2012-12-20 16:55:56

Mầu nhiệm của Chúa Kitô và việc phụng tự


Khi tìm hiểu tương quan giữa Đức Giêsu và chức tư tế Do thái, chúng ta đã thấy không có mối dây liên hệ nào giữa hai bên. Đức Giêsu thuộc chi tộc Giuđa chứ không thuộc chi tộc Lêvi. Người đã không bao giờ tự giới thiệu như một tư tế, mà chỉ giảng dậy như một rabbi, và dân chúng gọi Người là vị ”ngôn sứ vĩ đại”. Nhưng nhất là Người được thừa nhận như là Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đavít (Cv 2,36). Đây là điều dễ hơn vì Đức Giêsu thuộc chi tộc Giuđa và là dòng tộc vua Đavít. Tuy nhiên thuyết cứu thế Đavít đã không phải là không có liên hệ tới các cơ cấu phụng tự.

Sấm ngôn của ngôn sứ Nathan, nền tảng của thuyết cứu thế này, thật ra đã báo trước rằng con vua Đavít sẽ xây Đền Thờ cho Thiên Chúa, như viết trong sách Samuel II chương 7: ”Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,12-13). Tất cả bốn Phúc Âm đều lấy lại lời sấm này của ngôn sứ Nathan trong một hình thái mới. Đề tài phá hủy và tái thiết Đền Thánh chiếm một chỗ ý nghĩa trong các trình thuật cuộc khổ nạn của các Phúc Âm Nhất Lãm. Như thế một sứ mệnh liên quan tới phụng tự được đề nghị như là một phần mầu nhiệm của Chúa Kitô. Trong chương 2 thánh sử Gioan ghi lại biến cố Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem như sau: ”Gần đến lễ Vượt Qua của người Do thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ”Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Thánh Kinh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do thái hỏi Đức Giêsu: ”Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: ”Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Người Do thái nói: ”Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Thánh Kinh và lời Đức Giêsu đã nói”. (Ga 2,13-22; Mc 14,58; 15,29.38).

Đàng khác các trình thuật Bữa Tiệc Ly chứa đựng một yếu tố có tầm quan trọng rất lớn đối với tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa và nó chứng minh cho thấy Đức Giêsu là Thượng Tế và là vật bị sát tế. Trình thuật biến cố Đức Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể thánh sử Mátthêu viết trong chương 26 như sau: ”Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn trao cho các mộn đệ và nói: ”Tất các cả các con hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Một cử chỉ như thế và với những lời nói như thế chắc chắn đã không được thấy trước trong lễ nghi cổ xưa. Nó là một canh tân tuyệt vời. Tuy nhiên sự hiệp nhất giữa ”máu” và ”giao ước” nhắc nhớ tới hiến tế và giao ước như sách Xuất Hành miêu tả trong chương 24, nói về việc dân Israel ký giao ước với Giavê Thiên Chúa: ”Ông Môshê chép lại mọi lời của Giavê. Sáng hôm sau ông dậy sớm, lập bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Giavê. Ông Môshê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: ”Tất cả những gì Giavê đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Bấy giờ ông Môshê lấy máu rảy lên dân và nói: ”Đây là máu giao ước Giavê đã lập với các ngươi, dựa trên những lời này” (Xh 24,4-8). Việc hiệp nhất ”máu” và ”giao ước” trao ban một sự định đoạt hy tế cho cử chỉ của Đức Giêsu, và như thế cho cái chết của Người, mà cử chỉ này diễn tả trước.

Suy tư kitô đã khám phá ra các khía cạnh này. Thánh Phaolô làm chứng cho sự kiện trên, khi nói về tính cách không thể hòa hợp giữa hai phụng tự tế lễ: phụng tự của Thánh Thể và phụng tự của việc thờ cúng các ngẫu tượng. Người viết trong chương 10 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô như sau: ”Vì thế anh em thân mến, hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng. Tôi nói với anh em như nói với những người khôn ngoan hiểu biết; anh em hãy tự mình suy xét điều tôi nói. Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải la dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể. Anh em hãy coi Israel xét theo huyết thống. Những ai ăn tế phẩm, há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao? Thế nghĩa là gì? Thịt cúng là gì? Ngẫu tượng là gì? Tuy nhiên đồ cúng là cúng cho ma qủy, chứ không phải cho Thiên Chúa; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma qủy. Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma qủy được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma qủy được. Hay là ta muốn làm cho Chúa phải ghen tương? Chẳng lẽ ta mạnh sức hơn Người?” (1 Cr 10,14-22).

Như thế cần phải thừa nhận nơi các biến cố của việc thành lập bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Chúa Kitô một sự canh tân phụng tự triệt để. Sự kiện Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể, chịu khổ nạn và chết trong bối cảnh của lễ Vượt Qua của Do thái giáo cho thấy tính cách hy tế của cái chết ấy. Nó được đặt để trong tương quan với việc sát tế chiên con của lễ Vượt Qua. Trong chương 26 thánh sử Mátthêu ghi lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Khi Đức Giêsu giảng dậy các điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: ”Các con biết còn hai ngày nữa là lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” (Mt 26,2). Thánh sử Gioan cũng ghi nhận rằng khi đem Đức Giêsu đến dinh quan Philatô, người Do thái không vào dinh, vì sợ bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Vì thế quan Philatô ra ngoài gặp họ và nói chuyện với họ (Ga 18,28; 19,4). Trong chương 5 thư thứ I viết cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô khuyên họ: ”Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Qủa vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy những bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5,7-8).

Trong chương 3 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô cũng mượn một từ khác của phụng tự hiến tế để diễn tả cái chết của Đức Kitô: ”Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3,24-25). Sau cùng trong chương 5 thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Phaolô khích lệ tín hữu hãy noi gương yêu thương của Chúa Giêsu Kitô: ”Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,1-2). Ở đây tư tưởng của thánh Phaolô được bổ túc bởi từ vựng phụng tự: ”hiến lễ và hy lễ tựa hương thơm ngào ngạt”.

Trong thư gửi tín hữu Galát thánh nhân chia sẻ kinh nghiệm kết hiệp của ngài với Chúa Kitô và khẳng định với tín hữu rằng: ”Tôi cũng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hóa ra Đức Kitô đã chết vô ích” (Gl 2,2021).

Còn thánh Phêrô trong thư thứ I thì gán cho Đức Kitô một kiểu nói thông dụng trong phụng tự do thái cổ xưa bằng cách gọi Người là ”chiên con vô tì tích”. Ngài viết: ”Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Chiên Con vẹn toàn, vô tỳ tích là Đức Kitô” (1 Pr 1,18-19).

Sách Lêvi xưa kia đã xác định phải chọn các con chiên vẹn toàn để dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Chẳng hạn như trong lễ nghi thanh tẩy người phong cùi (Lv 14,10). Trong ngày lễ Ngũ Tuần cũng thế, chương 23 sách Lêvi viết: ”Thêm vào với bánh, các ngươi phải tiến dâng bảy chiên con toàn vẹn, một tuổi, một con bò tơ và hai con cừu đực làm lễ toàn thiêu dâng Giavê cùng với lễ phẩm và lễ tưới rượu kèm theo: đó là lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Giavê” (Lv 23,18). Vì là hiến lễ dâng lên Thiên Chúa các con vật phải toàn vẹn và vô tỳ tích.

Tất cả các văn bản kể trên chứng minh việc hiểu cuộc khổ nạn cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu như một hiến tế.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1128)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.