2013-05-20 15:58:54

Cái yếu kém của các chính trị gia: không biết lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân


Phỏng vấn triết gia Aldo Masullo

Hồi tháng 4 năm 2013 triết gia Aldo Masullo, nguyên giáo sư triết học luân lý của đại học Napoli nam Italia, đã mừng sinh nhật thứ 90. Nhân địp này giáo sư đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Kịch trường triết lý nhỏ”, trong đó ông đưa lên sân khấu nhiều nhân vật khác nhau từ Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI tới Amleto của kịch sĩ Shakespeare, từ Giordano Bruno tới triết gia Hy lạp Eraclito, hay một ông thợ sửa đồng hồ để cho họ thảo luận về các đề tài chân lý, linh hồn và công lý. Tuy đã 90 tuổi nhưng khi nói hay viết triết gia Masullo vẫn còn trẻ trung như trong lứa tuổi các con và các cháu, và ông vẫn hướng nhìn về tương lai với ước muốn học hỏi khám phá.

Triết gia Aldo Masullo sinh năm 1923, từ năm 1955 là giáo sư dậy Triết học lý thuyết, và Triết học luân lý tại đại học Napoli. Giáo sư cũng từng nghiên cứu và dậy học bên Đức. Trong các năm 1984-1990 giáo sư đã là giám đốc phân bộ Triết học thuộc đại học Napoli. Hồi thập niên 1970 giáo sư cũng đã từng là dân biểu quốc hội và Nghị sĩ Thượng Viện.

Giáo sư Masullo cũng là tác giả của nhiều sách, chẳng hạn như các cuốn: ”Trực giác và diễn văn” (1955); ”Cấu trúc, chủ thể và thực hành” (1966); Lịch sử và cái chết” (1964); ”Cộng đoàn như nền tảng: Fichte, Husserl, Sartre” (1965); ”Ý nghĩa của nền tảng” (1967); ”Chống siêu hình học của nền tảng” (1971); ”Siêu hình học” (1980); ”Fichte: tính cách liên bản vị và nguồn gốc” (1986); ”Các triết lý của chủ thể và quyền của ý nghĩa” (1990).

Là người đã từng hoạt động chính trị trong cương vị là dân biểu và thượng nghị sĩ trong chính phủ Italia, triết gia Masullo có kinh nghiệm chính trường. Theo ông trong cuộc sống quốc gia điều tệ hại nhất đó là giới lãnh đạo chính trị không biết lắng nghe ý kiến, không chú ý đến các quan điểm và các phản ứng của người dân, cũng như không biết đối thoại và không lưu tâm tới các vấn đề và nhu cầu của dân chúng. Dân chỉ là con bò cho họ vắt sữa, bòn mót và khai thác bóc lột, bằng đủ mọi thứ thuế.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Aldo Masullo, về sự yếu kém của các chính trị gia và các chính quyền: đó là không biết lắng nghe ý kiến đóng góp và không đáp ửng các nhu cầu và ước vọng của của người dân.

Đây là một thực trạng của rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang trên đường phát triển và các nước có chính quyền độc tài. Riêng tại các nước có chế độ cộng sản độc tài đảng trị, nơi mọi sự đều do bạo quyền sắp xếp, định hướng và chỉ huy, thì việc nhà nước biết lắng nghe ý kiến và các đề nghị đóng góp của người dân là chuyện thần thoại hoang đường, không bao giờ có; hay có chăng, thì chỉ là giả vờ, như trường hợp nhà nước cộng sản Việt Nam đang hỏi ý kiến dân để tu chính Hiến pháp hiện nay.

Hỏi: Thưa giáo đối với giáo sư tương lai có nghĩa là gì?

Đáp: Đó là sự trái nghich với qúa khứ. Thật ra tôi không có ác cảm nào với qúa khứ đâu, bởi vì qúa khứ có tầm quan trọng của nó: nó là chính chúng ta. Mỗi một người trong chúng ta là tất cả những gì chúng ta đã là. Trong ngôn ngữ của triết gia Hegel qúa khứ là ”gewesen” cái đã là, từ đó phát xuất ra ”wesen” cái là, sự sống, cái nòng cốt, cái tinh túy, cái chính yếu. Nghĩa là sự hiện hữu của từng người trong chúng ta là qúa khứ của nó. Nhưng trong khi tôi thừa nhận tầm quan trọng nền tảng của qúa khứ và đồng thời tôi kính trọng nó, tôi không dừng lại ở qúa khứ là cái đã qua rồi. Tôi tin rằng thái độ nhân bản nhất đó là thái độ nhìn về tương lai. Chính sự kiện chúng ta sống trên thế thẳng đứng, mắt nhìn về phía trước có nghĩa là chúng ta sống một cách không nhìn về đàng sau, mà hướng về phía trước, hướng về viễn tượng tương lai.

Hỏi: Tuy nhiên qúa khứ, trong một cách thế náo đó, cũng vẫn còn rộng mở chứ thưa giáo sư. Giáo sư đã nói rằng chúng ta cần phải luôn luôn tính sổ với mình mà...

Đáp: Vâng, cũng giống như xảy ra trong cuộc sống của từng người hay trong cuộc sống của các cộng đoàn và các quốc gia, các tình trạng mà chúng ta có trước mắt trong hiện tại là các tình trạng đã được xác định bởi tất cả các lựa chọn trước đó. Đây là qúa khứ của riêng tôi, nhưng nó lại càng là qúa khứ của các cộng đoàn hơn nữa. Nếu chúng ta nghĩ tới các sự dữ của nước Italia này, thì chúng là gì nếu không phải là điểm tới, không phải của một chuỗi các sai lầm chính trị, mà nhất là của một chuỗi các thiếu sót không săn sóc các viễn tượng, thiếu sót cái nhìn về tương lai. Những người đã cai trị xã hội chúng ta có chú ý tới các viễn tượng sự phát triển của chúng ta, các viễn tượng của các nhu cầu của chúng ta hay không? Nếu họ đã chú ý tới chúng, thì ngày nay chúng ta đã ở trong một tình trạng khác. Nói cho cùng qúa khứ là gì? Đó là tổng thể các lựa chọn đã được làm, khi cái qúa khứ này đã ở đàng trước cái tương lai.

Hỏi: Thưa giáo sư Masullo, đối với giáo sư có một tệ nạn xã hội: đó là sự truyền thông xấu giữa các công dân và các cơ cấu, giữa người dân và các cơ quan chính quyền; và nó là một sự mâu thuẫn của thời đại truyền thông tân tiến ngày nay trải dài ra khắp nơi và đi đến mọi ngõ ngách, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Một đường lối chính trị thích hợp không thể nảy sinh từ một sự phân cách của thế giới chính trị đối với thế giới tổng thể của xã hội. Rất thường khi xảy ra sự giảm bớt ý kiến phản bác của người dân. Việc phản bác không phải chỉ là nền tảng của mọi hiện tượng vật lý, mà còn là nền tảng của mọi hiện tượng nhân bản nữa: nghĩa là khả thể phản ứng trở lại trên một hành động đã được làm rồi. Chính hành động phản ứng trở lại này cho phép người hướng dẫn, người lãnh đạo, người cầm lái nhận ra các sai lầm của mình và sửa chữa chúng. Sự truyền thông xấu có nghĩa là không có khả thể phản ứng trở lại, bởi vì người lãnh đạo tiếp tục đi theo con đường của họ, mà không để tâm, mà không chú ý tới phản ứng của người dân; còn tệ hơn nữa mà không nghe thấy các phản ứng đó.

Hỏi: Nghĩa là giới lãnh đạo, người cầm quyền giả mù giả điếc, muốn rằng họ luôn luôn đúng, không còn có thể bàn cãi vào đâu được nữa. Nhưng giáo sư nói rằng tính cách đời là dụng cụ thảo luận, có nghĩa là sao?

Đáp: Tính cách đời có nghĩa là rộng mở cho sự đối chất liên tục này: chẳng hạn như khả thể từ phía người bị cai trị làm cho người cai trị lắng nghe tiếng nói của mình. Sự tự do là tự do, khi hành động của tôi nảy sinh từ một việc thông tin đầy đủ. Tôi tự do, khi điều tôi quyết định làm cho tôi quyết định trên căn bản của một kinh nghiệm rõ ràng, của một thông tin chính xác, của một lượng định có óc phê phán là lượng định của tôi trong tương quan và trong sự đối chất với người khác. Sự trái ngược với tính cách đời là việc thiếu truyền thông rộng mở giữa những người cầm quyền và người phải chịu đựng sự cai trị của họ. Ý niệm về tính cách đời phát xuất từ tiếng hy lạp ”laos” có nghĩa là dân chúng, là người dân. Trong Giáo Hội thời khai sinh đó đã là sự phân biệt giữa dân chúng và những người mang một đặc sủng, có sự thánh hiến, có một chức vụ. Nhưng chúng ta hãy bỏ lãnh vực tôn giáo qua một bên. Trên bình diện xã hội tính cách đời có nghĩa là không thể có sự chia rẽ giữa các nhóm người cầm quyền và các người gánh chịu quyền bính ấy, tức dân chúng là những người bị cai trị.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong một giai đoạn cuộc đời mình giáo sư cũng đã từng là dân biểu quốc hội, và giáo sư đã muốn góp phần vào việc làm cho xã hội lớn mạnh với hoạt động chính trị. Nhưng mà trong cương vị là một triết gia giáo sư có thể cống hiến gì cho chính trị? Hay nói cách khác, đâu là vai trò của triết gia trong xã hội chúng ta ngày nay nay?

Đáp: Triết gia là một từ chứa đựng nhiều điều khác nhau bên trong nó. Trước thời Platon đề cập tới triết lý đã có các người gọi là ”sophoi”, trong tiếng Hy lạp có nghĩa là các hiền nhân, các người khôn ngoan, và từ ”sophos” có nghĩa là người ngửi, người đánh hơi. Họ là những người ngửi các thực phẩm, rượu, dầu và biết phân biệt thứ nào tốt và ngon và thứ nào ít tốt hơn và ít ngon hơn.

Nhiệm vụ nền tảng đầu tiên của trí thông minh là biết phân biệt, nghĩa là có khả năng phân định. Triết gia là người yêu thích khả năng phân định và phân biệt. Trong nòng cốt, trong một quan điểm đời, thì tất cả mọi công đân đều là những người mang trong mình khả năng phân định và phân biệt ấy, cả khi họ đã không thể phát triển nó một cách tràn đầy. Trái lại, triết gia là người đã đặc biệt chú ý phát triển khả năng phân biệt này. Họ là một người như tất cả mọi người khác theo đuổi khả năng sống, nhưng không phải như một tù nhân của sự lẫn lộn, mà như là người mở lớn mắt để nhìn xem và phân định.

(Avvenire 27-4-2013)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.