2013-04-20 15:43:10

Suy tư tâm lý - xã hội về tội lỗi của con người



Khi phân tích tội lỗi của con người trên bình diện tâm lý xã hội, chúng ta duyệt xét một từ được dùng trong các văn bản của nền văn chương sám hối thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Nó là một thứ ngôn ngữ biểu tượng.

Các biểu tượng cổ xưa nhất đề cập tới ”vết nhơ” của một cái gì đó, nghĩa là một cái gì từ bên ngoài làm vấy bẩn, gây hư hại và ô nhiễm cho con người. Ngôn ngữ kinh thánh thì dùng các kiểu nói như: hụt đích, không đạt đích, đi theo một con đường cong queo, nổi loạn, cứng đầu cứng cổ, ngoại tình bất trung, điếc, bị hư mất, sai lầm, trống rỗng và giả dối, hay thay lòng đổi dạ, bất thường như bụi đất. Phạm tội, sống tội lỗi là không đạt đích, là đi trệch đường, là thất bại trong ơn gọi là người và là con cái Chúa của mình. Các biểu tưởng này diễn tả ý tưởng tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau và giữa con người với chính mình. Thêm vào ý tưởng của sự đổ bể hay gẫy đổ tương quan, cũng phải nói tới một sức mạnh thống trị con người, và cũng là dấu chỉ sự yếu đuối, sự hư không của con người được diễn tả bởi hơi thở và bụi đất.

Biểu tượng của tội lỗi, một cách luân chuyển, là biểu tượng của một cái gì tiêu cực: sự đổ bể, sự gẫy vụn, việc trở thành xa lạ, sự vắng bóng, sự hư không phù phiếm, nhưng cũng là biểu tượng của một cái gì tích cực: sức mạnh, sự chiếm hữu, nhà tù,, sự tha hóa. Ý tưởng về tình trạng tội lỗi diễn tả hình thái triệt để việc nội tâm hóa của việc bước từ ”vết nhơ” sang ”tội lỗi”. Tội lỗi đã là sự gẫy bể của một tương quan, của điều kiện thực sự, khách quan, của chiều kích bản thể trong cuộc sống con người. Hơn nữa tình trạng tội lỗi còn có một khía cạnh chủ quan rõ ràng. Biểu tượng của nó miêu tả ý thức bị nghẹt thở bởi một sức nặng đầu độc nó. Các ẩn dụ được dùng để diễn tả nó là ”gánh nặng”, là ”vết cắn”, là ”tòa án”. Ở đây chúng ta đi tới một thời điểm đặc biệt trong kinh nghiệm của con người về sự dữ, một thời điểm hàm hồ nhất.

Một đàng ý thức về lỗi lầm ghi dấu một tiến trình rõ ràng đối với điều mà chúng ta gọi là ”tội lỗi”; trong khi tội lỗi vẫn là một thực tại tập thể, thì lỗi lầm có khuynh hướng cá nhân hóa. Trong lịch sử của dân Israel các ngôn sứ thời lưu đầy đã thực sự là những tác giả của tiến trình này. Lời rao giảng của các vị diễn tả một tư tưởng giải thoát. Trong một thời đại, trong đó một cuộc hồi hương tập thể từ nơi lưu đầy được so sánh với biến cố xuất hành của thời xa xưa từ Ai Cập, xem ra là điều không thể được, thì một con đường cá nhân hướng tới sự hoán cải được mở ra cho từng người. Người ta ghi nhận một cách rõ ràng sự tiến triển: từ kinh nghiệm bình đẳng không định tính của tội lỗi nổi bật lên một sự ”phân chia mức độ” của tình trạng lỗi lầm: con người là kẻ có tội một cách hoàn toàn và triệt để, nhưng có trách nhiệm trong các mức độ khác nhau. Việc cá nhân hóa và mức độ của lỗi lầm chỉ cho thấy một cách rõ ràng một tiến trình so sánh với tính cách tập thể và không định tính của tội lỗi. Nói chung, cho tới thời lưu đầy, tức thế kỷ thứ VI trước công nguyên, dân Do thái vẫn có quan niệm tập thể về tội lỗi, vì thế nên họ mới truyền miệng nhau câu ngạn ngữ ”Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng”. Những người Do thái phải đi đầy cho rằng vì cha ông họ đã phạm tội nên họ bị Thiên Chúa đánh phạt phải chịu kiếp sống lưu đầy bên Babilonia. Nhưng qua ngôn sứ Êdêkiel Thiên Chúa cho họ biết rằng: ”Ai phạm tôi, kẻ ấy phải chết” (Ed 18,2.4); nghĩa là họ cũng không phải là những người vô tội. Thật ra, tội lỗi bao giờ cũng bao gồm hai chiều kích cá nhân và tập thể ảnh hưởng trên nhau một cách chặt chẽ, ngay cả khi con người không trông thấy hay không nhận ra chúng. Lý do đơn sơ là vì mỗi người là thành phần của cộng đoàn nên không có suy tư hành xử nào của một người, dù thầm kín đến mấy, mà lại không để lại ảnh hưởng trên cuộc sống của toàn cộng đoàn. Người càng có địa vị và trách nhiệm cao, thì các tội và lỗi lầm của người ấy lại càng gây ra các ảnh hưởng trầm trọng hơn trên cuộc sống cộng đoàn.

Đàng khác, trong nghĩa tiêu cực cũng bắt đầu một bệnh lý học chuyên biệt, trong đó sự bối rối ghi dấu việc quay trở lại đàng sau. Cả sự bối rối cũng có một tính cách hàm hồ. Nếu một đàng lương tâm bối rối là lương tâm tế nhị, tỉ mỉ, say mê một sự toàn vẹn ngày càng lớn hơn, thì đàng khác sự bối rối ghi dấu việc lương tâm luân lý bước vào một điều kiện bệnh lý học.

Người bối rối tự khép mình trong đường hầm của các giới răn; sự bắt buộc chiếm hữu tính cách số lượng chồng chất trái nghịch với sự đơn sơ và thanh đạm của giới răn mến Chúa yêu người. Thái độ của người bối rối đẫn đưa tới một quan niệm ”pháp lý” của hành động và việc nghi thức hóa hầu như một cách ám ảnh cuộc sống thường ngày. Nó vừa là hậu qủa vừa là lý đo của một sự đồi trụy ý niệm về sự vâng lời. Nó khiến cho con người trở lại với tình trạng ”nô lệ luật”, như thánh Phaolô miêu tả trong chương 7 thư gửi tín hữu Roma. Như thế tình trạng tội lỗi vén mở cho thấy sự chúc dữ của một cuộc sống nằm dưới ách của luật lệ, tình trạng rủi ro không trở lại đàng sau được nữa như triết gia Kafka miêu tả: việc kết án đã trở thành sự trầm luân.

Sự tiến triển ghi nhận trong ngôn ngữ đã đặt để chúng ta trước các mức độ khác nhau của tình trạng tội lỗi: từ một bình diện tiên khởi có thể định nghĩa là ”vô thức”, bản năng, cho tới một bình diện có suy tư hơn, trong đó con người tự khiến cho mình có trách nhiêm đối với sự dữ của mình - vì nằm trong bình diện sự tự do của họ - cho tới một bình diện tôn giáo, trong đó con người nhận thức sự kiện mình là người tội lỗi trước mặt Thiên Chúa: đây là bình diện chuyện biệt của kitô hữu, của con người thiêng liêng.

Khi đề cập tới tội lỗi, chúng ta nhận thấy nó có ba bình diện hay ba mức độ, và trong mỗi mức độ từ tội lỗi có ý nghĩa khác nhau. Bình diện thứ nhất là mức độ của bản năng. Nơi con người có môt kiểu sống sự bắt buộc và tội lỗi, mà cho dù có bị lý trí hóa trong các lý do trí thức đi nữa, trong nòng cốt nó vẫn ở trên bình diện của bản năng. Nó bị xác định bởi áp lực xã hội; với các cấm đoán và các kiêng kỵ của nó xã hội thiết định một việc bảo vệ chống lại nguy hiểm được diễn tả bởi bản năng cá nhân. Tội hay lỗi lầm tức thì hệ tại tính cách vật chất của việc vi phạm. Sự hối lỗi sẽ chỉ đơn sơ là ước muốn bản năng thoát ra khỏi các hậu qủa của sự vi phạm ấy. Việc xưng thú tội lỗi và dốc lòng sửa chữa chỉ nằm trên bình diện thuần túy lễ nghi đền tội.

Thứ hai là bình diện luân lý. Nó nằm trong mức độ việc thực hiện có ý thức tự do và độc lập của bản vị con người, trong sự hiện diện của nó trên thế giới và trong tương quan liên chủ thể của nó với bản vị tuyệt đối là Thiên Chúa. Luật lệ mà con người ý thức được, như thế, ngưng là một đau buồn bề ngoài: nó là việc thực hiện cuộc sống riêng tư của mình như dữ kiện tiềm năng và dự án cần phải thực hiện. Ý thức luân lý sẽ không là gì khác, nếu không phải là ý thức về chính mình, hoạt động như khả năng phân định. Khả năng đó ở mỗi lựa chọn tự do, sẽ phán xử về điều tạo dễ dãi cho việc thực hiện đích thật chính mình, và về điều, trái lại, chống lại sự thực hiện đó. Cả khi nó không thể sai lầm đi nữa, sự phán xử của lương tâm được áp đặt một cách vô điều kiện cả trong trường hợp sai lầm vì ý ngay lành. Lỗi lầm luân lý hệ tại chỗ hành động một cách tự do chống lại sự phán xử của lương tâm mình. Như thế đây không chỉ là tính cách vật chất của hành động xác định nó. Sự trừng phạt lỗi lầm không còn là việc đe dọa từ bên ngoài nữa: tội luân lý tự phạt chính mình qua việc kết án sự lệch lạc trong việc trở thành của chính mình. Sự hối lỗi hệ tại việc thừa nhận trước mặt mình hành động riêng rẽ ấy như là việc khước từ chính mình và trong việc lên án sự trở thành lệch lạc đó. Nó không phải là thái độ thụ động và chịu trận, mà là sự kích thích trở về với sự thật việc trở thành đích thực của mình. Việc xưng tội đặt sự kết án tội lỗi của mình và sự dốc lòng xa tránh tội lỗi vào trong bối cảnh cụ thể của một sự lớn lên trong cộng đoàn, và có thể vén mở cho thấy một phương thế hữu hiệu trong việc trở về với sự thật trong hành động của mình.

Bình diện thứ ba là bình diện thiêng liêng của kitô hữu. Sự thành toàn luân lý của con người được hiện thực trước hết trong cuộc gặp gỡ trưởng thành với tha nhân trong tình yêu thương. Nhưng mà chỉ có một giá tri tuyệt đối của tình yêu mới có thể xây dựng một luân lý tình yêu có gía trị đại đồng; và cuộc gặp gỡ của tình yêu như là tuyệt đối sẽ đặt để chúng ta trên một bình diện cao hơn, bình diện của luân lý đạo đức tôn giáo. Luật lệ xác định cuộc gặp gỡ này không còn đơn thuần là việc thành toàn chính mình, mà là lời mời gọi vượt thắng việc thành toàn ấy cho một tương quan liên bản vị của tình yêu, với Bản Vị là chính Đấng Tuyệt Đối. Đây không phải là một hình thức mới của việc áp đặt từ bên ngoài như thoạt đầu xem ra như thế. Trong tương quan này tôi không ra khỏi chính mình, nếu không phải là để tìm lại chính tôi, vượt ngoài các giới hạn tự nhiên của tôi, trong một sự thông truyền với Thiên Chúa: ở đây đó là tuyệt đỉnh đạt được trong kinh nghiệm thần bí. Lương tâm thôi là một phán xét đơn thuần luận lý hay lý trí, mà trở thành sự hiệp thông giữa hai bản vị yêu nhau, trở thành ý thức về Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa trong tình bác ái. Ở đây tội lỗi trở thành trước hết và nhất là sự bất trung đối với một tình yêu: chính con người trong thái độ khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Sự trừng phạt tội lỗi không phải là một hình phạt bị đưa ra từ bên ngoài, mà là nổi khổ đau của người khước từ một cách lì lợm một nhu cầu tình yêu không thể nào dập tắt được. Sự hối lỗi nảy sinh từ cuộc gặp gỡ giữa hai sự chắc chắn đó: một đàng là cái hiển nhiên của sự bất trung, đàng khác là lời kêu gọi của lòng xót thương của Thiên Chúa. Trả lời cho sự thống hối là ơn tha thứ, canh tân tình yêu và sát nhập chính tội lỗi vào trong cuộc đối thoại của Thiên Chúa. Việc xưng tội sẽ là dấu chỉ, qua đó cuộc gẵp gỡ và đối thoại được tái lập. Việc sám hối hay đền tội trên bình diện thời gian lớn lên của con người, nhập thể điều mà trong chính lúc tạo dựng của tình yêu đã được thực hiện một cách hoàn toàn trên bình diện tôn giáo.


THKT 1145

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.