2013-05-13 14:03:27

LỜI QUỞ TRÁCH BẢO BAN LÀ ĐƯỜNG DẪN TỚI SỰ SỐNG!


... Cách đây 97 năm, từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1916, thống chế Philippe Pétain (1856-1951) chỉ huy trận đánh khốc liệt nhất - trong thời đệ nhất thế chiến 1914-1918 - để đẩy lui sức tấn công vũ bão của quân Đức tại Verdun (Đông Bắc Pháp). Trong trận chiến, binh lính Pháp phân chia thành nhiều trung đội. Mọi người dốc toàn lực để chiến đấu vì đó là danh dự của tổ quốc .. Quân Pháp thắng trận vẻ vang nhưng với giá vô cùng đắt đỏ. Binh sĩ Pháp gục chết như rạ. Từ đó Verdun gắn liền với tên ”Mồ chôn tuổi trẻ - Rừng núi chiến thắng”.

Sau đây là lá thư của một binh sĩ Pháp tham gia trận đánh tại Verdun viết cho hiền mẫu. Lá thư đề ngày Thứ Bảy 25-3-1916.

Mẹ yêu dấu. Không rõ phép lạ nào đưa con ra khỏi nơi chốn địa ngục này. Không biết bao nhiêu lần con như còn mơ màng tự hỏi: ”Phải chăng mình thực sự còn sống?” Mẹ à, chúng con gồm cả thảy một nghìn hai trăm (1200) binh sĩ tham gia trận chiến. Khi trận chiến chấm dứt, chúng con chỉ còn vỏn vẹn ba trăm (300) người. Cơ may nào khiến con lọt vào số 300 người sống sót? Con không rõ! Mẹ biết không, đáng lý ra con đã chết đến cả trăm lần, vào bất cứ giây phút nào, suốt trong vòng ròng rã 8 ngày tròn chiến đấu. Cứ mỗi lần như thế, con lại thầm nghĩ: ”Giờ cuối cùng đã điểm!” Trước khi khởi đầu cuộc chiến mỗi người chúng con đều sẵn sàng hy sinh mạng sống, bởi lẽ, chúng con biết chắc không thể nào sống sót sau một trận chiến khốc liệt kinh hoàng như thế!

Vâng, đúng thế Mẹ à! Tất cả chúng con đều chịu đau khổ tột cùng. Mỗi người không bao giờ có thể diễn tả cho hết nỗi thống khổ đã trải qua. Ngoài đau khổ tinh thần lớn lao nhất luôn đè nặng vì biết chắc mình có thể chết bất cứ lúc nào, còn thêm đau khổ thể xác của những đêm dài thức trắng. 8 ngày trọn không uống nước và gần như không ăn gì cả. 8 ngày trọn sống giữa ”đống thịt người”, nằm cạnh các tử thi và đạp lên xác các bạn đồng ngũ ngã gục chiều hôm trước.

A! Mẹ ơi, con nghĩ thật nhiều về Mẹ và về mọi người thân yêu trong giờ phút kinh hoàng này. Niềm đau khổ tột cùng nhất trong những lúc ấy chính là ý nghĩ không bao giờ còn trông thấy khuôn mặt Mẹ hiền và người thân yêu. Tất cả chúng con đều già hẳn đi, ôi Mẹ yêu dấu, và rất nhiều người trong chúng con đã có mái tóc điểm sương. Đây sẽ là dấu chứng ghi khắc vĩnh viễn cho niềm đau trải dài. Con thuộc về một trong những người ấy, Mẹ à! Giờ đây nơi quân đoàn, chúng con không bao giờ còn có thể cười vang. Niềm vui đã vĩnh viễn biến mất, bởi vì, tận cùng thẳm trái tim, chúng con để tang cho tất cả anh em đồng binh chủng gục ngã tại Verdun trong tuần lễ từ mùng 5 đến 12 tháng 3. Có thật là niềm hạnh phúc cho con vì thoát chết không? Con cũng không biết! Nhưng nếu con phải ngã gục sau này thì tốt hơn cả là con nên ở lại nơi vùng đồi núi Verdun!

Mẹ thật có lý khi cầu nguyện nhiều cho con! Mỗi người lính trẻ chúng con đều cần nhờ ai đó cầu nguyện thật nhiều cho chúng con. Phần con, cứ mỗi lần bom rơi, bom nổ ngay bên cạnh, con thường lâm râm đọc các Lời Kinh con học thuộc lòng lúc con còn bé tí teo! Và Mẹ nên tin lời con nói rằng chưa bao giờ con đọc Kinh với trọn lòng sốt sắng như trong những lúc ấy.

Con trai Mẹ vô cùng yêu thương Mẹ và trìu mến ôm hôn Mẹ triệu triệu lần. Ký tên.

Tái bút. Người lính trẻ viết những dòng trên đây gởi Mẹ, quả thật anh bị trọng thương 6 tháng sau đó vào ngày 8-9-1916. Anh được thuyên chuyển về Bệnh Viện thành Chartres (Trung Pháp) và qua đời ngày 11-9-1916.

... ”Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ. Lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày. Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con lui tới, sẽ gìn giữ con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy. Vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn tới sự sống” (Sách Châm Ngôn 6,20-23).

(L'Ange Gardien, N.6/2003, trang 17)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.