2012-06-17 17:28:39

20 ngàn tín hữu đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha


VATICAN. Trưa chúa nhật 17-6-2012, dù trời nắng gắt, đã có lối 20 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC.

Trong số những người hiện diện đặc biệt có hàng trăm người thuộc Phong trào Tình Yêu gia đình, tham dự cuộc gặp gỡ tại Roma. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa 2 dụ ngôn trong bài Tin Mừng chúa nhật 11 thường niên năm B, để khích lệ các tín hữu tin tưởng và hy vọng giữa những khó khăn, vất vả và cơ cực. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ hôm nay đề nghị với chúng ta hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu: dụ ngôn hạt giống tự mình tăng trưởng và dụ ngôn hạt cải (Xc Mc 4,26-34). Qua những hình ảnh lấy từ nông nghiệp, Chúa trình bày mầu nhiệm Lời và Nước Thiên Chúa, và nêu lý do tại sao chúng ta hy vọng và dấn thân.

Trong dụ ngôn thứ nhất, sự chú ý được dành cho động thái của việc gieo hạt: hạt giống được gieo xuống đất, dù nông dân ngủ hay thức, hạt giống ấy nẩy mầm và tự tăng trưởng. Người gieo giống tín thác rằng công việc của mình không phải là không có kết quả. Điều nâng đỡ nông dân trong những vất vả hằng ngày chính là niềm tín thác nơi sức mạnh của hạt giống và đất tốt. Dụ ngôn này nhắc nhớ mầu nhiệm sáng tạo và cứu chuộc, công trình phong phú của Thiên Chúa trong lịch sử. Chính Ngài là Chủ Tể của Nước Chúa, con người là cộng tác viên khiêm hạ của Chúa, chiêm ngắm và vui mừng vì hoạt động sáng tạo của Chúa và kiên nhẫn chờ đợi thành quả. Phần cuối trình thuật này làm cho chúng ta nghĩ đến sự can thiệp kết thúc của Thiên Chúa trong ngày tận thế, khi Ngài sẽ thực hiện trọn vẹn Nước của Ngài. Thời gian hiện tại là thời kỳ gieo giống, việc tăng trưởng của hạt giống được Chúa bảo đảm. Vì thế mỗi Kitô hữu biết rõ mình phải làm tất cả những gì có thể, nhưng kết quả chung kết là tùy nơi Thiên Chúa: ý thức này nâng đỡ tín hữu giữa những vất vả thường nhật, nhất là trong những tình trạng khó khăn. Về vấn đề này, thánh Ignatio Loyola đã viết: ”Con hãy hành động như thể mọi sự tùy thuộc nơi con, nhưng đồng thời con cũng biết rằng trong thực tế tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa” (Xc Pedro de Ribadeneira, Vita di S. Ignazio di Loyola, Milano, 1998).

Cả dụ ngôn thứ hai cũng dùng hình ảnh việc gieo giống. Nhưng ở đây là một hạt giống đặc thù, hạt cải, được coi là nhỏ nhất trong mọi thứ hạt. Dù nhỏ như vậy, nhưng nó đầy sức sống, từ đó nảy sinh một mầm có thể chui ra khỏi đất, mọc lên dưới ánh sáng mặt trời và tăng trưởng đến độ trở thành một ”cây lớn hơn mọi cây khác trong vườn” (Xc Mc 4,32): sự yếu đuối là sức mạnh của hạt giống, sự kiện nó bị nứt vỡ ra chính là năng lực của nó. Cũng vậy đối với Nước Thiên Chúa: là một thực tại nhỏ bé xét về phương diện con người, bao gồm những người thanh bần trong tâm hồn, những người không tín thác nơi sức riêng của mình, nhưng nơi sức mạnh của tình yêu Chúa, những người không đáng kể trước mặt thế gian; nhưng chính qua họ mà sức mạnh của Chúa Kitô được biểu dương và biến đổi những gì có vẻ không phải quan trọng.

Hình ảnh hạt giống đặc biệt được Chúa Giêsu quí chuộng, vì nó biểu lộ rõ mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Trong hai dụ ngôn hôm nay, hình ảnh ấy tượng trưng sự ”tăng trưởng” và ”tương phản”: sự tăng trưởng diễn ra nhờ năng động ở trong chính hạt giống và sự tương phản hiển hiện giữa sự bé nhỏ của hạt giống và sự to lớn của những gì mà hạt giống tạo nên. Sứ điệp ở đây thật là rõ ràng: Nước Thiên Chúa, tuy đòi sự cộng tác của chúng ta, nhưng trước tiên đó là một hồng ân của Chúa, ân thánh đi trước con người và công trình loài người. Sức mạnh bé nhỏ của chúng ta, bề ngoài có vẻ là bất lực trước những vấn đề của thế giới, nhưng nếu được dìm trong sức mạnh của Thiên Chúa thì không sợ những chướng ngại, vì chiến thắng của Chúa là điều chắc chắn. Đó là phép lạ tình yêu của Thiên Chúa, làm nảy mầm và tăng trưởng mọi hạt giống được gieo vãi rộng rãi trên mặt đất. Và kinh nghiệm về phép lạ tình yêu này làm cho chúng ta lạc quan, mặc dù có những khó khăn, đau khổ và bất hạnh mà chúng ta gặp phải. Hạt giống nảy mầm và tăng trưởng, vì chính tình yêu Chúa làm cho nó lớn lên. Đức Trinh Nữ Maria, như đất tốt, đã đón nhận hạt giống Lời Chúa, xin Mẹ củng cố nơi chúng con niềm tin và niềm hy vọng này.

Chào thăm sau Phép Lành

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc nhở mọi người rằng ”Thứ tư tới đây, 20-6, là Ngày Thế Giới về người tị nạn, do LHQ đề xướng. Ngày này muốn lưu ý cộng đồng thế giới về những hoàn cảnh của bao nhiêu người, nhất là các gia đình, buộc lòng phải rời bỏ quê hương, vì bị đe dọa trước các cuộc xung đột võ trang và những hình thức bạo lực trầm trọng. Tòa Thánh cầu nguyện và liên tục quan tâm tới các anh chị em ấy, đồng thời tôi cầu mong rằng các quyền của người tị nạn luôn được tôn trọng và họ sớm có thể đoàn tụ với những người thân yêu.

ĐTC nói thêm rằng: ”Hôm nay, tại Ai Len, có lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc tế, trong tuần qua Đại hội này đã biến thủ đô Dublin thành ”thành phố của Thánh Thể” nơi mà nhiều người họp nhau cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích bàn thờ. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu đã muốn ở lại với chúng ta, để dẫn chúng ta vào cuộc hiệp thông với Ngài và giữa chúng ta với nhau. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria Chí Thánh những thành quả được chín mùi trong những ngày suy tư và cầu nguyện này.

ĐTC không quên nhắc đến lễ phong chân phước chiều chúa nhật hôm qua 17-6 và nói rằng: ”Tôi vui mừng nhắc nhớ rằng chiều hôm nay, tại thành Nepi, trong giáo phận Civita Castellana, sẽ có lễ phong chân phước cho Cecilia Eusepi, qua đời lúc mới được 18 tuổi. Thiếu nữ này đã mong ước trở thành một nữ tu thừa sai, nhưng buộc lòng phải rời bỏ tu viện vì bệnh tật, sống với niềm tin không lay chuyển, chứng tỏ một khả năng hy sinh lớn lao để cứu vớt các linh hồn. Trong những ngày cuối đời, trong sự kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô chịu đóng đanh, Cecilia thường lập lại: ”Thật là đẹp dường nào khi hiến thân cho Chúa Giêsu, là Đấng đã tận hiến vì chúng ta”.

ĐTC còn chào thăm các tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng chính, kèm theo những lời nhắn nhủ dựa theo bài Tin Mừng chúa nhật. Sau cùng bằng tiếng Ý, ngài đặc biệt nhắc đến các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Phong trào Tình Yêu gia đình tổ chức về đề tài “Kinh Lạy Cha và căn cội Kitô của gia đình và xã hội”.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.