2012-12-31 11:55:16

ĐIỀU CHÚA PHÁN LÀ LỜI CHÚC BÌNH AN CHO DÂN NGƯỜI


... Cha Anselm Gruen là đan sĩ Biển-đức nơi đan viện Muensterschwarzach thuộc bang Bavière ở miền Nam nước Đức. Cha là Linh Mục trị liệu tâm linh và là vị đồng hành thiêng liêng vô cùng cao quý. Xin nhường lời cho Cha nói về ý nghĩa nghi thức làm phép nhà và việc chúc lành vào mỗi buổi sáng.

Các anh em đan sĩ Linh Mục và tôi, chúng tôi thường được các tín hữu Công Giáo mời đi làm phép nhà. Một gia đình vừa xây xong một ngôi nhà và trước khi dọn đến ở, họ muốn mời Linh Mục đến làm phép nhà mới. Họ cảm thấy cần phải thực hiện một nghi thức làm phép nhà trước khi vào cư ngụ.

Nhu cầu làm phép nhà có từ thời xa xưa, lúc mà người ta cảm nhận những nơi chốn nào đã được chúc lành. Người ta có thể cảm nghiệm cách rõ ràng điều này khi bước vào một ngôi thánh đường với cảm giác là ngôi thánh đường đã được làm phép cùng với nghi thức thánh hiến.

Cũng có những ngôi nhà như bị ám hại, trong đó người ở không cảm thấy thoải mái. Chẳng hạn một gia đình kể cho tôi nghe rằng trong ngôi nhà của họ, họ như có cảm tưởng bị chúc dữ. Gia đình này lại không hề mê tín dị đoan gì hết. Như thế thì hình như có những nơi chốn, những ngôi nhà mà không ai muốn đến ở. Trong khi đó thì nghi thức làm phép nhà khiến cho ngôi nhà có thể ở được vì đã được THIÊN CHÚA chúc lành.

Sau Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965) Ủy Ban Phụng Vụ đã soạn và phát hành Cuốn Chúc Lành Roma với nhiều nghi thức chúc lành và thánh hiến khác nhau: làm phép nhà, làm phép xưởng, làm phép một phòng mạch, một văn phòng, một vườn trẻ, một trạm cứu hỏa, vv. Làm như thế tức là Giáo Hội Công Giáo đáp ứng nhu cầu các tín hữu cảm thấy cần phải chúc lành, làm phép những nơi chốn mà họ làm việc, hầu cho các nơi chốn ấy trở thành phúc lành cho những người làm việc ở đó cũng như cho những ai đến đây. Sách Nghi Thức Chúc Lành dọn sẵn cho mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh những bài đọc Kinh Thánh và các lời nguyện khác nhau.

Mỗi khi làm phép một ngôi nhà, tôi thường bắt đầu với bài đọc Kinh Thánh với Lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ phán về việc xây nhà trên đá (Matthêu 7,24-28) hoặc với trình thuật Phúc Âm kể lại chuyện ông Dakêu đón rước Đức Chúa GIÊSU vào nhà mình (Luca 19,1-10). Tôi chú giải bản văn Kinh Thánh rồi thêm vài lời về tầm quan trọng và ý nghĩa của căn nhà. Chúng ta không những cần có các căn nhà bên ngoài nhưng cũng cần các ngôi nhà nội tâm nữa. Căn nhà là hình ảnh cho cách thức chúng ta phải xây dựng cuộc đời mỗi người. Nó sẽ không bị đổ sập cuốn trôi nếu chúng ta xây dựng cuộc đời trên đá tảng là Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Nó sẽ trở thành ngôi nhà cứu rỗi, một căn nhà mà trong đó chúng ta sẽ nên thánh và được cứu rỗi nếu Đức Chúa GIÊSU KITÔ ngự vào và ban chúng ta đầy tràn ơn thánh.

Mỗi khi làm phép nhà, tôi thường để cho các trẻ em hướng dẫn đến từng căn phòng, rồi để cho chúng giải thích cho tôi nghe căn phòng đó sẽ được dùng vào mục đích gì cũng như nói lên các chờ mong của chúng. Thông thường, các trẻ em biết rõ cách thức kể chuyện theo lối nói riêng của chúng về những gì mà chúng cảm thấy cần phải được bảo vệ như thế nào và những gì mà THIÊN CHÚA có thể ban cho chúng. Sau đó, tôi đọc một lời nguyện thích nghi, diễn tả đúng ý nghĩa và công dụng của mỗi căn phòng và cầu chúc cho mỗi căn phòng mang lại cho người ở các điều hứa hẹn, chẳng hạn như: căn phòng nơi gia đình tụ họp thì mang lại sự bình thản trầm lắng / nhà bếp thì tiếp sức ban sinh lục / các phòng tắm mang lại sự thanh tẩy / và phòng ngủ thì mang đến sự nghỉ ngơi và những giấc mơ êm ái nhẹ nhàng.

Tôi không có cảm tưởng là các tín hữu Công Giáo gán cho nghi thức làm phép nhà những biểu tượng ma thuật phù phép! Không! Trái lại, các tín hữu Công Giáo mong muốn được ở trong những khoảng không gian đã được chúc lành, như thế, cuộc sống riêng tư cũng như toàn gia đình được THIÊN CHÚA chúc phúc. Họ muốn cảm nhận ngôi nhà họ sống không phải chỉ là một kiến trúc bên ngoài nhưng còn phải là một nơi chốn chứa đầy phép lành của THIÊN CHÚA nữa.

CHÚC LÀNH BAN SÁNG

Đối với riêng tôi thì để khởi sự tốt đẹp một ngày sống, tôi thường giơ tay chúc lành cho tất cả những ai từng tỏ bày cùng tôi, qua thư từ hoặc bằng lời nói, các khó khăn của họ. Bậc Cha Mẹ tìm thấy niềm an ủi trong việc chúc lành không những cho ngày sống của họ nhưng còn cho cả con cái họ nữa. Như thế họ có cảm tưởng con cái họ không đơn độc trên đường đi nhưng chúng được bảo trợ dưới phúc lành của THIÊN CHÚA.

Một Linh Mục thừa sai kể cho tôi nghe rằng mỗi buổi sáng Cha đến nhà thờ lúc 5 giờ với Sách Thần Vụ để đọc Kinh và để suy gẫm. Ngay khi Cha vừa mở cửa nhà thờ, một giáo lý viên lão thành nhanh chân bước vào, đến ngồi bên cạnh Cha giữ thinh lặng trong vòng một tiếng đồng hồ. Một ngày, vị thừa sai hỏi cụ giáo lý viên tại sao làm như thế. Ông trả lời:
- Con đi xuyên qua làng và dừng lại nơi mỗi căn chòi. Con tưởng tượng đến những người đang sống trong đó, họ làm gì, phải chịu đau khổ nào, họ cần gì và mong ước gì. Và con chúc lành cho họ, và vì thế mà con cần đến một giờ đồng hồ!

Cụ giáo lý viên này có trực giác rất mạnh về ý nghĩa của việc chúc lành và biết làm cho tuổi già trở nên phong phú. Cụ không còn làm được những việc to tát nhưng cụ chúc lành cho người dân của làng cụ. Cụ đúng thật là một Phúc Lành của THIÊN CHÚA cho toàn thể dân làng.

... ”Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Con lắng nghe điều THIÊN CHÚA phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu tỏ trên đất nước chúng ta. Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân” (Thánh Vịnh 85(84),8-14).

(Anselm Gruen, ”Vous êtes une bénédiction”, Éditions Salvator, Paris 2006, pour la traduction française, trang 103-105+117-118)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.