2012-08-07 13:47:59

Các bà góa trong giáo huấn mục vụ gia đình của thánh Phaolô


Lần trước chúng ta đã duyệt qua giáo huấn mục vụ của thánh Phaolô liên quan tới các thành phần khác nhau trong gia đình bao gồm người già, người lớn, giới trẻ, các bà vợ và cả các anh chị em nô lệ nữa. Thánh nhân đưa ra một số nhân đức cho từng giới và khuyên nhủ mọi người sống xứng đáng với địa vị của mình. Lý do nền tảng và cuối cùng của cung cách sống đạo đức gia đình là ”làm rạng rỡ đạo lý của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 2,10), ”để cho lời của Thhên Chúa khỏi bị xúc phạm” (Tt 2,5).

Điều này, dĩ nhiên, giả thiết ơn thánh hôn nhân phải thấm nhuần toàn gia đình và đổ tràn trên mọi thành phần trong gia đình. Một đàng là ơn thánh Chúa, đàng khác là ý thức và nỗ lực của từng người trong cung cách sống đạo. Ý thức và nỗ lực ấy giả thiết sự trưởng thành trong việc hiểu biết giáo lý kitô, và sống đức tin đức cậy và đức mến. Đây có thể là điểm yếu kém của nhiều kitô hữu. Tín hữu có thể sống đạo chỉ vì thói quen, vì áp lực gia đình và dư luận xã hội, mà không siêng năng trau dồi vốn liếng giáo lý và phát triển sự hiểu biết về đạo của mình, và rất ít khi hay không bao giờ đọc Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa và các giáo huấn của Chúa. Chính các thiếu sót ấy khiến cho họ thiếu trưởng thành trong lòng tin và có lối sống đạo ấu trĩ. Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới đây là một lời mời gọi mọi kitô hữu tìm gia tăng vốn liếng hiểu biết giáo lý nhiều hơn, năng đọc, suy gẫm và dùng Thánh Kinh để cầu nguyện nhiều hơn.

Khi đề cập tới gia đình, thánh Phaolô đã không quên một thành phần khác: đó là các bà góa. Thánh nhân không loại trừ ai khỏi mục vụ gia đình, mà chính người đã thi hành và tha thiết yêu cầu các cộng sự viên thi hành. Phụ nữ góa bụa thường phải sống trong tình trạng bấp bênh và đầy nguy hiểm, đặc biệt khi họ còn trẻ. Thánh Phaolô phân biệt ba loại bà góa: thứ nhất là các bà góa có thể được trợ giúp bởi con cái hay thân nhân của họ (1 Tm 5,4); thứ hai là các bà góa phải được Giáo Hội giúp đỡ vì không có phương tiện sinh sống nào khác (1 Tm 5,3.5.16); và thứ ba là các bà góa tận hiến cho các việc phục vụ cộng đoàn Giáo Hội, và vì thế có quyền được Giáo Hội nâng đỡ (1 Tm 5,9-15).

Thánh Phaolô khuyên Timôthê: ”Con hãy kính trọng các bà góa, những bà góa đích thực. Nếu một bà góa có con có cháu, thì trước tiên con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Còn các bà góa đích thực, sống một thân một mình, thì đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa và ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện. Trái lại, bà goá ham vui thì sống cũng như chết. Con cũng phải truyền dạy những điều ấy để không ai chê trách được họ. Ai không chăm sóc ngươi thân, nhất là người sống tronog cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Tm 5,3-8).

Một cách đặc biệt đáng thương là trường hợp các bà góa già mà sau khi chồng chết đã không có nơi nương tựa và không được trợ giúp về vật chất cũng như tinh thần. Đối với họ Thánh Kinh Cựu Ước đã dạy phải lo lắng giúp đỡ họ. Chẳng hạn trong chương 22 sách Xuất Hành Thiên Chúa truyền cho dân Israel như sau: ”Mẹ góa con côi ngươi kkông được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành góa bụa, con các ngươi sẽ thành côi cút” (Xh 22,21-23).

Chương 24 sách Đệ Nhị Luật cũng căn dặn dân Israel: ”Các ngươi không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhị, không được giữ áo của người góa bụa làm đồ cầm... Khi các ngươi gặt trong ruộng minh, mà bỏ sót bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi qủa phụ... Khi hái nho, thì các ngươi không được mót lại; những trái còn sót dành cho ngoại kiều và cô nhi qủa phụ” (Đnl 24,17.19.21). Các người góa bụa thường được nói đến cùng với các cô nhi và người ngoại kiều, vì họ thuộc lởp người không được che chở và bênh đỡ. Thánh Kinh Tân Ước cũng dậy phải che chở và trợ giúp họ. Xem ra các chức Phó tế được thành lập cho công việc phục vụ này như kể trong sách Công Vụ chương 6 (Cv 6,1-6). Thánh Phaolô muốn cộng đoàn kính trọng họ, không chỉ trong nghĩa luân lý mà cả trong việc trợ cấp vật chất nữa, với điều kiện họ thực sự góa bụa, không còn bà con thân thuộc trợ giúp và không còn nơi nương tựa (1 Tm 5,3.5.16). Trong trường hợp họ có thân nhân con cái hay cháu chắt, thì chính các thân nhân có bổn phận trợ giúp họ phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa dậy phải thờ kính cha mẹ (Xh 20,18).

Các câu 5-7 chương 5 thư thứ I gửi Timôthê xem ra cho thấy thánh Phaolộ đòi hỏi nơi các bà góa một số đức tính luân lý để được cộng đoàn trợ giúp. Thật vậy, họ phải là những người không thể chê trách được, dành cuộc sống cho lời cầu nguyện, và tin tưởng nơi Thiên Chúa, noi gương nữ ngôn sứ Anna ”ngày đêm phục vụ Thiên Chúa trong chay tịnh và cầu nguyện” (Lc 2,27). Trái lại, không là điều tốt giúp đỡ các bà góa ”ham vui sống”, nhưng đã chết trong tinh thần để đừng tham dự vào các tội lỗi của họ.

Các câu 9-10 khẳng định phải trợ giúp các bà góa được tổ chức ghi danh trong sổ với một số điều kiện: ít nhất họ phải 60 tuổi, chỉ có một đời chồng, được chứng nhận là đã làm việc thiện, nghĩa là đã nuôi nấng dậy dỗ con cái, đã tỏ ra hiếu khách, đã rửa chân cho các người trong dân thánh, giúp đỡ người gặp gian truân, siêng năng làm mọi việc lành. Việc rửa chân cho cho các thánh có ý nghĩa hiếu khách (Lc 7,44) nhưng cũng là cử chỉ bắt chước Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13,2-17).

Các bà góa này được ghi danh vào một cuốn sổ đặc biệt, vì thế họ được gọi là các bà góa ”có tên trong sổ” hay các bà góa ”hợp quy”. Giáo Hội trợ giúp các bà góa ấy với các phương tiện của tình bác ái công cộng. Và tới lượt mình, các bà góa này có nhiệm vụ giúp đỡ Giáo Hội trong các việc bác ái khác nhau, nhất là giúp đỡ các phụ nữ. Chẳng hạn, qua sử gia Eusebio, chúng ta biết vào năm 250 Giáo Hội Roma có hơn 1.500 bà góa (Eusebio, Historia Eccl. 6,43; PL 20,621).

Chắc hẳn Giáo Hội đã lựa chọn các nữ Phó tế giữa các bà góa này hay ít nhất thành lập một nhóm các nữ phó tế; còn nhóm nữ phó tế thứ hai bao gồm các ”trinh nữ”.

Tiếp theo các câu 11-15 đưa ra các lý do tại sao không được nhận các bà góa trẻ tuổi qúa vào trong danh sách các bà góa. Thánh Phaolô dặn Timôthê như sau: ”Còn các bà góa trẻ con đừng ghi vào sổ; vì khi dục vọng làm cho họ xa lià Đức Kitô, thì họ muốn tái giá, và như vậy là mang lấy án phạt, bởi đã không giữ lời cam kết ban đầu với Đức Kitô. Đồng thời vì ăn không ngồi rồi, họ học thói la cà hết nhà nọ đến nhà kia. Đâu phải chỉ ăn không ngồi rồi, họ còn nhiều chuyện, lăng xăng, nói năng bừa bãi. Vậy tôi muốn các bà góa trẻ hãy tái giá, sinh con cái, lo việc cửa nhà; đừng để cho đối phương có dịp bới móc. Thật vậy đã có kẻ lạc đường đi theo Satan”.

Thánh Phaolô tỏ ra hiểu biết tâm lý các bà góa. Thật ra vì còn trẻ nên họ dễ bị các bản năng tính dục lôi cuốn, ước ao tái lập gia đình và như thế khước từ dấn thân ban đầu. Ngoài ra, vì tính khí và tâm lý không ổn định họ dễ ”ngồi lê mách lẻo và tò mò” và như thế gieo bất hòa trong cộng đoàn. Vì vậy tốt hơn là khuyên họ tái giá. Câu 12 của văn bản: ”và như vậy là mang lấy án phạt, bởi đã không giữ lời cam kết ban đầu với Đức Kitô” xem ra cho thấy các bà góa có tên trong danh sách phải đưa ra một loại lời thề hứa dấn thân nào đó, hay đúng hơn phải hứa sống khiết tịnh cũng như thánh hiến cho các công tác bác ái. Do đó khi không giữ được lời hứa ấy là vi phạm ”niềm tin” đã hứa với hậu qủa là bị án phạt từ phía Thiên Chúa. Nó là việc đi sai lệch con đường luân lý đã chọn để theo Satan. Đối với vài nhà chú giải ”đối phương có địp bới móc” mà thánh Phaolô nói tới trước đó cũng là Satan. Nhưng thật ra đây là những người đối nghịch với danh kitô nói chung, những người thù nghịch với kitô hữu, khi thấy những chuyện đó xảy ra thì phê bình chỉ trích và chửi rủa bới móc Kitô giáo.

Sau cùng thánh Phaolô căn dặn: ”Nếu như tín hữu nào có người trong họ hàng là bà góa, thì hãy giúp đỡ họ, đừng để cho Hội Thánh phải mang gánh nặng, và như thế Hội Thánh có thể giúp đỡ những bà góa đích thực” (1 Tm 5,16).

Chúng ta không biết đây là tình trạng cụ thể nào. Xem ra đây là sáng kiến cá nhân của vài phụ nữ kitô tốt lành nào đó, có lẽ cũng là bà góa, dấn thân trợ giúp các bà góa túng thiếu khác với qũy bác ái riêng của mình.

Thánh Phaolô khuyên họ tiếp tục sáng kiến ấy, đễ cho Giáo Hội có nhiều khả thể hơn trong việc trợ giúp các bà goá đích thực, nghĩa là họ không thể cậy nhờ vào ai. Theo nhiều người khác thì đây chỉ là việc lập lại những gì đã nói trong các câu 4 và 8 của văn bản, liên quan tới bổn phận của các người thân thuộc phải trợ giúp thân nhân góa bụa. Một vài thủ bản nói tới ”một người nam trung thành”. Vì thế một vài nhà chú giải cho rằng đây là thói quen được chứng thực bên Đông cũng như bên Tây hồi thế kỷ thứ III, có mgười đàn bà goá nào đó tự đặt mình dưới sự che chở của một kitô hữu có vợ con và sống gần ông ta. Trong trường hợp này thì sẽ tương tự như các trinh nữ sống dưới sự bảo trợ của một nam kitô hữu, như thánh Phaolô nói tới trong chương 7 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô. Nhưng trên bình diện phê bình văn bản thì sự khác biệt của vài thủ bản nói trên không có nền tảng.

Dầu sao đi nữa, qua các gợi ý nói trên thánh Phaolô cho thấy ngài chú ý tới các bà goá, bị gạt bỏ ngoài lễ xã hội, hay trong sinh hoạt mục vụ, và rộng mở họ cho gia đình lớn hơn là Giáo Hội, giúp họ lấy lại sự tự tin và khám phá ra sự hữu ích đa diện của họ đối với các tín hữu khác trong cộng đoàn, đồng thời khiến cho cuộc sống của họ được phong phú tình yêu vô vị lợi, và làm cho thế giới này cũng trở thành nhân bản hơn.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1107)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.