2012-12-07 17:14:12

Suy Niệm Lời Chúa: Chúa Nhật II Năm C


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

SUY NIỆM

Từ trước khi vũ trụ được tạo thành, Thiên Chúa đã có một kế hoạch yêu thương dành cho con người. Kế hoạch đó chính là Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi vào một cuộc đối thoại tình yêu với Ngài. Trong tương quan tình yêu này, Thiên Chúa luôn đi bước trước, Ngài đã đến và gặp gỡ con người. Tuy nhiên, vì tội lỗi mối tình giữa Thiên Chúa và con người phần nào bị gián đoạn. Nhưng dẫu cho con người có bất trung Thiên Chúa, thì Ngài vẫn không ruồng bỏ con người.

Về phần mình, khi rời xa Thiên Chúa, con người cảm thấy một nỗi khắc khoải lớn lao. Vườn địa đàng đẹp đẽ năm xưa nay đã hóa thành sa mạc nắng cháy. Sa mạc của cõi lòng nơi con người trở khô cằn và cháy khát vì nỗi khát mong Thiên Chúa. Sống trong tội lỗi và những hậu quả của tội, loài người không ngừng khao khát về ngày đến của Đấng Mesia. Họ sống trong nỗi khắc khoải chờ đợi nhưng cũng là một niềm hy vọng lớn lao. Và hôm nay, “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê”, niềm hy vọng đó đã vang vọng trong sa mạc miền Giu-đê và cũng chính là sa mạc của lòng người. Nỗi khát mong của con người như vỡ oà, mọi người vui mừng và hạnh phúc vì đã đến lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa tình yêu từ thuở đời đời dành cho dân Ngài. Ngài không chỉ đi bước trước đến với con người, mà ngang qua mầu nhiệm nhập thể Ngài còn tự hạ mình làm người và ở giữa chúng ta. Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại. Trở thành một công dân Do thái, sống tại một vùng địa lý và hiện diện ở một thời điểm lịch sử cụ thể. Con người không còn phải khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa ở một nơi xa lạ nào đó nữa, vì Ngài đã đến gần con người và cùng đồng hành với chúng ta.

Vâng, vì Đức Giê-su đã đến và hiện diện giữa chúng ta, chúng ta được mời gọi để đọc lại lịch sử đời mình, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Ngài trong chính lịch sử cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nhìn lại đời mình dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu của ngài hiện diện trong mỗi biến cố diễn ra trong đời sống thường ngày của chúng ta. Những gì xưa kia ta chỉ xem là tình cờ hay ngẫu nhiên, thì nay ta nhận ra sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Ngài đến gần, ngay bên cạnh và đồng hành với ta ngay cả khi ta tưởng vắng bóng Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa trao cho niềm hi vọng và một niềm hạnh phúc tròn đầy.

Khi nhìn lại lịch sử đời mình như thế, chúng ta sẽ đủ can đảm và tình yêu để thực hiện một cuộc hoán cải, một cuộc hoán cải đầy khó khăn nhưng cũng cần thiết để có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong cuộc hội ngộ tình yêu này. Thật vậy, nhờ tình yêu và ân sủng của Ngài, chúng ta có thể từ bỏ bao lối nghĩ quanh co, bao tính toán lệch lạc. Nhờ ánh sáng và sức mạnh của Ngài, ta có thể san bằng những thung lũng của sự tăm tối, nơi vắng bóng ánh sáng tình yêu. Những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn ta can đảm bạt cho phẳng. Những chỗ mấp mô, lồi lõm giữa người với người, ta có thể san cho bằng.

Để sa mạc nắng cháy và khô cằn trở nên vườn hoa rực rỡ tình yêu, chúng ta cần phải chăm bón vất vả. Cũng vậy, để sa mạc lòng người trở thành điểm hẹn tình yêu với Con Thiên Chúa, ta cần phải sám hối là dọn con đường của lòng mình. Điều đó chẳng dễ dàng chút nào, vì nó thường gây đau đớn. Đời sống con người đã quen với những quanh co, những gồ ghề, những hố sâu. Sám hối là phải thay đổi, phải cắt đứt, phải từ bỏ. Có thay đổi nào mà không khó khăn, có cắt đứt nào lại không gây đau đớn. Tuy nhiên, khi chiêm ngắm kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, vì yêu thương mà Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa nhân loại, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và tình yêu để thực hiện lời mời gọi này.

Nguyễn Minh Triệu sj








All the contents on this site are copyrighted ©.