chương 7 sách ngôn sứ Giêrêmia cũng nói tơi sự kiện dân Israel kiếm tìm thị kiến ngôn sứ mà không có được: “Ta sẽ ngoảnh mặt không nhìn chúng nữa. Thiên hạ sẽ xúc phạm kho tàng của Ta, bọn cướp sẽ vào xúc phạm nơi ấy… Hết tai hoạ này đến tai hoạ kia, hết tin dữ này đến tin dữ khác. Ngôn sứ không có thị kiến; tư tế không biết Lề Luật, kỳ mục chẳng còn ý kiến.” (Ed 7,22. 26).

“Cho tới khi nao, ôi lậy Thiên Chúa?”: lập lại phần cuối của câu trước việc trình bầy trường hợp biến thành lời nài van của sự nôn nóng chờ đợi. Nhưng tác giả thánh vịnh muốn lôi kéo sự chú ý của Thiên Chúa trên sự ngạo mạn của các thù địch đang hạ nhục dân được tuyển chọn, và nói cho cùng đang chà đạp chính danh dự của Thiên  Chúa. Đây là đề tài sẽ được khai triển trong lời cầu kết thúc.

“Tại sao Chúa rút tay Ngài lại và giữ cánh tay phải Ngài trong lòng?”: Điểm thứ hai này của lời cầu không kiên nhẫn nhắc tới sự bất động của Thiên Chúa. Đây cũng là đề tài sẽ được khai triển trong lời cầu kết thúc thánh vịnh.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.