2013-04-12 20:11:43

Cuộc khủng hoảng ý niệm về tội lỗi và Bí tích Hòa Giải


Cho tới nay chúng ta đã tìm hiểu ba Bí tích khai tâm là: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Tiếp đến là hai Bí tích trao ban ơn thánh cho cuộc sống kitô trong cương vị là chồng vợ và cha mẹ trong gia đình là Bí tích Hôn Phối, và trong ơn gọi linh mục là Bí tích Truyền Chức Thánh. Khi đau yếu, tín hữu lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Và sau khi phạm tội tín hữu có thể tẩy rửa các vết nhơ của tội lỗi bằng cách chạy đến lãnh nhận ơn tha thứ qua Bí tích Hòa Giải hay Bí tích Giải Tội hoặc Sám Hối.

Để hiểu biết ý nghĩa của Bí tích hòa giải trước hết chúng ta tìm hiểu ý niệm về tội lỗi và người có tội hay hối nhân.

Kinh nghiệm về tội lỗi là điều ai trong chúng ta cũng đã trải qua. Chúng ta phạm tội mỗi ngày: tội cá nhân và tội tập thể, thường là tội nhẹ, nhưng cũng có khi là tội nặng. Chúng là các tư tưởng và hành động chống lại Thiên Chúa, chống lại tha nhân và chống lại chính chúng ta. Tội lỗi làm vấy bẩn tâm hồn và đầu độc cuộc sống con người. Chúng khiến cho con người ít là người hơn, chúng gây thương tích cho cuộc sống và giết chết hạnh phúc của con người. Tội lỗi làm ô nhiễm cuộc sống cá nhân, và làm băng hoại cuộc sống gia đình và xã hội. Trên bình diện tâm lý và nhân chủng xã hội, tội lỗi không phải là cái gì độc lập với các tình cảm, các âu lo và các tham vọng riêng của một thời đại. Chúng cũng không dựa trên các luật lệ kỹ thuật xa lạ với cuộc sống thường ngày, nhưng phản ảnh các khát vọng nội tâm và tính hoạt động sáng tạo của con người. Chúng cũng diễn tả các thực hiện văn hóa, thông truyền các khát vọng thầm kín cá nhân và tập thể. Tội lỗi vén mở cho thấy các các đặc thái suy tư hành động của một thời đại. Thật thế, mỗi thời đại đều có các cung cách suy tư hành xử riêng biệt, phản ảnh cả trên tội lỗi của con người. Trong bầu khí tục hóa và tương đối hóa mọi sự có lẽ tội lớn nhất trong thế giới ngày nay đó là con người bắt đầu đánh mất đi ý thức về tội lỗi. Sự kiện con người không còn biết tội là gì nữa ngày càng trở thành một thực tại hiển nhiên gây lo âu.

Qủa vậy, đối với rất nhiều người xem ra vấn đề tội lỗi đã là điều lỗi thời, hay người ta coi nó như là một cái gì hoàn toàn khác đối với suy tư thần học truyền thống. Con người ngày nay hiểu biết một ý thức trách nhiệm về lỗi lầm và muốn được giải thoát khỏi lỗi lầm ấy. Chắc chắn ý thức đó đã bị thay đổi nơi nhiều mgười. Và vì thế nhiều người ít cảm thấy các lỗi lầm trong cuộc sống riêng tư hơn là các vi phạm có ảnh hưởng trên môi trường xã hội công cộng. Ý nghĩ tội lỗi xúc phạm tới Thiên Chúa bị liệt vào hàng thứ yếu đứng trước ý thức tội lỗi là một bất công đối với tha nhân và xã hội. Hơn là việc quy chiếu về các giới răn và luật lệ, nó giúp kệu gọi tinh thần trách nhiệm cá nhân và việc hiểu biết các tương quan nhân bản và xã hội. Ngoài ra, cũng cần chú ý tới các hệ lụy khác nhau có bản chất tâm lý trong việc đánh mất đi ý thức về tội lỗi.

Đàng khác, các tiến bộ của khoa học nhân văn xem ra đặt vấn nạn liên quan tới suy tư thần học về vần đề tội lỗi và ý thức về tội, đồng thời đối với cả sự sám hối hay bí tích giải tội. Bầu khí tục hóa nặng nề của xã hội ngày nay cho thấy Thiên Chúa xem ra vắng bóng, không hiện diện trong thế giới và nền văn hóa của chúng ta. Thiên Chúa bị gạt ra khỏi chân trời cuộc sống thường ngày của con người. Thế rồi trước sự phát triển của các khoa học nhân văn ngày càng cung cấp cho con người các phương tiện có phẩm chất hơn giúp giải thích thực tại và trao ban lý do cho cung cách hành xử của con người, các tiêu chuẩn và các luật lệ trước đây được coi như đã được chinh phục một cách rõ ràng, giờ đây bị đặt thành vấn nạn. Và người ta tự hỏi có còn một khoảng không cho suy tư thuộc loại có luận lý, luân lý và tinh thần loại này hay không. Và có thể xem ra là trong đường nét chung của nó diễn văn không là một trợ giúp biện minh kiểu ”tự ngắm nghía chính mình” của một nhóm tôn giáo, một diễn văn mà gía trị tính và tính sinh động của nó bị cái nghiêm chỉnh của tiến trình khoa học đặt lại vấn đề.

Từ đó có thể phát sinh ra một thái độ khước từ, giản lược sự hiện diện của Thiên Chúa vào một sự hiện diện thuần túy đối với thế giới con người, bằng cách coi thực tại nhân bản như là dấu chỉ của sự thiên linh, và như thế có gia trị điều luật đối với thái độ sống của con người. Thế nhưng không có cuộc gặp gỡ nào, kể cả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, mà lại không cần đến các lời nói và các dấu chỉ, mà lại không cần đến một ngôn ngữ diễn tả nó. Cuộc khủng hoảng của ngôn ngữ đức tin bỗng dưng đặt để chúng ta trước sự bất toàn và tính cách tạm bợ của chính ngôn ngữ. Các công thức tín lý, các hệ thống thần học, và cả các cử chỉ bí tích và thái độ của kitô hữu cũng cho thấy sự không thích hợp của chúng trước một mầu nhiệm không thể cạn.

Chính trên bìmh diện này mà suy tư thần hoc cần phải tái định vị trí và tìm lại ý nghĩa của nó, và đây là điều không thể thiếu, mà ngay từ bây giờ tín hữu kitô phải dám đưa ra một công thức phản ánh sự đối chiếu từ kinh nghiệm cuộc sống giữa đức tin và thảm cảnh cuộc sống con người ngày nay. Chính trong nghĩa này suy tư luân lý và tinh thần có được một khúc rẽ nền tảng, và cả tương quan giữa thần học và các khoa học nhân văn sẽ không bị coi như không thể hòa hợp được với nhau, hay phải chọn một bỏ một.

Tuy hai lãnh vực khác nhau và có đối tượng hình thái nghiên cứu khác nhau nhưng chúng bổ túc cho nhau. Không thể nói đến tu đức mà không đề cầp đến nhân chủng học, bởi vì không thể nói về con người được quy chiếu về Thiên Chúa, mà không biết tới cấu trúc và các guồng máy sâu thẳm của bản vị con người và các tương quan của nó với các người khác. Đây là điều vượt thoát khỏi lãnh vực thần học. Đàng khác, cũng sẽ lá điều không thể chấp nhận được đối với một tín hữu kitô cho rằng với các tiêu chuẩn thuần túy khoa học có thể lý giải tính cách toàn diện cuộc sống và hành động của con người, làm như thể trong chúng ta có một chiều kích siêu vượt trên khả thể của các dụng cụ phân tích này.

Cuộc khủng hoảng ý niệm về tội lỗi có các triệu chứng của nó. Trên bình diện ngôn ngữ, các từ của nền thần học thông thường tạo ra một tình trạng khó chịu gia tăng. Trước mắt đa số người các ý niệm về tội lỗi, ăn năn hối lỗi, xá giải tha tội ngày càng có nội dung không chắc chắn. Việc phân chia chúng thành các phạm trù chính xác tạo ra vấn nạn, khi phải xác định tầm nghiêm trọng của tội lỗi: tội trọng hay tội nhẹ, án phạt hỏa ngục hay luyện ngục, phẩm chất của sự hối hận hoàn toàn hay không hoàn toàn. Một vài ý niệm lại còn đang trên đường biến mất một cách thuần túy và đơn sơ, vì các tấn kích của việc giải trừ sự thánh thiêng hay chỉ vì sự quên lãng liên quan tới sự đau buồn, và sự bất toàn hay việc đền tội. Trên bình diện hành xử, người ta ghê tởm đối với tất cả các hình thức hãm mình và sám hối đền tội. Tất cả đều bị coi như tiêu cực và tước đoạt đối với ước muốn của chúng ta, và bị nghi ngờ là vô nhân, khổ dâm, phá rối. Trong kinh nghiệm sống nội tâm, chúng ta khó mà hiểu được tội có nghĩa là gì: xem ra nó là một khuynh hướng hay một tình trạng phổ biến, hay sự thiếu hụt của một tình trạng tổng quan hơn là một hành động chính xác có thể được kê khai trong một loạt các hành động tội lỗi.

Các lý do của cuộc khủng hoảng ý thức về tội lỗi có thể được giản lược vào trong lãnh vực vấn đề của sự tự do. Người ta đặt vấn nạn liên quan tới sự vững vàng thực sự nơi sự tự do của con người. Sự tự do xem ra giòn mỏng và bị hạn chế bởi một loạt các điều kiện, tới độ người ta thảo luận cả chính khả thể thực thi các hành động có lỗi muốn làm một cách tự do.

Đàng khác, người ta cũng nhận thấy một ý thức không tin tưởng trước mọi dữ kiện bên ngoài sự tự do, và có khuynh hướng điều kiện hóa nó, ý thức không tin tưởng vì việc đặt vấn nạn liên quan tới gía trị của luật lệ; vì nhận thấy sự đa nguyên và khác biệt trong xã hội mà các điều lệ không còn có thể hòa hợp được trong một loạt các cấm đoán luân lý khách quan có giá trị một cách đại đồng; vì sự tương đối hóa các gía trị và vì sự không chắc chắn liên quan tới điều được phép hay bị cám đoán bởi xã hội chúng ta, không tạo dễ dãi cho việc thức tỉnh lương tâm luân lý; vì không có khả năng thích ứng với ”nguyên tắc của thực tại” để làm theo ”nguyên tắc làm hài lòng”, trong nghĩa thỏa mãn một ước muốn ngay tức khắc, cho dù nó có phù du thế nào đi nữa.

Trong nguồn gốc, chúng ta cũng có thể nói về sự sợ hãi biến Thiên Chúa thành đồ vật, và thừa nhận sự khác biệt và sự tự do của Thiên Chúa. Thiên Chúa bị coi như việc thực hiện ước muốn của con người nhiều hơn đối với sự toàn vẹn của con người, và sự hòa giải đại đồng như là sự can thiệp vào lịch sử con người của một sự tự do gọi hỏi chúng ta và liên tục khiêu khích chúng ta phải thay đôi và thắng vượt dự tính nhân loại của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta nhân ra rằng đây không phải là chuyện mất đi ý thức về tội lỗi cho bằng mất đi một ý thức nào đó về tội lỗi. Ở đây đó là ý thức về tội lỗi như là một vi phạm luật cấm, và đàng khác là việc gia tăng của một hình thức tình trạng tội tiềm ẩn dẫn đưa tới chỗ khước từ gương mặt quyền bính của chính Thiên Chúa, vì sự sợ hãi có khi là vô thức và việc bị Thiên Chúa xét xử. Đồng thời cũng nảy sinh ra một chiều kích mới về ý thức tội lỗi với một sự nhậy cảm khác, chẳng hạn như thừa nhận trách nhiệm tập thể đối với số phận của toàn nhân loại, và chú ý nhiều hơn tới các đòi hỏi của tình yêu thương, có tính cách quan trọng và định đoạt hơn là các đòi hỏi của luật lệ. Thế rồi người ta cũng nhấn mạnh nhiều hơn trên chiều kích liên bản vị và xã hội của cuộc sống con người.

Kết luận, có một sự giảm thiểu nào đó liên quan tới ý thức về tội lỗi, nhưng đàng khác lại nảy sinh một khía cạnh ý thức đích thật gần gũi hơn với nền văn hóa của chúng ta. Các khó khăn gặp phải trong việc diễn tả tội lỗi một cách thỏa đáng giúp chúng ta hiểu rằng sự tuyệt đối của tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa phải là điểm tham chiếu thường xuyên của chúng ta. Nó siêu vượt hơn trí thông minh và khả năng yêu thương của chúng ta. Như thế, tâm tình phải có đối với tình yêu ấy sẽ là một chỉ dẫn hiện sinh cho điều kiện là người tội lỗi của chúng ta. Các thánh là các thầy dậy trong lãnh vực này. Như vậy cần phải minh giải ngôn ngữ cho phép chúng ta sử dụng một cách chính xác hơn các từ ”tội lỗi”, ”ý thức về tội lỗi” và ”sự hoán cải” trên nhiều lãnh vực khác nhau, để tránh các lẫn lộn, và không vượt qua ranh giới của suy tư thần học để bước vào các lãnh vực khác, tuy chúng bổ túc cho lãnh vực thần học nhưng phải khác biệt với nó. Và như thế nền tu đức cũng được hưởng lợi nữa.

(KT1144)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.