2014-10-17 11:33:49

Chu toàn bổn phận công dân, nhưng không quên bổn phận đối với Thiên Chúa (Chúa Nhật XXIX A; Mt 22,15-21)


Phúc Âm theo thánh Mátthêu. Bấy giờ những người Pharisêu bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nới với Đức Giêsu rằng: ”Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Cesar hay không?” Nhưng Đức Giêsu biết họ có ý ác, nên Người nói: ”Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!. Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: ”Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: ”Của Cesar” Bấy giờ Người bảo họ: ”Thế thì của Cesar trả cho Cesar; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi”.

SUY NIỆM

Ngày xưa các vua chúa thường đúc tiền với hình nổi và danh hiệu của mình để lưu hành trong khắp vương quốc. Đồng tiền có thể bằng vàng, bạc, hay đồng hoặc một chất liệu khác. Nó có mục đích đáp ứng các nhu cầu giao dịch buôn bán, kinh tế tài chánh, nhưng đàng khác cũng để vinh danh vị vua đang cai trị. Vào thế kỷ thứ I thời Chúa Giêsu đồng tiền mang hình của hoàng đế Roma. Đế quốc Roma bành trướng đến nơi nào thì người dân sống dưới ách thống trị của họ ở đó đều phải nộp thuế cho họ.

Người Pharisêu và người phe vua Hêrôđê muốn dùng việc nộp thuế như bẫy sập để có cớ tố cáo và loại trừ Đức Giêsu thành Nagiarét, là một vị thầy giảng dậy rất hấp dẫn, có uy tín và làm được nhiều phép lạ, khiến cho dân chúng ùn ùn theo Người ở khắp mọi nơi. Và sự kiện này khiến cho các Pharisêu các Kinh Sĩ, Thầy Cả Thượng Phẩm, giới Tư Tế và các người phe Hêrôđê ghen tức và lo sợ cho uy tín và nhất là cho các lợi lộc của họ.

Tin Mừng hôm nay là một thí dụ điển hình cho thấy sự căng thẳng thường xuyên trong lịch sử giữa thế quyền và thần quyền, giữa Nhà Nước và Giáo Hội, giữa các thưc tại trần thế và các thực tại thiên linh. Chúa Giêsu và Giáo Hội đã mở ra một kỷ nguyện mới, bằng cách làm cho Nước của Thiên Chúa trở thành thực tại trong cuộc sống con người, nhưng không thể loại bỏ các va chạm có thể xảy ra. Thật ra các va chạm ấy trái lại gia tăng. Đụng độ đầu tiên xảy ra với đế quốc Roma và hậu qủa là biết bao nhiêu cuộc bách hại khiến cho hàng ngàn kitô hữu bị giết vì đạo. Sự va chạm ấy lập lại, khi Kitô Giáo bước vào trong lịch sử của các dân ngoại Germanic rồi với đế quốc Ba Tư, đế quồc hồi giáo trong nhiều thế kỷ, và mới hơn nữa là với đế quốc Nhật Bản, Tầu và các ché độ cộng sản vì các ý thức hệ hoàn toàn trái nghịch. Thế rồi cũng xảy ra biết bao nhiêu trái nghịch trong các quốc gia công khai tuyên xưng niềm tin kitô và có nền văn hóa kitô, như các quốc gia Âu châu, ngày nay vì các ý thức hệ duy đời cực đoan, tương đối hóa luân lý và vô thần thực tiễn muốn loại bỏ ảnh hưởng của Kitô giáo khỏi tâm trí, gia đình và môi trường xã hội.

Lý do của các xung khắc ấy đôi khi là do người của Giáo Hội, nhưng thường khi là vì xã hội không thừa nhận sứ mệnh thiên linh của Giáo Hội có các quyền không thể khước từ được. Sự xâm lấn và ngăn cản của quyền bính chính trị đối với Giáo Hội mang nhiều tên gọi khác nhau nhằm lèo lái, điều kiện hóa, khống chế và sử dụng Giáo Hội cho các mục đích trần gian khiến cho Giáo Hội chịu nhiều nhục nhã. Vào thời Trung Cổ đường hướng của độ phong kiến thường dẫn đưa tới chỗ lẫn lộn giữa hai lãnh vực dân dự và tôn giáo gây ra rất nhiều thiệt hại cho xã hội chính trị và cộng đoàn tôn giáo, cả khi nó có đem lại nhiều điều lợi cho cả hai bên.

Trong lịch sử của mình Giáo Hội đã tìm cách thoát khỏi sự bảo trợ nặng nề của đế quốc trong thời xa xưa là một cơ chế chính trị tôn giáo, và là nguồn gốc của các đua tranh tai hại được gọi là các đấu tranh giữ ”chức tư tế và đế quốc”. Các chủ thuyết mới như thiên quang luận, tự do, các nhà nước độc tài và các nền dân chủ mới cũng rất thường khi tạo ra các xung đột, rất may được giải quyết nhờ các thỏa hiệp.

Câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu trong Phúc Âm hôm nay minh xác sự hợp pháp và cần thiết của các cơ cấu nhà nước và bổn phận của kitô hữu và mọi công dân phải tôn trọng và tuân hành các luật lệ xã hội dân sự chính đáng, không trái nghịch với các nguyên tắc luân lý và công ích.

Chính trị chính đáng và tôn giáo là hai lãnh vực khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là phục vụ công ích và mưu cầu hạnh phúc cho con người và thịnh vượng cho xã hội. Vì thế cần tôn trọng lẫn nhau, cộng tác với nhau, mà vẫn duy trì được sự độc lập và thế quân bình trong tương quan hằng ngày, để không xảy ra cảnh chống đối, xâm lấn, hay đàn áp. Vì ”của Cesar thì trả lại cho Cesar; còn của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa”.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.