2013-02-13 16:59:38

Mùa Chay là thời gian dấn thân để cho chân lý, đức tin và tình yêu thương trở thành điều quan trong nhất


Trong Mùa Chay của Năm Đức Tin chúng ta hãy canh tân dấn thân trên con đường hoán cải để vượt thắng khuynh hướng khép kín trong chính mình, và để dành chỗ cho Thiên Chúa bằng cách nhìn thực tại hàng ngày với đội mắt của Người... Hoán cải có nghĩa là không đóng kín trong việc tìm kiếm thành công, uy tín, địa vị riêng, nhưng làm sao để chân lý, niềm tin nơi Thiên Chúa và tình yêu thương trở thành điều quan trong nhất mỗi ngày.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong số hàng trăm nhóm hành hương hiên diện có phái đoàn 34 tín hữu Việt Nam Đan Mạch và Thụy Điển do Linh Mục Nguyễn Minh Quang hướng dẫn. Bầu khí buổi tiếp kiến đã rất là cảm động vì tất cả mọi người hiện diện đều biết rằng đây là lần cuối cùng họ gặp Đức Thánh Cha, một người cha chung rất hiền dịu và khiếm tốn.

Vì hôm qua là Thứ Tư Lễ Tro, nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của Mùa Chay Thánh, Ngài nói:

Hôm nay Thứ Tư Lễ Tro chúng ta bắt đầu thời gian phụng vụ Mùa Chay bốn mươi ngày chuẩn bị cho chúng ta cử hành Lễ Phục Sinh Thánh; nó là một thời gian dấn thân đặc biệt trên con đường thiêng liêng. Số 40 được nói đến nhiều lần trong Thánh Kinh. Nó đặc biệt gợi lại bốn mươi năm dân Israel du hành trong sa mạc: là một thời gian dài đào tạo để trở thành dân Chúa, nhưng cũng là một thời gian, trong đó cám dỗ bất trung với giao ước với Chúa luôn luôn hiện diện. Bốn Mươi cũng đã là các ngày ngôn sứ Elia đi để tới Núi của Thiên Chúa, là núi Horeb, cũng như là thời gian Đức Giêsu sống trong sa mạc trước khi bắt đầu cuôc sống công khai và là nơi Người đã bị quỷ dữ thử thách.

Trước hết sa mạc là nơi Chúa Giêsu rút lui, là nơi của sự thinh lặng, nghèo nàn, nơi con người không có các nâng đỡ vật chất, và đối diện với các vần đề nền tảng của cuộc sống, được thúc đẩy chú ý tới điều nòng cốt, và chính vì thế nên con người dễ gặp gỡ Thiên Chúa hơn. Nhưng sa mạc cũng là nơi của sự chết, bởi vì nơi đâu không có nước, thì cũng không có sự sống, và là nơi của sự cô tịch, trong đó con người cảm thấy bị cám dỗ mạnh mẽ hơn. Chúa Giêsu vào trong sa mạc, và ở đó Người chịu cám dỗ bỏ con đường do Thiên Chúa Cha chỉ định để theo con con đường của trần gian dễ dãi hơn (x. Lc 4,1-13).

Như thế, Người gánh lấy các thử thách của chúng ta, mang lấy sự khốn nạn của chúng ta, để chiến thắng kẻ dữ và mở ra cho chúng ta con đường hướng về Thiên Chúa, con đường của sự hoán cải.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã suy tư về các cám dỗ mà Chúa Giêsu phải đương đầu. Nó là tiếng mời gọi mọi người trả lời cho một câu hỏi nền tảng: cái gì thực sự có giá trị trong cuộc sống chúng ta? Trong cám dỗ thứ nhất ma qủy đề nghị Chúa Giêsu biến đá thành bánh ăn để dập tắt cái đói. Chúa Giêsu trả lời rằng con người không chỉ sống nhờ bánh: không có một câu trả lời cho cái đói chân lý, đói Thiên Chúa, con người không thể được cứu rỗi (x. cc. 3-4). Trong cám dỗ thứ hai ma qủy đề nghị với Chúa Giêsu con đường của quyền bính: nó đưa Người lên cao và cống hiến cho Người sự thống trị thế giới; nhưng đây không phải là con đường của Thiên Chúa: Chúa Giêsu ý thức rõ ràng rằng không phải quyền bính trần gian cứu rỗi thế giới, nhưng là quyền bính của thập giá, của sự khiêm nhường, của tình yêu thương ((cc. 5-8). Trong cám dỗ thứ ba ma qủy đề nghị với Chúa Giêsu từ nóc Đền Thờ Giêrusalem gieo mình xuống để khiến cho mình được Thiên Chúa nâng đỡ qua các thiên thần của Người, nghĩa là hoàn thành một cái gì ngoạn mục để thử thách chính Thiên Chúa; nhưng câu trả lời là Thiên Chúa không phải là một đối tượng mà chúng ta có thể áp đặt các điều kiện của chúng ta: Người là Chúa của tất cả (x.cc. 9-12).

Đâu là nhân tố của ba thử thách mà Chúa Giêsu phải chịu? Đó là đề nghị dùng Thiên Chúa như là dụng cụ, dùng Người cho một đối tượng cho các lợi ích của chúng ta, cho vinh quang, và cho sự thành công riêng của mình.

Và như vậy, trong nòng cốt, đó là tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, bằng cách tháo gỡ Người ra khỏi cuộc sống của mình, và khiến cho Người trở thành thừa thãi. Mỗi người phải tự hỏi: Thiên Chúa có chỗ nào trong cuộc sống của tôi? Người là Chúa hay tôi là Chúa? Đức Thánh Gha giải thích việc lướt thắng các cám dỗ như sau:

Thắng vượt cám dỗ đặt để Thiên Chúa bên dưới mình và các lợi lộc riệng tư hay đặt để Người trong một xó và trở về với trật tự ưu tiên đúng đắn, trả cho Thiên Chúa chỗ nhất, là một con đường mà mọi Kitô hữu phải luôn luôn đi trở lại. Hoán cải, một lời mời gọi mà chúng ta sẽ lắng nghe nhiều lần trong trong Mùa Chay, có nghĩa là theo Chúa Giêsu thế nào để Tin Mừng hướng dẩn cụ thể cuộc sống; có nghĩa là để cho Thiên Chúa biến đổi chúng ta, thôi nghĩ rằng chúng ta là những người duy nhất xậy dựng cuộc đời mình; có nghĩa là nhận biết rằng chúng ta là thụ tạo, chúng ta tùy thuộc nơi Thiên Chúa, nơi tình yêu của Người, và chỉ khi ”mất đi” cuộc sống trong Người, chúng ta mới có thể có được nó. Điều này đòi buộc chúng ta phải có các lựa chọn dựa trên ánh sáng của Lời Chúa. Ngày nay, chúng ta không thể là các Kitô hữu như là hậu qủa đơn thuần của sự kiện sống trong một xã hội có các gốc rễ Kitô: cả người sinh ra từ một gia đình Kitô và được giáo dục tôn giáo cũng phải canh tân sự lựa chọn là tín hữu Kitô mỗi ngày, dành chỗ nhất cho Thiên Chúa, trước các cám dỗ mà một nền văn hóa tục hóa liên tục đề nghị mỗi ngày, trước phán đoán phê bình của nhiều người đồng thời. Đức Thánh Cha nói về các cám dỗ mà Kitô hữu phải đương đầu như sau:

Thật vậy, xã hội ngày nay đưa ra cho Kitô hữu biết bao nhiêu thử thách, và chúng đụng chạm tới cuộc sống cá nhân và xã hội. Không dễ mà trung thành với hôn nhân Kitô, thực thi lòng thương xót trong cuộc sống thường ngày, dành khoảng trống cho lời cầu nguyện và sự thinh lặng nội tâm; không dễ mà công khai chống lại các lựa chọn mà người ta coi như điều tự nhiên như phá thai trong trường hợp không ước muốn mang thai, giết người êm dịu trong trường hợp các bệnh nặng, hay tuyển lựa các phôi thai để ngăn ngừa các bệnh gia truyền. Cám dỗ gạt đức tin ra ngoài luôn luôn hiện diện và việc hoán cải trở thành một câu trả lời cho Thiên Chúa, cần được xác nhận nhiều lần trong cuộc sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã kể ra một số các thí dụ chứng minh cho các cuộc hoán cải lớn: chẳng hạn như trường hợp của thánh Phaolô trên đường đến thành Damasco, hay thánh Agostino. Nhưng ngay trong thời đại suy thoái ý nghĩa của sự thánh thiêng ngày nay, ơn thánh Chúa vẫn hoạt động và làm những điều kỳ diệu trong cuộc đời của biết bao nhiêu người. Chúa không mỏi mệt gõ cửa lòng con người trong các bối cảnh xã hội và văn hóa xem ra bị sự tục hóa nuốt trửng, như đã xảy ra cho Pavel Florenskij tín hữu chính thống Nga.

Được giáo dục một cách vô ngộ hoàn toàn, đến độ thù nghịch với các giáo huấn tôn giáo, khoa học gia Florenskij kêu lên: ”Không, không thể sống không có Thiên Chúa!”, và ông đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống tới độ trở thành một đan sĩ.

Thế rồi còn có gương mặt của chị Etty Hillversum, một thiếu nữ Hòa Lan gốc Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz. Ban đầu chị sống xa Thiên Chúa, rồi khám phá ra Người, khi nhìn sâu vào chính mình và viết: ”Một cái giếng rất sâu ở trong tôi. Và trong cái giếng ấy có Thiên Chúa. Đôi khi tôi thành công trong việc đạt tới Người, nhưng thường hơn thì đá cát che dấu Người: khi đó Thiên Chúa bị chôn vùi. Cần phải đào Người lên” (Nhật Ký, 97). Trong cuộc sống tản mác và bất an, chị tìm lại được Thiên Chúa chính giữa thảm cảnh lớn lao của cuộc diệt chủng Do thái Shoah của thế kỷ XX. Người thiếu nữ mảnh khảnh và không được thỏa mãn này, đã được biến hình bởi đức tin, và trở thành một phụ nữ tràn đầy tình yêu, an bình nội tâm, có khá năng khẳng định như sau: ”Tôi sống liên lỉ trong sự thân tình với Thiên Chúa”.

Khả năng chống lại các ve vãn ý thức hệ thời của chị để lựa chọn tìm chân lý và rộng mở cho sự khám phá ra đức tin, đã được làm chứng bởi một phụ nữ khác của thời đại chúng ta: đó là chị Dorothy Day, người Mỹ. Trong cuốn tiểu sử tự viết chị công khai tuyên xưng rằng chị đã bị rơi vào trong cám dỗ giải quyết tất cả với chính trị, bằng cách chạy theo đề nghị mác xít: ”Tôi đã muốn đi với các người biểu tình, vào tù, viết, ảnh hưởng trên người khác và để lại cho thế giới giấc mơ của tôi. Có biết bao tham vọng và tìm kiếm chính mình trong tất cả những điều đó!” Con đường tiến về đức tin đã đặc biệt khó khăn trong một môi trường tục hóa như vậy, nhưng Thánh sủng vẫn hoạt động như chị đã nêu bật: ”Chắc chắn là tôi đã cảm thấy thường xuyên hơn nhu cầu đến nhà thờ, qùy gối xuống, cúi đầu cầu nguyện. Một bản năng mù lòa, có thể nói thế, bởi vì tôi đã không ý thức cầu nguyện. Nhưng tôi đã đi, tôi đã tháp mình vào bầu khí cầu nguyện... ”. Thiên Chúa đã đưa chị tới việc ý thức gắn bó với Giáo Hội, trong một cuộc sống tận hiến cho những người khốn khổ.

Trong thời đại chúng ta không hiếm các cuộc hoán cải được hiểu như sự trở về của người, sau một nền giáo dục Kitô hời hợt, đã xa rời đức tin biết bao nhiêu năm, và rồi tái khám phá ra Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.
Trong sách Khải Huyền chúng ta đọc thấy rằng: ”Này đây: Ta đứng ngoài cửa và Ta gõ. Nếu ai lắng nghe tiếng Ta và mở cửa cho Ta, thì Ta sẽ đến với nó, sẽ dùng bữa tối với nó và nó cùng với Ta” (Kh 3,20). Con người nội tâm của chúng ta phải chuẩn bị để được Thiên Chúa viếng thăm, và chính vì thế không được để cho mình bị xâm lăng bởi các ảo ảnh, dáng vẻ bề ngoài, và các điều vật chất.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cám ơn mọi người về tình yêu thương và lời cầu nguyện dành cho ngài. Ngài xin tất cả tiếp tục cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.