2015-09-25 15:16:00

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với linh mục tu sĩ New York


NEW YORK. Chiều thứ năm, 24-9-2015, ĐTC Phanxicô đã giã từ thủ đô Washington, và bay tới thành phố New York, và hoạt động đầu tiên của ngài tại đây là hát kinh chiều với hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ của Tổng giáo phận New York.

 Khi đến phi trường Kennedy của thành phố New York, ĐTC đã được ĐHY Timothy Dolan, TGM sở tại, và Đức TGM Bernardito Auza, người Philippines, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, ông thống đốc bang New York và thị trưởng thành phố này đón tiếp, trước khi ngài đáp trực thăng bay về khu Manhattan ở trung tâm thành phố nơi có Nhà thờ chính tòa thánh Patrick của tổng giáo phận New York. Rất đông người chào đón ĐTC ở hai bên đường đại lộ thứ 5, nên ngài đã chuyển từ chiếc xe Fiat 500L nhỏ bé sang chiếc xe kiếng để chào thăm mọi người.

 Tổng giáo phận Giáo phận New York có hơn 2 triệu 600 ngàn tín hữu trên tổng số 5 triệu 800 ngàn dân cư, tương đương với 45% dân số, với 368 giáo xứ. Nhà thờ chính tòa địa phương hùng vĩ được xây theo kiểu gôtích có thể chứa được 3 ngàn người. ĐTC Gioan Phaolô 2 đã 2 lần viếng thăm thánh đường này hồi năm 1979 và 1995, còn ĐGH Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ tại đây với các LM và tu sĩ nam nữ ngày 19-4 năm 2008.

 Tại Nhà thờ chính tòa New York, lúc gần 7 giờ chiều, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều với hàng giáo sĩ và tu sĩ nam nữ. Khi tiến vào thánh đường, ngài đã ôm hôn một em bé gái da đen ngồi trên xe lăn, khiến em cảm động rơi lệ.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng sau khi hát 3 thánh vịnh và bài đọc ngắn, ĐTC đi từ lời nhắn nhủ của thánh Phêrô Tông Đồ ”Anh chị em được tràn đầy vui mừng, cho dù bây giờ Anh chị em còn phải chịu sầu muộn trong một thời gian vì những thử thách khác nhau” (1 Pr 1,6) để khích lệ các LM tu sĩ vui sống ơn gọi. Ngài giải thích rằng những lời này của Thánh Tông Đồ nhắc nhở chúng ta về một điều thiết yếu: đó là cần phải sống ơn gọi của chúng trong vui mừng”.

 ĐTC nhắc đến Nhà thờ chính tòa thánh Patrick nguy nga, được xây dựng trong bao năm với hy sinh của bao nhiêu người nam nữ. Thánh đường đẹp đẽ này có thể là một biểu tượng công trình của bao nhiêu thế hệ linh mục, tu sĩ và giáo dân Hoa kỳ đã góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội tại nước này... và ngài nói:

 ”Anh chị em thân mến, chiều tối hôm nay, tôi đến đây cầu nguyện với anh chị em, để ơn gọi của chúng ta tiếp tục xây dựng lên ngôi đền lớn của Nước Thiên Chúa tại quốc gia này. Tôi biết, trong tư cách là một đoàn linh mục, trước dân Chúa, anh em đã chịu đau khổ rất nhiều trong quá khứ gần đây, chịu đựng hổ nhục vì bao nhiêu anh em đã làm thương tổn và gây gương mù về Giáo Hội nơi bao nhiêu những người con yếu thế nhất của mình.. Như trong sách Khải Huyền, tôi nói với anh em rằng tôi biết rõ ”Anh em phải chịu sầu muộn sâu đậm” (Xc Kh 7,14). Tôi tháp tùng anh em trong thời kỳ đau thương và khó khăn này, cũng như tôi cảm tạ Thiên Chúa vì công việc phục vụ anh em đang thực hiện, tháp tùng dân Chúa”.

 2 suy tư của ĐTC

 Tiếp đến ĐTC đã trình bày 2 suy tư vắn tắt:

 - Trước tiên là tinh thần biết ơn: niềm vui của những người yêu mến Chúa lôi cuốn người khác đến với họ; các LM và những người thánh hiến được kêu gọi tìm thấy và chiếu tỏa một sự mãn nguyện vì ơn gọi của mình. Niềm vui nảy sinh từ một con tim biết ơn. Đúng vậy, chúng ta đã nhận lãnh rất nhiều, bao nhiêu ơn thánh, bao nhiêu phúc lành, và chúng ta vui mừng vì những ơn ấy.

 Trong chiều hướng này, ĐTC mời gọi các LM, tu sĩ hãy nhớ lại những hồng ân đã lãnh nhận từ Chúa, hồng ân được gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.. Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có khả năng kể ra bao nhiêu phúc lành chúng ta đã nhận được hay không?

 - Điểm thứ hai là tinh thần cần cù làm việc. ĐTC nói: Một con tim biết ơn thì tự nhiên được thúc đẩy phụng sự Chúa và chấp nhận một lối sống cần cù. Trong lúc chúng ta ý thức về bao nhiêu điều Chúa ban cho chúng ta, thì con đường từ bỏ bản thân để làm việc cho Chúa và tha nhân trở thành con đường ưu tiên để đáp lại tình thương bao la của Chúa.

 Nhưng nếu thành thật, chúng ta dễ dàng thấy rõ tinh thần làm việc quảng đại và hy sinh bản thân có thể bị bóp nghẹt. Có hai cách để điều này có thể xảy ra, và cả hai đều là ví dụ về tinh thần thế gian, làm cho chúng ta bị suy yếu trên con đường phục vụ và làm giảm bớt sự kinh ngạc trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô.

 ”Chúng ta có thể bị mắc kẹt khi đo lường những nỗ lực tông đồ của mình theo tiêu chuẩn hiệu năng, sự tiến hành tốt đẹp và thành công bề ngoài như trong thế giới doanh nghiệp. Không phải vì những điều ấy không quan trọng. Chúng ta được ủy thác một trách nhiệm lớn và dân Chúa có quyền chờ đợi những việc kiểm chứng. Nhưng giá trị đích thực công tác tông đồ của chúng ta được đo lường theo nhãn giới của Thiên Chúa. Nhìn và lượng định giá trị sự việc theo nhãn giới của Chúa nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn trở về với thời gian ban đầu của ơn gọi, và có thái độ rất khiêm tốn. Thánh giá chỉ cho chúng ta một cách thức khác để đo lường thành công: chúng ta có nhiệm vụ gieo vãi, và Thiên Chúa thấy những thành quả những vất vả của chúng ta. Nếu đôi khi những vất vả và công việc của chúng ta dường như thất bại, không mang lại thành quả, chúng ta theo Chúa Giêsu Kitô.. cuộc sống của ngài, nói theo kiểu loài người, kết thúc bằng một sự thất bại; thất bại thập giá.

 Một nguy hiểm khác ĐTC cảnh giác các LM, tu sĩ, đó là việc sử dụng thời gian rảnh rỗi, nghĩ rằng tìm kiếm những tiện nghi trần tục sẽ giúp chúng ta phục vụ hăng say hơn. Ngài nói: ”Lý luận như thế có thể làm lu mờ sức mạnh lời Chúa kêu gọi hằng ngày hoán cải, gặp gỡ với Chúa. Chắc chắn thái độ ấy dần dần làm giảm bớt tinh thần hy sinh, từ bỏ và cần cù làm việc. Nó cũng làm ta xa cách những người đang chịu đau khổ vì nghèo nàn vật chất và buộc lòng phải hy sinh hơn chúng ta.

 ĐTC nhấn mạnh rằng ”Nghỉ ngơi là một điều cần thiết, cũng như những lúc tự do rãnh rỗi và bồi dưỡng bảnt hân, nhưng chúng ta phải học cách nghỉ ngơi làm sao để đào sâu ước muốn phục vụ quảng đại. Sự gần gũi người nghèo, người tị nạn và di dân, người bệnh và những người bị bóc lột, người già đang chịu cô đơn, các tù nhân và bao nhiêu người nghèo khác của Thiên CHúa sẽ dạy chúng ta một thứ nghỉ ngơi khác, hợp tinh thần Kitô và quảng đại hơn”.

 ”Lòng biết ơn và sự cần cù làm việc, đó là hai cột trụ của đời sống thiêng liêng mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em tối hôm nay”.

 Cũng nên nói thêm rằng trong buổi hát kinh chiều tại Nhà Thờ chính tòa thánh Patrick ở New York, ĐTC cũng ngỏ lời chào thăm và chia buồn với các anh chị em Hồi giáo vì tai nạn chen lấn trong cuộc hành hương ở La Mecca Arập Saudi làm cho hơn 700 người thiệt mạng. Ngài nói: ”Tôi muốn lời chào thăm của tôi nồng nhiệt hết sức, theo tâm tình của tôi trong buổi cầu nguyện này. Chúng ta hãy hiệp nhau cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót cho các anh chị em bị thiệt mạng”.

 Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã về trụ sở Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, chỉ cách đó 2 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.