2013-10-31 15:53:34

Chiều kích thứ ba của bí tích hòa giải


Lần trước chúng ta đã khai triển hai chiều kích đầu tiên của bí tích hòa giải, hay bí tích giải tội, hoặc bí tích sám hối: bí tích hòa giải thời sự hóa lời cứu độ của Thiên Chúa qua trung gian Giáo Hội, việc xá giải qua các vị thừa tác giám mục linh mục, và lời cầu nguyện hữu hiệu của cộng đoàn giáo hội cho hối nhân. Chiều kích thứ ba là việc hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội, mà hối nhân là chi thể.

Sự can thiệp của Giáo hội như dấu chỉ hữu hình việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với hối nhân bảo đảm một cách hữu hình và trên bình diện lịch sử cho các kitô hữu ơn tha thứ và hòa giải với Thiên Chúa, đồng thời cũng ban cho họ sự bình an với Giáo Hội. Việc hòa giải với Thiên Chúa được đòi hỏi và được ban qua chức thừa tác thánh của Giáo Hội. Khi tín hữu phạm tội, họ xúc phạm đến tình yêu thương của Thiên Chúa và cũng gây thương tích cho Giáo Hội. Nghĩa là họ khiến cho gương mặt của Thiên Chúa nơi mình bị vấy bẩn, lọ lem, hôi thối, xấu xí đi, khiến cho nó không phản ánh gương mặt của Thiên Chúa nữa, và làm cho người khác không nhận ra Ngài khi nhìn vào họ nữa. Đồng thời khi phạm tội tín hữu cũng ngăn cản và làm giảm thiểu năng động hữu hiệu của Giáo Hội, như dấu chỉ sự kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại (LG 1). Vết thương ấy tạo ra nơi kẻ có tội một sự xa cách bản thể với Giáo Hội, là nơi kết hiệp với Thiên Chúa, một sự xa cách tình bác ái của Giáo Hội, là ơn của Chúa Thánh Thần; bởi vì tội lỗi luôn luôn là sự khước từ tình yêu, từ chối Thần Khí linh hoạt Giáo hội. Tội càng nặng bao nhiêu, thì sự khước từ lại càng trầm trọng bấy nhiêu. Đây không phải là một sự chia cách hữu hình và hoàn toàn, bởi vì nhờ ơn của bí tích Rửa Tội, tuy là kẻ có tội, tín hữu vẫn tiếp tục là thành phần của Giáo Hội, nhưng là một sự xa cách nội tâm và vô hình đối với tình bác ái cứu độ của cộng đoàn. Như thế không được hạn chế ở chỗ coi việc hòa giải như là một cử chỉ chỉ có giá trị trong trật tự của các tương quan pháp lý. Cần phải biết tiếp nhận việc sát nhập tín hữu vào Giáo Hội như là nơi sinh tử tháp nhập tín hữu vào Chúa Kitô. Nếu như thế việc chia sẻ thực thụ của hối nhân vào cộng đoàn, mà họ trở về, như là chi thể một cách tràn đầy, có thể được miêu tả, theo kiểu nói của Tin Mừng, như là tháp một cành vào thân nuôi dưỡng nó. Nhận sự an bình của Giáo hội, như vậy, có nghĩa là lấy lại chỗ là thành viên của mình trong môi trường sinh động này là Giáo hội. Việc trở lại bình an với Giáo hội đem lại sự tha tội và ơn tình yêu thương của Thiên Chúa và của Giáo Hội, nghĩa là ơn của Thần Khí Chúa Kitô lại hiệp nhất tội nhân với Giáo Hội, với Chúa Kitô với Thiên Chúa Cha. Nói một cách khác, kitô hữu đã chống lại và xa rời Thiên Chúa và các anh chị em khác, tìm trở lại tình yêu thương của Thiên Chúa trong tình yêu thương của các anh chị em khác, là sự hiện diện hữu hình và lịch sử của tình yêu Thiên Chúa trên trái đất này. Và như vậy chúng ta có thể nói rằng sự hoán cải của kitô hữu trở về với Thiên Chúa và sự hòa giải với Người được thực hiện trong việc trở về với Giáo Hội, xét rằng trong sự tha thứ huynh đệ của cộng đoàn, người ta thông truyền cho người anh chị em có tội, tình yêu thương của Chúa Kitô, là Đấng tha thứ.

Hiệu quả sâu đậm nhất mà hối nhân nhận được trong bí tích sám hối là một sự bình an đa diện: bình an với Thiên Chúa, với chính mình, với Giáo hội, và với thế giới. Nói cách khác, đó là sự hiệp nhất sâu thẳm mà hối nhân tìm lại được trong tương quan với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với chính mình.

Sự hiệp nhất với Thiên Chúa, bởi vì sự bình an với Người không phải chỉ là một cử chỉ đơn sơ tha thứ các tội lỗi nhờ các công nghiệp của Chúa Kitô, là Đấng để chúng ta ở lại trong điều kiện là những kẻ có tội. Niềm an bình đó là tình yêu thương của Thiên Chúa - chính Thiên Chúa tự hiến để có thể ở trong kitô hữu được tái nhận vào Giáo Hội. Chúa Thánh Thần lại trở thành nguyên lý siêu nhiên cuộc sống của họ, và tất cả Ba Ngôi Thiên Chúa lại ở trong họ một cách nhiệm mầu, và Ba Ngội hòa nhập vào họ một cách sâu xa, tới độ trở thành cái tôi thân tình nơi họ: ”Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở trong người ấy” (Ga 14,23). Trong sự sám hối kẻ có tội mở cửa ra cho Thiên Chúa, là Đấng muốn vào trong tâm hồn họ: ”Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Ap 3,20). Như thế kitô hữu được tràn đầy sự hiện diện này của Thiên Chúa, họ trở thành thụ tạo mới theo mô thức và hình ảnh của Chúa Kitô (1 Cr 12,13; 2 Cr 1,21-22) và tham dự vào bản tính của Thiên Chúa (2 Pr 1,34). Sự hiệp nhất với Thiên Chúa thực hiện sự hiệp nhất với chính mình vượt xa kinh nghiệm nhận thức. Và việc tái lập một cái tôi đã tự tách rời trong việc phản bội cấu trúc tạo thành chính mình: cái tôi đích thực đã được phục hồi, không phải trong sự tự lập tuyệt đối của nó, nhưng trong sự tùy thuộc hoàn toàn nơi Thiên Chúa, là Đấng ngự trong con người và biến đổi nó theo hình ảnh của Ngài. Mục đích và sự tràn đầy của cuộc sống con người được đạt tới bên trong sự tùy thuộc này: nơi đây con người tìm lại được điều kiện của thế quân bình ban đầu, là sự hiệp thông với Thiên Chúa ngay từ đời này, trên trái đất này.

Nhưng cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa chỉ đích thực trong mức độ, trong đó nó trải rộng ra cho các anh chị em khác. Sự biến đổi nội tâm của kitô hữu phải rộng mở cho tình yêu đại đồng, bởi vì tình yêu đích thật không biết tới các biên giới. Và chiều kích huynh đệ của sự hiệp nhất khiến cho hối nhân có khả năng có các tương nhân bản có trách nhiệm và hiến dâng trước các anh chị em khác. Các anh chị em khác được nhìn và yêu thương vì Thiên Chúa, vì chính dựa trên tình yêu thương tha nhân mà Thiên Chúa phán xử chúng ta: Khi Chúa Kitô đến trong vinh quang và ngự trên ngai vinh hiển để xét xử mọi người, ”các dân thiên hạ sẽ được tụ tập trước mặt Người và Người sẽ tách rời họ ra. Bấy giờ Người sẽ phán với những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thủơ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yều, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ”Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu, hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy... ” (Mt 25,31-46). Cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa sẽ là ảo tưởng, nếu chúng ta khép kín trong chính mình và yêu sách chỉ hạn hẹp nơi Thiên Chúa hay nơi cá nhân: việc phụng tự đích thật đòi buộc tình bác ái huynh đệ: ”Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Thiên Chúa không tha thứ cho kẻ không sẵn sàng tha thứ: ”Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,12-15).

Sự hihệp nhất mà hối nhân tìm lại đựơc với Thiên Chúa và với các anh chị em khác trong cuộc gặp gỡ bí tích, tuyệt đỉnh của cuộc sống sám hối, cũng là sự hiệp nhất với Giáo Hội, bởi vì Thiên Chúa ở trong Giáo hội như trong đền thờ của Người, và các anh chị em khác là chi thể của Giáo Hội cũng như hối nhận vậy.

Và sự hiệp nhất được canh tân này là một dấn thân canh tân và tiệm tiến của kitô hữu, và nói cho cùng là của Giáo Hội, trong việc thành toàn sứ mệnh của họ trong thế giới này. Nói cách khác, sự hiệp nhất này có nghĩa là việc tái tháp nhập của tín hữu kitô vào trong năng động được canh tân của biến cố phục sinh của Chúa Kitô, luôn hoạt động trong lịch sử.

Như thế việc hoán cải, sám hối, hòa giải không chỉ trao ban cho kitô hữu ơn tha tội, mà cũng ban cho họ một sự biến đổi, bằng cách canh tân các sức mạnh của họ và luôn ngày càng khiến cho họ dấn thân hơn cho sự thành toàn sứ mệnh của họ trong Giáo Hội và trong thế giới. Ở đây chúng ta hãy nghĩ tới ý nghĩa sâu xa của sự thỏa mãn và cuộc sống kitô như sự thỏa mãn liên tục.

Và tất cả những điều này không chỉ diễn tả trước và là bảo chứng của chiến thắng cuối cùng và hoàn toàn của vương quốc, đã được hiên thực trong hy vọng với biến cố chết và phục sinh của Chúa Kitô, nhưng cũng là việc biểu lộ hữu hiệu sự hiện diện thời sự của vương quốc đó trong thế giới, là việc tháp nhập đặc biệt của lịch sử cứu độ vào trong lịch sử tạo dựng.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1174)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.