2013-07-16 12:41:51

AI LIỀU MẤT MẠNG SỐNG VÌ THẦY THÌ SẼ TÌM THẤY ĐƯỢC!


Tháng 9 năm 1996, giáo phận Bologna bên nước Ý bắt đầu hồ sơ án phong chân phước cho Cha Olinto Marella. Cuộc đời Cha là chứng tá sống động cho niềm tin nơi THIÊN CHÚA, biểu lộ qua lòng yêu thương người nghèo, trẻ em và lòng quý trọng đối với gia đình, tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội.

Trong vòng 30 năm trời, lúc mưa cũng như khi nắng, lúc gió to cũng như khi trời lạnh cóng, Cha Olinto luôn ngồi nơi góc đường Orefici, ngửa chiếc mũ màu đen, chờ đợi của bố thí của người qua lại. Cha ngồi như thế 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha thường giữ thinh lặng và chờ đợi. Cha giải thích:
- Người hành khất của THIÊN CHÚA không nên quấy rầy kẻ khác. Người nào muốn giúp tôi thì biết rõ tôi sẽ dùng tiền dâng cúng để làm gì mà không cần tra hỏi hoặc chờ đợi tôi phải lên tiếng van xin ..

Chỗ Cha Olinto ngồi hành khất trở thành quen thuộc và thân yêu đối với người dân thành phố Bologna. Ngay sau khi Cha qua đời, ngày 6-9-1969, họ đặt nơi đây một tấm bia ghi: ”Góc ngồi của Cha Marella”. Giờ đây, Giáo Hội Công Giáo địa phương ước muốn Cha Olinto Marella được tôn phong chân phước. Ngày 8-9-1996, Đức Hồng Y Giacomo Biffi, Tổng Giám Mục Bologna, khởi đầu hồ sơ phong thánh cho Cha Olinto Marella ở cấp giáo phận. Từ đây Cha Olinto được nhắc đến dưới danh xưng ”Tôi Tớ Chúa”.

Qua tiến trình mở án xin phong chân phước cho Cha Marella, Đức Hồng Y Biffi muốn nêu cao cho toàn thể giáo phận Bologna một mẫu gương sống thánh thiện của thời đại ngày nay. Cha Olinto Marella đã tận hiến gần trọn cuộc đời dài 86 năm để phục vụ người khác với lòng yêu thương và dũng cảm. Cha nuôi nấng dạy dỗ khoảng 7, 8 ngàn trẻ em, mà nếu không có Cha giúp đỡ, hẳn đã trở thành những tên du côn, cướp bóc, sống lang thang đầu đường xó chợ.

Cha Olinto Marella sinh năm 1882 ở Pellestrina, một đảo nằm giữa Chioggia và Venezia (Bắc Ý) trong một gia đình Công Giáo giàu có. Thân sinh của Olinto là bác sĩ và thân mẫu là cô giáo. Sau khi mãn tiểu học, Olinto gia nhập chủng viện và được thụ phong linh mục năm 1904. Thập niên đầu thế kỷ XX, đa số người dân đảo Pellestrina sống nghề đánh cá và nghèo khổ. 80% dân số bị mù chữ. Thiếu nhi và người trẻ lớn lên nơi đường phố. Lúc đó Cha Olinto Marella được Đức Giám Mục giáo phận chỉ định làm giáo sư nơi chủng viện Chioggia. Nhưng Cha Marella đã dành trọn thời giờ nghỉ ngơi của mình để giúp đỡ giáo dục con cái của những người đánh cá.

Lòng nhiệt thành của Cha Olinto đã lôi kéo em trai Tullio, lúc đó là sinh viên ngành kỹ sư của đại học bách khoa Torino. Cả hai anh em bắt đầu tập hợp các thiếu niên nơi nhà riêng để dạy chữ và dạy giáo lý cho chúng. Sau đó hai anh em Marella lại xây cất ”Trung Tâm Giải Trí Bình Dân”. Trung Tâm vẫn còn cho đến ngày nay và trở thành một trong những cơ sở công cộng đẹp nhất Pellestrina. Trung Tâm gồm có một phòng lớn để gặp gỡ, một hành lang dành cho các trò chơi, một thư viện, một phòng họp và một phòng trình diễn văn nghệ. Cha Olinto mở một vườn trẻ theo phương pháp giáo dục của bà Maria Montessori (1870-1952), nghĩa là, khuyến khích sự phát triển trí năng của các thiếu nhi. Bất chấp dư luận quần chúng thời bấy giờ, Cha Olinto mở cửa ”Trung Tâm Giải Trí Bình Dân” đón tiếp cả trai lẫn gái, không phân biệt phái tính. Trung Tâm lại do chính các thiếu niên tuổi từ 10 đến 12 điều khiển: từ giám đốc đến phó giám đốc, từ thư ký đến quản thủ thư viện.

Ngoài ra Cha Olinto Marella còn mở lớp học ban tối cho người lớn, một trường tư, một hội trường thể thao và một sân banh. Dưới sự điều khiển của Cha Marella, đảo Pellestrina trở thành địa điểm quy tụ tư tưởng và văn hóa.

Nhưng rồi thử thách không thiếu trong cuộc đời của các vị thánh, các bậc anh hùng. Hoạt động của Cha Olinto bị các tín hữu Công Giáo thủ cựu xét đoán nghiêm khắc. Do đó Cha bị kết án là cấp tiến và bị Đức Giám Mục giáo phận Chioggia cấm thi hành chức vụ thánh trong vòng 15 năm trời. Thời gian này, Cha Olinto phải hoạt động trong tư cách là tín hữu giáo dân. Sau cùng, Đức Hồng Y Nasalli Rocca (1872-1952), Tổng Giám Mục Bologna, phục hồi danh dự và đưa Cha Olinto Marella trở về với các hoạt động của thiên chức linh mục.

Từ đây Cha Marella dành trọn cuộc đời còn lại để phục vụ mọi người, đặc biệt người nghèo và trẻ em. Trong thời đệ nhị thế chiến 1939-1945, một hôm, quân đức quốc xã đem một người cha gia đình có 8 đứa con ra bắn. Họ đặt ông đứng quay mặt vào tường. Nhưng Cha Marella đến kịp. Cha đề nghị thay thế chỗ nạn nhân. Nhưng viên chỉ huy người Đức nhận ra Cha. Và họ đã tha cho cả hai người. Sau đệ nhị thế chiến, Cha Olinto Marella thành lập ”Thành Phố Thiếu Niên”. Trước khi nhắm mắt từ trần, Cha gọi các cộng sự viên đến và trối:
- Tôi giao phó tất cả con cái tôi cho quý vị, đặc biệt là những đứa không còn thân nhân.

... ”Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mátthêu 10,37-42).

(”Madre”, Gennaio/1997, trang 30-32)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.