2013-02-18 13:45:27

ĐẸP THAY BƯỚC CHÂN NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG!


(Câu chuyện do một nữ tu kể lại).

Tôi được giao trách vụ dạy môn tôn giáo cho các học sinh trung học. Tôi cảm thấy trách vụ vừa khó khăn vừa quan trọng. Tôi lo lắng tự hỏi:
- Làm sao có thể nói về THIÊN CHÚA cho các em và làm cho các em yêu mến Người đây?

Tôi thường quì gối để soạn môn giáo lý. Dần dần tôi chinh phục được tâm lòng các em, khiến các em say sưa nghe tôi nói về Chúa, nghe tôi trình bày giáo lý Công Giáo. Nhưng có một lớp khó dạy nhất. Đó là các em lớp 8, tuổi từ 13 đến 15. Tôi không tài nào làm cho các em im lặng lắng nghe tôi nói. Tôi hoàn toàn thất bại, chán nản và mệt mỏi.

Một ngày nghỉ, tôi vào nhà nguyện quỳ trước Thánh Thể. Tôi khẩn khoản thưa với Đức Chúa GIÊSU:
- Lạy Chúa, Chúa biết rõ là con không thể nào tiếp tục dạy với tình trạng như thế này. Con cũng biết rõ là Chúa rất thương yêu các em. Nhưng quả thực, con không biết phải làm sao hết. Vậy nên con nhất định không ra khỏi nhà nguyện này, bao lâu Chúa chưa dạy cho con biết phải làm sao.

Và tôi ở lại nhà nguyện suốt buổi sáng hôm đó. Sau cùng, tôi như nghe tiếng Đức Chúa GIÊSU phán:
- Con hãy dẫn các em học sinh đến đây cho Thầy!

Lần dạy kế tiếp, tôi nói với các em học sinh lớp 8:
- Đã gần 3 tháng nay chúng ta làm việc chung với nhau, nhưng Dì nhận thấy các em không thích học môn giáo lý. Dì nghĩ rằng, có lẽ Đức Chúa GIÊSU muốn nói chuyện trực tiếp với các em. Tuần sau, thay vì học Giáo Lý ở đây, các em sẽ học giáo lý với Đức Chúa GIÊSU ở trong nhà thờ!

Các em ngạc nhiên mở to mắt nhìn tôi và lạ lùng thay, đây là lần đầu tiên, các em chăm chú nghe tôi nói. Tôi ôn tồn nói tiếp:
- Dì để cho các em vài phút tự do để các em suy nghĩ phải quyết định ra sao: vào hay không vào nhà nguyện học giáo lý.

Sau vài giây im lặng, tất cả đồng ý vào nhà nguyện, ngoại trừ 4 em đầu đảng, ngỗ nghịch nhất lớp. Tôi trầm tĩnh nói với 4 em này:
- Không sao, các em sẽ đến Văn Phòng, ngồi ở phòng trực. Nhưng các em nên nhớ rằng, khi các bạn của các em rời nhà nguyện, thì chắc chắn các bạn sẽ được biến đổi!

Cuối cùng, cả 4 em này cũng quyết định theo chúng tôi vào nhà thờ.

Lần học giáo lý tiếp đó, tất cả lớp đều có mặt ở nhà nguyện 15 phút trước khi chuông rung. Tôi bắt đầu giờ giáo lý bằng cử chỉ cởi giày ra và giải thích cho các em nghe câu chuyện ông Mai-sen cởi giày ra trước khi đến gần GIAVÊ THIÊN CHÚA. Tôi ngạc nhiên khi thấy các em lẳng lặng cúi xuống cởi giày ra. Vào trong nhà thờ, tôi dẫn các em tiến thẳng đến trước Nhà Tạm.

Tôi sấp mình thờ lạy Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Các em đồng loạt bắt chước tôi. Tôi bắt đầu cầu nguyện lớn tiếng cùng Đức Chúa GIÊSU. Tôi cầu nguyện thật sốt sắng. Tôi cầu nguyện với trọn tâm lòng. Qua lời cầu nguyện, tôi làm cho các em hiểu rằng, chính Đức Chúa GIÊSU muốn cho các em đến đây.

Cử chỉ, tâm tình, lời cầu nguyện của tôi quả thật đã có sức mạnh lay chuyển tâm lòng ương ngạnh, ngỗ nghịch của các em. Khi tôi ra hiệu hết giờ, các em ngạc nhiên vì thấy một giờ giáo lý sao qua đi cách quá mau.

Từ ngày đó, các em học sinh lớp 8 đã hoàn toàn thay đổi. Sau này chính các em lại trở thành một nhóm điều động các buổi cầu nguyện. Quả thật, bàn tay Đức Chúa GIÊSU đã can thiệp vào công việc dạy giáo lý của tôi và Người đã thành công. Tôi hoàn toàn tin tưởng nơi bàn tay quyền năng của Đức Chúa GIÊSU và vào hiệu quả của việc kiên trì cầu nguyện.

... ”Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: ”THIÊN CHÚA ngươi là Vua hiển trị”. Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy. Họ sẽ được thấy tận mắt THIÊN CHÚA đang trở về Sion. Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì THIÊN CHÚA an ủi dân Người và cứu chuộc Giêrusalem. Trước mặt muôn dân, THIÊN CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của THIÊN CHÚA chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy” (Isaia 52,7-10).

(”Le Christ au Monde”, Revue Internationale de Documentation et d'Expériences Apostoliques, n.6, 11+12/1983, trang 388).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.