2013-03-18 13:52:05

CHÚNG TÔI RAO GIẢNG MỘT ĐẤNG KITÔ BỊ ĐÓNG ĐINH


Từ ba thế kỷ qua, hàng năm cứ vào Tuần Thánh, cửa nhà thờ Đức Chúa GIÊSU ở thành phố Murcie, miền Nam Tây Ban Nha, lại mở rộng cho tín hữu Công Giáo vào tham dự các lễ nghi Tuần Thánh. Và mỗi lần như thế, các tín hữu được dịp chiêm ngưỡng ngây ngất trước 8 nhóm tượng khắc gợi lại cuộc khổ nạn của Đức Chúa GIÊSU. Nổi bật nhất là nhóm tượng khắc mô tả buổi cầu nguyện của Đức Chúa GIÊSU nơi Vườn Cây Dầu, gồm tượng Thánh Phêrô đang ngủ và tượng Đức Chúa GIÊSU đang quỳ cầu nguyện, bên cạnh đó là tượng Thánh Thiên Thần hiện ra an ủi Chúa. Tượng Thánh Thiên Thần này quả là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc, mô tả cách hoàn hảo vừa nét đẹp của thân xác vừa nét an bình của tâm hồn và kết hợp hài hòa hai thế giới nhân trần và thần thiêng trong một nghệ thuật vô tiền khoáng hậu ..

Tác giả các tượng khắc bằng gỗ nói trên là ông Francisco Salzillo (1707-1783). Thân phụ của Francisco là một nhà điêu khắc người Ý, vào cuối thế kỷ XVII, đã đến lập nghiệp tại Murcie. Nơi đây, Francisco Salzillo chào đời vào năm 1707.

Ngay từ thời thơ ấu, Francisco đã theo sát thân phụ và phụ giúp cha trong nghề điêu khắc. Cậu sớm tỏ ra là một đứa trẻ có tài. Nhưng thế giới nghệ thuật không đủ sức thu hút tâm hồn Francisco, vốn rất nhu mì và đạo đức. Cậu mơ ước một đời sống lý tưởng khác: đời tu trì. Sau khi mãn trung học nơi trường các cha Dòng Tên, cậu xin gia nhập dòng Tên và bắt đầu năm tập tại tu viện Thánh Đaminh ở Murcie .. Nhưng đến năm 20 tuổi thì thân phụ qua đời và Francisco bị bắt buộc phải rời nhà dòng về gia đình phụ giúp thân mẫu nuôi đàn em 6 đứa, cả trai lẫn gái. Thế là Francisco nối nghiệp cha trong nghề điêu khắc.

Công trình nghệ thuật của Francisco thật bao la. Cho đến khi qua đời vào năm 1783, thọ 76 tuổi, ông đã tạc 1800 bức tượng, nổi tiếng trong toàn nước Tây Ban Nha. Bị bắt buộc phải sống giữa thế gian, phải làm lụng sinh nhai và phải lập gia đình, nhưng tâm hồn Francisco vẫn hướng về một thế giới siêu thoát. Ông sống cuộc đời giáo dân thật đạo đức. Cao vọng của ông là diễn đạt niềm tin Kitô sâu xa của mình trong một nghệ thuật tuyệt vời. Ông cũng cố gắng nối kết hai thế giới thần thiêng và nhân trần trong các nhân vật điêu khắc của ông..

Tương truyền rằng khi tạc các nhân vật cho khung cảnh Đức Chúa GIÊSU KITÔ cầu nguyện trong vườn cây dầu, đến bức tượng Thánh Thiên Thần hiện đến an ủi Chúa, ông đã mất rất nhiều thời giờ, tạc đi tạc lại, nhưng vẫn không thành công như ý muốn. Vào một buổi tối, có một người khách lạ bất ngờ ghé nhà thăm ông. Đến sáng hôm sau người khách lạ biến mất, nhưng cùng lúc, bức tượng Thiên Thần của ông Francisco được hoàn tất trong một nét đẹp thần thiêng, bình an và thanh thoát, như ngày nay người ta vẫn còn có dịp chiêm ngưỡng ..

Người ta cũng thuật lại rằng để có một hình mẫu diễn tả nỗi đau khổ của Đức Mẹ Sầu Bi (Mater Dolorosa) ông đã phải thóa mạ vợ hiền, rồi ông quan sát thật kỹ tất cả những nét đau khổ xuất hiện trên khuôn mặt hiền thê, và tạc bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi ..

Để làm sống động các nhân vật Kinh Thánh của mình, ông Francisco thường tô màu và mặc y phục cho các bức tượng này. Nhờ thế, ngày nay người ta còn thấy dấu vết của xã hội Tây Ban Nha thời thế kỷ XVIII .. Ông cũng đưa các nhân vật trong đời sống thường ngày nơi thành phố Murcie vào trong các bức tượng nghệ thuật của mình. Do đó mà nghệ thuật của ông Francisco Salzillo trở thành một nghệ thuật vừa bình dân sống động, vừa diễn đạt một niềm tin tôn giáo vô cùng sâu xa .. khó có ai vượt xa được ông.

... ”Thật thế, lời rao giảng về Thánh Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của THIÊN CHÚA. Vì có lời chép rằng: ”Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu?” Người lý sự của thời này đâu? THIÊN CHÚA lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết THIÊN CHÚA ở những nơi THIÊN CHÚA biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên THIÊN CHÚA đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng KITÔ bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được THIÊN CHÚA kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Chúa GIÊSU KITÔ, sức mạnh và sự khôn ngoan của THIÊN CHÚA. Vì cái điên rồ của THIÊN CHÚA còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của THIÊN CHÚA còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Côrintô 1,18-25).

(”Reader's Digest SÉLECTION”, Mars 1976, trang 65-68)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.