2012-12-29 14:43:03

Công tác mục vụ tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức


Với khoảng 5-6 triệu tín hữu hành hương mỗi năm Lộ Đức là một trong các Trung tâm thánh mẫu nổi tiếng nhất thế giới. Dĩ nhiên số tín hữu tuốn về Lộ Đức đông đảo như thế đòi hỏi ban Giám đốc Đền Thánh phải có một chương trình mục vụ chi tiết, được phối hợp nhịp nhàng và hữu hiệu, đáp ứng các nhu cầu tinh thần, thiêng liêng của tín hữu và du khách hành hương, kể cả các tín hữu không phải là công giáo hay kitô hữu.

Trọng tâm của các sinh hoạt hành hương luôn luôn là các buổi cử hành bí tích Thánh Thể. Lời cầu nguyện của tín hữu được tập trung vào việc cử hành bí tích Thánh Thể, diễn tả tột đỉnh tình yêu thương Thiên Chúa dành để cho con người, cho mọi người không loại trừ ai, kể cả và nhất là cho những người chống đối Thiên Chúa, thù hận, ghét bỏ và khước từ Thiên Chúa và tình yêu của Người. Bởi vì, như chính Chúa Giêsu đã nói: Người đến để chữa lành những ai đau yếu, và cứu vớt những người tội lỗi khỏi hư mất, để đưa họ đến cuộc sống đích thật. Vì thế, không kể các Thánh Lễ do các vị tuyên úy các đoàn hành hương cử hành tại Hang Đá Đức Mẹ, hay trong các vương cung thánh đường, mỗi ngày đều có Thánh Lễ vào ban chiều, kéo dài với cuộc rước kiệu Thánh Thể và phép lành, mà vị chủ sự cầm mặt nhật có Mình Thánh Chúa, đến trước mặt và ban phép lành cho từng bệnh nhân tham dự cuộc rước kiệu.

Đây là một trong những cảnh cảm động nhất trong mọi chuyến hành hương, nhất là khi có hàng trăm hàng ngàn bệnh nhân ngồi trên các xe lăn hay nằm trên các giường sắp hàng dài hai bên quảng trường trước vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi. Trong khi vị chủ sự cầm mặt nhật có Mình Thánh Chúa đến trước từng bệnh nhân ban phép lành cho họ, toàn cộng đoàn lập lại các lời van xin mà các bệnh nhân xưa kia kêu lên với Chúa Giêsu, như kể lại trong các Phúc Âm: ”Lậy Chúa, nếu Chúa muốn, xin chữa lành con”, ”Lậy Đức Giêsu, Con vua Đavít, xin thương con”, ”Lậy Thầy, người Thầy yêu ốm nặng”, ”Lậy Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, xin thương xót con” vv...

Đây là thời điểm đặc ân của các phép lạ chữa lành, mà Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho các bệnh nhân có đức tin tinh tuyền vững mạnh. Nhiều bệnh nhân đã được khỏi bệnh ngay sau khi nhận phép lành của Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Bánh Thánh của mặt nhật. Nhiều người khác thì khỏi bệnh sau đó. Nhiều người khác nữa tuy không lành bệnh trên thân xác, nhưng lại được lành bệnh trong linh hồn, và từ đó không bao giờ muốn xin ơn chữa lành bệnh tật trên thân xác nữa. Lý do vì họ đã thấu hiểu ý nghĩa cứu độ của khổ đau và tật nguyền trên thân xác, và hân hoan sẵn sàng chấp nhận tình trạng đó, bằng cách kết hiệp nó với các khổ đau của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu ơn tha tội và cứu rỗi cho những người khác, hay dâng tình yêu và hy sinh để cầu nguyên cho Giáo Hội và cho toàn thế giới. Chính bí tích Thánh Thể dãi tỏa ánh sáng ra trên mọi bí tích khác, và vì thế các buổi cử hành Thánh Thể trở thành trọng tâm của các sinh hoạt tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức. Tìm đến với Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để lãnh nhận mọi ơn thánh Chúa ban, trong đó có cả việc chữa lành các tật bệnh trên thân xác và nhất là các tật bệnh trong linh hồn.

Bên cạnh bí tích Thánh Thể là bí tích Sám Hối, hay bí tích Giải Tội hoặc bí tích Hòa Giải. Nhà nguyện giải tội, nơi các tín hữu hành hương lãnh nhận bí tích Hòa Giải được Đức Cha Théas gọi là ”các hồ tắm của trời cao”, là nơi có nhiều tín hữu đến để lãnh nhận ơn tha thứ nhất thế giới. Nhiều khi có hàng ngàn người xưng tội trong một ngày, nhờ sự hiện diện của mấy chục linh mục ngồi tòa giải tội.

Sự kiện có nhiều đoàn hành hương muốn có thánh lễ riêng đã tạo ra các vấn đề, nhiều khi không giải quyết nổi. Vì thế từ năm 1958, tức trước Công Đồng Chung Vaticăng II, đã có nhiều đơn gửi về Roma để xin cho phép cử hành thánh lễ đồng tế, ít nhất trong các dịp đặc biệt khi có qúa nhiều đoàn hành hương hiện diện tại Lộ Đức. Các lời xin đã không được chấp nhận, nhưng đã mở đường và thăng tiến ý tưởng sẽ được Công Đồng chấp thuận. Vấn đề tương tự cũng được đặt ra với bí tích Giải Tội, ít nhất trong những dịp đặc biệt có qúa đông tín hữu hành hương muốn lãnh bí tích Hòa giải, mà số linh mục không đủ. Năm 1974 Ủy ban phong trào tổ chức hành hương Lộ Đức đã gửi đơn về Tòa Thánh xin phép cho giải tội tập thể, với điều kiện là tín hữu sau đó khi có giờ phải đi xưng các tội trọng. Việc cho phép này xem ra đã bị lạm dụng qúa đáng đến độ Tòa Thánh đã cảnh cáo và sau đó hủy bỏ phép này. Thật ra hồi năm 1971 sau khi các Nghị Phụ họp Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ III xin, Tòa Thánh đã cho phép giải tội tập thể trong những trường hợp cần thiết, nhưng phép đặc biệt này đã không bao giờ được xử dụng gây thiệt hại cho việc xưng tội riêng, là việc được thi hành một cách rất gương mẫu tại Trung tâm thánh mẫu Lộ Đức.

Ngoài bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội, tại Lộ Đức còn có bí tích Xức Dầu để xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân và người già yếu. Từ năm 1966 bí tích này đã được Công Đồng Chung Vatricăng II canh tân. Trong nhiều thế kỷ trước Công Đồng Chung Vaticăng II, bí tích Xức Dầu cho các bệnh nhân đã bị hiểu lầm, và biến thành lễ nghi gửi các bệnh nhân về thế giới bên kia, và được ban cho họ vào phút chót, khi họ không còn có hy vọng sống được nữa. Thật ra, như viết trong thư của thánh Giacôbê, bí tích Xức Dầu có mục đích xin ơn tha tội và sức khỏe cho những người đau yếu, già cả. Sau khi được phép của Tòa Thánh, tại Lộ Đức các bệnh nhân và tín hữu già yếu hành hương đều được lãnh nhận bí tích Xức Dầu một cách rộng rãi. Như triết gia Seneca đã nói ”Trong một nghĩa nào đó già cả cũng là một bệnh”.

Ngoài ba bí tích Thánh Thể, Giải Tội và Xức Dầu bệnh nhân, tín hữu đến hành hương Lộ Đức chính là để cầu nguyện. Tại quảng trường Đền Thánh Đức Mẹ, ngày hành hương bao giờ cũng kết thúc với buổi rước nến và lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và suy tư về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Bài thánh ca ”Ave Maria” Lộ Đức đã được sáng tác năm 1873 vang lên sau mỗi chục kinh Kính Mừng và tín hữu giơ cao ngọn nến chúc tụng Mẹ Vô Nhiễm. Thói quen rước nến và lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ đã được các nữ tử Mẹ Maria bắt đầu năm 1858, khi bị chính quyền Lộ Đức cấm tín hữu không được đến Hang Đá. Hồi đó viên cảnh sát trưởng Lộ Đức đã lo lắng ngăn cấm mọi biểu lộ lòng sùng kính đối với Mẹ Maria Vô Nhiễm. Ông ghi lại trong nhật ký sở cảnh sát nhận định về các buổi rước nến lần hạt kính Đức Mẹ của tín hữu và khinh miệt gọi nó là ”cái huyên náo lăng nhục ban đêm”. Nhưng sau đó ông suy nghĩ kỹ lại và xóa chữ ”lăng nhục” đi. Lời cầu nguyện và kinh Mân Côi kéo dài trong đêm. Tín hữu tay cầm tràng hạt, tay cầm nến sáng giang ra theo hình Thánh Giá, vừa đi vừa hát và vòng vào Hang Đá, rồi hôn vào tảng đá, ở bên dưới nơi Đức Mẹ Vô Nhiễm đã hiện ra 18 lần với chị Bernadette Soubirous và truyền cho chị hãm mình khiêm tốn hôn đất để xin ơn hoán cải cho những người tội lỗi.

Với tất cả các sinh hoạt mục vụ kể trên Lộ Đức, kinh thành của Chúa Giêsu Thánh Thể và của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã trở thành nơi gặp gỡ của các bệnh nhân và người khỏe mạnh, nơi có nhiều sáng kiến mục vụ nhằm đào tạo đức tin và thôi thúc tín hữu hoản cải toàn cuộc sống sau cuộc hành hương, theo tinh thần sứ điệp Đức Mẹ Vô Nhiễm đã ban cho chị Bernadette.

Các sáng kiến mục vụ nhằm nối kết chương trình của Giáo Hội thời hậu công đồng, mời gọi tín hữu dấn thân sống đức tin trưởng thành, với lòng sốt mến tự phát bình dân. Hàng năm vào ngày 11 tháng 2 kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với chị Bernadette, Hội đồng mục vụ Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức đều nhóm họp với Đức Giám Mục sở tại và Linh Mục giám đốc Đền Thánh để soạn thảo chương trình sinh hoạt cho cả năm. Tham dự phiên họp này do Đức Giám Mục chủ tọa, có đông nhân vật tham dự hơn đại hội thường niên của Hội Đồng Giám Mục Pháp vào tháng 10. Họ gồm các giám đốc các nhân viên phối hợp sinh hoạt, hiệp hội các giám đốc tổ chức hành hương Pháp và quốc tế, đại diện các tổ chức vận chuyển bằng xe lửa, đường bộ và đường hàng không, cũng như của chính quyền dân sự vv... Mọi người nghe thuyết trình, rồi đúc kết các kinh nghiệm của năm trước và đề ra chương trình cho năm tiếp theo, giải quyết các vấn đề và các khó khăn, cũng như soạn thảo các dự án mới trước sự hiện diện của các ủy ban chuyên môn.

Trong số các vấn đề nóng bỏng có việc thương mại trong thành phố, do linh mục chánh xứ Lộ Đức kiêm giám đốc Đền Thánh đặc trách. Việc buôn bán các đồ kỷ niệm và ảnh tượng đủ loại là hiện tượng không thể tránh được, và nó không chỉ có mục đích tài chánh lợi nhuận mà thôi. Bất cứ nơi đâu là đích điểm hành hương thăm viếng, dù có tính cách thánh thiêng hay đời, đều có kỹ nghệ bán các vật kỷ niệm theo sở thích và ước mong của các khách hành hương.

Ban đầu xem ra là chuyện đơn sơ, nhưng nó vuợt thoát khỏi mọi phân tích. Tại sao có một số đồ kỷ niệm bán đắt như tôm tươi và các loại khác lại không? Chính các chủ buôn cũng ngạc nhiên. Nhưng sinh hoạt buôn bán tại Lộ Đức cũng giống như tại nhiều Đền Thánh và các điểm hành hương thăm viếng khác trên thế giới: với các ưu khuyết điểm, các sai lầm và qúa đáng của nó, nhiều khi không dính dáng gì tới Đền Thánh và lịch sử của nó hay đức tin kitô.

Tại Pháp, sau Paris, Lộ Đức là nơi có nhiều khách sạn nhất và cũng là thành phố đầu tiên thành lập nghiệp đoàn khách sạn. Sáng kiến này phát xuất từ cha sở Lộ Đức và các vị giám đốc các tổ chức hành hương, nhằm bảo đảm kinh tế cho lãnh vực này, và duy trì giá cả thấp phải chăng cho tín hữu hành hương. Việc mục vụ tại Lộ Đức không chỉ có tính cách xã hội và tôn giáo mà còn muốn ảnh hưởng trên cả các lãnh vực khác nữa như canh tân nghệ thuật thánh qua các buổi triển lãm nghệ thuật.

Trong thời gian dài sau Công Đồng chung Vaticăng II, các thay đổi chính trị xã hội và cảnh tục hóa đã gây ra nhiều tai hại cho cuộc sống đức tin và khiến cho việc hành đạo của tín hữu Pháp suy giảm rõ rệt, nhưng Lộ Đức vẫn duy trì được làn sóng hành hương, như Đức Hồng Y Francois Marty, Tổng Giám Mục Paris đã nhận xét: ”Mọi sự đều suy tàn, ngoại trừ các cuộc hành hương Lộ Đức”. Mặc dù có nhiều đổi thay xem ra tiêu cực, nhưng lời kêu mời và sứ điệp của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vẫn tiếp tục vang lên từ Hang Đá Massabielle và lôi kéo tín hữu khắp nơi trên thế giới chạy đến với Mẹ để được các ơn lành hồn xác Chúa ban qua lời bầu cử hiền mẫu của Mẹ.

(Thánh Mẫu Học bài 341)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.