2012-08-02 17:55:31

Đài truyền hình kitô Sat 7 cho vùng Trung Đông


Phỏng vấn Linh Mục Ramsine Hage Moussa

Hồi năm 1995 đài truyền hình kitô Sat 7 đã được thành lập để phổ biến các giá trị của đức tin kitô trong vùng Trung Đông, là vùng có đa số dân theo Hồi giáo. Tín hữu kitô chỉ được 12 triệu người và chỉ là một thiểu số trên tổng số 200 triệu dân. Đài truyền hình kitô Sat 7 được trợ giúp tài chánh bởi tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ.

Đối với nhiều kitô hữu không thể đến nhà thờ được vì lý do an ninh, đài truyền hình Sat 7 là nhà thờ của họ. Đối với hàng trăm ngàn trẻ em vùng Trung Đông các chương trình của đài truyền hình Sat 7 là điểm gặp gỡ thường xuyên của các em. Đài truyền hình Sat 7 chiếu chương trình cho 22 nước hồi giáo và hướng tới cả tín hữu Hồi. Trong số 9 triệu khán thính giả thường xuyên của đài có rất nhiều người hồi.

Ông Kurt Johansen, giám đốc văn phòng âu châu đài truyền hình Sat 7, cho biết đài là tiếng nói của các kitô hữu, và mỗi người đều tự do lựa chọn theo dõi đài Sat 7 hay không. Xem ra đa số các khán thính giả của đài không phải là tín hữu kitô, mà là tín hữu hồi, và đây là sự lựa chọn của chính họ.

Đài truyền hình Sat 7 đề cập tới rất nhiều vấn đề khác nhau, vì thế khi theo dõi đài, khán thính giả có thể mở mang kiến thức của mình và có cái nhìn rộng rãi về tình hình thế giới. Các nhân viên của đài đều là các kitô hữu vùng Trung Đông, giao tiếp và gặp gỡ các người hồi giáo mỗi ngày trên đường phố. Chính họ có thể giải thích một cách rất hữu hiệu niềm tin của các kitô hữu. Và như thế có thể bắc các nhịp cầu hiểu biết, thông cảm lẫn nhau một cách hữu hiệu.

Chương trình của đài truyền hình Sat 7 được phân chia trên bốn kênh tiếng A rập, và phát 4 giờ trên kênh Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài các tài liệu và phim ảnh, cũng còn có các chương trình nói chuyện về nhiều đề tài khác nhau trong cuộc sống thường ngày cũng như các đề tài tôn giáo, được đào sâu với sự trợ giúp của các chuyên viên. Tổng hành dinh của đài truyền hình Sat 7 đặt tại Nicosia, thủ đô đảo Chypre. 80% các chương trình được sản xuất tại vùng Trung Đông, đặc biệt là tại Ai Cập và Libăng.

Tất cả các chương trình của đài truyền hình Sat 7 đều phải đáp ứng 3 mục tiêu: thứ nhất phải có các chương trình giải trí, nếu không thì sẽ không có ai theo dõi; thứ hai phải có mục đích giáo dục, trong nghĩa khán thính giả luôn luôn học hỏi được điều gì đó trong khi theo dõi các chương trình của đài; thứ ba là phải có nội dung kitô. Ông Johansen cũng cho biết đài Sat 7 có chương trình cho trẻ em 24 giờ trên 24 giờ gọi là ”Sat 7 Kids”, và chắc chắn nó là chương trình nổi tiếng nhất, vì hằng ngày có tới 9 triệu khán thính giả theo dõi, đa số là người dân các nước như Irak và A Rập Sauđi. Đây là một trong ít đài dành cho trẻ em trong toàn vùng Trung Đông, chính vì thế nó cũng được trẻ em các gia đình không kitô biết đến và rất thích thú theo dõi. Đặc biệt vì đài Sat 7 chỉ thăng tiến các giá trị tích cực, chứ không phổ biến bạo lực và hận thù.

Hiện nay trong vùng Trung Đông dân chúng chờ mong chuyến viếng thăm mục vụ Libăng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong các ngày 14-16 tháng 9 tới đây. Chuyến viếng thăm sẽ được hơn 300 đài truyền hình theo dõi và tường thuật trong đó có đài Sat 7.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Ramsine Hage Moussa, về đài truyền hình kitô Sat 7 cho vùng Trung Đông.

Hỏi: Thưa cha, đối với các kitô hữu vùng Trung Đông, đài truyền hình Sat 7 diễn tả điều gì?

Đáp: Đối với các kitô hữu vùng Trung Đông một đài truyền hình như đài Sat 7 hay các đài truyền hình kitô khác giúp rất nhiều kitô hữu làm giầu cho chính mình, bằng sự hiểu biết nền văn hóa của chúng tôi. Một đài truyền hình nói tiếng A rập chắc chắn khiến cho cuộc sống của người dân trở nên phong phú hơn. Vì thế tôi nghĩ rằng đó là một bước tiến rất lớn, nhưng còn có rất nhiều điều phải làm để tiếp tục và quảng bá sứ mệnh này.

Hỏi: Đây là mt bước tiến lớn trong một thế giới gắn liền Kitô giáo với Tây Phương. Sư kiện có một đài truyền hình tiếng A rập nói với các người A rập, kitô và không kitô, có thể vén mở cho thấy một chứng tá lớn hay không?

Đáp: Khi tôi nói tôi là người A Rập, thì lập tức tôi bị gắn liền với nền văn hóa A rập, và điều này cũng xảy ra cho người nói rằng mình là tín hữu kitô. Họ luôn luôn bị gắn liền với Tây Phương. Vì người ta cho rằng Kitô giáo nảy sinh từ Tây Phương. Vì thế cần phải giúp các khán thính giả hiểu rõ và phân biệt các vấn đề cũng như phổ biến sứ điệp của Chúa Kitô bằng tiếng A Rập.

Hỏi: Thưa cha, đài truyền hình Sat 7 cũng chiếu các phim ảnh nữa, các phim tài liệu, các phim lấy nguồn cảm hứng từ Thánh Kinh. Trong một nền văn hóa như nn văn hóa vùng Trung Đông, phương pháp thuật chuyện có thể giúp thông truyền các sứ đip cao qúy như các s điệp kitô hay không?

Đáp: Người ta theo dõi các chương trình này bởi vì chúng là phần của cuộc sống thường ngày của con người. Và coi các chương trìmh đó trở thành một sứ điệp cho người khác.

Hỏi: Trong số những người theo dõi các chương trình của đài truyền hình Sat 7 có nhiều người hồi không thưa cha?

Đáp: Dĩ nhiên là có rồi, lý do là vì họ muốn khám phá người khác, họ muốn biết Kitô giáo nhiều hơn. Có rất nhiều người hồi xem các chương trình của đài Sat 7, đôi khi chỉ vì tò mò thôi. Họ muốm khám phá các tín hữu kitô chung sống với họ. Và như thế họ khám phá ra các chiều kích khác của Thiên Chúa mà họ cũng tôn thờ và cầu khẩn.

Hỏi: Như thế sự dốt nát, việc không hiểu biết người khác, có thể đưa tới các lèo lái, hiểu lầm và cả việc khiến cho các xung khắc trở thành tồi tệ hơn, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng thế. Khi đề cập đến khía cạnh tôn giáo có một chướng ngại vật nơi sự kiện trong một số nước A rập người ta cấm nói về Chúa Kitô. Vì vậy, nhất là ngày nay, đài truyền hình qua vệ tinh có thể truyền sứ điệp ấy tới các nước A rập này và các nơi khác, một cách đơn sơ, dễ dàng và nhưng không.

Hỏi: Thưa cha Hage Moussa, mt đài truyền hình như đài Sat 7, trong chuyến viếng thăm Libăng vào trung tuần tháng 9 tới đây, có thể chuyển tải và củng cố chứng tá của mình tới mức độ nào?

Đáp: Chuyến viếng thăm Libăng của Đức Thánh Cha sẽ là một dịp tốt, không phải chỉ đối với đài truyền hình Sat 7, mà đối với tất cả mọi đài truyền hình khác, kể cả các đài truyền hình hồi giáo nữa. Thật thế, các đài truyền hình hồi giáo sẽ trình chiếu chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Libăng, và cả khi họ sẽ nói tới khía cảnh chính trị của chuyến viếng thăm đi nữa, thì cũng vẫn là một chứng tá lớn lao. Chắc chắn rồi, một đài truyền hình kitô như đài Sat 7, đối với họ cũng sẽ là một chứng ta lớn, vì chuyển tải sứ điệp của Đức Thánh Cha tới khắp nơi trên thế giới, tới những người sẽ không thể hiện diện tại những nơi Đức Thánh Cha tới. Nó sẽ là một kiểu đem biến cố này vào trong nhà của tất cả các gia đình vùng Trung Đông, không phải chỉ trên bình diện văn hóa và xã hội, mà cả trên bình diện tôn giáo nữa. Như vậy có nhiều chờ mong lắm và chúng tôi phải cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha, để nó thực sự mang lại một niềm hy vọng.

Hỏi: Vậy các kitô hữu và các cộng đoàn kitô đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm ca Đc Thánh Cha như thế nào thưa cha?

Đáp: Đúng thật nó là chuyến viếng thăm Libăng, nhưng trên thực tế nó là chuyến viếng thăm cho toàn vùng Trung Đông, bởi vì chúng ta biết lý do; đó là dịp công bố Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Trung Đông. Như vậy toàn vùng Trung Đông đều bị liên lụy. Đức Thánh Cha đến Libăng để gặp gỡ toàn vùng Trung Đông và đem hòa bình đến cho vùng này. Ngài có thể đem lại một niềm hy vọng. Người dân rất hứng khởi. Đức Thánh Cha có thể đem đến cho họ một niềm hy vọng và một ánh sáng trong bóng tối hiện hữu giữa người dân. Và chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng tiếp tục và củng cố sự hiện diện của các kitô hữu trong vùng Trung Đông.

Hỏi: Hy vọng tiếp tục cũng có nghĩa là hy vọng ở lại trong vùng Trung Đông, có phải vậy không thưa cha?

Đáp: Libăng đã bao gồm đa số dân theo Kitô giáo trước chiến tranh hồi thập niên 1970. Thật thế, hồi đó các kitô hữu chiếm 65% tổng số dân. Giờ đây trái lai chỉ còn có 35%. Đây chỉ là tình hình tại Libăng. Đây cũng là điều xảy ra tại các quốc gia khác như Irak, Siria vv... Và vì thế nó là một sứ điệp để nói rằng anh chị em hãy ở lại nơi đang sinh sống, bởi vì vùng đất này không chỉ là của một tôn giáo, mà là của tất cả mọi tôn giáo hiện diện.

(RG 18-7-2012)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.