2015-05-09 10:03:00

Tôi xin chọn Người (kỳ 32): Làm chứng cho nhau


Các bạn thân mến

Sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, Ngài đã không hiện ra với các môn đệ thân tín của mình trước tiên nhưng Ngài lại thương hiện đến với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, một người trong nhóm các bà đã đi theo Đức Giêsu và các môn đệ. Ngài hiện ra để nâng đỡ niềm tin khi thấy bà quá đau khổ vì Chúa đã bị giết và lại còn chết mất xác nữa. Ngài đã nhắn nhủ bà hãy về nói với các môn đệ rằng Ngài đã sống lại. Tuy nhiên, các môn đệ cũng chỉ bán tín bán nghi với lời loan báo của bà Maria. Họ nghĩ rằng lẽ nào Chúa lại coi trọng một người phụ nữ hơn chính các đồ đệ thân yêu của Ngài khi chọn bà làm sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh. Và bởi vì lời loan báo xuất phát từ miệng một người phụ nữ nên các môn đệ đã chẳng xác tín.

Khi Đức Giêsu hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ nơi căn phòng đóng kín sau khi trỗi dậy từ cái chết, nhóm mười một khi ấy không hiện diện đông đủ vì thiếu vắng Tôma. Chẳng thế mà khi các môn đệ đã thấy Chúa Phục Sinh loan tin cho Tô-ma thì ông đã chẳng tin. Ông còn mạnh miệng thách thức nếu không được sờ tận tay các vết thương và thấy tận mắt thân xác Phục Sinh của Chúa thì ông sẽ không tin. Các bạn có bao giờ thắc mắc rằng Đấng Phục Sinh có thể hiện ra ngay lập tức khi Tô-ma tỏ ra cứng tin, và các môn đệ chẳng cần phải mất công thuyết phục ông thay đổi lập trường của mình. Với quyền năng sau Phục Sinh vốn chẳng lệ thuộc không gian và thời gian nào, tại sao Đức Giêsu không trực tiếp hiện ra với các môn đệ nhưng lại nhờ bà Maria báo tin? Tại sao Ngài lại chọn để hiện ra với hai môn đệ vô danh tiểu tốt trên đường đi Emmaus chứ không phải là những người thuộc nhóm mười một? Dường như, Đấng Phục Sinh có một dụng ý nào đấy khi Ngài muốn người này phải loan báo niềm tin Phục Sinh cho người kia. Đến lượt mình, ai đã nhận lãnh tin vui Phục Sinh thì cũng được mời gọi để làm chứng cho người khác. Nói khác đi, điều Đức Giêsu muốn các môn đệ phải thực hiện là họ phải sống ơn gọi chứng nhân. Nghĩa là họ phải làm chứng cho nhau giữa đời thường.

Các bạn thân mến

Đức Giêsu đã không hiện ra ngay với Tôma nhưng đợi một tuần sau là để các môn đệ khác có thể thuyết phục Tô-ma. Các ông đã làm chứng Chúa sống lại nhưng Tôma vẫn cứng tin. Cũng phải thôi, các môn đệ sau khi gặp Chúa đã chẳng cho thấy có một sự biến đổi mạnh mẽ nào. Cứ sự thường, nếu gặp gỡ Chúa đích thực người ta sẽ được biến đổi, không chỉ biến đổi bên ngoài, nhưng biến đổi tận gốc và sâu thẳm bên trong. Thế nhưng, gặp Chúa rồi nhưng các môn đệ vẫn sợ hãi và nhát đảm nên Tô-ma chẳng thể nào tin được. Nếu các môn đệ chỉ biết bầu bạn với những giọt nước mắt than van và sự ủ rũ chán chường chẳng một chút sinh khí, làm sao người khác có thể cảm nhận uy lực và sức sống mới của Đấng Phục Sinh. Sự cứng tin của Tôma ít nhiều có phần lỗi của các môn đệ khi các ông không làm chứng đủ mạnh hay nói khác đi chứng từ của các môn đệ về sự PHục Sinh chỉ làm người khác thêm ngờ vực mà thôi.

Các bạn thân mến, Chúa đã Phục Sinh cách chúng ta hơn hai ngàn năm, và Ngài chỉ thực hiện việc ấy một lần duy nhất trong đời mình. Ngài không muốn và cũng không cần phải hiện ra với từng người để thuyết phục họ tin như đã từng làm với Tôma. Nhưng Ngài muốn mời gọi mỗi người chúng ta, hãy lên đường để làm chứng cho nhau và cho người khác. Cuộc sống quanh ta có quá nhiều người đang đau khổ, chán chường và tuyệt vọng. Ngay cả những người đi theo Chúa, họ cũng chỉ dừng lại nơi ngôi mộ trống để than khóc Chúa mà chẳng thể vượt qua để cảm nhận được lòng mình bừng cháy vì ánh sáng Phục Sinh. Tất cả những người ấy đang rất cần một tin vui PHục Sinh đích thực.

Chính chúng ta phải để cho niềm tin Phục Sinh đụng chạm đến sâu thẳm tâm hồn mình trước. Vì lẽ nếu chưa sống sự sống mới của Chúa Phục Sinh ta chẳng thể nào trao ban cho người khác được. Chứng tá mạnh mẽ và hùng hồn nhất của sự Phục Sinh là vượt bỏ sự ích kỷ và ù lỳ của bản thân khi xem nhẹ lợi ích của cá nhân nhưng đặt nặng hạnh phúc của tha nhân bằng một vòng tay trải rộng với con tim cởi mở. Một khuôn mặt vui tươi, niềm nở, rạng rỡ những nụ cười tỏa nắng mùa thu cũng là dấu chỉ bên ngoài cho sự bình an sâu thẳm bên trong của Chúa Phục Sinh. Đó cũng là sự quảng đại dâng hiến tất cả con người mình để Chúa tùy nghi vận dụng theo ý Ngài mà chẳng mong được đáp đền hay thưởng công. Kinh nghiệm được Chúa Phục sinh, cũng mời gọi ta hăng hái lên đường, không quản ngại khó khăn gian khổ hầu vươn đến tất cả những ai đang thiếu thốn đau khổ và tuyệt vọng hầu khơi lên nơi họ một ngọn đèn leo lét hy vọng còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Nếu các bạn sống được như thế, những Tôma cứng tin của thời đại chúng ta sẽ không thể nào không thốt lên: “Lạy Chúa, của con. Lạy Thiên Chúa của con, con không thể nào từ chối Chúa nữa”.

Jos. Nguyễn Huy Mai








All the contents on this site are copyrighted ©.