2014-07-09 17:21:17

Thái độ độc tài dẹp bỏ mọi khác biệt nam nữ


Phỏng vấn ông Claudio Gentili, giám đốc nguyệt san ”Xã hội” của Hiệp hội Toniolo

Hồi hạ tuần tháng 3 năm 2014 Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám Mục Italia đã nhóm phiên họp mùa Xuân tại Roma. Trong diễn văn khai mạc phiên họp Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, đã định nghĩa ý thức hệ về giống như là một chế độ độc tài muốn san bằng các khác biệt và biến mọi sự thành luật tới độ coi căn tính người của người nam và người nữ như là các điều thuần túy trừu tượng. Đức Hồng Y đã khích lệ các bậc cha mẹ đừng để mình bị hù dọa bằng cách minh nhiên nguy cơ các trường học biến thành ”các trại cải tạo và nhồi sọ”. Đức Hồng Y cố ý ám chỉ ba tập sách nhỏ ”Giáo dục sự khác biệt” phổ biến trong các cơ cấu giáo dục tại Italia, nhằm biện minh cho chủ trương lệch lạc xóa bỏ sự khác biệt phái tính và loại bỏ các từ cha mẹ.

Thật thế, từ vài thập niên qua càng ngày người ta càng chứng kiến các cung cách suy tư và hành xử lệch lạc của nhiều tầng lớp xã hội tây âu, nhất là nhiều giới chức chính trị, văn hóa, xã hội. Cách đây 20 năm khi soạn thảo Hiến pháp cho Liên Hiệp Âu châu, các giới chức chính trị duy đời cực đoan đã nhắm mắt loại bỏ sự thật hiển nhiên nguồn gốc kitô của nền văn hóa và văn minh tây âu. Nhưng khi khước từ căn cội kitô của mình như thế là người ta phản bội lịch sử và làm sai lạc mọi sự. Có lẽ đây là một trong các lý do khiến cho nỗ lực thống nhất âu châu không thành công như nhiều người mong mỏi.

Tuy đã cố gắng rất nhiều nhưng cho tới nay Liên Hiệp Âu châu vẫn chưa thoát ra khỏi các hậu qủa tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, khiến cho nạn thất nghiệp gia tăng một cách đáng lo ngại, đã có lúc làm lung lay đồng Euro, và khiến cho phong trào chống Liên Hiệp gia tăng.

Việc chối bỏ căn cội kitô khiến cho nhiều giới chức chính trị duy đời cực đoan phê bình, chỉ trỉch, vu khống Kitô giáo, bôi nhọ hàng lãnh đạo Giáo Hội và bắt buộc các vị phải im lặng không được lên tiếng liên quan tới các vấn đề xã hội và luân lý đạo đức.

Thật ra, trong các thập niên qua các chính quyền tây âu đã không chỉ theo nhau đưa ra các luật cho phép phá thai, trợ tử, ly dị, hôn nhân đồng phái, mà còn đi tới các ý thức hệ bệnh hoạn nhằm xóa bỏ sự khác biệt phái tính, loại trừ khỏi sách giáo khoa các từ ”cha, mẹ” và thay thế vào đó bằng các từ mơ hồ không diễn tả phái tính như ”người sinh ra thứ nhất”, ”người sinh ra thứ hai”, như trường hợp Italia, là quốc gia có đa số dân theo Công Giáo.

Thế rồi cũng tại Italia, nhân danh tự do tín ngưỡng một vài phụ huynh còn kiện nhà trường vì treo Thánh Giá trong lớp học xúc phạm đến tự do của con họ không theo tôn giáo nào, hay vì nó là tín hữu hồi. Vậy mà quan tòa tỉnh Aquila đã phán quyết là đúng, và bắt nhà trường phải tháo gỡ Thánh Giá khỏi lớp học. Cũng liên quan tới sự hiện diện của vài học sinh hồi, để không xúc phạm tới niềm tin của vài học sinh người ta ra lệnh không được dậy học sinh hát các thánh ca Giáng Sinh. Tệ hơn nữa là chính một cha xứ một vùng nam Italia đã ra lệnh như thế cho các thầy cô. Đó là chưa nói tới chuyện một chiêu đãi viên hàng hàng không Anh quốc bị mất việc vì không tuân lệnh ban giam đốc cấm đeo ảnh tượng đạo mà vẫn tiếp tục đeo Thánh Giá. Rồi cũng bên Anh quốc từ nhiều thập niên qua chính quyền đã khuyến cáo các nhân viên không nên làm hang đá, trưng bầy tượng ảnh Giáng Sinh để không xúc phạm đến niềm tin của những người không kitô, ở đây là thiếu số người Hồi. Nhân danh quyền tự do tôn giáo của vài cá nhân, hay một thiểu số, người ta hủy bỏ quyền tự do tôn giáo của cả một tập thể, của toàn xã hội và của cả một dân tộc. Và các giới chức chính trị duy đời cực đoan tây âu có đầu óc lệch lạc bệnh hoạn vẫn coi đó là điều đúng đắn, phải lẽ.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhân định của ông ông Claudio Gentili, giám đốc nguyệt san ”Xã hội” của tổ chức Toniolo, và cùng tác giả với bà Laura vợ ông cuốn sách tựa đề ”Che mờ sự khác biệt”, đề cập tới vấn đề xóa bỏ khác biệt giữa nam giới và nữ giới.

Hỏi: Thưa ông Gentili, tại sao ông lại đặt tựa đề cho cuốn sách là ”Che mờ các khác biệt”?

Đáp: Không phải vô tình mà chúng tôi đặt tựa cho cuốn sách là ”Che mờ sự khác biệt”. Nhật thực là một thời gian tối tăm. Sự khác biệt giữa nam nữ ở đây không phải chỉ là một kinh nghiệm tôn giáo mà sách Sáng Thế nói tới: Thiên Chúa tạo dựng nên loài người có nam có nữ. Nhưng nó cũng có chiều kích bản chất của con người nữa, và nó là một thực tại. Chúng ta đang ở trong một thực tại bị ngôn ngữ xóa bỏ. Trong các lý thuyết thời hậu tân tiến người ta xây dựng và tháo gỡ. Tư tưởng về người nam và người nữ bị coi như là cái gì tiêu cực vì các lý do nghiêm chỉnh. Tôi trông thấy trong phong trào ”giống” một cái gì rất tương tự như phong trào mác xít. Chủ thuyết mác xít cũng nảy sinh từ tư tưởng vượt thắng sự kiện con người khai thác bóc lột con người, và chủ thuyết mác xít đã làm gì? Nó đã bắt mạch đúng, nhưng đưa ra liệu pháp sai: đó là để loại bỏ tệ nạn người khai thác bóc lột người chủ thuyết mác xít xóa bỏ quyền tự do của con người. Ngày nay chúng ta ở trên cùng một mức độ. Cần phải hiểu rõ ràng ”giống”. ”Giống” nảy sinh để tránh chủ trương bài con người, ”giống” là một ý thức hệ nảy sinh với tư tưởng mạnh mẽ của công bằng, công bằng giữa một người nam và một người nữ; để tránh cái ưu thế của người nam người ta san bằng tất cả, người ta phê chuẩn cái sai trái như luật lệ. Như thế cần phải rất chú ý để phản ứng một cách thông minh, với một chút châm biếm. Chẳng hạn tôi xin gợi ý cho các cha mẹ là khi thấy trong các sách giáo khoa của con cái mình có viết ”người sinh thứ nhất - người sinh thứ hai” thì xóa bỏ chúng đi và điền vào đó ”cha và mẹ”. Đức Hồng Y Bagnasco có lý, đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng cần phải phản ứng theo kiểu của Đức Thánh Cha Phanxicô: với một nụ cười và với tư tưởng là sự thật không được khẳng định với cái chùy, nhưng với khả năng nhìn vào trái tim con người và làm cho nó khám phá ra rằng sự khác biệt tính dục, là người nam hay là người nữ, là một tin vui lớn cần loan báo cho các trẻ em.

Hỏi: Ông có lo âu trước sự kiện trong các trường học tai Italia, người ta không hỏi ý kiến hay phép của cha mẹ, khi người ta tìm cách ”giáo dục trở lại” thanh thiếu niên cho một xã hội khước từ sự khác biệt không? Đây là từ luôn luôn được Đức Hồng Y Bangasco dùng, có đúng thế không?

Đáp: Mỗi một ý thức hệ là lương tâm sai lầm. Chúng ta đang ở trong cái say sưa ý thức hệ này và hơn là một lương tâm sai lầm, ý thức hệ là một loại cũi bắt buộc chúng ta suy nghĩ nó theo cùng một cách. Vì vậy điều quan trọng là hiểu rằng các cha mẹ có quyền can thiệp vào việc giáo dục con cái họ, và các cha mẹ có ý muốn và khả năng không để cho các ý thức hệ này được nhồi nhét và khắc ghi vào đầu óc của con cái họ, các ý thức hệ không tôn trọng sự tự do của con người.

Hỏi: Xin tiếp tục trích lời của Đức Hồng Y Bagnasco là người đã nói rằng: ”Các chế độ độc tài trở lại bên Tây Phương”. Việc khước từ sự khác biệt phái tính bao gồm cái gì, và tại sao ông lại nói rằng đây là một ”tình trạng khẩn cấp xã hội” trước khi gán cho nó lãnh vực tôn giáo?

Đáp: Chúng ta phải giúp con cái chúng ta được dẫn nhập vào trong thực tại. Giáo dục là dẫn đưa vào thực tại. Ý thức hệ là việc trốn chạy thực tại. Tôi tin rằng các trẻ em nam nữ, với trực giác của các em và khả năng của các bậc cha mẹ gần gũi các em, sẽ khám phá ra vẻ đẹp của sự khác biệt phái tính và đề phòng các hạn hẹp của sự che mờ các khác biệt này, mà cũng như mọi sự che mờ khác, nó có lúc khởi đầu và cũng có lúc kết thúc trong thời gian ngắn. Tôi lạc quan nghĩ như thế.

Hỏi: Đứng trước sự che mờ này trong xã hội Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia khích lệ mọi người phải có một phản ứng mạnh mẽ khước từ và lo lắng. Ơng có tin rằng có sự nhận thức này trên bình diện xã hội hiện nay hay không?

Đáp: Tôi tin rằng xã hội chưa có nhận thức này, và để tạo ra nó cần phải có các kinh nghiệm gây sốc. Khi có các kinh nghiệm gây sốc, thì người ta sẽ phản ứng. Nhưng phản ứng tốt nhất là tự chuẩn bị mình. Đã đến lúc các tín hữu công giáo bắt đầu học hiểu trở lại, bởi vì thuyết về giống nảy sinh trong các đại học, nảy sinh trong các diễn đàn triết gia, nảy sinh trong các hội kín, và không thể chỉ trả lời bằng cách la to lên rằng ”quẳng cho chó sói, quẳng cho chó sói”. Cần phải trả lời với sự tinh tế văn hóa, bằng cách tiếp nhận các khía cạnh tích cực của ý thức hệ này như: chống lại việc bài xích con người, đòi hỏi giảm bớt sự kỳ thị đối với phụ nữ, thăng tiến sự thoát ly của nữ giới; và bằng cách nhận ra các khía cạnh tiêu cực sai lạc của nó là chính thức công nhận như là luật điều sai trái, đưa ra câu trả lời sai cho một đòi hỏi công bằng.

Hỏi: Và ông và phu nhân đã viết cuốn sách ”Sự che mờ khác biệt” chính là nhắm mục đích đưa ra lộ trình đào tạo này, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Chúng tÔi viết ra cuốn sách này chính là để giúp vạch ra một lộ trình đào tạo con người hiểu biết các vấn đề này một cách đúng đắn.

(RG 25-3-2014)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.