2015-03-05 17:15:00

Thảm cảnh của người dân Ucraina


 Phỏng vấn ông Andrea Ciocca, bác sĩ điều hợp chương trình trợ giúp tại Donetsk thuộc tổ chức các bác sĩ vô biên giới (RG 24-1-2015; ANSA 4-2-2015)

Trong các tuần qua tình hình chiến sự tại Ucraina vẫn tiếp diễn và các cuộc xung đột gia tăng giữa các lực lượng thân Nga đòi ly khai và quân đội chính phủ, nhất là tại thành phố Donetsk, Kharkiv và Mariupol. Mỗi ngày có hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Chiến tranh kéo dài từ mười tháng qua đã khiến cho 5.400 người chết. Tổng thống Petro Poroshenko cho biết Hoa kỳ sẽ gửi khí giới cho Ucraina để giúp chống lại phiến quân phò Nga. Trong khi đó thủ tướng Đức bà Angela Merkel chống lại ý tưởng này. Cả vị cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ cũng chống lại việc gửi khí giới cho Ucraina. Trong khi Liên Hiệp Quốc đang tìm cách gia tăng viện trợ nhân dạo cho hơn 5 triệu người bị thương tổn vì chiến tranh. Viện trợ năm ngoài là 72 triệu mỹ kim, năm nay mưc độ trợ giúp dự kiến sẽ lên tới 189 triệu mỹ kim.

Sau 16 giờ thương thuyết tại Minsk giữa tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Ucraina Petro Poroshenko, thủ tướng Đức Angela Merkel và thổng thống Pháp Francois Hollande, cuộc ngừng chiến đã chính thức bắt đầu ngày 15 tháng 2. Nhưng trước đó Nga đã gửi cho phe nổi loạn ở mạn Đông Ucraina nhiều xe tăng và vũ khí nặng. Và rất tiếc giao tranh vẫn tiếp diễn.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 4-2 ĐTC Phanxicô đã lại lên tiếng kêu gọi nhưng chiến và cầu nguyện cho các nạn nhân các cuộc xung đột tại miền Đông Ucraina. Ngài nói: “Một lần nữa, tôi nghĩ đến dân tộc Ucraina yêu quý. Rất tiếc là tình hình tồi tệ hơn và sự đối nghịch giữa các phe trầm trọng hơn. Tôi lập lại lời tha thiết kêu gọi thực thi mọi cố gắng, kể cả trên bình diện quốc tế, để tái lập đối thoại là con đường duy nhất có thể để mang lại hòa bình và hòa hợp cho phần đất thương đau này. Đức Thánh Cha ứng khẩu nói thêm rằng: Anh chị em thân mến, khi tôi nghe những từ như “chiến thắng”, hoặc “chiến bại”, tôi cảm thấy rất đau lòng, một nỗi buồn rất lớn trong con tim. Đó không phải là những từ đúng; từ duy nhất đúng đắn, đó là “hòa bình”. Anh chị em Ucraina, tôi nghĩ đến anh chị em, nhưng anh chị em hãy nghĩ xem cuộc chiến tranh này là cuộc chiến giữa các kitô hữu, tất cả anh chị em đều có cùng một phép rửa tội, anh chị em đang chiến đấu giữa các kitô hữu, anh chị em hãy nghĩ đến điều đó, đến gương mù này, và tất cả chúng ta hãy cầu nguyện. Lời cầu nguyện là sự phản đối của chúng ta trước mặt Thiên Chúa trong thời chiến tranh”

Chiến tranh Ucraina càng kéo dài, người ta càng nhận thấy nó là cuộc đọ sức giữa Liên Bang Nga với Hoa Kỳ và Âu châu. Tổng thống Vladimir Putin nuôi mộng tái lập “đế quốc Nga hùng mạnh”, bằng cách xua quân xâm lăng Crimea, yểm trợ cuộc nổi loạn của phe thân Nga tại Ucraina và cuộc trưng cầu dân ý tại miền Đông Ucraina. Đây là hòn đá dò đã gây ra cuộc nội chiến kéo dài từ 9 tháng qua. Trong khi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu bênh vực Ucraina và sự vẹn toàn lãnh thổ của nước này. Trong các tháng qua đã xảy ra cảnh lời qua tiếng lại giữa hai bên. Vì chụp được hình các đoàn quân xa Nga di chuyển trên đất Ucraina nên Hoa Kỳ và Âu châu tố cáo Nga đã đem quân chiếm Crimea cũng như cung cấp khí giới và yểm trợ phiến quân Ucraina. Nhưng Nga luôn khẳng định là chỉ bảo vệ quyền lợi của kiều dân Nga sống tại Ucraina, chứ không xâm lấn Ucraina.

Trong hội nghị về An ninh và cộng tác diễn ra hồi cuối tuần đầu tháng 2 tại Muenchen bên Đức, bà thủ tướng Angela Merkel đã thúc giục Nga góp phần tích cực tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ucraina. Tổng thống Pháp Hollande cũng có cùng lập trường đó. Theo ông nếu không tìm ra sự thỏa thuận nào, thì quang cảnh duy nhất là chiến tranh. Tuy nhiên, ngoại trưởng Lavrov của Nga tỏ ra lạc quan, vì có các giả thiết tốt cho một giải pháp tích cực. Ông cho biết tại hội nghị ở Matscơva có sự hiện diện của tổng thống Putin người ta đã quyết định tiếp tục việc đàm phán bao gồm cả sự hiện diện của tổng thống Ucraina Poroshenko.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên Eugenio Bonanata của đài Vaticăng ngày mùng 7 tháng 2 ông Fulvio Scaglione, phó giám đốc nguyệt san Gia Đình Kitô, cho biết vấn đề chiến tranh Ucraina là sự chia cắt do chính quyền Mastcơva lèo lái và nhất là các nước Âu châu đang chạy nước rút môt cách tuyệt vọng để tranh thủ thời gian đã đánh mất. Đáng lý ra các cố gắng này đã phải được Âu châu làm cách đây một năm khi xảy ra vụ nổi loạn Euromaidan. Thật vậy, khi đó một đàng đã lộ hiện rõ ràng là chính quyền của ông Yanukovich đã bị kết án vì không có sự hậu thuẫn của toàn dân Ucraina. Đàng khác cũng rõ ràng là tình hình Ucraina và Nga phức tạp tới độ bao gồm các vấn đề lịch sử, kinh tế, nhân văn khiến cho người ta không thể nghĩ tới một hành động mạnh mẽ phải làm. Nghĩa là cách đây một năm Hoa Kỳ và Âu châu đã tin rằng có thể cắt đứt cuống rốn nối liên Ucraina và Nga trên bình diện lịch sử, và hậu quả là những gì đang xảy ra hiện nay.

Liên quan tới vùng Donbass, là vùng đã sản xuất ra tất cả nền chính trị Ucraina trong 25 năm qua, nghĩa là tất cả các nhà chính trị và các chiến thuật chính trị, đồng thời Donbass cũng là cột sống kinh tế của Ucraina, chính quyền Kiev thật rất khó mà khước từ quyền trực tiếp kiểm soát nó, vì đó là điều nền tảng cho nhịp tiến kinh tế của toàn nước. Do đó vấn đề tự trị của vùng Donbass rất là gai góc.

Việc đưa lực lượng bảo hòa tới đây cũng phức tạp, tuy là điều đáng cầu mong. Lý do là vì các oán giận trong vùng qúa cao, ít nhất là giữa các thành phần địa phương, nên khó mà hòa giải nổi họ với nhau. Tuy nhiên, đó chính là lý do khiến cho việc đem quân bảo hòa tới trở thành phức tạp. Trong tình hình và trong vùng này không thể giàn binh sĩ đến từ các nước Đông Âu, đặc biệt là của các nước cựu liên xô, vì họ rất chống Nga. Và vì các lý do ngược lại cũng không thể gửi binh sĩ người Á châu vv… vì họ sẽ ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác biệt. Vì vậy có các lý do chính trị và thực tiễn khiên cho vấn đề trở nên rất khó khăn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ông Andrea Ciocca, bác sĩ điều hợp chương trình trợ giúp tại Donetsk thuộc tổ chức các bác sĩ vô biên giới, về tình hình thê thảm của dân chúng trong các vùng giao tranh bên Ucraina. Chiến tranh đã khiến cho 1 triệu người mất nhà cửa phải di tản lánh nạn và khiến cho cuộc sống của 5,2 triệu dân Đông Ucraina gặp khó khăn trong mùa đông lạnh.

Hỏi: Thưa ông, tổ chức Các bác sĩ không biên giới hiện đang điều hợp việc trợ giúp cho người dân Ucraina như thế nào?

Đáp: Chúng tôi đang tiếp tục yểm trợ các cơ cấu y tế như đã làm trong các tháng qua. Trong những ngày này đã xảy ra nhiều vụ giao tranh hơn. Tình hình quân sự  căng thẳng hơn, vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp các nhà thương được thiết lập trên vùng chiến tuyến bằng cách cung cấp thuốc men và các thiết bị y tế dùng để săn sóc các nạn nhân của cuộc xung đột này. Với các nhóm chuyên viên tâm lý, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục trợ giúp những người bị chấn thương tâm thần cũng là các nạn nhân của cuộc nội chiến này.

Hỏi: Như vậy là trên bình diện trợ giúp y tế người ta cũng nhận ra tình hình chiến sự leo thang sao?

Đáp: Vâng, trước hết có các trận giao tranh tập trung tại phi trường Donetsk. Các nhà thương của cả hai phía của chiến trường đang tiếp nhận thêm nhiều người bị thương hơn so với các tuần trước đó. Đây là tình hình người ta có thể kiểm chứng được qua cả các tin tức đăng trên các mạng thông tin internet, và tại khắp nơi trong các nhà thương mà chúng tôi liên lạc, người ta đều xác nhận điều này. Ngoài ra, còn có các vụ đại bác pháo kích đó đây trong các vùng khác của thành phố. Và sự kiện này khiến cho các nhà thương đang tiếp nhận các nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến.

Hỏi: Người ta nói rằng cả các nhà thương cũng bị pháo kích. Ông có thể xác nhận tin này không?

Đáp: Có, rất tiếc đó là điều đúng, và là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi có tin tức gián tiếp của các nhà thương cũng như các trường học. Ngày 22 tháng giêng một nhà thương nhỏ nằm xa vùng có các trận giao tranh đã bị hai quả đạn pháo bắn trúng, gần ngay nơi chúng tôi có văn phòng làm việc. Vì thế chúng tôi đã có thể kiểm thực ngay trước mắt.  Đã có 6 người bị thương, một bác sĩ và 5 bệnh nhân, rất may là không có ai bị nguy hại tới tính mạng. Nhưng cơ cấu nhà thương thì bị hư hại nặng.

Hỏi: Việc săn sóc của các bác sĩ hướng tới tất cả mọi người không phân biệt ai chứ?

Đáp: Vâng, chúng tôi tìm cách trợ giúp tất cả mọi nạn nhân chiến tranh là các thường dân, cho dù họ là các người chiến đấu bên này hay bên kia. Một cách chính yếu chúng tôi tìm giúp đỡ các cơ cấu y tế săn sóc các nạn nhân này. Và điều này xảy ra phía bên quân đội Ucraina kiểm soát, cũng như trong các vùng nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi loạn.

Hỏi: Như vậy là hệ thống y tế Ucraina đứng vững hay bắt đầu xảy ra các cảnh thiếu hụt, tình trạng cấp bách hay sơ xuất thưa ông?

Đáp: Không, hệ thống y tế Ucraina không đứng vững. Trong các vùng đất còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền, thì có rất nhiều   khó khăn, nhất là trong việc cung cấp thuốc men và dụng cụ đúng giờ. Trong các vùng do phiến quân kiểm soát thì tình hình lại còn thê thảm hơn nhiều, vì chính quyền đã quyết định không trả lương cho nhân viên y tế nữa, và việc cung cấp thuốc men hoàn toàn không có. Vì vậy nhân viên y tế tiếp tục đi làm việc, mặc dù từ nhiều tháng qua họ đã không nhận được đồng lương nào. Dân chúng rất vất vả tìm mua thuốc, trước hết bởi vì các nhà thuốc cũng không có thuốc nữa, kể cả các nhà thuốc tư, và vật giá leo thang mắc mỏ. Người dân cũng không  có công ăn việc làm, Những người đã làm việc cả đời để có tiền hưu trí cũng không nhận được tiền hưu trí nữa. Việc cung cấp thuốc men cũng bị ngưng.

Hỏi: Thêm vào tình hình y tế tồi tệ này lại còn có chiến tranh và mùa đông giá lạnh nữa. Có thể nói tới một tình trạng cấp thiết nhân đạo không thưa ông?

Đáp: Vâng, đây là một tình trạng cấp thiết nhân đạo. Có vài hãng thông tấn định nghĩa tình trạng này như là một tai ương. Sự kiện giao tranh tiếp diễn trong thời gian lâu dài đang tạo ra các hậu qủa rất nặng nề cho toàn dân Ucraina, không phải chỉ cho những người đau yếu cần có các bác sĩ săn sóc và cần có thuốc men. Không có công ăn việc làm đã thế, chính quyền lại cắt việc trợ giúp tài chánh đối với mọi sinh hoạt hành chánh, như thế không phải chỉ có các nhà thương và các cơ cấu y tế chịu thiệt thòi. Không thể rút tiền khỏi nhà băng. Các giai tầng xã hội yếu đuối nhất - chúng tôi muốn nói tới nhũng người tàn tật, người già - trước đó đã chỉ trông nhờ vào tiền lương hưu trí và các cơ cấu trợ giúp của chính phủ để sống còn, giờ đây không có các nguồn lợi ấy nữa. Tệ hại hơn nữa tại vài chỗ chúng tôi đã viếng thăm khó mà tìm ra thực phẩm. Do đó tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là với nhiệt độ dang xuống thấp như hiện nay.

Hỏi: Tổ chức Các bác sĩ không biên giới yêu cầu cộng đồng quốc tế và các tổ chức như Tổ chức sức khỏe thế giới điều gì?

Đáp: Từ nhiều tháng nay người ta nói tới cuộc khủng hoảng tại Ucraina, nhưng tại chỗ chúng tôi có thể quan sát thấy rằng có ít các tổ chức quốc tế phi chính quyền hay các tổ chức quốc tế tìm cách lo lắng cho vấn đề này. Chắc chắn là chúng tôi ước ao trông thấy một sự hiện diện hữu hiệu hơn của các tổ chức này để thoa dịu khổ đau của người dân Ucraina.

RG 24-1-2015; ANSA 4-2-2015)

Linh Tiến Khải 








All the contents on this site are copyrighted ©.