2012-12-06 15:23:40

Chức tư tế trong Thánh Kinh Tân Ước


Khi tìm hiểu chức tư tế trong Thánh Kinh Tân Ước, chúng ta nhận thấy có hai loại văn bản: thứ nhất là các văn bản trình bầy việc thành lập chức tư tế trong thời Cựu ước, thứ hai là loạt văn bản khẳng định việc thành toàn chức tư tế trong kỷ nguyên Kitô.

Các trình thuật tân ước như các Phúc Âm và sách Công Vụ các Tông Đồ đã không gán cho Chúa Giêsu bất cứ tước hiệu tư tế nào. Khi các văn bản này nói về các tư tế và các thượng tế, thì luôn luôn trong tương quan với chức tư tế của Do thái giáo, ngoại trừ văn bản chương 14 câu 13 sách Công Vụ nói tới một tư tế ngoại giáo. Tình trạng miêu tả rất khác nhau, tùy theo trường hợp đó là các tư tế thường hay là các quyền bính tư tế.

Trong trường hợp các tư tế thường thì không có sự căng thẳng nào. Các Phúc Âm thừa nhận nhiệm vụ và các đặc tính tư tế của họ. Điển hình như thánh sử Luca cho thấy tư tế Dakharia, thân phụ của thánh Gioan Tẩy Giả, thi hành nhiệm vụ theo phiên của mình là dâng hương cho Thiên Chúa trong Đền Thờ Giêrusalem (Lc 1,8 tt.). Các Phúc Âm Nhất Lãm cũng ghi nhận sự kiện Chúa Giêsu dặn các người bị phong hủi được Người chữa lành đi trình diện với các tư tế để được tuyên bố là đã khỏi bệnh và trong sạch, cũng như dâng lễ vật như Lề Luật truyền dậy (Mc 1,44). Trong sách Công Vụ, thánh sử Luca kể rằng ”cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,7)

Tuy nhiên trường hợp các thượng tế lại khác. Họ được nhắc tới khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết cuộc khổ nạn của Người lần thứ nhất: ”Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Và lần thứ ba Người cũng báo cho các môn đệ biết rằng ”Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người” (Mt 20,18). Tên các thượng tế luôn luôn trở lại trong một bối cảnh của sự chống đối kịch liệt con người của Đức Giêsu. Để phản bội Thầy mình tông đồ Giuđa Iscariot ”đi gặp các thượng tế” và ”họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc” (Mt 26,15). Thế rồi trong vụ án xử Đức Giêsu trước Thượng hội đồng Do thái vị thượng tế có vai trò định đoạt. Thuật lại vụ xử án thánh sử Mátthêu viết: “Bấy gìơ vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giêsu: ”Ông không nói lại được lời nào sao? Mấy người này tố cáo Ông gì đó?” Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người: ”Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” Đức Giêsu trả lời: ”Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, Tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: ”Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, qúy vị vừa nghe Hắn nói phạm đến Thiên Chúa, qúy vị nghĩ sao?” Họ liền đáp: ”Hắn đáng chết!” (Mt 26,62-66).

Các truyền thống tương tự liên quan tới việc các thủ lãnh Do thái quyết định giết Đức Giêsu cũng được thánh Gioan ghi lại trong Phúc Âm. Sau khi Đức Giêsu làm phép lạ cho Ladarô chết chôn trong mồ ba ngày sống lại, ”các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: ”Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Roma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân của ta”. Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy nói rằng: ”Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân vẫn còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Và thánh Gioan giải thích lời thượng tế Caipha như sau: ”Điều đó ông đã không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ mọi con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu” (Ga 11,47-53).

Trong cuộc đối thoại với quan Philatô sau khi Đức Giêsu bị giải nộp cho quan, Philatô hỏi Người: ”ông có phải là vua dân Do thái không?” Đức Giêsu đáp: ”Ngài tự ý nói điếu ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Philatô trả lời: ”Tôi là người do thái sao? Chính dân của Ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giêsu trả lời: ”Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”. Ông Philatô liền hỏi: ”Vậy Ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: ”Chính ngài nói rằng tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Ông Philato nói với Người: ”Sự thật là gì?” (Ga 18,33-38).

Tuy biết Đức Giêsu vô tội và chính ông đã tuyên bố như vậy, nhưng quan Philatô vẫn cho đánh đòn Người. Đức Giêsu bị đánh đòn, nhạo cười, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo đỏ rồi bị quan đưa ra cho dân xem. Ông Philatô nói với họ: ”Đây là Người!” Khi vừa thấy Đức Giêsu các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: ”Đóng đinh, đóng đinh Nó vào thập giá” (Ga 19,6).

Trong sách Công Vụ thánh sử Luca cho thấy các thượng tế trút đổ trên cộng đoàn Kitô và trên các Tông Đồ sự thù nghịch của họ đối với Đức Giêsu mà họ đã giết qua tay đế quốc Roma. Khi thấy hai tông đồ Phêrô và Gioan rao giảng, các tư tế và lãnh binh Đền Thờ bắt hai người và tống ngục. ”Hôm sau, các thủ lãnh Do thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giêrusalem. Có cả thượng tế Khanan, các ông Caipha, Gioan, Alêxanđê và mọi người trong dòng họ thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi...” (Cv 4,5-6).

Sự kiện các Tông Đồ làm phép lạ khiến cho dân chúng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cũng như những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành. Và điều này đã làm cho hàng lãnh đạo Do thái ghen tức bắt nhốt các Tông Đồ. Thánh Luca viết: ”Bấy giờ, vị thượng tế cùng tất cả những người theo ông, tức là phái Xađốc ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ nhốt vào nhà tù công cộng. Nhưng ban đêm thiên sứ Chúa mở cửa ngục đưa các ông ra mà nói: ”Các ông hãy đi, vào trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống”. Nghe thế các ông vào Đền Thờ ngay từ lúc rạng đông và bắt đầu giảng dạy.

Vị thượng tế cùng những người kề cận đến và triệu tập Thượng Hội Đồng và toàn thể viện bô lão Israel, rồi sai người vào nhà giam điệu các Tông Đồ tới. Nhưng khi thuộc hạ đến, họ không thấy các ông trong ngục. Họ trở về báo cáo rằng: ”Chúng tôi thấy ngục đóng kỹ lưỡng và những người lính canh đứng ở cửa; nhưng khi mở cửa ra, chúng tôi không thấy ai ở bên trong”. Nghe những lời ấy viên lãnh binh Đền Thờ và các thượng tế phân vân về các ông, không biết chuyện gì xảy ra. Bấy giờ có một người đến báo cho họ: ”Những người các ông đã tống ngục, kìa họ đang đứng trong Đền Thờ và giảng dạy cho dân!” Viên lãnh binh bèn đi với bọn thuộc hạ và điệu các ông về, nhưng không dùng bạo lực, vì sợ bị dân ném đá.

Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: ”Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa. Thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” Bấy giờ ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: ”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”. Nghe vậy họ giận điên lên và muốn giết các ông. Nhưng nhờ lời can gián của ông Gamaliel, ”họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan, bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,17-41).

Trong chương 9 thánh sử Luca cũng kể rằng ”Ông Phaolô vẫn còn hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế, xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damasco, để nếu thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9,1-2).

Trong tất cả các biến cố kể trên các tư tế và thượng tế không được giới thiệu trong môi trường phụng tự, nhưng trong cương vị quyền bính. Cùng với các kỳ mục và các ký lục họ làm thành Thượng Hội Đồng, là công nghị có quyền bính tối cao của dân Do thái vào thời đế quốc Hy lạp và đế quốc Roma. Nhưng các yếu tố trong trình thuật vụ xử án Chúa Giêsu chứng minh cho thấy một tình trạng hỗn hợp tôn giáo và chính trị. Đức Giêsu bị tố cáo là nổi loạn chống lại Đền Thánh, như thánh sử Mạccô ghi trong chương 14: ”Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: Chúng tôi có nghe ông ấy nói: “Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người xây dựng và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm” (Mc 14,58). Vì thế tội này liên lụy đến chức tư tế. Nhưng vấn đề chính liên quan tới tính cách cứu thế, là một ý niệm vừa chính trị vừa tôn giáo. Lời tố cáo sau cùng cho rằmg Đức Giêsu nói phạm thượng chỉ nhấn mạnh trên chiều kích tôn giáo.

Thánh Mạccô kể: Vị thượng tế lại hỏi Người: ”Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giêsu trả lời: ”Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: ”Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Qúy vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, qúy vị nghĩ sao?” Tất cả đều kết án Người đáng chết (Mc 14,61-65).

Tóm lại chính các tư tế và các thượng tế Do thái chịu một phần trách nhiệm rất lớn về cái chết của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế mà họ hằng trông đợi, nhưng không muốn nhận ra và chấp nhận.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1126)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.