2015-01-06 17:31:36

Học đường sẽ ngăn chặn nhà nước hồi giáo.



Phỏng vấn bà Shirin Ebadi giải thường Nobel 2003

Trong các ngày 12-14 tháng12 Hội nghị thượng đỉnh lần thứ XIV của các người lãnh giải Nobel hòa bình đã diễn ra tại Roma, với sự tham dự của 22 vị, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, ông Mikhail Gorbaciov, nguyên Chủ tịch nhà nước Liên Xô, và bà Shirin Ebadi, người Iran, giải Nobel Hòa Bình năm 2003.

Đáng lý ra Hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra tại Cape Town bên Nam Phi hồi tháng 10 năm nay, nhưng sau đó đã bị hủy bỏ vì nhiều vị đã được mời từ chối tham dự, sau khi chính quyền Nam Phi bị áp lực của nhà nước Trung Quốc đã từ chối cấp chiếu khán cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Phát biểu trong Hội nghị bà Shirin Ebadi đã đề cập tới nạn khủng bố phá hoại và nói: Để chiến đấu với các tay khủng bổ của nhà nước Hồi giáo, hãy ném sách chứ đừng ném bom, bởi vì để chống lại huynh hướng cuồng tín trước hết cần phải loại trừ sự dốt nát và bất công xã hội. Để chiến đấu chống lại nhóm khủng bố phá hoại này một Ủy ban liên minh đã được thành lập do Hoa Kỳ chỉ huy. Chúng ta bỏ bom họ, nhưng chúng ta phải hiểu rằng Nhà nước Hồi không chỉ là khủng bố phá hoại, mà là một ý thức hệ lầm lạc và không thể chiến đấu chống một ý thức hệ với bom đạn và vũ khí. Cần phải có các giải pháp khác, chúng ta phải đi tới gốc rễ của phong trào cuồng tín : thay vì tiêu tiền cho chiến tranh, hãy dùng tiền đó để xây các trường học, để phổ biến giáo dục, để người ta không để cho mình bị lừa dối bởi các kẻ cuồng tín.

Thông cáo chung kết Hội nghị thượng đỉnh đề cập tới nhiều vấn đề trên thế giới như: hiện tượng hâm nóng trái đất, các đe dọa của nạn khủng bố phá hoại, cảnh nghèo đói không thể chấp nhận được của hàng trăm triệu người, nạn thất nghiệp ở mức độ không thể chịu đựng nổi.

Các nhà trúng giải Nobel Hòa Bình bầy tỏ sự buồn sầu đối với sự kiện Hội nghị đã không thể diễn ra tại Cape Town bên Nam Phi, vì chính quyền Nam Phi từ chối cấp chiếu khán cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các nhà lãnh giải Nobel Hoà Bình yêu cầu cộng đồng quốc tế làm tất cả những gì có thể để chặn đứng xung khắc tại Ucraina đe dọa sự ổn định của Âu châu và các biến cố nguy hiểm bên Trung Đông. Ngoài ra các vị còn kêu gọi cộng đồng quốc tế dấn thân chống lại tệ nạn khủng bố nhân danh tôn giáo, vì không được dùng bất cứ tín ngưỡng nào để vi phạm các quyền con người. Các vị cũng lên án việc sử dụng các vũ khí hóa học và hạt nhân, và yêu cầu chú ý tới hiện tượng trái đất bị hâm nóng và các điều kiện sống khổ đau của người tỵ nạn, nạn bạo hành phụ nữ cũng như các mức độ nghèo túng không thể chấp nhận được trên thế giới và nạn thất nghiệp ở các mức độ không thể chịu đựng nổi.

** Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn bà Shirin Ebadi, thẩm phán người Iran, về thăng tiến giáo dục như phương thế ngăn chặn nhà nước Hồi giáo lan tràn.
Bà Shirin Ebadi năm nay 66 tuổi và từ năm năm qua sống lưu vong tại London bên Anh quốc và hay diễn thuyết tại Hoa Kỳ. Bà chuyên phân tích tình hình và các vấn đề của Iran.

Bà Shirin Ebadi sinh năm 1947 tại Hamadan bên Iran. Bà theo học luật từ năm 1964 tới 1969 và là phụ nữ Iran đầu tiên học luật. Năm 1975 bà trở thành phụ nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa Án Teheran. Bà dậy Luật tại đại học Teheran, hoạt động bảo vệ nhân quyền và là người thành lập Trung tâm bảo vệ nhân quyền tại Teheran.
Tháng 10 năm 2003 bà được giải Nobel Hòa Bình vì các nỗ lực tiên phong thăng tiến dân chủ và bảo vệ nhân quyền đặc biệt là quyền của phụ nữ, trẻ em và quyền của người tỵ nạn. Bà là người Iran đầu tiên được giải Nobel Hòa Bình. Năm 2009 Nhà nước Iran tịch thu giải thưởng Nobel của bà và nhiều huy chương giải thường của các chính quyền khác trong chiến dịch bách hại những người can đảm bảo vệ nhân quyền chống lại chính sách cai trị độc tài của Nhà nước Iran. Năm 2004 bà được nguyệt san Forbes để tên trong danh sách 100 phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới. Bà cũng nổi tiếng vì thường can đảm nhận bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến với Nhà nước Iran. Cũng chính vì thế bà đã bị đe dọa nhiều lần. Bà Ebadi cũng bênh vực các vụ trẻ em bị lạm dụng tính dục và là người thành lập hai tổ chức phi chính quyền HIệp hội bảo vệ quyền của các trẻ em và Trung tâm bảo vệ nhân quyền. Bà cũng là người đã soan thảo văn bản luật chống lại việc lạm dụng thể lý trẻ em được Quốc hội Iran thông qua năm 2002. Trong cuốn sách tựa đề “Iran thức giấc” bà giải thích các quan điểm chính trị và tôn giáo của mình liên quan tới Hồi giáo, nền dân chủ và quyền bình đẳng phái tính. Bà viết: trong 23 năm qua, kể từ khi tôi bị cách chức thẩm phán Tòa Án tại Teheran, tôi đã luôn luôn lập lại một điệp khúc: đó là việc giải thích Hồi giáo trong sự hòa hợp với sự bình đẳng và nền dân chủ là một diễn tả niềm tin đích thực. Không phải tôn giáo cầm buộc phụ nữ, nhưng là các lời được lựa chọn của những kẻ muốn cấm cung nữ giới. Bà cũng chủ trương cuộc chiến cho nhân quyền tại Iran phải do người Iran đảm trách, chứ không dựa trên bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài.
Bà đã trình lên Ủy ban chấm giải Nobel Hòa Bình cuốn sách tựa đề “Dân chủ, nhân quyền và Hồi giáo trong nước Iran tân tiến: Các viễn tượng tâm lý, xã hội và văn hóa”. Tác phẩm nghiên cứu các nền tảng lịch sử và văn hóa của nền dân chủ và nhân quyền từ thời vaua Ciro và Dario, cách đây 2.500 năm cho tới thời ông Mohammad Mossadeq, Thủ tướng Iran, người đã quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu hỏa. Bà Shirin Ebadi đã nhận được hàng chục giải thưởng và bằng tiến sĩ danh dự khác nhau.
Hỏi: Thưa bà Ebadi, vấn đề của thế giới hiện nay là sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo. Theo bà, nó không chỉ là một nhóm khủng bố phá hoại, mà là một ý thức hệ lầm lạc. Và không thể dùng bom đạn để loại trừ một ý thức hệ. Kinh nghiệm đã có với các lực lượng Taleban đã chứng minh cho điều này. Như vậy là Tây Phương chúng tôi đang làm sai, có dúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Tây Phương đang lầm phương pháp. Nhà nước Hồi là một lèo lái các nhóm hồi cuồng tín, và để chống lại khuynh hướng cuồng tín cần phải tấn công tận gốc rễ các lý do gây ra nó, một cách nòng cốt gồm hai lý do: đó là nạn mù chữ và thiếu công bằng xã hội. Các nước tây phương tiêu rất nhiều tiền cho bom đạn. Trái lại, cần phải “bỏ bom nhà nước hồi và khuynh hướng hồi cuồng tín bằng sách vở.”

Hỏi: Khẩu hiệu thật đẹp. Nhưng trong các tình thế hiện nay khó mà xuất cảng nền văn hóa sang các vùng hồi ấy, bà không nhận thấy vậy sao?

Đáp: Nhưng tôi ghi nhận rằng có biết bao nhiêu hãng xưởng tây âu vẫn tiếp tục làm việc trong các vùng đất khó khăn ấy, vì lý do kiinh doanh. Như vậy có thể thử một cái gì đó như tài trợ các trường học chẳng hạn… Thế rồi còn có các sai lầm trong qúa khứ nữa: Tây Phương phải hiểu rằng cần luôn luôn chống lại các nhà độc tài và trong bất cử điều kiện nào. Không có các nhà độc tài “cần gìn giữ cho họ tốt”, vì các lý do địa lý chính trị hay kinh tế. Chính họ là những người đã tạo ra hố ngăn cách bất bình đẳng giữa người giầu và người nghèo, từ đó phát xuất ra bất công xã hội rốt cuộc khiến cho khuynh hướng cuồng tín bén rễ mọc lên.

Hỏi: Bà có lo âu cho Siria không?

Đáp: Ngày nay nước Siria diễn tả một cái gì rất là đau đớn: hơn 2 triệu người đã mất nhà cửa, trẻ em không còn được tới trường nữa. Ban đầu chỉ là một cuộc nổi loạn hòa bình chống ông Assad. Rất tiếc chính quyền Iran đã ủng hộ chính quyền Siria. Và người ta tạo ra một khoảng trống bị Nhà nước Hồi sẵn sàng chiếm ngay, và nó đang thành công trong việc lôi kéo rất nhiều người theo.

Hỏi: Làm thế nào để ngăn chặn tiến trình này thưa bà?

Đáp: Chúng ta phải tấn công khả năng tuyển chọn người của chúng. Và để làm điều này cần thông truyền cho họ các lý tưởng lành mạnh và đúng đắn. Đối với Nhà nước Hồi giáo tất cả đều có thể thích hợp với Hồi giáo. Các người hồi tân tiến phải chứng minh cho thấy không phải như vậy, nhưng có nhiều giải thích khác nhau về Hồi giáo. Và người ta có thể là tín hữu hồi, mà vẫn tôn trọng các quyền con người và đối xử với phụ nữ như đối xử với nam giới.

Hỏi: Tôi thấy bà nhấn mạnh rất nhiều trên việc giáo dục, có phải vậy không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Có khi nào người ta tự hỏi điều gì khiến cho những người hồi cuồng tín lớn hiện hữu trong mọi nền văn hóa và văn minh sợ hãi nhất không? Không phải các cuộc oanh kích bằng máy bay, không phải binh sĩ đâu, nhưng là việc giáo dục. Chính vì thế họ cấm trẻ em tới trường, chính vì thế mà họ bắn be gái Malala hồi năm 2012. Họ sợ hãi ý thức của người dân, việc mở mang trí tuệ, sự hiểu biết là sức mạnh đích thực có khả năng thay đổi thế giới. Vì thế chúng ta phải thay đổi phương pháp.

Hỏi: Thưa bà Ebadi, bà đã nhắc tới cô Malala. Bà nghĩ gì về chuyện của hai phụ nữ khác là bà Meriam và bà Asia Bibi bị Hồi giáo kết án tử hình?

Đáp: Tất cả các tội phạm nhân danh tôn giáo đều bị cấm. Chúng phát xuất từ một giải thích sai lầm về luật Sharia. Vì thế phải tách rời tôn giáo khỏi Nhà nước.

Hỏi: Bà đã là nạn nhân của các giải thích này. Nhưng nhân dân Iran đã vui mừng tổ chức lễ hội khi vua Mohammad Reza Pahlavi, vị vua Ba Tư cuối cùng bị cuộc cách mạng Hồi lật đổ ngày 11 tháng hai năm 1979.

Đáp: Vâng, hồi đó chúng tôi đã hạnh phúc. Nhưng chúng tôi đã lầm. Chỉ 6 tuần sáu đó ngày mùng 8 thàng 3 năm 1979, chính quyền ra lệnh cho tất cả các phụ nữ công nhân viên của nhà nước phải trùm khăn che đầu. Và ít lâu sau thì tôi bị cách chức thẩm phán toà án.

Hỏi: Vậy bà thấy gì nơi chân trời cuộc sống của mình?

Đáp: Một ngày kia được trở về thủ đô Teheran và mở một văn phòng “luật sư bảo vệ các quyền con người”, tôi mong muốn ở gần văn phòng của toà án nơi tôi đã làm việc.

(Avvenire 14-12-2014)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.