2012-11-29 15:40:20

Tiến triển lịch sử của chức tư tế


Khi tìm hiểu chức tư tế chúng ta nhận thấy có một sự tiến triển trên hai chiều kích gia tăng tầm quan trọng cho cuộc sống của dân Thiên Chúa.

Trước hết là ý thức về sự thánh thiện. Nhiều kinh nghiệm tôn giáo, cá nhân và tập thể đã gia tăng nơi dân Israel thái độ kính trọng đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Các lời giảng dậy và hoạt động của các ngôn sứ cũng như của các người cải cách tôn giáo thời vua Giosia có vai trò quan trọng định đoạt trong lãnh vực này. Kết qủa là việc tổ chức mới việc phụng tự và chức tư tế, nhấn mạnh trên thuyết nhất thần với các đòi hỏi của nó. Thay vì nhiều trung tâm thờ tự cổ xưa thì chỉ có một trung tâm duy nhất được coi là hợp pháp, còn tất cả mọi trung tâm khác đều bị coi ngang hàng với các đền thờ ngoại giáo và vì thế bị phá hủy. Chức tư tế cũng được hiệp nhất và tái tổ chức cho có thứ tự lớp lang.

Trong phụng tự hiến tế, khía cạnh đền tội đáp ứng nỗi âu lo đối với sự thánh thiện đã chiếm một chỗ ý nghĩa nhất. Trong tất cả các hiến tế quan trọng nhất là các hiến tế của ngày lễ ”Yom Kippur” tức ”Ngày lễ xá tội” như trình bầy trong chương 16 sách Lêvi: ”Tháng bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi phải ăn chay hãm mình và không được làm công việc nào, dù là người bản xứ hay ngoại kiều sống giữa các ngươi. Thật vậy, ngày này, sẽ cử hành lễ xá tội cho các ngươi, để thanh tẩy các ngươi: trước nhan Giavê, các ngươi sẽ được thanh sạch khỏi mọi tội lỗi của các ngươi. Đối với các ngươi đó sẽ là một ngày sabát, một ngày nghỉ: đó là quy tắc vĩnh viễn.

Tư tế đã được xức dầu và được trao quyền làm tư tế thay cho cha mình, sẽ cử hành lễ xá tội. Nó sẽ mặc phẩm phục bằng vải gai, phẩm phục thánh; nó sẽ cử hành lễ xá tội cho thánh điện cực thánh; nó sẽ cử hành lễ xá tội cho Lều Hội Ngộ và cho bàn thờ. Đó sẽ là quy tắc vĩnh viễn cho các ngươi; mỗi năm một lần sẽ cử hành lễ xá tội cho con cái Israel khỏi mọi tội của chúng” (Lv 16,29-34).

Các hiến tế này là tột đỉnh của tất cả mọi sinh hoạt phụng tự, bởi vì Ngày Xá tội đã là dịp duy nhất trong năm, trong đó vị Thượng tế có thể vào trong nơi Cực Thánh của Đền Thờ, nơi cất giữ Hòm Bia Giao Ước. Chỉ có vị Thượng tế mới được phép vào và trong dịp dâng hiến lễ trọng nhất là hiến tế xá tội. Dưới mọi khía cạnh: nơi thánh, đền thánh, hành động thánh, phụng vụ ngày Lễ Xá Tội biểu lộ sự đòi hỏi lớn nhất của sự thánh thiện.

Điểm thứ hai là chức tư tế và quyền bính của chức tư tế. Song song với sự tiến triển hướng tới khuynh hướng ngày càng có tính cách độc đoán hơn, là việc gia tăng quyền bính của chức tư tế. Sau thời lưu đầy vị thượng tế không chỉ nắm giữ một quyền bính có tính cách tôn giáo mà cả chính trị nữa. Bằng chứng là chương 50 sách Huấn Ca ca tụng thượng tế Simon là người đã củng cố thành Giêrusalem để phòng ngừa trường hợp bị vây hãm, hầu bảo vệ dân khỏi bị tàn phá (Hc 50,4). Những gì thượng tế Simon làm được kể lại trong sách Macabê I. Vào thế kỷ thứ II trước công nguyên cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Seleucid đã do một gia đình tư tế lãnh đạo: đó là nhà Hasmonê. Và sau chiến thắng họ đã duy trì quyền bính chính trị, như kể trong chương 10 và chương 13 sách Macabê I.

Tước hiệu ”arkhireus”, thượng tế, đã được sử dụng thời đó. Trong các hoàn cảnh lúc bấy giờ nó diễn tả việc tập trung mọi quyền bính trong tay vị thượng tế. Thượng tế Simon đươc gọi là ”đại nhân, thượng tế, quân sư và thủ lãnh dân Do thái” (I Mcb 13,42). Như vậy phẩm giá của vị thượng tế đã trở thành đối tượng của các đam mê và kình địch tột đỉnh. Vài người muốn trở thành thượng tế đã sử dụng mọi phương tiện để đạt địa vị này, kể cả việc giết người. Đó là trường hợp ông Anronico muốn chiếm chức thượng tế nên xúi ông Menelao dùng mưu đánh lừa thượng tế Onia ra khỏi nơi trú ẩn để ám sát, như kể trong chương 4 sách Macabê II. Cả dưới thời các tổng trấn Roma vị thượng tế đã được coi như quyền bính cao nhất của quốc gia. Ông chủ tọa Thượng hội đồng được người Roma thừa nhận như quyền bính chính trị địa phương. Các trình thuật của Tin Mừng xác nhận tình trang này một cách trung thành. Đức Giêsu Kitô đã bị Công nghị Do thái kết án tử hình qua tay của quyền bính Roma.

Chính sự kiện quyền bính tôn giáo đi đôi với quyền bính chính trị này của giới tư tế đã khiến cho nhiều người thất vọng, nên có vài môi trường của Do thái giáo đặt để hy vọng vào việc chờ đợi một chức tư tế được canh tân.

Ngôn sứ Malakhi đã mạnh mẽ tố cáo các khuyết điểm của giới tư tế do thái như sau: ”Và giờ đây, hỡi các tư tế, đây là lệnh truyền dành cho các ngươi: Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ khiến cho các ngươi mắc tai họa, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai họa. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành tai họa, vì các ngươi chẳng lưu tâm gì cả. Này Ta hăm dọa dòng dõi các ngươi, Ta sẽ ném phân lên mặt các ngươi - phân trong các ngày mừng lễ của các ngươi -; người ta sẽ mang các ngươi đi cùng với phân ấy. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết rằng Ta gửi lệnh truyền này cho các ngươi để giao ước của Ta với Lêvi tồn tại, Chúa các đạo binh phán. Giao ước của Ta với nó là sự sống và sự bình an: Ta đã ban những thứ ấy cũng như sự kính sợ cho nó. Nó sẽ kính sợ Ta và kinh hãi trước danh Ta. Miệng nó nói lời lẽ chân thật, và môi nó không nói lời gian ác! Nó đi với Ta trên đường nẻo bình an và ngay thẳng; nó đã làm cho nhiều người cải tà quy chính. Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; qủa thế, nó là thần sứ của Chúa các đạo binh. Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã hủy hoại giao ước với Lêvi, Chúa các đạo binh phán. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật”.

Các lời trách mắng và đe dọa nặng nề trên đây không chỉ có giá trị đối với hàng tư tế thời xa xưa, nhưng cũng là những lời Thiên Chúa cảnh cáo hàng tư tế thuộc mọi thời đại. Một trong những nguy hiểm thường xuyên rình rập các tư tế, các linh mục khắp nơi trên thế giới đó là không biết lắng nghe và lưu tâm tới bổn phận nòng cốt của mình là phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa, qua việc trung thành tận tụy phục vụ dân Chúa và con người. Có thể xảy ra là linh mục chỉ làm việc cho chính mình, hay cho gia đình mình và cho tiếng tăm của mình, mà không đếm xỉa gì tới các quyền lợi và thiện ích của cộng đoàn tín hữu. Thay vì giảng giải Lời Chúa và khích lệ tín hữu sống theo tinh thần Tin Mừng và luân lý Kitô, thì thường khi linh mục mắng mỏ, chửi bới giáo dân. Thay vì dám can đảm thi hành sứ mệnh ngôn sứ, lên tiếng tố cáo mọi bất công xã hội, bênh vực các quyền chính đáng của tín hữu và các quyền con người, thì linh mục có thể khép nép sợ sệt và bợ đỡ quyền bính trần gian để yên phận. Khi ấy Thiên Chúa sẽ làm cho các vị trở thành ”đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân”, vì đã thiếu sót bổn phận tư tế của mình. Và tệ hại hơn nữa Thiên Chúa sẽ biến phúc lành của các tư tế thành các tai họa. Đáng lý ra tư tế phải là người chúc lành cho dân và đem phúc lành của Chúa xuống cho dân, qua cuộc sống thánh thiện, trung thành, quảng đại và gương mẫu của mình. Nhưng giờ đây vì đã không tuân giữ đường lối Chúa, không sống công chính, áp dụng sai trái và thiên vị các Luật Lệ của Chúa, nên các tư tế không còn là thần sứ của Chúa nữa. Do đó thay vì là phúc lành cho dân tư tế lại là tai họa. Không có gì tệ hại và đau đớn hơn, khi hàng tư tế, khi các linh mục lại trở thành tai họa cho dân Chúa và cho con người!

Ngôn sứ Malakhi cũng đã báo cho biết sự thanh tẩy các con cái Lêvi: ”Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính” (Ml 3,3).

Cũng có các văn bản ngôn sứ khác dưỡng nuôi cùng niềm hy vọng này. Điển hình như các văn bản Qumran và trong tác phẩm ”Các di chúc của Mười hai tổ phụ”. Tại Qumran sự chờ đợi cánh chung đã bao gồm một yếu tố tư tế. Các thành phần của cộng đoàn không chỉ chờ đợi một Messia, một Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Davít mà ho gọi là ”Đấng Messia của Israel”, nhưng cũng là Đấng Messia tư tế, mà họ gọi là ”Đấng Messia của Aharon” (1 QS 9,10-11). Trong cuốn sách ”Luật của cộng đoàn” Đấng Messia tư tế đi trước Đấng Messia của Israel (2,18-21), tức được coi trọng hơn. Trong ”Tài liệu Damasco” (12,23 tt; 19,10 tt.) một nhân vật duy nhất bao gồm cả hai phẩm giá, vừa là Đấng Messia của Israel vừa là Đấng Messia tư tế.

Chúng ta có thể tìm thấy cùng chiếu hướng ấy trong tác phẩm ”Các di chúc của Mười hai Tổ phụ”. Chẳng hạn ”Di chúc của Ruben” (6,7-12) ra lệnh phải vâng lời Lêvi ”cho tới khi thời gian của Đấng Messia thượng tế mà Chúa đã nói tới kết thúc”. ”Di chúc của Lêvi” (18,1) thì loan báo rằng vào thời sau hết Thiên Chúa sẽ đánh phạt các tư tế bất xứng và ”sẽ cho chỗi dậy một tư tế mới, và mọi lời của Chúa sẽ được mạc khải cho ông”. Vì việc thành toàn cuối cùng cũng phải là sự thành toàn của tất cả mọi khía cạnh trong chương trình của Thiên Chúa, nên khía cạnh tư tế không thể thiếu. Thật thế, tầm quan trọng của nó chiếm hàng đầu trong Thánh Kinh và trong cuộc sống của dân được tuyển chọn.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1125)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.