... Chứng từ của các bậc cha mẹ người Ý trong tiến trình giáo dục và đồng hành với
con cái trong thế giới hôm nay. Trước tiên là chứng từ của một người Cha.
Tôi bước vào bậc làm Cha Mẹ - hay nói đúng hơn trong trường hợp của tôi là bậc làm
Cha - khi đứa con gái đầu lòng Elisa của chúng tôi chào đời. Ngay sau khi bé lọt lòng
mẹ, bà đỡ vừa âu yếm vừa trang trọng đặt vào vòng tay tôi bé Elisa. Bé mở to đôi mắt
trong xanh nhìn tôi với cái nhìn của đứa trẻ mới sinh. Tôi có cảm tưởng như bé muốn
nói với tôi: - Ba là Ba của con phải không? Đây là câu hỏi và tôi có nhiệm
vụ tuyệt đối phải xác định: - Đúng như vậy!
Kể từ cái giây phút linh thiêng
mặt đối mặt ấy giữa hai Cha-Con, tôi tiếp nhận một vai trò mới trong cuộc đời tôi.
Bé nhìn tôi và tôi nhìn bé: sự kiện này đủ để chúng tôi bắt đầu dệt nên mối tương
quan Cha-Con. Chính bé Elisa kéo từ tôi ra cái tước hiệu là Cha. Và cái tước hiệu
là Cha của tôi cũng chào đời cùng lúc với bé Elisa. Thật là một biến cố tuyệt vời!
Tiếp theo sau Elisa là đến Sara và Matteo chào đời. Khi Sara và Matteo sinh ra thì
tôi đã thay đổi rất nhiều trong tâm tình và trong tư cách làm Cha. Tước hiệu vẫn là
một, nhưng tâm tình phụ tử của tôi cùng lớn lên theo dòng thời gian với các con. Chính
các con lôi kéo tôi đi và chúng thành công trong việc làm cho tôi phải sử dụng mọi
năng lực cùng mọi tình yêu trìu mến và mọi trách nhiệm của tôi để chu toàn nghĩa vụ
làm Cha.
Bây giờ - sau thời gian sống nghiêm chỉnh trách nhiệm làm Cha - thì
tôi hiểu rằng giáo dục con cái cũng có nghĩa là phải ra khỏi chính mình, phải để cho
con cái kéo ra ngoài những gì là tuyệt hảo nhất nơi chúng ta - bậc làm Cha Mẹ - để
thông chia cho con cái.
Tôi có thể so sánh biến cố trở thành Cha Mẹ với một
cuộc xuất hành. Chúng tôi đi từ một xứ sở quen biết - nơi mà con cái chưa có - đến
một xứ sở mới lạ - với sự hiện diện của con cái. Nơi xứ sở mới này chúng tôi không
thể sống riêng rẽ hoặc sống như thể không có con cái. Không! Không thể được! Chúng
tôi không thể quay trở lại đàng sau nhưng phải cùng nhau tiến bước.
Thế nhưng,
có một câu hỏi thoáng qua như một niềm đau kín ẩn nằm sâu trong trái tim chúng tôi
là bậc Cha Mẹ ở vào cái thời đại tân tiến hôm nay. Đó là: Giờ đây các con đã lớn.
Đứa thì 23 tuổi đứa thì 21 tuổi và út Matteo thì lên 7 tuổi. Liệu chúng tôi vẫn còn
mãi mãi là Cha Mẹ của các con không?
... Chứng từ của một Bà Mẹ bây giờ là
Bà Nội.
Một hôm, đứa cháu gái 16 tuổi đến nhà thăm tôi và nói: - Nội biết
không, Ba Má con không hiểu con. Ba Má muốn con làm theo ý Ba Má con mà không hề nghe
con trình bày.
Đó cũng là lời than thở của Ba cháu ngày Ba của cháu còn là
vị thành niên. Nhưng lúc đó con trai tôi không nói với tôi mà đi than thở với Bà Dì,
thường được các cháu tỉ tê tâm sự.
Giờ đây đến phiên tôi lắng nghe các lời
tỉ tê của các cháu. Trí khôn tôi bỗng quay về với cái thời làm Cha làm Mẹ của 3 đứa
con trai. Đặc biệt khi chúng đang ở lứa tuổi dậy thì. Lúc ấy hiền phu tôi và tôi chúng
tôi thường cùng nhau bàn thảo xem phải chọn thái độ đúng đắn nào khi đối diện với
các con trong vấn đề giáo dục: Nghiêm khắc chăng? Hay là khoan nhượng? Hoặc đối thoại
trong ôn hòa sáng suốt? Dĩ nhiên thái độ thứ ba là đối thoại với con cái được mọi
người khuyên nên làm, đặc biệt là các nhà giáo dục. Và dĩ nhiên chúng tôi cũng hoàn
toàn áp dụng phương pháp đối thoại với 3 đứa con trai.
Thế rồi một hôm, một
trong ba đứa, đến nói chúng tôi: - Thưa Ba Má, con và bạn gái Simona, chúng con
quyết định làm một chuyến du hành.
Xin nói thêm là lúc ấy cả hai đứa còn đang
ở trong lứa tuổi vị thành niên. Và dĩ nhiên là chúng tôi không thể chấp nhận. Tuy
nhiên chúng tôi áp dụng phương pháp đối thoại ôn hòa và thẳng thắn. Mọi lý lẽ đưa
ra đều nhắm đến câu trả lời dứt khoác là KHÔNG. Nhưng đứa con trai chúng tôi vẫn cứng
đầu không chấp nhận. Chỉ có lý do sau cùng ”lấy tiền ở đâu để đi du lịch?” mới khiến
cho cậu thiếu niên đành phải chấp nhận lời khước từ của Ba Má.
Thế nhưng chấp
nhận trong chiến tranh lạnh. Nghĩa là cậu bé chọn giải pháp giữ thinh lặng và rút
vào phòng riêng đóng kín cửa lại. Cuộc chiến diễn ra trong vòng mấy ngày trời với
biết bao khó khăn và thương lượng giải thích của Ba Má!
Bây giờ thì đến lượt
đứa con gái - con của đứa con trai ngày xưa - lại đến than thở với tôi là Bà Nội về
cùng một câu chuyện y như ngày trước! Thế mới hiểu rằng các bậc Cha Mẹ phải luôn luôn
biết nói KHÔNG với con cái khi chúng đòi hỏi những điều không đúng, không hợp lý.
Chính những cái khước từ chính đáng - đôi khi thật đau đớn - mới giúp con cái lớn
lên và trưởng thành. Nhưng bổn phận của Cha Mẹ cũng thật khó khăn biết bao!
... ”Đường lối THIÊN CHÚA quả là toàn thiện. Lời Chúa hứa được chứng nghiệm
tỏ tường. Chính THIÊN CHÚA là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Ngài. Ngoài
Chúa ra hỏi ai là THIÊN CHÚA? Ai là núi đá độ trì, ngoài THIÊN CHÚA
của con? Chính THIÊN CHÚA làm cho con nên hùng dũng, và cho đường nẻo con đi
được thiện toàn. Chúa cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai. Ngài đặt con đứng vững
trên đỉnh núi. Tập cho con theo phép binh đao, luyện đôi tay rành nghề cung nỏ. Lạy
Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con. Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ,
săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh. Đường con đi, Chúa mở rộng thênh thang, chân con
bước không bao giờ lảo đảo”(Thánh Vịnh 18(17),31-37).
(”SACRO CUORE”, Santuario del Sacro Cuore - Salesiani - Bologna, N 1 Gennaio 2010,
trang 8-9)