2015-01-08 12:54:11

TOÀN DÂN PHỦ PHỤC SÁT ĐẤT THỜ LẠY THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG TOÀN NĂNG VÀ TỐI CAO


... Cha Anselm Gruen là đan sĩ Biển-đức của đan viện Muensterschwarzach thuộc bang Bavière ở miền Nam nước Đức. Cha là Linh Mục trị liệu tâm linh và là vị đồng hành thiêng liêng vô cùng cao quý. Xin nhường lời cho Cha nói về dấu chỉ qua bàn tay con người chính THIÊN CHÚA chạm đến chúng ta.

Có hai cử điệu ban phép lành - liên hệ đến bàn tay - là cốt yếu trong truyền thống của Kitô Giáo, đó là: giơ tay vạch hình Thánh Giá trên trán một người hoặc trên đám đông và đặt hai tay trên đầu một người hoặc trên đám đông.

Bàn tay luôn giữ vai trò quan trọng đối với con người. Chúng ta dùng bàn tay để cầm để nắm và để chu toàn nhiều bổn phận. Chúng ta dùng bàn tay để đụng chạm, để biểu lộ tình cảm bằng những cái vuốt ve trìu mến. Nhưng bàn tay của chúng ta cũng có thể gây thương tích, khi chúng ta cầm dao đâm chết một người nào đó - đến độ giam người đó trong hình ảnh mà chúng ta tạo ra về người đó - hay khi chúng ta từ chối không bắt tay một người.

Vậy thì khi dùng bàn tay để chúc lành chúng ta hãy đặt trọn tâm tình vào cử chỉ của bàn tay và hãy chạm đến tha nhân với niềm âu yếm và tình yêu thương.

Đức Chúa GIÊSU đã chúc lành bằng cách đặt tay. Cử chỉ này có một ý nghĩa thật lớn lao. Nó diễn tả sự kiện chính THIÊN CHÚA đặt tay Ngài trên người được chúc lành và người được chúc lành nhận được sự an toàn. Tôi đặt hai tay trên đầu. Đối với tín đồ Ấn giáo thì ”cái xoáy - chakra” trên đỉnh đầu mở rộng con người với thần linh. Trong việc chúc lành thì chính Thần Trí THIÊN CHÚA đổ tràn vào con người. Từ muôn đời đôi bàn tay là cơ quan qua đó chúng ta truyền đạt tình yêu và quyền lực của THIÊN CHÚA.

Đối với bản thân tôi thì tôi nhìn cử chỉ đặt tay chúc lành như là một cái gì thật riêng tư và thật kín ẩn sâu xa. Tôi cảm nghiệm sức nóng của người khác và đôi khi cảm nghiệm sự hiện diện thánh thiêng đang đổ tràn vào người đó. Tôi có thể vừa đặt tay vừa giữ thinh lặng hoặc kèm theo cử chỉ đặt tay với một lời nói. Ngay cả nếu tôi nói thì đối với tôi, thật là quan trọng, tôi vẫn giữ thinh lặng giây lát trong lúc đặt tay. Điều xảy ra nơi người khác vượt ra ngoài mọi thứ ngôn ngữ: đó là một mầu nhiệm và việc giữ thinh lặng là điều cần thiết hầu cho THIÊN CHÚA là Đấng không thể nắm bắt và nêu danh thánh có thể tác động trên người được chúc lành.

Trước khi đặt tay chúc lành cho ai tôi thường chuẩn bị nội tâm tôi. Tôi cố gắng chú trọng vào cử chỉ chúc lành và quên hẳn mình đi để hoàn toàn sẵn sàng tiếp nhận Chúa Thánh Linh và trở thành người giải cứu của THIÊN CHÚA. Tôi cảm nhận cử chỉ chúc lành là cử chỉ thánh cho cả tôi nữa. Tôi thấy mình giống như cái máng qua đó Tình Yêu THIÊN CHÚA được chuyển vào tha nhân mà không hề bị ô nhiễm bởi những tình cảm riêng tư của tôi.

Thánh Sử Luca gợi lại trong Phúc Âm một cách thức khác được Đức Chúa GIÊSU dùng để chúc lành: ”Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được rước lên Trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng THIÊN CHÚA” (24,50-53).

Cử chỉ của Đức Chúa GIÊSU được các Linh Mục lấy lại khi ban phép lành trọng thể vào cuối Thánh Lễ. Vào thời kỳ đầu tiên, khi giơ đôi tay chúc lành, tôi cảm nhận qua đôi tay, phúc lành của THIÊN CHÚA tuôn đổ trên các tín hữu. Đây là cử chỉ tổ tiên mà người ta tìm thấy lại từ muôn nghìn năm trước. Đó cũng là cử chỉ mà vào mỗi buổi sáng tôi gởi phúc lành đến cho những người thân yêu của tôi.

Cử chỉ chúc lành khác gồm có việc giơ hai tay trên người khác. Cử chỉ này cũng giống như việc đặt tay nhưng nó được gởi đến cho tất cả mọi tín hữu hiện diện mà tôi khẩn cầu cho họ phúc lành của THIÊN CHÚA.

Hiệu quả phép lành của Đức Chúa GIÊSU trên các tông đồ được thánh sử Luca ghi lại: đó là việc các tông đồ phủ phục rồi trở về Giêrusalem lòng đầy hoan hỉ. Các tông đồ cảm nhận phép lành của Đức Chúa GIÊSU giống như cái gì là thánh mà đối diện với phép lành các vị không làm gì khác hơn là phải quỳ gối bái lạy Đức Chúa GIÊSU. Đây là cử chỉ kính trọng đối với THIÊN CHÚA về những gì Người làm theo ý hướng của chúng ta. Các môn đệ tìm thấy trở lại - trong niềm vui - cuộc sống thường nhật. Phép lành khơi động nơi các vị niềm vui, sự chắc chắn rằng cuộc sống của các vị sẽ mang lại hoa trái cũng như niềm tin tưởng rằng các vị ở trong vòng tay khoan nhân của THIÊN CHÚA hằng bảo trợ và gìn giữ các vị luôn mãi.

... Bấy giờ con cái Aharon cất tiếng tung hô, thổi kèn đồng, tạo nên một âm thanh vang dội, để mời gọi dân tưởng nhớ Đấng Tối Cao. Tức khắc toàn dân cùng phủ phục sát đất mà thờ lạy THIÊN CHÚA của họ, là Đấng Toàn Năng và là THIÊN CHÚA Tối Cao. Đoàn ca viên hát bài ca ngợi, tiếng hát vang lừng, cung điệu du dương. Dân chúng dâng lời van xin và cầu khẩn lên THIÊN CHÚA Tối Cao là Đấng nhân từ, cho đến khi nghi lễ kính THIÊN CHÚA và buổi cử hành phụng tự đã hoàn thành. Bấy giờ ông Simon bước xuống, giơ tay trên toàn thể cộng đồng con cái Israel, và đọc lời chúc lành của THIÊN CHÚA. Một lần nữa dân chúng lại phủ phục, để đón nhận phúc lành từ Đấng Tối Cao.

Giờ đây hãy chúc tụng THIÊN CHÚA muôn loài, Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi, Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý ngay từ thưở ta còn trong lòng mẹ, và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người. Xin THIÊN CHÚA ban cho tâm hồn chúng ta niềm hoan hỷ, và cho đời sống chúng ta được hưởng phúc bình an, tại đất Israel đến muôn thưở muôn đời! Xin THIÊN CHÚA hằng tỏ lòng lân tuất với chúng ta, và giải cứu chúng ta trong những ngày chúng ta đang sống! (Sách Huấn Ca 50,16-24).

(Anselm Gruen, ”Vous êtes une bénédiction”, Éditions Salvator, Paris 2006, pour la traduction francaise, trang 93-96)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.