2016-09-10 10:55:00

Rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói nhưng bằng việc làm


VATICAN. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 6, ngày 09.09, tại nguyện đường thuộc nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến bản chất của việc rao giảng Tin Mừng: đó là một nghệ thuật và là một nguyên tắc đòi hỏi kỷ luật, chứ không bao giờ là một điều để khoe khoang hãnh diện hay là một công việc của một nhân viên công chức. Nói khác đi, việc truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng không bao giờ giống như việc ‘dạo chơi trong công viên’.

Được gợi hứng từ những bài đọc phụng vụ trong ngày thứ 6, kính nhớ linh mục và cũng là nhà truyền giáo cho những người nô lệ bên Phi châu thuộc Thế Giới Mới, thánh Phê-rô Claver, Dòng Tên; Đức Thánh Cha giải thích rằng bản chất của việc truyền giáo là làm chứng cho Đức Kitô bằng cả đời sống của mình.

Rao giảng Tin Mừng không phải là một lý do để tự hào cũng không phải một nhiệm vụ làm cho xong

“Nhưng đáng buồn thay, ngày hôm nay có nhiều Kitô hữu làm việc phục vụ như là những viên chức. Nhiều linh mục, giáo dân tỏ vẻ tự hào, hãnh diện về những gì mình làm.

Khi tôi hãnh diện về bản thân mình, tôi đã giảm thiểu Tin Mừng chỉ như một công việc hay thậm chí là một lý do để tự hào, vì tôi ra đi rao giảng Tin Mừng và mang về cho Giáo hội rất nhiều linh hồn. Làm cho người ta gia nhập đạo cũng là một lý do để tự hào. Rao giảng Tin Mừng không phải là mời người ta vào đạo. Đừng giảm thiểu Tin Mừng xuống chỉ như là công việc của viên chức hay chỉ là việc mời người ta vào đạo. Thánh Phaolo Tông đồ đã nói đến điều này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corinto: ‘Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm.’ Mỗi Kitô hữu có một nhiệm vụ, một thôi thúc là mang danh của  Đức Kitô đến cho hết mọi người.

Vậy đâu mới là khuôn mẫu của việc rao giảng Tin Mừng? Thánh Phaolo nói rằng ‘trở nên tất cả cho mọi người’. Ra đi và chia sẻ đời sống với tha nhân. Đồng hành với họ trong suốt hành trình đức tin để họ có thể triển nở mỗi ngày trong chính niềm tin của họ.’”

Rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứng tá chứ không phải bằng nói nhiều

Chúng ta phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác, không phải để lèo lái họ đi hướng khác nhưng là cùng đồng hành với họ. Đức Thánh Cha kể lại kỷ niệm trong bữa ăn trưa của ngài với các bạn trẻ tại Đại hội Giới Trẻ ở Krakow, khi một chàng trai hỏi ngài rằng phải nói với người bạn thân điều gì khi anh ta là người vô thần.

Đức Thánh Cha nói: ‘Câu hỏi thật hay. Tất cả chúng ta đều biết rằng có những người bên ngoài Giáo hội hay xa Giáo hội, vậy chúng ta nên nói với họ điều gì? Tôi trả lời với cậu ấy rằng: ‘Này con, chẳng lẽ việc cuối cùng mà con cần phải làm chỉ là nói một điều gì đó thôi sao! Nhưng thay vào đó, con hãy bắt đầu làm. Người bạn vô thần của con nhìn thấy điều con đang làm và sẽ hỏi con về điều ấy. Và khi người bạn ấy hỏi, con hãy nói với anh ta.’ Như thế, rao giảng Tin Mừng chính là làm chứng. Tôi sống điều tôi làm, vì tôi tin vào Đức Giêsu Kitô. Tôi khơi lên trong lòng bạn sự tò mò và bạn sẽ thắc mắc mà hỏi: ‘Tại sao bạn lại làm những điều này.’ Câu trả lời là: ‘Bởi vì tôi tin Đức Giêsu Kitô và rao giảng về Đức Giêsu Kitô không phải chỉ bằng lời nói nhưng bằng chính đời sống của tôi.’

Rao giảng Tin Mừng là thế. Và điều này được làm cách nhưng không, vì chúng ta được lãnh nhận Tin Mừng cách nhưng không. Ân sủng, ơn cứu độ không hề được bán cũng chẳng thể mua nhưng là một món quà miễn phí. Chúng ta được ban tặng cách nhưng không.

Rao giảng về Đức Kitô là sống đức tin và trao ban cách nhưng không tình yêu của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha gợi nhắc lại gương mẫu của thánh Phê-rô Claver. Ngài là một nhà truyền giáo, đã lên đường rao giảng Tin Mừng. Có lẽ ngài nghĩ rằng tương lai của mình sẽ hoàn toàn dành cho việc rao giảng. Nhưng Thiên Chúa lại muốn ngài dành cả đời để sống gần gũi với những người bị loại trừ thời đó: những nô lệ. Họ là những người da đen từ Châu phi bị đem ra rao bán như hàng hóa.

“Thánh nhân không đi chung quanh thành phố và cất tiếng nói để rao giảng. Ngài không biến việc rao giảng Tin Mừng thành một việc làm cho xong hay ngay cả là việc mời người ta vào đạo. Nhưng ngài rao giảng về Đức Giêsu Kitô bằng chính hành động của mình: nói chuyện tâm tình với người nô lệ, sống với họ và như họ. Và vẫn còn nhiều người giống như ngài trong Giáo hội của chúng ta. Họ là những người dám hạ mình xuống, sống nhỏ bé khiêm nhường để rao giảng về Đức Giêsu Kitô. Và tất cả chúng ta, anh chị em thân mến, chúng ta có nhiệm vụ phải rao giảng Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng không có nghĩa là chúng ta gõ cửa nhà hàng xóm và nói rằng: ‘Đức Kitô đã phục sinh!’ Nhưng đúng hơn, chúng ta phải sống đức tin, nói về đức tin với sự hiền lành, khiêm nhường và bằng tình yêu mến. Rao giảng Tin Mừng không phải với ước mong thuyết phục người khác bằng những lý lẽ, luận điệu hùng hồn nhưng là biết cho đi cách nhưng không. Cho đi cách nhưng không điều Thiên Chúa đã ban tặng cho ta. Đó chính là ý nghĩa của việc rao giảng Tin Mừng.”

Vũ Đức Anh Phương SJ








All the contents on this site are copyrighted ©.