2012-08-25 08:46:04

Thay đổi thời tiết và nạn đói trên thế giới


Hôm thứ ba 21.08, tổ chức Khí tượng thế giới gọi tắt là OMM, (ORGANISATION METEOROLOGIQUE MONDIALE) có trụ sở tại Geenève, Thụy Sĩ, đã cảnh báo rằng những hậu quả của nạn hạn hán có thể được giảm thiểu nhiều nếu các quốc gia biết tiên liệu những chương trình đối phó .
Trong những thời gian gần đây, thế giới đang phải đối diện với những cơn nóng gắt và những trận hạn hán trầm trọng kéo dài. Ông Michel Jarraud, tổng thư ký tổ chức OMM nhấn mạnh rằng những thay đổi thời tiết đe dọa gia tăng hạn hán lâu dài hơn và mời gọi các quốc gia đề ra những chính sách tranh đấu chống hạn hán rộng lớn trên bình diện toàn quốc, tương tự như là đối phó với một thiên tai vậy. Còn ông Mannava Sivakumar , giám đốc phân bộ Thời tiết và nước thuộc OMM, thì nói : Trong lúc này, giá cả thực phẩm gia tăng gần đến mức độ kỷ lục dạo năm 2010. Đã đến lúc các quốc gia thường bị hạn hán phải đề ra một chính sách đối phó. Đây cũng là biện pháp có thể đương đầu với hiện tượng thời tiết thường được mệnh danh là El Nino, có sức biến đổi khí hậu tạo nên những cơn nóng khủng khiếp, hạn hán kéo dài hay những trận mưa lũ tại Phi châu, Á châu hoặc Australia. Cho đến lúc này, chỉ có Australia là có một chính sách phòng chống hạn hán. Trong viễn tượng giúp các quốc gia đề ra một chính sách chống hạn hán, tổ chức OMM sẽ cùng với tổ chức LHQ tranh đấu chống nạn sa mạc lan rộng và các đối tác khác của hệ thống LHQ triệu tập một cuộc họp cao cấp từ ngày 11 đến 15 tháng 3 năm tới đây 2013 để đào sâu những chính sách phòng chống hạn hán. Tổ chức Khí Tượng thế giới OMM đã trích tin từ cơ quan Hoa Kỳ về Biển cả và môi trường khẳng định rằng tháng 7 năm nay 2012, đứng hàng thứ tư trong thứ hạng những tháng 7 nóng nhất lịch sử kể từ khi bắt đầu thành lập thống kê, nghĩa là từ năm 1880 đến nay. (AFP 210812)
**Cũng trong tuần qua, bộ trưởng nông nghiệp Nga ông Nikolai Fedorov đã tuyên bố trên đài truyền hình Nga là số lượng ngũ cốc thu hoạch dự kiến trong năm nay của nước này sẽ là 75 triệu tấn thay vì 80 triệu như trước đây. Nhưng đây không phải là điều đáng sợ. Trong năm 2010 là năm Nga bị hạn hán trầm trọng và cơn nóng kinh khủng khiến mùa màng thất thu, chỉ thu hoạch được có gần 60 tấn ngũ cốc, nhưng vẫn bảo đảm lượng ngũ cốc có thể xuất cảng. Thị trường thế giới từ lâu vẫn lo ngại sự kiện Nga có thể giới hạn việc xuất cảng ngũ cốc vì mùa màng thất thu khiến giá cả ngũ cốc gia tăng mạnh, tương tự như dạo năm 2010, khi Nga ban hành lệnh cấm xuất cảng ngũ cốc để bảo vệ giá cả ngũ cốc trong nước. Nhưng biện pháp này đã làm cho giá ngũ cốc trên thị trường quốc tế tăng vọt. Nước Nga đã thu hồi lệnh cấm này ngày 01.07.2011.
Hạn hán cũng đang làm nông dân các nước điêu đứng, ngay cả giới nông dân Hoa Kỳ. Chính vì thế, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã mạnh mẽ phê bình ông Chris Mahoney, giám đốc ngành nông sản của công ty siêu quốc Glencore, người đã xoa tay vui vẻ hài lòng vì nạn hạn hán trầm trọng tại Hoa Kỳ và trước viễn tượng Nga có thể giới hạn lượng ngũ cốc xuất khẩu bán ra thị trường thế giới. Nạn hạn hán tại Hoa Kỳ được xem là tệ hại nhất từ 50 năm nay. Ông Mahoney tuyên bố rằng nạn hạn hán tại Mỹ là cơ hột tốt cho Glencore thu lợi. Giá cả tăng vọt, Glencore có thể cung cấp vật liệu cần dùng cho thế giới và đây là điều tốt cho Glencore. Tổ chức Lương Nông thế giới, gọi tắt là FAO, đã phê bình Glencore là kiếm lợi hàng triệu mỹ kim trên đầu trên cổ người dân nghèo đang chết đói chết khát. Theo Conception Calpe , trưởng nhóm kinh tế gia của FAO, những tổ chức tư nhân như Glencore đang thao túng thị trường để lợi dụng thời cơ thu vào lợi nhuận khổng lồ bất chấp đau khổ của người dân. Không thể chờ đợi các tổ chức siêu quốc như Glencore, hay Monsanto va các ngân hàng hành động tùy theo các giá trị nhân đạo hay các lý do luân lý, cho nên đã đến lúc phải thay đổi những luật lệ thị trường. Các công ty siêu quốc này biết rõ điều ấy nên đang làm mọi cách để ngăn cản các chương trình canh tân .
Nạn hạn hán tại Hoa Kỳ, mà Mahoney toan tính mưu lợi, đã làm Hoa Kỳ thiệt hại 45% tổng số lượng bắp và 35% tổng số lượng đậu nành chỉ trong 1 tháng trời. Sự kiện này khiến cho mọi người lo ngại là giá cả lương thực có thể tăng vọt và sẽ có thêm nhiều người lâm cảnh nghèo đói. Mặt khác, theo cuộc họp thượng đỉnh G20 cách đây ít lâu, viễn tượng nạn đói không còn là độc quyền của các quốc gia đang trên đường phát triển nữa, nhưng cả các cường quốc như Hoa Kỳ, Nga , Brazil và Trung quốc cũng bị đe dọa. Ngành nông nghiệp thế giới đang bị các biến đổi thời tiết hăm dọa, các trận mưa lũ nối tiếp những cơn hạn hán kéo dài hay những trận băng giá trái mùa, khiến mùa màng thất thu. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khi đến Iowa vận động tranh cử, đã chứng kiến cảnh ruộng đồng nơi đây khô cháy vì nạn hạn hán trầm trọng nhất từ 50 năm nay, và đã tuyên bố rằng chính quyền liên bang sẽ dành ngân khoản tạm thời 170 triệu Mỹ Kim để giúp đỡ giới nông dân. Riêng Trung quốc, trong những năm gần đây, đã phải thuê mua hàng ngàn mẫu đất đai trồng trọt tại Australia để có thể đáp ứng nhu cầu gạo và ngũ cốc cho người dân trong nước. Nhưng hồi năm ngoái Australia bị lụt nặng và nhiều ruộng vườn bị ngập úng, mất mọi thu hoạch. Kết quả là giá gạo và ngũ cốc tại Trung quốc gia tăng hơn 50%. Tại Ấn Độ, thời gió mùa hằng năm thay đổi, khiến chính quyền Ấn phải đầu tư 75 triệu Mỹ Kim vào việc trang bị máy móc tiên báo mưa gió và giới nông đân, ước lượng khoảng 600 triệu, đã đổ mọi khoản tiền tiết kiệm vào việc cúng kiếng xin các vị thần Ấn giáo ban mưa xuống cho hết hạn hán. Một bản tin của hãng ANSA Italia loan di hôm 23.08 cho biết rằng chỉ trong vòng một tháng vừa qua, đã có 11 nông dân Ấn tự tử chết tại bang Gujarat vì mùa màng thất thu, không có khả năng trả nợ nần vay mượn để làm ruộng. Nhiều tổ chức bảo vệ nông đân tố giác rằng trong vòng 15 năm gần đây, có khoảng 200 ngàn nông dân Ấn đã tự tử vì mất mùa thu hoạch, không trả nổi nợ nần.
Mai Anh










All the contents on this site are copyrighted ©.