2012-04-09 13:52:36

OAI HÙNG NHƯ ĐẠO BINH CHỈNH TỀ HÀNG NGŨ!


Vào năm 1839 Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn phải chịu bắt bớ thật gắt gao. Trong số các chứng nhân Đức Tin gục ngã dưới lưỡi gươm ác nghiệt của triều đình phải kể đến số đông các tín hữu giáo dân. Cái chết anh hùng của các vị tử vì đạo được truyền miệng nhau hầu khuyến khích mọi người sẵn sàng tuyên xưng Đức Tin khi đến thời thuận tiện.

Sáu phụ nữ Công Giáo Triều Tiên sau khi nghe thuật lại cái chết anh dũng của hai giáo dân Công Giáo bỗng nẩy sinh lòng sốt sắng và bàn nhau tự đi nộp mình cho quân lính để được chết vì Đạo. Ý kiến vừa đưa ra liền được mọi người chấp nhận.

Khi đến trước quân lính, một người trong nhóm nói:
- Các ông đang tìm các tín hữu Công Giáo, thì đây, chúng tôi là người Công Giáo. Các ông hãy bắt và nộp cho quan!

Quân lính không tin điều họ nghe là thật nên từ chối giải nộp các bà. 6 phụ nữ kiên trì giải thích:
- Chúng tôi là tín hữu Công Giáo thật! Bằng chứng là chúng tôi mang trong mình Ảnh Thánh và tràng chuỗi Mân Côi đây!

Thấy vậy, bọn lính liền trói 6 phụ nữ Công Giáo và giải về tỉnh. Trong số 6 phụ nữ có cô Luxia Kim, một trinh nữ.

Trinh nữ Luxia Kim nổi bật về sự thông minh, nét dịu dàng và lòng can đảm. Trong thời gian bị giam cầm, bị tra hỏi và bị đánh đập, cô luôn tươi vui và bình tĩnh khiến quan tòa phải ngạc nhiên. Năm ấy Luxia Kim bước vào tuổi 20. Quan bảo cô:
- Đẹp như cô mà sao lại dại dột đi theo một thứ tôn giáo kỳ lạ như vậy??? Hãy bỏ Đạo đó đi và tôi hứa sẽ cứu sống cô!

Cô Luxia Kim đáp:
- THIÊN CHÚA là Đấng tạo dựng muôn loài. Chính Ngài thống trị trời đất. Ngài là VUA Tối Cao và là CHA của mọi người. Làm sao tôi có thể chối bỏ Đấng vừa là VUA vừa là CHA của tôi? Không! Thà chết ngàn lần chứ tôi không thể chối bỏ THIÊN CHÚA tôi tôn thờ.

Quan lại nêu một số câu hỏi:
- Ai dạy cô biết Đạo Công Giáo? Cô quen biết với bao nhiêu người cùng Đạo? Tại sao cô chưa lập gia đình? Linh Hồn là gì và cô không sợ chết sao?

Cô Luxia Kim lần lượt giải thích:

- Mẹ tôi dạy cho tôi biết Đạo Thánh Đức Chúa Trời
- Đạo này nghiêm cấm việc tố cáo người khác, nên tôi không thể nói cho quan biết là tôi có liên hệ với những ai
- Tôi chưa tròn 20 tuổi vì thế xin quan đừng lấy làm lạ tại sao tôi chưa lập gia đình. Hơn nữa, không thích hợp với một trinh nữ khi phải trả lời về vấn đề hôn nhân, vậy xin quan đừng bao giờ điều tra tôi về vấn đề này
- Linh Hồn là bản thể thiêng liêng nên mắt trần không thể trông thấy
- Thật ra tôi rất sợ chết, nhưng vì muốn sống thì phải chối Đạo, bỏ Chúa, do đó, dù sợ chết tôi vẫn chọn cái chết để khỏi chối bỏ THIÊN ChÚA tôi tôn thờ.

Quan hỏi thêm:
- Cô có trông thấy THIÊN CHÚA Trời Đất không?

Cô Luxia Kim trả lời:
- Những người dân quê sống nơi các làng mạc xa xôi hẻo lánh, mặc dầu không trông thấy nhà vua, họ vẫn tin là đất nước có đức vua cai trị. Riêng tôi, vì trông thấy trời đất cùng muôn vật nên tôi tin có một Đấng Tối Cao dựng nên muôn vật muôn loài và chính Ngài là CHA của mọi loài thọ tạo.

Ngày 20-7-1839, cô Luxia Kim cùng với 5 phụ nữ Công Giáo Triều Tiên bị đưa ra pháp trường và bị xử tử vì tuyên xưng là tín hữu Công Giáo.

... Vị trinh nữ tử vì đạo thứ hai là Cô Luxia Phương.

Trinh nữ Luxia Phương chào đời trong gia đình ngoại giáo giàu có. Vì nhan sắc và vì nổi tiếng đoan trang cô được chọn vào hoàng cung làm tỳ nữ hầu hạ hoàng hậu Kim. Trong số các tỳ nữ, cô Phương trổi vượt về sự nhanh nhẹn, tính dịu dàng và đức cẩn trọng, nên được hoàng hậu để ý và yêu thương cách riêng.

Sắc đẹp và nét đoan trang của tỳ nữ Phương cũng lôi kéo sự chú ý của hoàng tử trẻ tuổi Duy-Khương. Một ngày, hoàng tử gọi cô đến phòng và dùng lời đường mật dụ dỗ. Nhưng cô Phương can đảm kháng cự, nhất quyết bảo vệ sự trinh khiết. Đức tính cao đẹp này hẳn là một trong những điều kiện thuận lợi đưa cô đến hồng ân lãnh bí tích Rửa Tội và chịu chết vì Đức Tin Công Giáo.

Năm 30 tuổi, cô được dịp may nghe nói đến giáo lý của Kitô Giáo. Cô vô cùng ngưỡng mộ nên nhất định tìm hiểu và xin theo Đạo Công Giáo. Sau đó lấy lý do bị bệnh, cô xin rời hoàng cung trở lại gia đình.

Nhưng thân phụ cô rất ghét Đạo Công Giáo. Do đó cô đến ở với gia đình người cháu. Tại đây, nghĩ lại quãng đời sống trong hoàng cung, cô cho rằng mình đã phung phí thời giờ trong nhung lụa xa hoa, nên giờ đây phải đền bù bằng một lối sống nhiệm nhặt hãm mình. Với lối sống này, chẳng bao lâu sau, cô đưa cả gia đình người cháu theo Đạo Công Giáo.

Năm 1839 khi đạo luật cấm đạo của nhà vua Triều Tiên ban hành, cô cùng với người bạn Công Giáo tìm cách ẩn trốn. Nhưng việc chưa thành thì một toán lính ập đến nhà tìm bắt cô.

”Không gì xảy ra mà lại không do bàn tay quan phòng của THIÊN CHÚA”, vừa nói cô Luxia Phương vừa vui vẻ tiến ra đón tiếp bọn lính. Cô xin họ đừng la lối gào thét vô ích, vì cô không chạy trốn. Cô còn biếu họ tiền bạc, rượu uống và thức ăn. Xong xuôi tất cả, cô vui tươi gia nhập đoàn tín hữu Công Giáo bị bắt và cùng với toán lính lên đường ra tỉnh.

Sau nhiều lần dụ dỗ và tra tấn không kết quả, quan truyền công bố bản án. Bản án có đoạn viết:
- Ngày cũng như đêm cô Phương đắm chìm trong đạo lý của cô. Từng cử chỉ, từng lời nói, ngay cả sự thinh lặng của cô, nhất nhất đều biểu lộ một tâm tình huyền bí. Vì thế cô đáng bị xử tử!

Ngày hành quyết được ấn định là 24-5-1839 tại Hán-Thành (Séoul). Cô Luxia Phương bình tĩnh tiến ra pháp trường, khuôn mặt an bình và tươi vui như thường lệ. Cô liên lĩ đọc kinh cho đến khi tiếng trống báo hiệu, cô nghiêng đầu đưa cổ cho lý hình chém.

... ”Bạn tình của anh hỡi, nàng đẹp tựa Tia-Xa, duyên dáng tựa Giêrusalem, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ .. Có đến sáu mươi hoàng hậu, cả tám chục phi tần, còn cung nữ thì nhiều vô kể. Nhưng, bồ câu của tôi là duy nhất, ngưi đẹp của tôi chỉ có một, thật mười phân vẹn mười. Mẹ nàng có mình nàng là gái, và nàng được thân mẫu rất mực cưng chiều. Các thiếu nữ trông thấy nàng đều ngợi khen nàng diễm phúc; hoàng hậu phi tần đều tán tụng: ”Kìa bà nào xuất hiện như rng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Sách Diễm Ca 6,4-10).

(Paul Destombes, MEP, ”Au Pays du Matin Calme”, Paris/1968 + Adriano Launay, ”I LXXIX Coreani Martiri”, Milano 1925)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.