2013-09-11 17:36:47

Một số nhận định của vài nhân vật Giáo Hội Công Giáo chiến cuộc tại Siria và nguy cơ đe dọa hòa bình trên toàn thế giới


Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mario Znari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, và Linh Mục Samir Khalil Samir

Thứ hai 9-9-2013 Quốc hội Hoa Kỳ dự định bỏ phiếu quyết định có đồng ý cho phép tổng thống Barak Obama can thiệp quân sự vào cuộc chiến tại Siria hay không. Từ hơn hai tuần qua Hoa Kỳ Anh và Pháp quyết định can thiệp quân sự để chấm dứt cuộc nội chiến tại Siria. Nhưng sau đó Anh quốc đã rút lui vì quốc hội bỏ hiếu chống. Còn lại Pháp và Hoa Kỳ. Tổng thống Putin cua Nga nhấn mạmh là muốn can thiệp vào Siria, phải có phép của Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó thì Nga, Hoa Kỳ và Pháp gửi các chiến hạm tới vùng biển Siria.

Trong Hội nghị thượng đỉnh khối G20 nhóm tại San Pietroburgo các nước tham dự viên đã chia thành hai phe phò chống đồng đều nhau. Nhân địp này Đức Thánh cha Phanxicô đã viết thư cho tổng thống Vladimir Putin nhận định rằng ”có qúa nhiều lợi lộc riêng tư trong cuộc xung đột tại Siria ngăn cản tìm ra một giải pháp giúp tránh cuộc tàn sát vô ích mà chúng ta đang chứng kiến”. Ngài yêu cầu các vi lãnh đạo lớn trên thé giới đừng bất động trước các thảm cạnh, mà dân tộc Siria thân yêu phải sống từ qúa lâu nay.

Thật ra, từ nhiều tuần qua Đức thánh Cha Phanxicô đã liên tục kêu gọi hoà bình cho Siria và các nơi có xung khắc trên toàn thế giới, kể cả trên Twitter của ngài. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 9 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết mạnh mẽ kêu gọi mọi người tham gia ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và mọi vùng có xung khác trên toàn thế giới mùng 7 tháng 9.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 4-9 ngài tái mời gọi các tín hữu tham gia ngày ăn chay cầu nguyện này. Ngỏ lời với gần 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm chậu ngài nói: ”Thứ bẩy tới đây, chúng ta sẽ cùng nhau sống một ngày đặc biệt ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình tại Siria, Trung Đông và trên toàn thế giới, cũng như cho hòa bình nội tâm của chúng ta, vì hòa bình bắt đầu từ nội tâm. Tôi lập lại lời mời toàn thể Giáo Hội hãy sống cấp bách ngày này, và ngay bây giờ, tôi bày tỏ lòng biết ơn các tín hữu anh em kitô khác, các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, và những người thiện chí muốn hiệp ý tham gia ngày này, tai những nơi và theo thể thức của họ. Tôi đặc biệt nhắn nhủ các tín hữu Roma và các tín hữu hành hương tham gia buổi canh thức cầu nguyện tại đây, nơi Quảng trường thánh Phêrô này, vào lúc 19 giờ, để khẩn nài Thiên Chúa đại hồng ân hòa bình. Ước chi tiếng kêu hòa bình được gióng lên mạnh mẽ trên toàn trái đất”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Samir Khalil Samir, giáo sư Hồi giáo học tại đại học Beirut, của Đức Tổng Giám Mục Mario Znari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, và của Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, về cuộc nội chiến tại Siria và nguy cơ đe dọa toàn vùng Trung Đông.

Trước hết là cha Samir Khalil Samir, người Ai Cập, dòng Tên, giáo sư văn hóa A rập và môn hồi giáo tại đại học Beirut, thủ đô Libăng.

Hỏi: Thưa cha Samir, cha nghĩ gì về chiến cuộc tại Siria hiện nay, và sự can thiệp của các cường quốc có nguy cơ đe dọa toàn vùng Trung Đông hay không?

Đáp: Cuộc chiến tại Siria hiện nay không phải là cuộc chiến của dân chủ chống lại tự chủ, chống lại độc tài để có được dân chủ và tự do, như trước đây nữa. Ngày nay nó đã trở thành một cuộc chiến của phe Sunnít được đại diện bởi các nước trong Bán đảo Arập, với sự trợ giúp của các nước khác và sự trợ giúp của tất cả các phong trào hồi khủng bố chống lại chính quyền, nếu chúng ta có thể nói là vây; chính quyền Siria nói chung thuộc phe Sciít, vì nhóm Alawít của tổng thống Assad chỉ là một phần của phe này mà thôi. Như vậy lại nổi lên 14 thế kỷ thù hận. Vấn đề không phải là tôn giáo, không có gì là tôn giáo cả.

Hỏi: Lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha có tầm quan trọng nào, và sẽ có thể có các kết qủa nào thưa cha?

Đáp: Thật ra, Đức Thánh Cha chỉ nói lên điều mà mọi người có lý trí đều nghĩ: đó là chiến tranh đem lại chiến tranh, bạo lực dấy lên bạo lực, và sẽ không bao giờ chấm dứt. Đối thoại thì tốt hơn, cho dù có vất vả, cả khi mỗi người có phải làm các bước tiến tới với người khác, và phải từ bỏ một phần điều mình coi là chính đáng. Điều này vẫn tốt hơn là một cuộc chiến. Đã có hơn 100.000 người chết rồi, không thể đưa ra chương trình chiến tranh nữa trong niềm hy vọng nó đem lại hòa bình. Không thể được, vì tại Siria hiên nay hai phe ở trong tình trạng thù hận nhau, đến độ sợ hãi phải nhượng bộ người khác và bị biến mất, bị giết cùng với cộng đoàn của mình và những người theo mình. Không có giải pháp nào khác ngoài lời cầu nguyện và ăn chay như Tin Mừng và Đức Thánh Cha đã nói, trong chiều kích của nhân loại còn có một chút tình thần tu đức. Và đàng khác có đối thoại: nó đã được lên chương trình cho tuần tới với một cuộc thảo luận về các nhượng bộ lẫn nhau.

Hỏi: Con đường thương thuyết có thật sự có thể hay không thưa cha? Bởi vì có vài người nói rằng việc thương thuyết không còn có lối thoát nữa...

Đáp: Thương thuyết là con đường duy nhất. Chắc chắn là nó khó rồi. Còn con đường kia sẽ là tàn sát hết mọi người chống đối. Như vậy con đường duy nhất là thương thuyết, với sự hiện diện của một ”trọng tài”: là Cộng đoàn quốc tế - được đại diện bởi Liên Hiệp quốc và vài nước không phải tất cả đều cùng một phía, đưa ra các để nghị hữu lý, các giải pháp không phải hoàn toàn là của bên này hay của bên kia. Mỗi phía lựa chọn

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha có cảm tưởng gì về lời Đức Thánh Cha kêu gọi ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tai Siria và trên toàn thế giới?

Đáp: Đó là một lời kêu gọi rất mạnh mẽ đưa ra trong lúc toàn thế giới sống trong nín thở, và là sáng kiến thuận tiện rất đẹp. Chắc chắn nó cũng được đánh giá cao bởi môi trường có đa số dân theo Hồi giáo, bởi vì chúng ta biết họ coi trọng ăn chay và cầu nguyện. Chú thích đẹp nhất là các diễn tả trên nét mặt của Đức Thánh Cha và các cử điệu của ngài: ai cũng có phần trong lời kêu gọi ấy. Nó là lời kệu gọi hướng tới tất cả mọi người. Và như Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm: ”Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.

Hỏi: Đức Thánh Cha cũng đề cập tới ”sự phán xử của Thiên Chúa” nữa, một sự phán xử của Lịch sử đối với các hành động của chúng ta, mà người ta không thể trốn chạy” được. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho lương tâm của từng người, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, các lời này gây ấn tượng. Chắc chắn là chúng lay động lương tâm của tất cả mọi người, nhất là của những ai nắm trong tay vận mệnh của thế giới và của cuộc xung đột này.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần, Đức Thánh Cha cũng mời gọi tất cả mọi người thiện chí: các anh em kitô hữu không công giáo, cũng như tín hữu các tôn giáo khác, tất cả, kể cả những người không tín ngưỡng đều được mời gọi tham dự ngày ăn chay cầu nguyện hòa bình cho đất nước Siria yêu dấu và cho mọi nơi có xung đột trên toàn thế giới. Đức Sứ Thần nghĩ sao?

Đáp: Hòa bình là một ơn Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Vì thế tất cả mọi người đều chia sẻ hay đều khổ đau vì thiếu ơn đó, và vì thế tất cả mọi người đều bị liên lụy. Đó là một cái gì, mà chúng ta tất cả đều có chung, vì thế tất cả đều được mời gọi trong lúc nguy nan và tế nhị này, phải hiệp nhất sự tham dự của chúng ta vào ơn đến từ Trời ấy, vượt ngoài mọi tín ngưỡng; ngoài ra chúng ta cũng có trách nhiệm duy trì và bảo vệ nó nữa.

Hỏi: Như thế cần phải làm cho các lời này của Đức Thánh Cha tới với các người lãnh đạo trên thế giới cũng như tới với người dân, Đức Sứ Thần sẽ là phát ngôn viên của những gì đã nghe được ngày hôm nay, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi tin đó là một khích lệ lớn lao đối với mọi người trong các ngày khó khăn này và chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Zenari, bầu khí tại Siria hiện nay ra sao, người ta có còn sợ sự căng thẳng không?

Đáp: Tôi nghĩ là có: sự căng thăng có thể trông thấy. Chỉ cần nhìn cảnh người dân thu góp vật dụng và tìm cách trốn sang nước gần nhất thì đủ biết. Vì thế lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha là một ánh sáng, một hạt giống hy vọng. Hy vọng rằng ơn hòa bình có thể được cứu thoát hay vãn hồi bởi việc lắng nghe các lời này của Đức Thánh Cha và từ việc ăn chay cầu nguyện.

Sau cùng là một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha nghĩ gì về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 9 vừa qua ?

Đáp: Đức Thánh Cha gióng lên tiếng kêu từ khắp mọi phía, từ trái tim của dân chúng và của các dân tộc. Ước chi các xã hội dân sự và các tổ chức của chúng thỉnh cầu các vị đại diện vĩnh viễn từ bỏ xung đột võ trang: Đừng bao giờ có chiến tranh nữa! Đàng khác, cần phải hoạt động với sự xác tín và mạnh mẽ cho hòa bình. Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, đồng hành với nhân loại, gieo vãi hòa bình vào lương tâm con người, và thúc đẩy nó tới chỗ thành toàn viên mãn.

Hỏi: ”Chiến tranh kêu gọi chiến tranh”. Có nhiều người trong Giáo hội sợ rằng một cuôc tấn công Siria sẽ khiến cho bạo lực lan tràn trong toàn vùng, Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày mùng 1 tháng 9 Đức Thánh Cha đã lến án chiến tranh dùng vũ khí không phân biệt để tấn công thường dân vô tội không phương thế tự vệ. Việc dùng bạo lực không bao giờ đưa tới hòa bình. Chiến tranh kêu gọi chiến tranh, cũng bởi vì nó giam giữ các dân tộc trong bẫy sập của vòng xoáy trôn ốc của chết chóc: nó mang theo nó một quan niệm sai lạc về quyền bính, được hiểu như là đàn áp thống trị, ngoài ra nó gia tăng thành kiến mọi người tìm tiêu diệt người khác. Vì các giả thiết như vậy, nên người khác luôn luôn là kẻ đối kháng, một kẻ thù cần chiến thắng, chứ sẽ không bao giờ là một người anh em. Chiến tranh không bao giờ dứt và các lý do của công lý không được chú ý.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa chiến tranh Irak là ”một cuộc mạo hiêm không có đường về”. Ở đây có nguy cơ của một lầm lẫn nghiêm trọng mới. Riêng Đức Cha thì Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho chúng ta hiểu, cần phải lo lắng đối với các phát triển thê thảm đang tới dưới ánh sáng cung cách đối phó của hàng lãnh đạo thế giới. Giải pháp cho các vấn đề của Siria không thể là sự can thiệp vũ trang. Tình trạng bạo lực sẽ không vì đó mà giảm đi. Trái lại, nó có nguy cơ gia tăng và lan sang các nước khác. Cuộc xung đột tại Siria có tất cả các yếu tố để bùng nổ thành một cuộc chiến có các chiều kích quốc tế, và trong mọi trường hợp sẽ không có ai ra khỏi một cuộc xung đột hay một kinh nghiệm bạo lực mà còn an toàn. Cần phải đổi đường. Cần phải mau chóng theo con đường của sự gặp gỡ và đối thoại, là những điều có thể, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tình yêu thương lo lắng cho thiện ích chung. Quyền bính đích thật là tình yêu thương bao gồm sự đam mê đối với thiện ích của tha nhân, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói. Tình yêu thương gia tăng sức mạnh cho tha nhân và khơi dậy sáng kiến cộng tác cho công lý và hòa bình.


RG 2.4-9-2013

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.