2014-10-10 13:08:24

CÓ AI CẢM THẤY VUI MỪNG PHẤN KHỞI MÀ KHÔNG NHỜ THIÊN CHÚA BAN CHO?


... Thứ sáu ngày 16-11-2007 nữ tu Emmanuelle Cinquin mừng thượng thọ bách niên. Nữ Tu Emmanuelle thuộc Hội Dòng Đức Bà Sion, chuyên nghề giáo dục. Năm 1971, Chị từ giã ghế giáo sư triết học tại thủ đô Paris để dấn thân hoạt động bên cạnh những người nghèo, chuyên sống nghề bới rác, tại khu ổ chuột ngoại ô thủ đô Le Caire của nước Ai Cập. Sau đó Chị trở về Pháp an vui tuổi già và hân hoan đón chờ cái chết. Trong tác phẩm tựa đề “Mille et Un bonheurs” (Nghìn lẻ Một hạnh phúc) xuất bản ngày 8-11-2007 Chị Emmanuelle thổ lộ:

- Cái chết khiến lòng tôi vui thỏa. Vào lúc tiến gần đến cõi sống muôn đời, tôi thấy cái chết giống như tác động đứa bé lao vào vòng tay Cha nó. Tôi tự đặt mình trong chân lý cốt yếu của Đức Tin tôi có nơi THIÊN CHÚA. Tôi là ái nữ của Ngài. Tôi sinh ra và tôi sẽ bước vào cái chết bằng mối liên hệ con thảo trìu mến dọc dài suốt cuộc đời tôi. Tôi chuẩn bị sống cuộc gặp gỡ thân tình với THIÊN CHÚA, Đấng tôi tôn thờ kính mến. Tình Yêu, trong diện đối diện với vĩnh cửu. Đó là ước nguyện cuối cùng của cuộc đời tôi nơi thế gian này.

(Nữ Tu Emmanuelle Cinquin - nhũ danh Madeleine Cinquin - mang hai dòng máu Pháp-Bỉ. Thân phụ người Pháp và thân mẫu người Bỉ. Chị chào đời tại Bruxelles thủ đô vương quốc Bỉ ngày 16-11-2008 và qua đời tại thành phố Callian miền Var ở Tây Nam nước Pháp ngày 20-10-2008. Chị xin khắc trên mộ hàng chữ ”J'ai vécu” (Tôi đã sống). Chị được nhận là công dân danh dự của Ai Cập năm 1991).

Xin nhường lời cho Nữ Tu Emmanuelle Cinquin - dịp mừng thượng thọ bách niên - nói về ý nghĩa cao cả đích thật của niềm hạnh phúc đến từ THIÊN CHÚA.

Hồi còn nhỏ - năm lên 6 tuổi - hạnh phúc tỏ lộ cho tôi thấy cái bộ mặt trái của nó. Thân phụ tôi - người hiện thân trọn niềm hạnh phúc của cô bé được nưng niu cưng chìu - bị chết đuối ngay trước mắt tôi. Hôm ấy là một Chúa Nhật buổi sáng mùa thu năm 1914. Đệ nhất thế chiến 1914-1918 vừa bùng nổ. Trước khi lên đường nhập ngũ, Ba tôi muốn trọn gia đình vui hưởng niềm sum họp vài ngày tại Ostende. Từng là tay bơi giỏi, Ba tôi muốn thử tài bơi qua biển Bắc, đang bị giao động vì sóng to gió lớn. Nhưng Ba tôi không vượt khỏi cơn sóng cao, mang Ba tôi đi thật xa. Tôi nhớ rõ mình đã hét lớn trên bãi biển cùng với chị gái và đứa em trai. Chúng tôi gào to với trọn sức lực trẻ thơ: ”Ba ơi, bơi vào!”. Nhưng Ba không còn có thể nghe được tiếng của chúng tôi .. Các đợt sóng đã mang xác Ba tấp vô bờ vào ngày hôm sau. Niềm hạnh phúc nhường chỗ cho nỗi đắng cay. Hạnh phúc biến thành bất hạnh. Nét đẹp hoang dại của biển cả mang cái mặt nạ bi thảm niềm đau đớn của tôi. Những bọt nước trắng xóa trên các ngọn sóng lớn tan thành nước mặn chát - nước mắt của tôi. Những giọt nước mắt mà tôi đổ ra không biết bao nhiêu trong một thời gian rất lâu sau cái chết thảm thương của thân phụ.

Từ đó tôi trở nên cô bé nhạy cảm ưa khóc nhè. Chỉ cần một trái ý nhỏ cũng đủ làm tôi bật khóc nức nở. Chẳng có gì đáng trách cũng làm tôi nổi giận. Tôi thường đánh đập tàn nhẫn đứa em trai vô tội, lấy cớ mình phải chịu quá nhiều đau khổ. Trở thành thiếu nữ, mỗi khi Mẹ tôi ngăn chặn những ước muốn thất thường của tôi, đủ làm tôi khóc lóc nhớ thương Ba. Tôi dại dột nghĩ rằng, nếu Ba còn sống, hẳn người sẽ thỏa mãn mọi ước muốn cho dù nhỏ nhặt của tôi. Tuổi thơ và tuổi thanh xuân cuộc đời tôi dệt thành và xây dựng trên thảm kịch này.

Từ kinh nghiệm bi thương ấy tôi học hiểu thế nào là cái dòn mỏng của các niềm hạnh phúc trên cõi đời này. Nỗi đau đớn về cái chết của thân phụ tôi đã tô màu trên mọi hạnh phúc cuộc đời tôi. Từ đó tôi biết nếm hưởng những niềm vui đơn giản nhất của cuộc sống và không bao giờ bám víu vào hạnh phúc. Tôi hiểu rõ hạnh phúc không bao giờ kéo dài lâu. Vì thế tôi tận hưởng với trọn niềm vui - ngay trong chốc lát - những giây phút ân thánh diệu kỳ mà cuộc đời trao tặng con người. Nhưng tôi không bao giờ tìm cách kéo dài hay giữ lại những hạnh phúc đang diễn ra. Tôi chấp nhận số phận mong manh của hạnh phúc, giống y như những bọt nước trắng xóa trên đầu các ngọn sóng. Nó chỉ diễn ra trong phút chốc!

Hạnh phúc cuộc đời không bao giờ có thể nắm bắt được. Người ta nghĩ rằng có thể cầm giữ hạnh phúc. Thật ra hạnh phúc chỉ là bèo bọt chóng tan. Nó tới rồi tan như những đợt sóng. Niềm hạnh phúc của con người luôn để lại chất vị cay đắng mau qua. Nó để lại mùi vị sự chết.

Ngay từ niên thiếu tôi đã cảm nghiệm cái trống không vô nghĩa. Vì thế tôi thích đùa chơi, nhảy nhót và đi xem chiếu bóng. Nhưng rồi trống không vẫn hoàn trống không. Lúc ấy tôi sống ở Bruxelles thủ đô vương quốc Bỉ. Tôi bay cái vèo sang Luân Đôn thủ đô Anh quốc để đùa chơi nhảy nhót. Rồi tôi lại bay cái vèo trở lại Bruxelles. Chưa hết. Tôi chạy sang thủ đô Paris. Tôi nhảy nhót chơi đùa. Rồi tôi trở lại Bruxelles.

Nhưng cái trống không vô nghĩa vẫn ám ảnh bám sát tôi suốt thời xuân trẻ. Tôi tìm cách lấp đầy khoảng trống. Thế là tôi bắt đầu tìm kiếm nơi THIÊN CHÚA một Tình Yêu bền chặt và vô giới hạn, tình yêu mà cuộc đời khước từ không trao tặng cho tôi. Bỏ lại sau lưng các giọt nước mắt đắng cay, tôi bắt đầu tìm kiếm một con đường cho phép tôi có thể tiến đến với Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong vương quốc Tình Yêu của Ngài. Tôi khao khát tìm kiếm Tuyệt Đối. Tuyệt Đối đây chính là Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong trái tim tôi và tôi mang Tình Yêu ấy đến cho muôn vạn đứa trẻ bị xã hội ruồng rẫy bỏ rơi bên lề cuộc sống.

Niềm vui lớn lao nhất của tôi lúc còn bé là ngày Rước Lễ Lần Đầu. Mẹ tôi nói với tôi:

- Con sắp được rước Đức Chúa GIÊSU vào lòng. Vì lý do đó con phải cố gắng sống tử tế ngoan hiền. Lòng con phải trắng tinh để rước Chúa ngự vào.

Lời Mẹ dặn ghi khắc trong trái tim thơ trẻ của tôi. Mặt khác, tôi được may mắn chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu bởi Cha Phó nhà thờ Thánh Vinh Sơn Phaolô ở thủ đô Paris. Cha Phó là một Linh Mục tuyệt vời. Cha giảng giải với trọn nhiệt tình bằng thứ ngôn ngữ vừa tầm hiểu biết tiếp thu của bọn con nít chúng tôi. Cha nói với chúng tôi về một THIÊN CHÚA Nhân Lành hết mực yêu thương chúng tôi và chúng tôi phải học biết cách thức yêu thương như thế nào cho đúng. Cha Phó nhấn mạnh rất nhiều trên TÌNH YÊU. Mỗi đứa trẻ chúng tôi phải học thuộc lòng một đoạn Phúc Âm.

Phần tôi, tôi phải học thuộc lòng đoạn Phúc Âm kể lại Đêm Đức Chúa GIÊSU ở trong vườn Giệtsêmani. Đó là một trong những giai đoạn bi thương nhất của Kinh Thánh .. Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU đã khiến con tim tôi trở nên nhạy cảm và làm cho Ngày Rước Lễ Lần Đầu trở thành ngày đẹp nhất đời tôi trong thời thơ ấu. Năm ấy tôi lên 10 tuổi. Giờ đây - tròn 100 tuổi - Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU vẫn còn rung động trái tim tôi.

Tôi vào tu viện năm 21 tuổi. Hồi ấy các thỉnh sinh mặc áo dòng phủ kín màu đen, đầu đội mũ nhỏ viền dentelle và cột lại bằng cái nơ. Thật là một trang phục dị kỳ! Đúng là y phục của một bà góa! Vậy mà, khi khoác lên mình tu phục này, lòng tôi lại cảm nghiệm một niềm hạnh phúc tràn trề - niềm hạnh phúc của kẻ được tự do, được giải thoát khỏi mọi vướng bận trần thế! Trước đó, tôi không bao giờ có đủ tiền để mua sắm các vật dụng trang điểm. Giờ đây, tôi khỏi phải chạy theo thời trang để mua cho được cái mũ lạ, đôi giày xinh! Tôi muốn làm đẹp bằng mọi giá. Tôi tìm đủ mọi cách để được khen ngợi được chiêm ngắm và nhất là để lôi cuốn cái nhìn của các chàng trai. Bỗng chốc giờ đây, tôi không cần mấy cái thứ đó nữa! Giờ đây, tôi khởi đầu một cuộc sống viên mãn. Con tim tôi hoàn toàn thỏa mãn. Thánh Augustino quả thật chí lý khi nói:

- Chúa dựng nên chúng con vì Ngài, ôi lạy Chúa, và con tim chúng con không ngừng khao khát tìm kiếm cho đến khi nào nó được nghỉ ngơi trong Chúa.

Một cuộc thăm dò đã tỏ lộ cho thấy niềm hạnh phúc đích thật nhất của hầu hết các phụ nữ - cũng như của nam giới - là khi con cái họ sinh ra. Không biết bao nhiêu lần - nơi các khu xóm ổ chuột - tôi được chứng kiến niềm hạnh phúc của phụ nữ khi được làm mẹ và niềm hạnh phúc của người cha khi được ôm trong vòng tay lần đầu tiên đứa con thơ mới chào đời! Tôi chia sẻ niềm vui của bậc cha mẹ cảm thấy hạnh phúc vì đã thông truyền sự sống cho một người con sinh ra. Dĩ nhiên tôi không kinh nghiệm niềm vui của người phụ nữ với bào thai đang lớn lên trong dạ. Nhưng tôi có thể nói: ”tôi đã cho các trẻ em chào đời” trong nghĩa là tôi đã thay đổi cuộc sống của chúng.

Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi trên trái đất này là khi tôi khánh thành ngôi trường dành cho các trẻ nữ nơi khu xóm ổ chuột. Ngày hôm ấy tôi đã khóc vì sung sướng. Đó là thành quả của không biết bao nhiêu cố gắng nhằm biến đổi cuộc sống của các trẻ nữ nô lệ, bị bắt buộc phải lấy chồng lúc tuổi đời mới lên 11 hay 12. Các ông chồng lớn tuổi thường đánh đập tàn nhẫn các trẻ gái trong đêm tân hôn để dạy cho các trẻ gái biết tùng phục .. Các trẻ gái này giờ đây có thể thoát khỏi vòng bảo hộ của những người ở một thế hệ khác. Các trẻ gái từ đây có thể làm chủ vận mệnh cuộc đời chúng. Chúng có thể học hành đến nơi đến chốn. Một khi trở thành mẹ, chúng sẽ thông truyền cho các đứa con gái một nền giáo dục tân tiến. Tôi khóc vì sung sướng khi nhìn thấy các trẻ gái vui tươi nhí nhảnh trong bộ đồng phục nữ sinh. Ngày khánh thành trường nữ trung học Basma thuộc khu ổ chuột ở ngoại ô thủ đô Ai Cập là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi nơi trần gian này.

Nơi khu ổ chuột, tôi sống trong hạnh phúc. Chính nơi khu xóm ổ chuột mà tôi trải qua những năm hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Tôi đã sống 22 năm công lý! 22 năm chia sẻ. Tôi gặp khó khăn trong vấn đề tài chánh. Tôi muốn giúp mọi người có được sức khoẻ tốt. Nhưng tôi không đạt được ước nguyện. Người ta chết rất nhiều trong cuộc sống khốn khổ ở xóm ổ chuột. Sống và chết đồng hành mỗi ngày nơi khu ổ chuột. Niềm hạnh phúc của tôi ở khu ổ chuột pha lẫn với nỗi đau đớn sâu xa .. Tôi chạm đến mức giới hạn của tôi trong một lần nói chuyện với Cha Pierre. (Cha Pierre tên thật là Henri Grouès 1912-2007). Tôi vui mừng báo tin cho Cha Pierre biết rằng chương trình học đường tiến triển khả quan, rằng trường trung học dành cho nữ sinh đang trên đà phát triển tốt đẹp, rằng một xưởng kỹ nghệ sắp thành hình để biến đổi rác rưởi thành những chất liệu có thể sử dụng được. Các rác rưởi từng bị xem như chất độc giờ đây sắp được biến thành nguồn liệu giàu có. Cha Pierre lẳng lặng nghe tôi nói. Lúc tôi chấm dứt, một nét buồn hiện rõ trong ánh mắt khi Cha hỏi tôi:

- Còn những người khác thì sao hỡi Chị Emmanuelle? Những người mà Chị không thể cứu giúp được thì sao?

Câu hỏi vạch trần cái hạn hẹp của tôi. Đúng thế, khả năng con người thật bé nhỏ trong việc cấu thành niềm hạnh phúc trên trái đất này. Đó cũng là điểm đau thương trong giáo huấn của Đức Chúa GIÊSU. Trọn cuộc sống nơi dương thế của Đức Chúa GIÊSU KITÔ dạy chúng ta hiểu rằng hạnh phúc không phải ở nơi trần gian. Nếu không biết chấp nhận sự thật này thì con người dễ rơi vào tâm tình phản loạn.

Trên nền đớn đau và không toại nguyện, cần phải biết định giá và hưởng nếm muôn nghìn hạnh phúc bé nhỏ đơn sơ mà cuộc đời cống hiến cho chúng ta dọc dài một ngày từ sáng sớm đến chiều tối. Chúng xuất hiện như một luồng chớp, một tia sáng mặt trời loé lên trên bầu trời âm u phủ mây mù. Đó là niềm hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của một em bé, khuôn mặt của một người chúng ta trìu mến yêu thương, một cành cây trĩu nặng các trái vả chín mùi .. Niềm hạnh phúc khi thưởng thức rượu champagne và ăn bánh ướp lạnh với vanille tráng chocolat nóng vào ngày tôi mừng sinh nhật thứ 90 ..

Rồi có niềm hạnh phúc chia sẻ như một cuộc trao đổi đậm tình, đọc một bài viết hay hoặc gặp một người bạn dấu ái .. Tôi không tin rằng ”Nghìn lẻ Một Hạnh Phúc” có thể thỏa mãn hoàn toàn khát vọng hạnh phúc và tìm kiếm viên mãn của chúng ta. Bởi vì, trong Nghìn lẻ Một Hạnh Phúc luôn luôn thiếu một cái gì đó. Không có gì hoàn hảo trên thế gian này. Cái Nghìn lẻ Một Hạnh Phúc của chúng ta mang đầy cái mỏng manh dòn mỏng của thế giới này. Chúng không đủ sức chịu đựng cái xoáy mòn của thời gian. Nghìn lẻ Một Hạnh Phúc không kéo dài lâu nhưng ít ra chúng ban cho chúng ta sức mạnh để hân hoan đương đầu với các khó khăn trên cõi đời này.

... ”Đối với con người, không có gì tốt hơn là ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra! Nhưng chính tôi đã thấy là điều đó cũng do THIÊN CHÚA mà đến, vì có ai ăn uống, có ai cảm thấy vui mừng phấn khởi mà không nhờ THIÊN CHÚA ban cho? Ai đẹp lòng THIÊN CHÚA, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui; ai có tội, thì Người bắt phải vất vả gom góp và tích trữ, để trao lại cho kẻ đẹp lòng Người. Điều ấy cũng chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát” (Giảng Viên 2,24-26).

(”La Vie”, n.3245, Semaine 8 Novembre 2007, trang 10-15)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.