2011-12-06 13:22:41

CÁC CON ĐỪNG SỢ! (Matthêu 10,28)


... Ngày 31-10-2010 xảy ra vụ khủng bố do nhóm Al Qaida chủ mưu tại Nhà Thờ Chính Tòa Syriaque Công Giáo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thủ đô Bagdad bên Irak. Vụ khủng bố làm cho 58 người chết - trong đó có 2 Linh Mục trẻ - và 78 người bị thương - trong đó có Đức Ông Raphael Kuteimi - quản đốc đền thờ.

Đúng một năm sau biến cố đau thương, ngày 31-10-2011, Tổ chức ”L'Oeuvre d'Orient - Công Trình Đông Phương” cử hành buổi canh thức cầu nguyện tại nhà thờ Saint Francois de Sales ở quận 17 của thủ đô Paris. Hiện diện trong buổi tưởng niệm cũng có Đức Ông Raphael Kuteimi. Xin nhường lời cho Đức Ông nói về chứng tá Đức Tin và lòng tha thứ của tín hữu Công Giáo.

Buổi canh thức cầu nguyện diễn ra tại thủ đô Paris trong tâm tình hiệp thông với các tín hữu Kitô ở thủ đô Bagdad và với các nạn nhân của vụ khủng bố. Buổi canh thức cầu nguyện trước tiên muốn minh chứng rằng Đức Tin Kitô luôn luôn sống động và không bao giờ rời xa các Kitô-hữu. Trái lại là đàng khác. Tôi có thể quả quyết như vậy. Bởi vì tôi vừa cử hành Thánh Lễ cho các anh chị em tị nạn Irak ở Créteil và tôi chứng kiến cảnh họ cầu nguyện tha thiết và sốt sắng như thế nào! Chúng tôi nhắc nhở nhau ghi khắc lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ phán:
- Các con đừng sợ! (Matthêu 10,28)

Phải, chúng tôi không sợ các kẻ sát nhân, bởi vì họ chỉ có thể giết chết thân xác nhưng không bao giờ có thể đi xa hơn. Vụ khủng bố ngày 31-10-2010 xảy ra vào lúc cử hành Thánh Lễ thật là vụ khủng bố kinh khiếp tàn bạo khó có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, ngay từ giây phút đầu tiên, chúng tôi tha thứ như dấu chỉ hòa bình, nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Thế đã tha thứ trước và nêu gương cho chúng tôi.

Cử chỉ tha thứ gây ngạc nhiên cho rất nhiều người đã trở thành chứng tá cần thiết và chính yếu trong một đất nước bị xé rách vì chiến tranh chính trị và tôn giáo. Thêm vào đó, buổi tưởng niệm biến cố đau thương như muốn nói cho mọi người biết chúng tôi rất cần được lắng nghe và được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người rời bỏ Irak. Sau vụ khủng bố tại Nhà Thờ Chính Tòa có khoảng 40 người cùng với gia đình được nước Pháp cho tị nạn nhờ sự can thiệp của tổ chức L'Oeuvre d'Orient. Nhưng xa quê đi tị nạn nơi đất nước khác không phải là giải pháp tốt. Chúng tôi bị bắt buộc ra đi chỉ vì không có chọn lựa nào khác. Bởi vì, chúng tôi sống tại Irak ngay từ thế kỷ đầu của Kitô Giáo và các Kitô-hữu là dấu chỉ của hiệp nhất và hòa bình nơi quê hương. Chúng tôi ước muốn ở lại và cần được giúp đỡ để có tiếp tục sống còn.

Nền hòa bình tại Trung Đông rất khó xây dựng. Hoàn cảnh hiện tại vô cùng khốn đốn. Nhà Thờ Chính Tòa phải được canh giữ và có tường bao bọc chung quanh. Nhưng tất cả chúng tôi ước muốn muốn ở lại quê hương với niềm Hy Vọng. Luôn luôn còn có những người tràn đầy thiện tâm thiện chí ở khắp mọi nơi trên trái đất này. Và nhất là còn có lời cầu nguyện dâng lên Trời Cao từ mọi hang cùng ngõ hẽm. Các cuộc bách hại là thành phần của lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Không có gì mới mẻ và đáng gây ngạc nhiên! Điều quan trọng là các tín hữu Công Giáo phải biết chuẩn bị đón nhận trong Đức Tin. Các Kitô-hữu Trung Đông cần có can đảm và ơn thánh THIÊN CHÚA để có thể tiếp tục công tác tông đồ ngay trên quê cha đất tổ của mình.

... ”Hãy coi chừng ngưi đời. Họ sẽ nộp anh chị em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh chị em trong các hội đường của họ. Và anh chị em sẽ bị điu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết .. Anh chị em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh chị em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục .. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt CHA Thầy, Đấng ngự trên Trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt CHA Thầy, Đấng ngự trên Trời” (Matthêu 10,17-18 / 28/32-33).

(”PARIS NOTRE-DAME, L'Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1402, 3 Novembre 2011, trang 3)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.