2014-12-19 11:59:58

Công cuộc cứu trợ các nạn nhân bão Hagupit bên Philippines


Từ ngày thứ sáu mùng 6 tháng 12 vừa qua, bão Hagupit đã ập vào Philippines với các cơn gió mạnh thổi với tốc độ 210 cây số giờ tàn phá cây cối, nhà cửa và đã khiến cho 27 người thiệt mạng. Trận bão luớt qua thủ đô Manila, nhưng nơi có nhiều nạn nhân nhất là đảo Samar, đã bị trận bão Haiyan càn quét hồi tháng 11 năm ngoái 2013, khiến cho 8.000 người chết và mất tích, hàng ngàn người bị thương và hàng chục ngàn căn nhà bị phá hủy. Cũng như hồi năm ngoái, tổ chức Caritas Philippines đã lập tức huy động công tác cứu trợ và mở cửa các nhà thờ, trường học và chủng viện để tiếp đón dân chúng chạy nạn.

Trước đó các Giám Mục Philippines đã kêu gọi dân chúng chuẩn bị chống bão. Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas của giáo phận Lingayen Dagupan, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi, kêu gọi các giáo xứ mở cửa nhà thờ, trường học và các cơ sở giáo xứ công giáo đón tiếp người tỵ nạn. Chính phủ Phi cũng thúc giục dân chúng di tản vì nguy hiểm rất trầm trọng. Đức Cha Socrates cũng kêu gọi chính phủ di tản dân chúng ngay lập tức, vì chờ đợi thêm có thể là một thảm họa. Ngài cũng mời gọi các anh chị em ở xa vùng bị bão cầu nguyện cho những anh chị em đang sống trong lo âu.

Theo sở khí tượng Phi siêu bão Ruby cũng gọi là Hagupit thổi tới Phi ngày 6-12 với vận tốc 175 cây số giờ và có thể lên tới 210 cây số giờ tại vùng đã bị bão Haiyan tàn phá hồi tháng 11 năm ngoái.

Cộng hòa Philippines rộng 300.000 cây số vuông có 100 triệu dân, 92,5% theo Kitô giáo, đa số là Công giáo, 5% theo Hồi giáo, 2,5% theo Phật giáo 2,1% theo các tôn giáo khác và 0,4% không theo tôn giáo nào.

Philippines là một quần đảo có tới 7.107 đảo lớn nhỏ. Với 36.289 cây số bờ biền Philippines là quốc gia có nhiều bờ biển đứng hàng thứ năm trên thế giới. Tên gọi Filippine bắt nguồn từ tên của vua Filippo của Tây Ban Nha, mà nhà thám hiểm Ruy López de Villalobosle đặt cho các đảo này và gọi chúng là “Islas filippinas”. Tuy có các tên gọi khác nhưng tên gọi Filippine được dùng để ám chỉ toàn quần đảo. Dưới thời Tây Ban Nha đô hộ từ năm 1565 tới 1821, Philippines được mở mang, nhiều thành phố được thành lập, các cơ cấu hạ tầng cơ sở được xây cất, nhiều thứ canh tác mới và súc vật được du nhập khiến cho thương mại trở nên phồn thịnh. Các thừa sai Tây Ban Nha rao giảng Tin Mừng làm cho đa số dân theo Kitô giáo. Rất nhiều trường học, dại học và nhà thương được Giáo Hội xây cất khắp nơi.

Tháng tư năm 1896 cuộc cách mạng chống Tây Ban Nha bắt đầu dẫn đến nền độc lập hai năm sau đó. Khi chiến tranh Tây Ban Nha Hoa Kỳ chấm dứt, trong thỏa hiệp Paris năm 1898 Philippines bị đặt dưói quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Philippines không thừa nhận và tuyên chiến với Hoa Kỳ. Chiến tranh đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho Philippines về nhân lực cũng như vật lực. Tuy chiến tranh chấm dứt năm 1902 với chiến thắng của Hoa Kỳ, nhưng sự thù nghịch giữa hai nước kéo dài cho tới năm 1913. Năm 1935 Hoa Kỳ cho Philippines được tự trị một phần, và năm 1946 Philippines được độc lập.

Trên bình diện chủng tộc Philippines có hàng chục nhóm khác nhau trong đó có 10 nhóm chính là: Bisaya, Tagalog, Ilocani, Hiliganon, Bicolani, Waray-Waray, Kapampangan, Ispanofilippini, Albay Bicolani và Panggasinan. Có hai nhóm gốc Tây Ban Nha và Tầu hiện diện trên đảo từ nhiều thế kỷ qua vì các lý do chính trị và kinh tế. Các nhà nhân chủng học liệt kê được 175 thứ tiếng, trong đó có 171 thứ tiếng còn được nói và 4 thừ tiếng chết. Theo Hiến Pháp năm 1987 tiếng Filippino Tagalog và tiếng Anh là hai ngôn ngữ chính thức được sử dụng. Tuy nhiên cũng có hàng chục thứ tiếng khác được nói ở cấp địa phương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn bà Irene Broz thuộc toán cứu trợ cấp thời của Caritas Philippines về công cuộc cứu trợ các nạn nhân bão Hagupit.

Hỏi: Thưa bà Irene, tình hình tại Philippines hiện nay ra sao?

Đáp: Đã có tất cả 1 triệu người phải di tản để tránh bão. Một số đã có thể trở về nhà, các người khác còn đang tạm trú trong các trung tâm tiếp đón. Người ta ước tính có tới 2 triệu người bị liên lụy vì trận bão này. Tuy nhiên, các con số chưa chắc chắn, vì người ta vẫn còn đang lượng định tình hình cũng như các nhu cầu. Các phương tiện truyền thông và liên lạc đã bị thiệt hại nặng nề nên không cho phép chúng tôi có các tin tức chính xác, vì thế cho nên các con số sẽ chỉ có được trong các ngày tới thôi.

Hỏi: Liên quan tới các thiệt hại về nhà cửa thì sao?

Đáp: Cả vấn đề này chúng tôi cũng đang lượng định tình hình, vì thế chúng tôi không biết chắc chắn có bao nhiêu gia cư bị thiệt hại.

Hỏi: Hoạt động của Caritas đã được bắt đầu ngay lập tức, có đúng thế không thưa bà?

Đáp: Vâng, tuyệt đối rồi. Sau các hậu qủa tiêu cực của trận bão Haiyan, dân chúng rất lo sợ khi bão Hagupit ập tới. Nhưng công tác chuẩn bị đã rất tốt từ phía chính quyền cũng như từ phía mạng lưới Caritas Philippines cộng tác với các giáo phận. Và chúng tôi đã tổ chức các chương trình cứu trợ ngay lập tức, ba ngày trước khi bão tới. Caritas đã huy động các ngân quỹ trên bình diện địa phương và cũng đã phát động quyên góp ngân quỹ. Có thể nói rằng toàn nước đã hoạt động mau lẹ và hữu hiệu.

Hỏi: Bão Hagupit đã chỉ đặc biệt tàn phá mạn đông đảo Samar mà thôi. Tinh hình của dân chúng trong vùng như thế nào thưa bà?

Đáp: Lộ trình bão Hagupit cũng giống như lộ trình của bão Haiyan. Rất nhiều người dân sống về nghề nông và nghề đánh cá bị thiệt hại, và họ lại đang trong tiến trình hồi phục các sinh họat cuộc sống của họ sau trận bão Haiyan.

Hỏi: Như vậy là chính các vùng đang được tái thiết lại bị bão Hagupit tàn phá lần nữa?

Đáp: Vâng, vì thế các hậu qủa bị nhân gấp đôi. Liên quan tới đảo Samar thì các nạn nhân một phần cũng là các nạn nhân dã hứng chịu các thiệt hại của bão Haiyan hồi năm ngoái.

Hỏi: Như vậy chúng ta có thể nói tới sự thiệt hại to lớn về nhân mạng cũng như về kinh tế và cả trên bình diện tâm lý nữa, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Sự sợ hãi bão Hagupit cũng gắn liền với các chấn thương do bão Haiyan gây ra hồi năm ngoái, vẫn còn rất sống động trong ký ức của dân chúng. Do đó tuyệt đối cũng có các chấn thương tâm lý, và cảm xúc cần phải chú ý, không nên coi thường.

Hỏi: Làm thế nào để góp phần vào hoạt động cứu trợ của tổ chức Caritas Philippines?

Đáp: Các trợ giúp của Caritas quốc tế sẽ được dùng để cứu trợ các nạn nhân bão Hagupit. Xét rằng các luợng định vẫn còn đang đươc làm, chúng tôi chưa có được các nấc thang chính xác liên quan tới các thiệt hại và các nhu cầu cần trợ giúp. Dù sao đi nữa chỉ cần đóng góp cho Caritas quốc tế với chú thích cho nạn nhân bão Hagupit Philippines là được rồi. Tất cả số tiền góp được sẽ được chuyển tới Caritas Philippines.

Hỏi: Thưa bà, bà đã nói là các giáo xứ, các chủng viện và trường học đều được trưng dụng để tiếp đón người di tản. Chỉ còn một tháng nữa Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Philippines. Tại Toclaban ngài sẽ gặp gỡ các người còn sống sót sau trận bão Haiyan năm ngoái. Người dân có cảm thấy sự gần gũi của Giáo Hội không?

Đáp: Tuyệt đối là có rồi. Có thể nói rằng tại Philippines chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một trong các biến cố lôi cuốn sự chú ý của dân chúng nhất và được người dân chờ mong nhất. Câu trả lời của Giáo Hội đã rất mạnh mẽ. Cả trong trường hợp này của trận bão Hagupit này Giáo Hội rất gần gũi người dân địa phương, vì thế cho nên chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ rất ý nghĩa và Đức Thánh Cha sẽ được tiếp đón một cách tốt đẹp nhất.


Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.