2012-11-30 11:25:36

Suy Niệm Lời Chúa: Chúa Nhật I Mùa Vọng, NĂM B


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô
"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Ðiều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!"

Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy các môn đệ của Chúa Giêsu, các Kitô hữu, phải luôn sẵn sàng vì Con Người sẽ đến vào lúc không ai ngờ, vào giờ không ai biết. Yếu tố “không chắc chắn” có một vai trò quan trọng ở đây và nó nhắm đến giây phút bất ưng vào ban đêm, lúc người chủ trở về. Như vậy, có thể nói, khi nhắc đến ban đêm và các canh liên lục, Tác giả Tin Mừng muốn nhấn mạnh đến thời gian hiện tại và bản chất tăm tối của nó.

Thật vậy, cho dù Đức Giê-su là ánh sáng đã đến thế gian, nhưng thế giới này vẫn còn đó những mãng tối. Các thủ lãnh thế gian vẫn không ngừng chống lại Thiên Chúa. Thế giới vẫn quay lưng lại với Ngài là nguồn ánh sáng. Đó là lý do tại sao thời gian hiện tại được định nghĩa như một thời gian của bóng tối và đêm đen. Sống trong một thế giới như thế, bất cứ lúc nào các môn đệ cũng bị đặt trong một tình thế có thể sa ngã, nhượng bộ cho các quyền lực tối tăm, bị các sự ác của thế giới hiện tại chiếm đoạt lại. Có nhiều điều có thể làm người môn đệ lạc xa huấn lệnh của Chúa, từ những đau khổ và bách hại vì Lời đến sự lôi cuốn của tiền tài hay những mối bận tâm của thế gian. Để cho những gì thuộc về thế gian này chiến thắng hay quyến rũ, đó là mê ngủ theo lối nói biểu tượng này.

Tương phản với đêm tối và giấc ngủ là sự tỉnh thức. Các Kitô hữu được mời gọi để tỉnh thức vì đi trong thế giới của đêm tối, họ phải thể hiện ơn gọi và ân huệ đã lãnh nhận với tư cách là con cái ánh sáng, và hướng cái nhìn về phía trước, tới cuộc trở về của chủ và tới ngày đang đến gần. Ở đây không hề có vấn đề suy luận hay tính toán về giây phút, nhưng là một thái độ sống nhằm luôn luôn giữ hình ảnh cuộc trở về của Chúa Ki-tô ngay trước mắt. Thái độ sống ấy được dụ ngôn trình bày dưới khía cạnh “sự phục vụ chủ”. Người gác cửa đã lãnh trách nhiệm tỉnh thức trong khi chờ đợi chủ về: bằng việc tỉnh thức, anh ta tỏ ra trung tín với chủ, và cuộc đời của anh được xác định trong tương quan với chủ. Trong dụ ngôn, tỉnh thức là có một đời sống mà ngay bây giờ đã được ghi dấu bởi cái gì đang đến, bởi người chủ, bởi ngày và bởi ánh sáng ban ngày. Đây là một cách diễn tả tình trạng cánh chung của các Kitô hữu đang sống trong thế giới: họ đã được giải phóng khỏi những gì ban đêm, họ hướng tới cuộc trở về của Con Người và tới thời gian hoàn tất ơn cứu độ.

Như vậy, tỉnh thức không phải là chuyện tự nhiên và dễ dàng. Để tỉnh thức, người Kitô hữu cần phải chiến đấu. Thánh Phaolô đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta là hãy cởi bỏ những công việc của tăm tối để mặc lấy những khí giới của ánh sáng. Ðã đến lúc anh em phải thức dậy… Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13, 11-12). Để có thể đứng vững trong cuộc chiến này, chúng ta hoàn toàn cậy dựa vào Đức Kitô và những ân huệ của Ngài. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: “Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực đ đi phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6, 13).. Nếu chúng ta mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ Chúa trở về.
Tỉnh thức và đón chờ ngày cứu độ đến, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta vô tình với cuộc sống hiện tại và các vấn đề của nó. Thật vậy, thái độ cánh chung không bao giờ phát sinh thái độ chối bỏ thế giới, nhưng phát sinh một sự tự do lành mạnh đối với tất cả những gì hình thành nên bóng tối trong thế giới này. Tự do đối với những nỗi sợ hãi của con người và lòng khao khát quyền lực, tự do trước những đau khổ và thậm chí là cái chết.

Như vậy, tỉnh thức trong đêm tối của thời gian hiện tại để chờ đợi Chúa sắp trở về, đó là một cuộc giải phóng. Đó cũng là một niềm vui, một nỗi vui mừng không lệ thuộc vào những thay đổi của cuộc đời, vì nó xuất phát từ một nguồn vĩnh cửu. Đó cũng là một sự bình an dù sống giữa cuồng phong, sự bình an đã được Đấng phải đến đảm bảo… Cuối cùng, đó cũng là một niềm hy vọng, dù đang sống trong một thời đại với nhiều bóng tối của tội lội và sự chết, nhưng mắt chúng ta vẫn hướng nhìn về phía trước, tới thế giới đang đến, tới ngày đang lại gần.

Nguyễn Minh Triệu Sj








All the contents on this site are copyrighted ©.