2011-09-23 17:28:43

HOẠT ĐNG ĐẠI KẾT CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI ERFURT


ERFURT. Sáng ngày 23-9-2011, ĐTC đã dành để viếng thăm thành phố Erfurt được coi là chiếc nôi của Giáo hội Tin Lành Luther ở Đức, gặp gỡ và cầu nguyện các vị lãnh đạo Tin Lành tại đây.

Thành phố Erfurt cách Berlin 200 cây số và hiện có 200 ngàn dân cư. Đây cũng là thủ phủ của bang Thueringen. Giáo phận Erfurt có 156 ngàn dân cư, tức là 7% trên tổng số gần 2 triệu 250 ngàn dân.

Sau khi được chính quyền và giáo quyền địa phương tiếp đón, cũng như viếng thăm Nhà thờ chính tòa Erfurt, ĐTC đã đến Tu viện thánh Augustino nơi Martin Luther đã sinh sống, hoạt động và ở lại đây cho đến năm 1511, trước khi bị vạ tuyệt thông vào năm 1521 và ly khai với Công Giáo. Ngày nay tu viện này là diễn ra các cuộc gặp gỡ quốc tế. Khuôn viên của tu viện trong mùa hè được dùng làm nơi hòa nhạc và văn nghệ.

Tại tu viện vào lúc quá 12 giờ, ĐTC đã được mục sư Nikolaus Schneider, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Tin Lành Đức và bà Chủ tịch Giáo hội Tin Lành bang Thueringen tiếp đón và dẫn vào Phòng hội để gặp gỡ 20 đại diện của các Giáo Hội Tin Lành. Giáo Hội này gồm 22 Giáo Hội Luther, Cải Cách, Hiệp nhất ở mỗi địa phương, đại diện cho hơn 24 triệu tín hữu Tin Lành toàn quốc, tương đương với 30% dân Đức.

Diễn từ của ĐTC Lên tiếng sau lời chào mừng của hai vị lãnh đạo Tin Lành, ĐTC đã gợi lại nơi Martin Luther đã sống, học hành và tu trì tại tu viện thánh Augustino ở thành phố Erfurt này. Ngày đặc biệt nhắc đến câu nói của Luther:

”Làm sao tôi có thể được một vị Thiên Chúa từ bi?” Câu hỏi này là một sức mạnh thúc đẩy toàn thể hành trình của Luther và vẫn luôn gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Thực vậy, ngày nay có ai bận tâm tới vấn đề này, kể cả nơi các tín hữu Kitô? Vấn đề về Thiên Chúa có ý nghĩa gì trong đời sống chúng ta? Trong việc loan báo của chúng ta? Phần lớn dân chúng, kể cả các tín hữu kitô, ngày nay cho rằng Thiên Chúa, xét cho cùng, chẳng quan tâm gì đến tội lỗi và nhân đức của chúng ta. Luther biết rõ ràng tất cả chúng ta chỉ là xác thịt. Nếu ngày nay người ta còn tin nơi đời sau và nơi sự phán xét của Thiên Chúa, thì hầu như trong thực tế tất cả đều giả thiết rằng Thiên Chúa phải quảng đại, và trong lượng từ bi, Chúa sẽ làm ngơ không biết đến những thiếu sót nhỏ nhặt của chúng ta. Nhưng có thực là những thiếu sót của chúng ta chỉ là nhỏ nhặt hay không? Thế giới chẳng bị tàn phá vì sự hư hỏng của những người lớn, và cả những người nhỏ, chỉ nghĩ đến tư lợi của mình hay sao? Thế giới chẳng bị tàn phá vì quyền lực của ma túy, quyền lực này một đàng tồn tại là nhờ sự ham sống và tiền bạc, và đàng khác là nhờ sự ham hố khoái lạc của những người nghiện ma túy sao? Thế giới chẳng bị đe dọa vì xu hướng bạo lực ngày càng mạnh mẽ, và nhiều khi nó được che đậy bằng lòng đạo đức tôn giáo sao? Nạn nghèo đói có thể tàn phá nhiều miền trên thế giới hay không, nếu tình yêu Thiên Chúa nơi chúng ta, và từ Chúa, tình yêu của chúng ta đối với tha nhân, đối với các thụ tạo của Thiên Chúa, đối với con người, mạnh mẽ hơn? Những câu hỏi như thế có thể còn nhiều. Không phải vậy, sự ác không phải là một sự ù lỳ bất động. Nó không thể mạnh mẽ như hiện nay nếu chúng ta đặt Thiên Chúa thực sự ở trung tâm đời sống chúng ta. Câu hỏi: đâu là chỗ đứng của Thiên Chúa đối với tôi, tôi ở vị thế nào trước thiên Chúa? Câu hỏi nóng bóng này của Martin Luther phải trở thành câu hỏi của chúng ta, và chắc chắn là dưới một hình thức mới. Tôi nghĩ rằng đây là lời kêu gọi đầu tiên mà chúng ta phải nghe trong cuộc gặp gỡ với Luther.

ĐTC nói thêm rằng ”Một điều quan trọng nữa là Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, Đấng Sáng tạo trời đất, là điue khác với giả thuyết triết học về nguồn gốc vụ trụ. Vị Thiên Chúa này có một khuôn mặt và đã nói với chúng ta. Nơi con người, Đức Giêsu Kitô đã trở thành một người trong chúng ta, Ngài là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Tư tưởng của Luther, toàn thể linh đạo của Luther hoàn toàn qui hướng về Chúa Kitô: ”Đối với Luther, những gì thăng tiến chính nghĩa Chúa Kitô” chính là tiêu chuẩn chủ yếu trong việc giải thích Kinh Thánh. Nhưng điều này giả thiết rằng Chúa Kitô là trung tâm đời sống tinh thần của chúng ta và việc yêu mến Chúa, sống với Chúa, hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.”

Tiếp tục bài phát biểu trong cuộc gặp gỡ các vị đại diện Tin Lành Đức, ĐTC nói:

”Giờ đây, có lẽ anh chị em sẽ nói: Tốt lắm, nhưng tất cả những điều ấy có liên hệ gì với tình trạng đại kết của chúng ta? Phải chăng tất cả những điều ấy chỉ là một toan tính tránh né bằng lời nói bao nhiêu vấn đề cấp thiết, trong đó chúng ta mong đợi những tiến bộ thực tiễn, những kết quả cụ thể? Về vấn đề này, tôi trả lời rằng điều cần thiết nhất đối với phong trào đại kết trước tiên là, dưới sức ép của trào lưu tục hóa, chúng ta đừng vô tình đánh mất những điều lớn mà chúng ta có chung với nhau, những điều tự nó làm cho chúng ta thành Kitô hữu và tiếp tục là hồng ân và nghĩa vụ. Thật là một sai lầm trong thời đại xung đột tín ngưỡng vì người ta chỉ thấy những gì chia rẽ, và không nhận thấy một cách thực tiễn điều chúng ta có chung với nhau trong những chỉ dẫn của Kinh Thánh và qua các sự tuyên xưng đức tin của Kitô giáo thời xưa. Và tiến bộ quan trọng nhất về đại kết trong những thập niên gần đây là chúng ta ý thức vệ sự hiệp thông này, và cầu nguyện, cùng nhau hát thánh ca và trong sự dấn thân cho luân lý Kitô trước mặt thế giới, trong sự làm chứng chung về Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô trong thế giới này, chúng ta nhìn nhận sự hiệp thông ấy như nền tảng cơ bản của chúng ta.

Rất tiết là nguy cơ mất những điều chúng ta có chung với nhau không phải là điều không có thể. Ở đây tôi muốn ghi nhận hai khía cạnh. Trong thời gian gần đây, địa lý Kitô giáo thay đổi sâu đậm và đang tiếp tục thay đổi thêm. Đứng trước một hình thức mới của Kitô giáo bành trước với một năng động truyền giáo rất mạnh, nhiều khi đáng lo âu, các Giáo Hội Kitô lịch sử cảm thấy ngỡ ngàng. Đó là một Kitô giáo ít có cơ chế, với ít hành trang hợp lý và càng ít hành trang tín lý và ít ổn định. Hiện tượng này trên thế giới đặt tất cả chúng ta trước câu hỏi: chúng ta nói gì tích cực hoặc tiêu cực về hình thức mới của Kitô giáo này? Dầu sao đi nữa, hiện tượng ấy đặt chúng ta trước câu hỏi: vậy đâu là điều vẫn luôn giá trị và những gì có thể thay đổi, đứng trước vấn đề về sự chọn lựa cơ bản của chúng ta trong đức tin?

Và ĐTC kết luận rằng: Điều sâu xa và nóng bỏng hơn tại đất nước chúng ta là thách đố thứ hai đối với toàn thể Kitô giáo: ở đây tôi muốn nói về bối cảnh thế giới bị tục hóa trong đó chúng ta phải sống và làm chứng tá đức tin ngày nay. Sự vắng bóng Thiên Chúa trong xã hội chúng ta ngày càng sâu đậm, lịch sử mạc khải của Chúa -như Kinh Thánh nói với chúng ta-, dường như bị đặt vào quá khứ ngày càng xa vời hơn. Phải chăng cần phải chiều theo sức ép của sự tục hóa hay sao, trở thành người tân tiến bằng cách làm cho đức tin của chúng ta trở nên tan loãng sao? Dĩ nhiên đức tin phải được suy nghĩ lại và nhất là sống một cách mới mẻ để trở thành điều thuộc về hiện tại, nhưng không phải sự làm tan loãng đức tin sẽ mang lại lợi ích, nhưng chỉ có sự sống thực niềm tin trọn nẹn ngày nay. Đó là một nghĩa vụ đại kết chủ yếu. Trong ta phải giúp đỡ nhau trong vấn đề này: tin một cách sâu xa hơn, và sinh động hơn. Đó không phải là một chiến thuật để cứu chúng ta, cứu vãn Kitô giáo, nhưng là một đức tin được suy nghĩ lại và được sống một cách mới mẻ, qua đó Chúa Kitô và cùng với Ngài Thiên Chúa hằng sống đi vào thế giới này. Như các vị tử đạo thời quốc xã đã đưa chúng ta đến gần nhau và đã khơi lên sự cởi mở đại kết đầu tiên, cũng vậy, ngày nay đức tin được sống tự thâm tâm trong một thế giới tục hóa, chính là sức mạnh đại kết mạnh mẽ nhất, liên kết chúng ta, hướng dẫn chúng ta tiến về sự hiệp nhất trong Chúa duy nhất”.

Cầu nguyện đại kết

Sau khi gặp gỡ và trao đổi với các vị đại diện Tin Lành Đức, ĐTC đã tiến vào nhà thờ cũ của Tu Viện thánh Augustinô để cùng với 300 người tại đây cử hành buổi cầu nguyện đại kết. Hiện diện trong dịp này cũng có bà thủ tướng Angela Merkel, vốn là con của một mục sư tin lành Luther, đông đảo các vị mục sư và tín hữu đại diện các Giáo hội Tin Lành Đức và hàng chục GM cũng như các em học sinh Công Giáo.
Bà Katrine Eckhardt Chủ tịch Hội đồng Công tọa của Giáo hội Tin Lành Đức đã chào mừng ĐTC và mọi người, và sau bài Tin Mừng theo thánh Gioan do ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô công bố, ĐTC đã giảng.

Bài giảng của ĐTC
Ngài nhắc đến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong bữa tiệc ly ”Con cầu nguyện để không những họ, mà cả những người nhờ lời họ mà tin nơi con” (Ga 17,20). Chúa cầu nguyện cho sự hiệp nhất của chúng ta. Nhưng ĐTC đặt câu hỏi:

”Phải chăng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vẫn không được lắng nghe? Có thể nói lịch sử Kitô giáo là khía cạnh hữu hình của thảm trạng này, trong đó Chúa Kitô chiến đấu và chịu đau khổ vì chúng ta, là những phàm nhân. Ngài vẫn luôn phải chịu sự đối nghịch chống lại sự hiệp nhất, nhưng dầu vậy luôn có sự tái hiệp nhất với Chúa và với Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải xem 2 điều này, trước hết là tội lỗi của con người, từ khước Thiên Chúa và rút lui vào trong mình, nhưng thứ đến cũng có những chiến thắng của Thiên Chúa nâng đỡ Giáo hội mặc dù sự yếu đuối của họ và Ngài luôn lôi kéo con người đến cùng ngài, và qua đó làm cho họ xích lại gần nhau. Vì thế, trong một cuộc gặp gỡ đại kết, chúng ta không phải chịu than trách về những chia sẽ và cách ly, nhưng cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những yếu tố hiệp nhất mà Ngài bảo tồn cho chúng tà và Ngàiluôn tái ban cho chúng ta. Lòng biết ơn này đồng thời cũng phải là thái độ sẵn sàng để không đánh mất sự hiệp nhất đã được đan trong một thời đại có những cám dỗ và nguy hiểm.

Sự hiệp nhất cơ bản hệ tại sự kiện chúng ta tin nơi Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo dựng trời đất.... Làm chứng về Thiên Chúa hằng sống là nghĩa vụ chung của chúng ta trong thời đại ngày nay.

Nhưng con người có cần Thiên Chúa, giữa lúc mọi sự tiến hành khá tốt đẹp mà không cần Chúa hay không? Trong giai đoạn đầu tiên của sự vắng bóng Thiên Chúa, khi ánh sáng của ngài còn tiếp tục soi chiếu và giữ nguyên trật tự cuộc sống con người, người ta có cảm tưởng cuộc sống ấy tiếp tục mà không cần Thiên Chúa. Nhưng hễ thế giới càng xa lìa Thiên Chúa, thì người ta càng thấy rõ con người ngày càng đánh mất sự sống của mình trong sự kiêu hãnh của quyền lực, trong sự trống rỗng của con tim và trong ước muốn thỏa mãn và được hãnh phúc. Sự khao khát vô biên vẫn ở trong con người không thể tước bỏ được. Con người được tạo dựng để ở trong tương quan với Thiên Chúa và cần Chúa. Việc phục vụ đại kết đầu tiên của chúng ta trong thời đại ngày nay là cùng nhau làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống và qua đó mang lại cho thế giới câu trả lời họ đang cần.. Các bạn thân mến, chúng ta hãy củng cố nhau trong đức tin! Chúng ta hãy giúp đỡ nhau sống đức tin! đó là một trách vụ đại kết lớn lao đưa chúng ta vào trong trọng tâm kinh nguyện của Chúa Giêsu.

ĐTC cũng nhận xét rằng chúng ta đang sống trong một thời đại mà các tiêu chuẩn làm người bị đặt lại vấn đề. Luân lý đạo đức bị thay thế bằng những tính toán về hậu quả. Đứng trước tình trạng đó, trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết - trong những vấn đề chẩn bệnh trước khi cấy phôi thai, cho đến nạn làm cho chết êm dịu. ”Chỉ những ai biết Chúa thì mới biết con người” như Romano Guardini đã nói. Nếu không biết Thiên Chúa, con người có thể bị lèo lái. Niềm tin nơi Thiên Chúa phải được cụ thể hóa trong sự dấn thân chung của chúng ta cho con người. Thuộc về sự dấn thân như thế không những có các tiêu chuẩn cơ bản về nhân loại tính, nhưng nhất là tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cụ thể trong bài mô tả về sự phán xét chung (Mt 25).

Sau cùng ĐTC trả lời cho một số người, trước cuộc viếng thăm của ngài, đã lên tiếng kêu gọi ngài dành cho các Giáo hội tin lành một món quà đại kết ví dụ như tuyên bố phục hồi cho Martin Luther, hoặc cho các tín hữu Công Giáo và Tin Lành được rước lễ chung, cải tiến hôn nhân hỗn hợp giữa Công Giáo và Tin Lành, v.v. ĐTC nhận xét rằng làm như thế là hiểu sai về đức tin và đại kết, áp dụng theo kiểu các cuộc viếng thăm của các vị quốc trưởng tại một nước bạn. Nhưng đức tin của các tín hữu Kitô không dựa trên sự tính toán các lợi lộc và bất lợi. Một niềm tin tự tạo ra thì không có giá trị. Đức tin không phải là cái mà chúng ta nuôi dưỡng hoặc xác định. Đức tin là nền tảng cuộc sống của chúng ta. Sự hiệp nhất không tăng trưởng nhờ sự tính toán những điều lợi và bất lợi, nhưng chỉ nhờ ngày càng đi sâu hơn vào trong ơn thánh nhờ tư tưởng và cuộc sống”.
Buổi cầu nguyện đại kết được tiếp tục với các ý nguyện khác nhau do các đại diện của Công Giáo và Tin Lành xướng lên. Rồi mọi người đọc kinh Lạy Cha, trước khi vị Chủ tịch Hội đồng các Giáo Hội Tin Lành đọc lời chúc phúc của Aaron trong sách Dân Số (Ds 6,24-26) và ĐTC chúc lành cho mọi người.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.