2014-07-14 17:50:12

Mục vụ cho các cặp ly dị tại tổng giáo phận Palermo nam Italia.


Phỏng vấn bà Maria Pia Campanella, thuộc nhóm ”Thánh Maria làng Cana” và tác giả cuốn sách tựa đề ”Cho đi chính mình”, cẩm nang đồng hành thiêng liêng với các người ly thân hay lỵ dị.

Mục vụ cho những người ly thân ly dị hiện nay là một trong các dấn thân của tổng giáo phậm Palermo, thủ phủ đảo Sicilia nam Italia. Chương trình mục vụ này có tên gọi là ”Thánh Maria làng Cana” và là một lộ trình mục vụ đồng hành với những người đã ly thân ly dị, nhưng không tái hôn và cũng không chung sống với người khác.

Ngày nay với con số các cuộc hôn nhân đổ bể gia tăng, công tác mục vụ cho các tín hữu đã ly thân, ly dị sống một mình hay đã tái hôn, đang trở thành một thách đố lớn đối với các Giáo Hội tây âu. Tại Italia thống kê năm 2009 cho biết có 3 triệu 113 ngàn người có hôn nhân đổ bể, tức chiếm 6,1% trên tổng số dân từ 15 tuổi trở lên.

Sau khi chia tay nhau 35,8% phụ nữ phải đóng vai người cha gia đình, trong khi chỉ có 7,3% nam giới phải đóng vai người mẹ. Sau khi chia tay 43% nam giới sống một mình, trong khi đó nữ giới là 25,4%. Liên quan tới số người tái hôn nam giới chiếm 32%, nữ giới chiến 23,3%. Số phụ nữ ly thân, ly dị hay tái hôn có nguy cơ phải sống trong cảnh nghèo là 24% so sánh với 15,3% nam giới. Và các bà mẹ một mình có nguy cơ sống nghèo lên tới 28,7% so với 24,9% các bà mẹ ly thân ly dị. Sau khi gia đình đổ bể có 32,5% nam giới và 39,3% nữ giới trở về nhà cha mẹ, 36,8% nam giới và 30,5% nữ giới tìm thuê một nhà khác.

Vẫn theo thống kê do Sở thống kê Italia công bố 50,9% nam giới và 40,1% nữ giới rơi vào tình trạng kinh tế tồi tệ hơn, sau khi gia đình đổ bể. Số người không có công việc toàn thời trong lúc ly thân hay lỵ dị chiếm 54,7% và số người có con trong thời điểm đổ bể này chiếm 52,9%. Tuy nhiên chỉ có 19%, đa số là nữ giới, sống tại miền Nam Italia nhận được sự trợ giúp trong hai năm sau đó. Người ta cũng được biết rằng 52,8% con cái của các cặp ly thân lỵ dị không ngủ ở nhà cha chúng trong hai năm sau khi hai vợ chồng bỏ nhau, và 21,1% không bao giờ lui tới nhà cha chúng nữa.

Sau khi cha mẹ ly thân ly dị 20,7% con cái có sức học kém đi, và có 6% thi rớt đại học hay phải thi lại. Cũng sau khi gia đình đổ bể 18,6% con cái không gặp cha hay ít gặp cha và bà con bên nội, và 8,7% không gặp mẹ hay ít gặp mẹ và bà con bên ngoại. Liên quan tới lãnh vực y tế, sau khi gia đình đổ bể 5% các cha mẹ không còn khả năng tài chánh thường xuyên khám bệnh cho con cái; 14,7% không còn khả năng cho con theo các lớp học bổ túc, 16,1% không có tiền cho con đi tập thể thao thể dục, và 24,1% không có khả năng gửi con tới các trại hè nữa.

Trong các xã hội tây âu, cách riêng là tại các nước bắc âu, nạn ly thân ly dị ngày càng gia tăng, có khi lên tới hơn hai phần ba, với tất cả các hậu qủa vô cùng tiêu cực trên bình diện thể lý, tâm lý và tinh thần cho con cái. Có nhiều trẻ em bị bệnh, sau khi cha mẹ ly thân ly dị. Riêng các chấn thương đau đớn khổ nhục tâm lý và tinh thần sẽ theo chúng suốt đời. Các thảm cảnh này của gia đình đòi buộc phải suy tư sâu rộng trở lại công tác mục vụ gia đình, bắt đầu với mục vụ giới trẻ và mục vụ chuẩn bị hôn nhân, cũng như mục vụ cho các đôi vợ chồng trẻ, và các đôi vợ chồng gặp khó khăn.

Sau đây là một số nhận định của bà Maria Pia Campanella, thuộc nhóm ”Thánh Maria thành Cana” và tác giả cuốn sách tựa đề ”Cho đi chính mình”, cẩm nang đồng hành thiêng liêng với các người ly thân hay lỵ dị.

Hỏi: Thưa bà Maria Pia, chương trình đồng hành mục vụ này có gì đặc biệt?

Đáp: Trước hết, lộ trình dự kiến tiếp đón các phụ nữ đã ly thân nhưng vẫn sống một mình, bởi vì họ rất mất hướng, và dĩ nhiên rất bị thương tích. Đây là một sự tiếp đón huynh đệ do các người sống cùng hoàn cảnh đảm trách.

Hỏi: Tổng giáo phận Palermo cũng cống hiến các lộ trình này cho những người đã ly dị tái lập gia đình. Bà có thể giải thích thêm cho biết làm thế mào để phân biệt các hoàn cảnh khác nhau một cách tốt hơn hay không, các hoàn cảnh mà Giáo Hội đang phải đương đầu trong công tác mục vụ gia đình ngày nay?

Đáp: Lộ trình cho các người ly dị và cho các người tái hôn bắt đầu mới đây thôi. Một cách cụ thể, các tài liệu của Giáo Hội cũng như cuốn ”Hướng dẫn mục vụ gia đình” cũng phân biệt hai tình trạng khó khăn và không bình thường. Tình trạng khó khăn thứ nhất là của những người ly thân hay ly dị mà sống một mình, không có các kết hiệp khác. Tình trạng thứ hai, trái lại, là tình trạng bất thường liên quan tới những người đã ly dị mà lại tái hôn trên bình diện dân sự, các bạn trẻ chung sống không làm đám cưới và các cặp không lấy nhau trong nhà thờ, nhưng chỉ lấy nhau trên bình diện dân sự.

Hỏi: Như vậy con đường đồng hành với những người ly thân hay lỵ dị sống một mình diễn ra như thế nào thưa bà?

Đáp: Đó là một cuôc gặp gỡ cầu nguyện trước hết tái xây dựng căn tính là con cái Thiên Chúa của họ. Nếu tôi không cảm thấy được Thiên Chúa Cha yêu thương, tôi cũng sẽ không biết tiếp tục bước đi trên con đường tha thứ: đây là chặng thứ hai. Chặng thứ ba là làm nổi bật lên căn tính hôn nhân: nếu chúng ta ta đã thất bại trong chương trình nhân bản giữa con người với nhau, thì chương trình hôn nhân với Thiên Chúa vẫn còn.

Hỏi: Là người có trách nhiệm theo dõi nhóm ”Thánh Maria làng Cana” của tổng giáo phận Palermo, bà là người đã ly dị nhưng không tái hôn, và đã tham dự vào các cuộc gặp gỡ với vài giáo phận khác và với những người đi cùng lộ trình. Bà có thể cho biết về các kinh nghiệm của bà hay không?

Đáp: Tôi đã tìm được sự trợ giúp trong các giáo xứ, và tôi đã bắt đầu chú ý dấn thân trong giáo xứ, rồi trong giáo phận và trong toàn nước Italia. Tôi đã tham dự các đại hội và đã tìm các tài liệu của Giáo Hội. Cả trong các giáo phận khác tôi đã thấy có sự thiếu sót trong khía cạnh này: đó là đối với người đã ly thân nhưng sống một mình cũng chưa có gì xác định và có giá trị cho họ trên bình diện mục vụ cả. Tôi phải nói rằng điều quan trọng là sự trao đổi. Sau cùng tôi đã lấy thí dụ của hiệp hội Pháp là ”Sự hiệp thông của Đức Bà Giao Ước” là hiệp hội đã có một lộ trình riêng cho các người ly thân sống một mình. Hàng năm hội này có tổ chức một cuộc gặp gỡ quốc tế với lễ nghi tái lập lại lời hứa với người phối ngẫu.

Hỏi: Thưa bà Maria Pia, bà cũng viết cuốn sách tựa đề ”Cho đi chính mình” được Đức Cha Salvatore di Cristina giới thiệu như là cẩm nang đồng hành, bàn về đề tài liên quan tới các người ly thân không tái lập gia đình, có đúng thế không?

Đáp: Vâng. Tôi muốn nói rằng đây là cuốn sách đầu tiên - ít nhất là trong tình trạng hiện nay tôi chưa thấy các sách khác - do một người sống tình trạng ly thân không tái hôn viết.

Hỏi: Trong sách cũng có một công thức canh tân các lời hứa hôn nhân, có phải thế không thưa bà?

Đáp: Vâng, mỗi năm chúng tôi làm một vòng các cuộc gặp gỡ hai tháng một lần, rồi kết thúc với một cuộc tĩnh tâm, trong đó có thánh lễ. Và trong thánh lễ - nếu ai muốn, điều này không bắt buộc - nếu ai muốn có thể canh tân các dấn thân của hôn nhân. Nghi thức này đã do linh mục Pietro Sorci, giáo sư Phụng Vụ tại phân khoa thần học của đại học Palermo, biên soạn. Ngài đã cho chúng tôi công thức ấy và chúng tôi chuyền cho những người khác. Sự trung thành của chúng tôi đối với Thiên Chúa chúng tôi cống hiến nó cho gia đình, cho người phối ngẫu, cũng như cho toàn thể Giáo Hội, cho các gia đình hiệp nhất, để chúng có thể tiếp tục hiệp nhất, cũng như cho các linh mục, để các ngài không phản bội ơn gọi của mình. Như thế, đây là sự hiệp thông nổi tiếng của các thánh, nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta tất cả được mời gọi bước vào sự hiệp thông với mối dây nối kết của Bí tích Rửa Tội.

Hỏi: Có một mẫu gương nổi tiếng của một người ly thân không tái hôn, mà qúy vị đang lấy làm mô thức: đó là vị tôi tớ Chúa Francesco Paolo Gravino, hoàng thân vùng Palagonia, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy, và ngài lại là người tỉnh Palermo. Chúng tôi hướng tới ngài là người sau 10 năm sống đời hôn nhân đã phải ly thân, vì vợ có liên hệ với một ông hoàng khác. Đương nhiên là hoàng thân Francesco Paolo đã rất đau khổ. Ông đã muốn trở thành giáo dân dòng ba Phanxicô và tận hiến cuộc sống còn lại cho các người ăn mày sống vất vưởng trên các đường phố. Ngài đem họ về, và cho họ sống trong các cơ cấu tiếp đón do ngài thành lập. Và mgài đã sống trước Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, ngài cũng lo cho họ có một việc làm và tái trao ban nhân phẩm cho họ. Ông hoàng này đã trở thành gương mẫu cho chúng tôi và thỉnh thoảng chúng đôi tìm đến cầu nguyện trên mộ của ngài.

(RG 4-7-2014)
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.