2013-02-05 13:30:26

NƠI ĐÂU CÓ TÌNH YÊU VÀ KHÔN NGOAN, NƠI ĐÓ KHÔNG CÓ SỢ HÃI VÀ DỐT NÁT


... Từ năm 2007 Cha Tullio Pastorelli làm việc mục vụ tại Copiapó, một thành phố nằm về mạn Bắc nước Chilê, mất hút trong sa mạc Atacama. Sa mạc khô cằn nóng bức nhất thế giới. Cha ghi lại cảm tưởng đầu tiên và cách thức hội nhập vào môi trường xã hội cũng như làm quen với người dân như sau.

Thời gian đầu của một vị thừa sai nơi cánh đồng truyền giáo phải nói là cuộc tái sinh. Tái sinh trong ngôn ngữ. Thật thế, tôi không làm gì khác ngoài việc học tiếng Tây-ban-nha. Việc học mang lại kết khả quả quan vì tôi đã có thể cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Tây-ban-nha.

Ngoài ra tôi cũng giống như một chú bé, mở to mắt nhìn và quan sát chung quanh. Đặc biệt, tôi chú ý đến việc tiếp xúc với dân chúng. Họ thật đơn sơ, nhậy cảm và nghèo thật nghèo. Trình độ văn hóa của người dân cũng thật thấp. Đa số giới trẻ chỉ học xong bậc tiểu học.

Tiếp đến, tôi thấy rõ mình phải khước từ mọi cách thức suy tư theo kiểu Tây phương, hay nói rõ hơn, theo kiểu người Ý, để có thể khám phá ra và đi vào một não trạng mới. Rồi lại có rất nhiều sự khác biệt. Bắt đầu với khí hậu và thức ăn. Khí hậu thật nóng. Thức ăn thì có thể quen từ từ. Sau cùng là cách thức sử dụng thời giờ. Người dân Chi-lê thường thủng-tha thủng-thỉnh, đủng-đa đủng-đỉnh không vội vã gì cả. Họ luôn luôn đi trễ, không bao giờ đến đúng giờ. Tôi phải chấp nhận như thế và nghĩ tới lời THIÊN CHÚA phán cùng tổ phụ Abraham:
- Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (Sáng Thế 12,1).

Đối với riêng tôi, thời gian khởi đầu công cuộc hội nhập văn hóa của một nhà thừa sai thật phong phú và hữu ích. Tôi phải đi vào cánh đồng truyền giáo với thái độ trang trọng. Đây là phương thức đúng đắn nhất để đến gần, để tiếp xúc và yêu thương một dân tộc mà tôi được gởi đến, được sai đi truyền giáo. Tôi phải kính trọng mọi tập tục đã có và không ép buộc ai thay đổi hoặc đi theo cách thức suy tư và hành động của tôi. Trái lại, sự hiện diện của vị Linh Mục thừa sai là một sự hiện diện kín đáo, tế nhị và đầy tình yêu thương. Ngôn ngữ của vị thừa sai là một ngôn ngữ đại đồng, nghĩa là ngôn ngữ của Phúc Âm, của Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ: Đấng Cứu Độ nhân loạt và toàn thế giới. Tôi nhớ lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ nhắn nhủ:
- Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? (Máccô 8,34-36).

Xứ sở và đất nước Chilê thật đẹp, thật giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Nhưng người dân Chilê thì lại rất nghèo, vì phải chịu nhiều đau khổ, bị đàn áp bóc lột và bị bỏ rơi. Trong bối cảnh ấy, vị thừa sai cố gắng san sẻ với thực tại trần thế của người dân địa phương.

Ngoài ra, trong cuộc sống truyền giáo, vị Linh Mục thừa sai không bao giờ bị cô đơn. Tại Chilê, tôi có cộng đoàn anh em Phan-Sinh Viện-Tu. Anh em tiếp rước tôi thật thân tình và ân cần giúp đỡ trong những bước chập chững khởi đầu. Trong khi người dân Chilê đơn sơ, khiêm tốn đã vui vẻ tiếp nhận tôi ngay. Mặc dầu chưa quen biết vị thừa sai ngoại quốc, họ cũng vui vẻ chào hỏi như thể đã quen lâu rồi.

Thêm vào đó, tôi được sự hỗ trợ thiêng liêng đến từ quê hương đất nước Ý thân yêu. Gia đình, bạn hữu và nhiều nhiều người khác, tháp tùng tôi nơi cánh đồng truyền giáo xa xôi với lời cầu nguyện cũng như với tâm tình yêu thương trìu mến.

Tôi xin kết thúc chứng từ của một thừa sai viết từ xứ sở truyền giáo với chính lời lẽ của thánh Phanxicô như sau.

”Nơi đâu có tình yêu và khôn ngoan, nơi đó không có sợ hãi và dốt nát. Nơi đâu có nhẫn nhục và khiêm hạ, nơi đó không có tức giận và xao xuyến. Nơi đâu có khó nghèo sống trong niềm vui, nơi đó không có thèm khát vô độ hay keo kiệt. Nơi đâu có yên tĩnh và nguyện gẫm, nơi đó không có âu lo cũng không hề phung phí. Nơi đâu có lòng kính sợ THIÊN CHÚA săn sóc cửa nhà thì nơi đó kẻ thù không tìm được lối vào nhà. Nơi đâu có từ bi nhân hậu và chừng mực kín đáo thì nơi đó không có chỗ cho kiêu căng và cứng cỏi khắc nghiệt”.

(”Il Missionario Francescano”, Mensile di carattere religioso-missionario dell'Ordine dei Frati Minori Conventuali, n.5 / 2007, trang 20-21)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.