2014-10-24 12:34:32

Nếu biết yêu mến xót thương nhau, cuộc sống con người sẽ hạnh phúc hơn


(Chúa Nhật 30 A; Xh 22,21-26)

Trích sách Xuất Hành. Chúa phán: người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành góa bụa, và con các ngươi sẽ thành mồ côi. Nếu các ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.”

SUY NIỆM

Những giáo huấn cụ thể rõ ràng trên đây trong sách Xuất Hành là một trong các trang hay đẹp và ý nghĩa nhất của Thánh Kinh Cựu Ước, vì chúng diễn tả được một trong những điểm nòng cốt sứ điệp của Do thái giáo và Tin Mừng yêu thương của Kitô giáo. Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng nhân từ xót thương và Ngài đòi buộc những ai tin nhận Ngài cũng phải biết sống yêu thương cụ thể tất cả mọi người, không trừ ai, cách riêng những người yếu đuối nhất thường không được bênh đỡ trong xã hội loài người như người góa bụa, trẻ mồ côi, kẻ kiều cư, người nghèo phải vay tiền, hay cầm thế đồ vật cần thiết cho cuộc sống như chiếc áo choàng là áo mặc ban ngày và mền đắp ban đêm của dân nghèo.

Trong xã hội nào cũng vậy, những người góa bụa, góa vợ hay góa chồng, đều đáng thương như nhau, đặc biệt là những phụ nữ góa chồng. Họ mất đi người bạn trăm năm, cây cột chống đỡ mái nhà gia đình và phải cô đơn, một thân một mình làm lụng vất vả, tần tảo ngược xuôi để nuôi dậy con cái. Có người nhiều khi phải gánh vác cả các công việc của nhà chồng như phụng đưỡng cha mẹ già yếu bệnh tật. Cuộc sống của họ bấp bênh và không có người bênh đỡ khiến cho họ dễ bị chèn ép, ức hiếp và lạm dụng nhất. Cùng với họ là lũ con mồ côi cha hay mồ côi mẹ. Chúng mất đi điểm tựa yêu thương, tinh thần và vật chất. Cuộc sống và tương lai của chúng vì thế cũng mờ mịt. Chúng thường không có tuổi thơ, vì phải vào đời rất sớm để mưu sinh, lăn lộn giữa cuộc đời ác nghiệt không che chở trẻ thơ. Chúng giống như những trái banh bị đá lăn lóc giữa chợ đời đen bạc, hay như bèo trôi giạt giữa dòng đời.

Tội nghiệp và đáng thương nhất là các trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cơm bánh hằng ngày của chúng là nước mắt, buồn tủi và khổ đau. Và chúng thường là các thành phần yếu đuối và bơ vơ nhất trong xã hội. Bên cạnh đó là những người di cư tỵ nạn, sống xa lạ nhờ vả và bơ vơ trên đất khách quê người. Rồi những người nghèo túng bệnh tật phải đi vay tiền để lo cho chính mình cho gia đình hay con cái, phải cầm bán mọi sự kể cả chiếc áo choàng là áo che thân ban ngày, là mền đắp ban đêm...

Ngày nay trên thế giới này những thành phần yếu đuối kể trên lên đến hàng tỷ người, đặc biệt tại các nước nghèo Phi chậu, Á châu và châu Mỹ Latinh, nhưng cả Âu châu nữa.

Các giáo huấn chúng ta vừa nghe trên đây nảy sinh từ sự kiện mọi người đều được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, và từ giáo huấn của sách Đệ Nhị Luật: ”Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5) và giáo huần của sách Lêvi: ”Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,19).

Tình yêu hai chiều kích ấy được thể hiện ra trong việc tuân giữ Mười Điều Răn Thiên Chúa ban cho dân Israel qua trung gian ông Môshê. Chúng hướng dẫn con người trong các tương quan và bỗn phận đối với Thiên Chúa và đối với tha nhận. Tuy nhiên ở đây trong bối cảnh của sách Xuất Hành, Thiên Chúa mời gọi tín hữu sống bác ái qua chính các kinh nghiệm mà họ đã có trong bao nhiêu năm sống kiếp kiều cư và nô lệ bên Ai Cập, bị ngược đãi bóc lột và ức hiếp bất công. Nói một cách đơn sơ như trong sách Tobia là: ”Những gì con không muốn người ta làm cho con, thì cũng đừng làm cho người khác.”

”Mến Chúa yêu người” đó cũng là điều Chúa Giêsu nhắc lại cho ông Pharisêu hỏi Ngài cho biết đâu là điều luật trọng nhất như kể lại trong Phúc Âm Chúa Nhật 30 thường niên năm A.

Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận diện ra nơi tình yêu thương động lực cao quý nhất của cuộc sống con người và là bàn nhún mạnh mẽ nhất của mọi sinh hoạt luân lý. Ngoài ra lý tưởng của tình yêu thương cũng hoàn toàn phù hợp với bản tính của con người có các lựa chọn, hy sinh, chiến đấu, và chết vì tình yêu hay vì thù ghét, mà xét cho cùng chỉ là cái tương ứng tiêu cực của tình yêu. Tuy nhiên, trong quan niêm của Chúa Giêsu tình yêu không chỉ là một luật lệ đơn thuần pháp lý, mà là đặc thái nòng cốt cao cả nhất của toàn giáo lý và luân lý hướng dẫn cung cách sống và hành xử của con người. Vì Tình yêu là chính Thiên Chúa. Do đó khi biết yêu mến xót thương nhau, cuộc sống con người sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.