2015-03-11 12:41:00

Sứ mệnh và ơn gọi của người già


Sứ mệnh và ơn gọi của người già là cầu nguyện, hát ca chúc tụng Thiên Chúa, khuyện nhủ, khích lệ, nâng đỡ các thế hệ trẻ.

Sứ mệnh và ơn gọi của người già là cầu nguyện cho Giáo Hội, cho toàn thế giới và khuyên nhủ, khích lệ và nâng đỡ các thế hệ trẻ. Các ông bà nội ngoại làm thành một “ca đoàn” thường xuyên của một đền thánh tinh thần vĩ đại, nơi lời cầu nguyện khẩn nài và tiếng hát chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn làm việc và tranh đấu trong cánh đồng cuộc sống.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 18.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã suy tư về giá trị và vai trò quan trọng của ngưởi già trong gia đình. ĐTC nói ngài làm điều này bằng cách tự đồng hóa mình với người già, vì ngài cũng thuộc lứa tuổi này. Nhắc lại kỷ niệm chuyến công du tại Philippines ĐTC cho biết dân chúng đã gọi ngài là “ông nội Phanxicô”.

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh đó là có đúng là xã hội hướng tới chỗ gạt bỏ chúng ta thật, nhưng Chúa chắc chắn không gạt bỏ người già. ĐTC giải thích như sau:

Chúa mời gọi chúng ta theo Ngài trong mọi lứa tuổi cuộc sống và cả tuổi già cũng chứa đựng một ơn thánh và một sứ mệnh, một on gọi đích thật của Chúa. Chưa phải là lúc kéo chèo lên thuyền để nghỉ ngơi. Giai đoạn này của cuộc sống khác với các giai đoạn đi trước, chắc chắn rồi, nhưng chúng ta cũng phải “sáng tạo nó một chút”, bởi vì các xã hội của chúng ta không sẵn sàng trên bình diện tinh thần và luân lý để trao ban cho tuổi già giá trị tràn đầy của nó. Thật thế, xưa kia có thời giờ cho chính mình không là điều bình thường. Nhưng ngày nay nó lại càng không bình thường hơn nữa. Cả nền tu đức kitô cũng đã hơi ngạc nhiên, và đây là việc đề ra các đường nét của một nền tu đức người già. Nhưng cám ơn Chúa không thiếu các chứng tá của các thánh nam thánh nữ!

 ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Tôi đã rất  bị đánh động bởi “Ngày quốc tế người già” chúng ta đã cử hành tại quảng trường thánh Phêrô này hồi năm ngoái: tôi đã lắng nghe lịch sử của các người già tiêu hao cuộc sống vì người khác. Đây là một suy tư cần tiếp tục trong môi trường giáo hội cũng như dân sự. Phúc Âm cống hiến cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp, cảm động và khích lệ. Đó là hình ảnh của ông Simeon và bà Anna, được nhắc tới trong Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Giêsu do thánh Luca biên soạn. Hai vị chắc chắn là người cao niên, cụ Simeon và bà Anna là người đã 84 tuổi. Phúc Âm nói rằng đã từ nhiều năm họ đợi chờ Chúa đến mỗi ngày, với lòng trung thành lớn lao. Họ đã muốn trông thấy Ngài ngày hôm đó, tiếp nhận các dấu chỉ, trực giác được lúc khởi đầu. Có lẽ họ cũng đã hơi cam chịu phải chết trước: tuy nhiên sự chờ đợi lâu dài tiếp tục chiếm hữu suốt cuộc đời họ, họ đã không có dấn thân nào khác quan trọng hơn. Và thế là khi Maria và Giuse đến Đền Thờ để chu toàn các đòi buộc của Luật Lệ, ông Simeon và bà Anna được Thánh Thần linh hứng, hăng hái tiến lên (x. Lc 2,27). Sức nặng của tuổi đời và sự chờ đợi biến mất trong chốc lát. Họ nhận ra Con Trẻ và khám phá ra một năng lực mới, cho một nhiệm vụ mới: là cảm tạ và làm chứng cho Dấu Chỉ đó của Thiên Chúa. Ông Simeon đã ứng khẩu một thánh thi rất hay đẹp diễn tả niềm vui (x. Lc 2,29-32) và bà Anna đã trở thành người đầu tiên rao giảng về Chúa Giêsu: “Bà nói về Con Trẻ với tất cả nhũng ai trông đọi ơn cứu rỗi của Giêrusalem” (Lc 2,38).

Các ông bà nội ngoại thân mến, các người già thân mến, chúng ta hãy bước theo hai cụ già ngoại thường này! Chúng ta cũng hãy trở thành các thi sĩ của lời cầu nguyện một chút: hãy ưa thích tìm các lời của chúng ta, chúng ta hãy lấy lại những gì mà Lời Chúa đạy chúng ta. Thật là một ơn trọng đại cho Giáo Hội lời cầu nguyện của các ông bà nội ngoại! Một tiêm chích lớn của sự khôn ngoan cả cho toàn xã hội loài người nữa; nhất là cho xã hội quá chộn rộn với công ăn việc làm, quá bận bịu, quá lo ra. Nhưng phải có ai đó hát ca chúc tụng các dấu chỉ của Thiên Chúa cho các xã hội ấy! Chúng ta hãy coi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lựa chọn sống quãng đời còn lại trong cầu nguyện và trong việc lắng nghe Thiên Chúa! Một tín hữu lớn thuộc truyền thống chính thống thế kỷ trước là Olivier Clément đã nói: “Một nền văn minh nơi người ta không cầu nguyện nữa là một nền văn minh nơi  tuổi già không còn ý nghĩa. Và đây là điều kinh khủng, trước hết chúng ta cần các người già cầu nguyện, bởi vì tuổi già được ban cho chúng ta là cho việc đó”.

Đề cập đến những gì người già có thể làm ĐTC nói:

Chúng ta có thể cảm tạ Chúa vì các ơn lành đã nhận  lãnh và làm đầy sự trống rỗng của sự vô ơn bao quanh. Chúng ta có thể cầu bầu cho các chờ mong của các thế hệ mới và trao ban phẩm giá cho ký ức và các hy sinh của các thế hệ đã qua. Chúng ta có thể nhắc nhớ cho người trẻ tham vọng biết rằng một cuộc sống không tình yêu thương là một cuộc sống khô cằn. Chúng ta có thể nói với những người trẻ sợ hãi rằng có thể chiến thắng nỗi lo lắng cho tương lai. Chúng ta có thể dậy cho người trẻ quá si mê chính mình rằng có nhiều niềm vui trong việc cho đi hơn là nhận lãnh. Các ông bà nội ngoại làm thành một ca đoàn thường xuyên của một đền thánh tinh thần lớn lao, nơi lòi cầu nguyện khẩn nài và tiếng hát chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn làm việc và chiến đấu trong cánh đồng cuộc sống.

Sau cùng lời cầu nguyện liên lỉ thanh tẩy con tim. Lời chúc tụng và khẩn nài lên Thiên Chúa ngăn ngừa sự chai cứng của con tim trong oán hận và ích kỷ. Thật xấu xa biết bao thái độ trơ trẽn của một người già đã đánh mất đi ý thức về chứng tá của mình, khinh rẻ giới trẻ và không thông truyền sự khôn ngoan của cuộc sống! Trái lại đẹp đẽ biết bao sự khích lệ mà người già thành công thông truyền cho người trẻ đang đi tìm ý nghĩa đức tin và cuộc sống! Đó thật là sứ mệnh của các ông bà nội ngoại, ơn gọi của người già. Các lời nói của ông bà nội ngoại có cái gì đặc biệt đối với người trẻ. Và họ biết điều ấy. Các lời mà bà nội tôi viết cho tôi trong ngày thụ phong linh mục của tôi, tôi vẫn còn luôn luôn đem theo trong sách thần vụ.

Tôi mong ước biết bao nhiêu một Giáo Hội thách đố nền văn hóa gạt bỏ với niềm  vui tràn bờ của một vòng tay ôm giữa người trẻ và người già.

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau. Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đặc biệt là các giáo chức giáo phận Nanterre, ĐTC mời gọi họ tiếp đón các người già đề nhận được từ họ chứng tá sự khôn ngoan cần thiết cho các thế hệ trẻ.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Indonesia, Hồng Kông, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt các Giám Mục Nam Hàn về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. ĐTC nói ngài vẫn còn nhớ chuyến viếng thăm Nam Hàn hồi tháng 8 năm ngoái.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Đức ĐTC chào đặc biệt nhóm Thanh Sinh Công và khích lệ mọi người thắng vượt nền văn hóa gạt bỏ làm sao để cho người già và người trẻ tái gặp gỡ nhau trong niềm vui.

Chào các nhóm đến từ Tây Ban Nha, Puerto Rico, Argentina và Mêhicô ĐTC nói ngài rất ước ao Giáo Hội thắng vượt được nền văn hóa gạt bỏ và thăng tiến sự gặp gỡ giữa các thế hệ khác nhau.

Với các nhóm hành hương Ba Lan ngài đặc biệt chào các học sinh trường trung học Starachowic cùng cha mẹ hành hương Roma nhân kỷ niệm 10 năm Đức Gioan Phaolô II qua đời. ĐTC nhắn nhủ họ duy trì ký ức và các giáo huấn của thánh nhân, trung thành với Thiên Chúa và quê hương Ba Lan, cũng như truyền thống tôn trọng của cha ông quý mến người già.

Trong các nhóm Italia ngài chào các nữ tu dòng Chúa Thánh Thần, các Nữ tử Thánh Phaolô và người trẻ thuộc phong trào Tổ Ấm.

ĐTC cầu chúc Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp dấn thân xây dựng một xã hội có chiều kích nhân bản hơn, trong đó có chỗ cho mọi người nhất là người già, bệnh nhân, người nghèo và yếu đuối.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người nhớ trong tháng này Giáo Hội kỷ  niệm 500 ngày thánh nữ Terexa Avila sinh ra. Ngài cầu mong sức mạnh tinh thần của thánh nữ kích thích người trẻ tươi vui làm chứng cho đức tin; sự tin tưởng của thánh nữ nơi Chúa Cứu Thế trợ giúp người đau yếu trong những lúc khổ đau: và nhiệt huyết tông đồ của thánh nữ mời gọi các đôi tân hôn đặt để Chúa Kitô vào trung tâm gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 

 








All the contents on this site are copyrighted ©.