2011-09-26 13:28:38

RỘNG TAY BỐ THÍ LÀ CHẤT ĐẦY KHO LẪM


Thứ năm ngày 15-9-2011, đôi vợ chồng trẻ Audrey và Arnaud Piana lên đường đi Madagascar cho một sứ vụ nhân đạo trong vòng một năm.

Anh Chị là nhân viên thiện nguyện đích thân đem khả năng chuyên nghiệp đi phục vụ dân lành. Chị Audrey 23 tuổi là y tá khoa chỉnh-hình nơi bệnh viện Cannes và anh Arnaud 24 tuổi là giáo viên. Anh Chị lấy nhau vào năm 2009 và sống tại Cagnes-sur-Mer (miền Nam nước Pháp). Cứ sự thường, đôi bạn trẻ nghĩ đến chuyện an cư lạc nghiệp và cho ra chào đời những đứa con kháu khỉnh dễ yêu, nhưng Anh Chị muốn dành ra một năm để sống mối giao kết giữa Đức Tin Công Giáo và sứ vụ nhân đạo. Xin nhường lời cho Anh Chị.

Như bao đôi vợ chồng Công Giáo trẻ khác chúng tôi cũng mơ ước xây dựng một mái ấm gia đình. Nhưng trước đó, chúng tôi muốn thực hiện một chương trình làm việc thiện nguyện bên nước Madagascar. Vào thời kỳ gặp nhau, chúng tôi từng mơ ước dành một thời gian cho một sứ vụ nhân đạo. Chúng tôi không mạo hiểm ra đi đến một đất nước xa lạ. Bởi vì vào năm 2006 và năm 2008 chúng tôi đã có dịp đến Madagascar. Giờ đây nên duyên vợ chồng chúng tôi muốn dành một thời gian dài hơn để phục vụ.

Chính Đức Tin Công Giáo là động lực thúc đẩy chúng tôi dấn thân phục vụ tha nhân. Chúng tôi gặp và quen nhau tại Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XX diễn ra ở thành phố Koeln bên nước Đức từ ngày 16 đến 21 tháng 8 năm 2005. Sau đó chúng tôi tìm hiểu nhau thêm qua các Trại Hè do Văn Phòng Tuyên Úy Giáo Phận Nice tổ chức tại Taizé. Cộng Đoàn đại kết Taizé giữ chỗ đứng quan trọng trong cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi thường xuyên tham dự các Cuộc Họp Mặt Quốc Tế do Cộng Đoàn đại kết Taizé tổ chức vào mỗi cuối năm tại các nước khác nhau.

Quyết định đi Madagascar sẽ làm giàu thêm cho Đức Tin của chúng tôi. Chúng tôi thật sự xúc động bởi cách thức người dân nơi đây sống Đạo. Các tín hữu Công Giáo có một Đức Tin thật ”mát mẻ”. Thánh Lễ thật vui tươi sống động. Người trẻ có mặt đông đảo. Trong những lần đến Madagascar trước đây, chúng tôi gặp lại một số giá trị mà chúng tôi không còn tìm thấy dấu vết ở quê nhà nữa: lòng hiếu khách, tính nồng hậu tiếp đón người ngoại quốc, sự trợ giúp lẫn nhau, nét đơn sơ giản dị trong lối giao tiếp thắm đượm tình người và cách thức đối diện đương đầu với cuộc sống. Nói tắt một lời, chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì được hân hạnh quen biết và gặp gỡ Giáo Hội Công Giáo tại Madagascar. Thêm vào đó, trong vòng 6 tháng đầu, chúng tôi sẽ sống với các Nữ Tu Clarisses và các Tu Huynh Phanxicô. Các Tu Sĩ sẽ ”mài dũa” chúng tôi về các chương trình mà chúng tôi dấn thân thực hiện.

Sứ vụ nhân đạo một năm tại Madagascar phân làm hai thời kỳ. 6 tháng đầu, Arnaud sẽ làm giáo viên tại Antsirabé nơi trường của các tu huynh Phanxicô và trong một Hiệp Hội chuyên trợ giúp các trẻ đến trường cũng như trong chương trình huấn nghệ và phát triển kinh tế cho một khu vực bình dân. Ngoài việc huấn luyện miễn phí cho người lớn cũng như cho trẻ em, Hiệp Hội này cũng nâng cao trình độ và phẩm chất đời sống cho toàn dân trong vùng. Về phần Audrey sẽ hành nghề y tá nơi Bệnh Xá của các tu huynh Phanxicô ở Andraikiba và của hiệp hội Zazakely ở Antsirabé. Cũng có chương trình cho chúng tôi đến làm việc nơi các vùng quê xa xôi hẻo lánh.

6 tháng sau của chương trình thiện nguyện cho sứ vụ nhân đạo chúng tôi sẽ chuyển về miền bắc Madagascar và làm việc cho hai ba nơi khác nhau, trong mối liên hệ chặt chẽ với một cộng đoàn các Nữ Tu dòng Chúa Quan Phòng. Chúng tôi cũng có chương trình tương tự như 6 tháng đầu trong các trường học và các bệnh xá. Đặc biệt, chúng tôi sẽ làm việc nơi Trung Tâm săn sóc trẻ em tàn tật do một Nữ Tu điều khiển.

Như thế, trong vòng một năm, chúng tôi sẽ làm việc trong lãnh vực sức khoẻ, môi sinh và tìm kiếm các nguồn nước trong lành cho dân nghèo. Nhưng chúng tôi rất thực tiễn, chúng tôi không thể thực hiện các chương trình vừa nói nếu chúng tôi không được nâng đỡ và trợ giúp bởi các ân nhân và các hiệp hội. Riêng cá nhân chúng tôi, chúng tôi không nhận đồng lương nào, bởi vì chúng tôi đến đây với tư cách nhân viên thiện nguyện.

Trở lại với từ ”Sứ Vụ Nhân Đạo” xin trích lời giải thích của Hiệp Hội Thiện Nguyện.

Nhân Đạo là niềm ước ao bác ái khá mãnh liệt khiến chúng ta dấn thân giúp đỡ tha nhân với lòng khiêm tốn, bởi vì, cần ý thức rõ ràng rằng, lúc trở về sau khi thi hành một sứ vụ nhân đạo, nhân viên thiện nguyện thường ngỡ ngàng tự hỏi:
- Không biết ai là người được học hỏi và nhận lãnh nhiều hơn cả: dân quê nghèo hay kẻ thi ân?

Chúng ta cố gắng mang đến những gì chúng ta có khả năng và sự nâng đỡ thành hình bởi cả hai chiều đến từ hai phía!

Nhân Đạo trước tiên là tạo mối liên hệ tình người. Nhân Đạo cần thực hiện suốt cả đời chứ không phải chỉ trong khoảng một thời gian nào đó hay nơi một khung trời nào đó. Nhân Đạo là biết mỉm cười với những người không còn biết mỉm cười, là biết nhìn và hiểu cái nghèo nàn khốn khổ diễn ra hàng ngày ngay tại góc đường nơi chúng ta đang sống.

Nhưng chúng ta cần đi xa để được trở về khá hơn. Chúng ta cần ra đi gặp gỡ một nền văn hóa khác để có thể nhận thức rằng nghèo đói không tước đoạt niềm vui sống cũng không xóa bỏ lòng hiếu khách. Trái lại, nơi các nước nghèo nhất thì lòng hiếu khách lại là món quà đẹp nhất!

... ”Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Theo luật dạy, con hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đng để họ ra về tay trắng. Hãy bỏ tiền ra giúp người anh chị em bạn hữu, đng đem chôn dưi đá ko nó hư đi. Hãy theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử dụng của cải, việc đó còn ích lợi cho con hơn cả vàng. Rộng tay bố thí là con chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của bố thí sẽ nên vũ khí giúp con chống địch thù lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn. Người tốt bụng đứng ra bảo lãnh kẻ khác, kẻ mất liêm sỉ mới bỏ mặc ngưi ta. Đng quên ơn người bảo lãnh cho con, bởi người ấy đã vì con mà thí mạng” (Sách Huấn Ca 29,8-15).

(”Les Nouvelles Religieuses”, Bimensuel du diocèse de Nice, No 380, 22 Juillet 2011, trang 12-14)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.