2013-10-05 13:14:51

ĐẾN MUÔN ĐỜI, HÃY TIN VÀO THIÊN CHÚA!


... Thứ bảy ngày 24-10-2009, tại nhà thờ giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Arnsberg-Neheim, Đức Cha Hans-Josef Becker, Tổng Giám Mục giáo phận Paderborn, miền Trung nước Đức, cử hành Thánh Lễ chính thức khai mạc án phong chân phước cho Linh Mục Franz Stoch.

Cha Franz Stoch chào đời năm 1904 tại Neheim và qua đời ngày 24-2-1948 tại bệnh viện Cochin ở thủ đô Paris, hưởng dương 44 tuổi. 44 tuổi đời và vỏn vẹn 12 năm thi hành chức vụ Linh Mục nhưng Cha đã trở thành ánh đuốc chiếu sáng giữa đêm đen âm phủ của thời đệ nhị thế chiến 1939-1945 tại Pháp. Cha nêu cao tấm gương Đức Tin rạng ngời. Đức Tổng Giám Mục Angelo Giuseppe Roncalli - sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII - lúc làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Paris đã nói:
- Franz Stoch không phải một tên gọi nhưng là một chương trình sống!

Đúng thế! Trọn cuộc đời vị Linh Mục người Đức - bạn hiền của nước Pháp - đích thật là chương trình hy vọng. Hiện diện, nhân hậu, an bình, khiêm tốn, quảng đại, kín đáo và can đảm là những đức tính cao quý được phát ra từ môi miệng của những ai từng hân hạnh quen biết Cha. Người Pháp âu yếm tặng Cha danh hiệu ”Tuyên Úy hỏa ngục” hoặc ”Tổng Lãnh Thiên Thần trong hỏa ngục”.

Ngày nay, Cha Franz Stoch xuất hiện chẳng những như chứng nhân hòa bình và bác ái trong những hoàn cảnh bi thảm nhất, nhưng còn bí nhiệm hơn, như một vị tiền hô cho thời đại tân tiến. Cha đã trải qua hai thế chiến, đã chứng kiến cái man rợ kinh hoàng của ”thế kỷ sắt”, của ”thời đen tối”. Và trong bầu khí ngập tràn hận thù ấy, Cha luôn luôn hoạt động cho hòa bình. Niềm ước muốn chân thành nhất của Cha là hòa giải quê sinh Đức Quốc của Cha với nước Pháp mà Cha tận tình phục vụ và yêu quý.

Năm 1926 sau khi gia nhập chủng viện Paderborn thầy Franz Stoch làm chuyến du hành đầu tiên sang Pháp tham dự Hội Nghị Quốc Tế hòa bình. Năm 1928 thầy ghi danh vào Học Viện Công Giáo Paris. Thầy là sinh viên người Đức đầu tiên tại chủng viện các Cha Carmes từ sau đệ nhật thế chiến. Kể từ đây cuộc đời thầy gắn liền với nước Pháp, quê hương thân yêu thứ hai của thầy. Thụ phong Linh Mục năm 1932 và hai năm sau, Cha Franz Stoch được chỉ định làm Cha Sở giáo xứ Đức tại thủ đô Paris. Cha là người của những ”hoàn-cảnh bản-lề”. Từ bản tính kín đáo, Cha làm nổi bật nhân tính của Đức Tin và khả năng thích nghi vào mọi môi trường. Tại giáo xứ Đức, Cha có cơ hội gặp gỡ những người thuộc mọi thành phần khác nhau: từ các thiếu nữ làm công không lương đến các người Đức đủ loại chính kiến, người Do Thái trốn chạy cuộc bắt bớ của chế độ quốc-xã vì Adolf Hitler (1889-1945) vừa lên cầm quyền ngày 30-1-1933; rồi các thành phần đối lập chính trị cũng như các nhân vật chính thức của tòa đại sứ Đức tại Paris. Vốn là người gặp gỡ, Cha tự để mình được thao luyện trong gặp gỡ. Hoàn toàn dâng hiến cuộc đời cho sứ mệnh phục vụ anh chị em đồng loại, Cha trở thành người mang Đức Chúa GIÊSU KITÔ, bởi vì Đức Chúa GIÊSU KITÔ sống trong Cha. Tính kín đáo, lòng khiêm hạ và sự can đảm của Cha đã tỏa sáng sự hiện diện của Đức Chúa GIÊSU KITÔ và gây một ấn tượng mạnh trên tất cả những ai được hân hạnh gặp gỡ và quen biết Cha.

Nhưng mọi sự đảo lộn hết vào năm 1940 khi Cha Franz Stoch được chỉ định làm Tuyên Úy hai nhà tù Cherche-Midi và Fresnes ở Paris. Trong vòng 4 năm từ 1940 đến 1944 Cha có nhiệm vụ coi sóc các tù nhân Pháp, phần đông là con tin và quân kháng chiến. Cách thiêng liêng nhưng nhất là cách nhân đạo, Cha đã trợ giúp tinh thần cho khoảng hơn một ngàn tù nhân Pháp bị kết án tử hình, bằng cách thắng vượt sự nghi ngờ chính đáng của họ, khi Cha cố gắng giúp họ bằng những dịch vụ nhỏ nhặt nhất. Chẳng bao lâu sau Cha chiếm được lòng tín cẩn của các tù nhân cho dù họ là Công Giáo, do thái, cộng sản hay vô thần. Cha trở thành một biểu tượng thân yêu đối với họ, một gương mặt dịu hiền mà họ trông thấy trước khi nhắm mắt lìa đời. Giữa lòng hỏa ngục của các vụ tra tấn, các cuộc hành hình, của tuyệt vọng, Cha nhập thể niềm hy vọng cuối cùng, khả thể tin nơi chiều kích cao cả của con người và quyền năng tối thượng của THIÊN CHÚA, vào một thời điểm mà THIÊN CHÚA xem ra vắng mặt.

Cha Franz Stoch đau niềm đau của những người Cha tháp tùng, cho đến độ kiệt sức, nhưng Cha mang đến cho họ sự nâng đỡ, niềm khích lệ và hoàn toàn kính trọng mỗi một trường hợp lương tâm mà họ ký thác cho Cha. Cha vô cùng ngỡ ngàng xúc động trước nét đẹp quý phái tâm hồn và sự can đảm của một số tù nhân bị kết án tử hình, tỏ lộ rõ ràng sức hoạt động của ơn thánh như trường hợp của ông Honoré d'Estienne d'Orvers bị hành quyết ngày 29-8-1941.

Tấm gương của vị sĩ quan người Pháp này sẽ hỗ trợ công tác mục vụ của Cha suốt thời đệ nhị thế chiến. Trong thư đề ngày 9-10-1945 Cha viết: ”Tôi giữ lòng trung tín với những người trong vòng 4 năm tôi làm Linh Mục Tuyên Úy. Tôi đã hứa cầu nguyện cho họ và họ ở cạnh tôi như những vị đại thánh và tử đạo trong nền văn minh của chúng ta bị ngớ ngẩn khùng điên! Mỗi khi tôi cần một ơn đặc biệt, một soi sáng thiêng liêng hoặc một ơn hữu hiệu, tôi liền thân thưa với những người biết chấp nhận chết, với những người đi thẳng về Trời với Chúa mà tôi đã có thể tháp tùng trên chặng đường cuối cùng của họ: tôi xin họ cầu thay nguyện giúp cho tôi và tôi xác tín rằng lời họ khẩn cầu sẽ được Chúa nhậm lời”.

Tháng 8 năm 1944 khi Paris được giải phóng, Cha Franz Stoch bị bắt và bị giải về trại tù tại Cherbourg. Nước Pháp liền quyết định tụ họp các chủng sinh Đức bị bắt làm tù binh vào cùng một nơi và thành lập ”chủng viện kẽm gai”. Mục đích là để giải tỏa tâm thức quốc-xã của nước Đức. Cha Franz Stoch hình như là người quan phòng để trở thành Cha Bề Trên Chủng Viện: Cha vừa là bạn của nước Pháp vừa là người Đức ái quốc. Nơi Cha không hề có mảy may sự đồng lõa với ý thức hệ đức-quốc-xã. Sau nhiều do dự, Cha chấp nhận và thích ứng với một sứ vụ mà Cha cảm thấy mình không được chuẩn bị. Từ tháng 8 năm 1945 đến Lễ Hiện Xuống năm 1957 đã có khoảng một ngàn bạn trẻ đi qua ”chủng viện kẽm gai” tại Chartres. 2 phần 3 trở thành Linh Mục. Chủng Viện nhận được sự hỗ trợ khác thường. Ban giảng huấn gồm các Linh Mục tù nhân nhưng cũng có các giáo sư bằng lòng rời đại học bên Đức đến làm tù nhân để dạy cho các chủng sinh. Ngoài ra chủng viện nhận được sự nâng đỡ của hàng linh mục Pháp và của đức sứ thần tòa thánh Angelo Roncalli sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Cha Franz Stoch hoàn thành chức vụ trong những điều kiện vô cùng khó khăn nên sức khoẻ bị suy nhược thật nhanh. Cha trút hơi thở cuối cùng ngày 24-2-1948 tại nhà thương Cochin ở thủ đô Paris, hưởng dương 44 tuổi. Cha ra đi trong cô đơn và gần như bị mọi người quên lãng. Thế nhưng không phải vậy. Ngày 3-7-1949 Cha Jean Pihan (1912-1996) cử hành thánh lễ tại nhà thờ Saint-Louis des Invalides để tuyên dương công đức Cha Franz Stoch với lời lẽ như sau:
- Bài học nào chúng ta rút ra từ cuộc đời ngắn ngủi nhưng nhiều hy sinh của Cha Franz Stoch? Một bài học thôi nhưng gồm tóm tất cả. Chúng ta có thể hãnh diện là Kitô hữu. Chúng ta còn có thể hãnh diện khi nghĩ rằng: giữa mọi tàn khốc của thế chiến, Kitô Giáo đã cho phép một phép lạ thường trực diễn ra: đó là sự hiện diện khoan hòa nhân ái của Cha Franz Stoch.

... ”Ngày ấy, trong xứ Giuđa, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành trì vững chắc: Chúa đã đặt tường trong lũy ngoài để chở che. Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài. Đến muôn đời, hãy tin vào THIÊN CHÚA: chính THIÊN CHÚA là Núi Đá bền vững ngàn năm .. Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng, lối kẻ hiền theo là lối Chúa san bằng. Vâng, lạy THIÊN CHÚA, trên con đường thánh ý Chúa vạch ra, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài. Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa, trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải. Khi Chúa thực thi quyết định của Chúa khắp năm châu, người bốn bể học biết đường công chính. Kẻ ác dù có được dung tha cũng không học biết đường công chính; trong xứ người lương thiện, nó vẫn làm những chuyện gian tà, chẳng thấy được oai phong của THIÊN CHÚA. Lạy THIÊN CHÚA, tay Ngài giơ lên, chúng chẳng thấy, nhưng sẽ thấy Ngài yêu thương nồng nhiệt dân này, khiến chúng phải thẹn thùng xấu hổ; lửa dành cho thù địch của Ngài sẽ thiêu đốt chúng. Lạy THIÊN CHÚA, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực hiện cho chúng con” (Isaia 26,1-12).

(”ÉGLISE en Eure-et-Loir”, Revue diocésaine, Diocèse de Chartres - numéro 183 - Mai 2013, trang 8-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.