2011-09-21 11:05:38

Từ một lần gặp gỡ (49): Tha thứ


Các bạn trẻ thân mến,

Tha thứ không phải là tư tưởng độc quyền của Đức Giê-su. Nhiều nền văn hóa trên thế giới cũng đề cao sự tha thứ. Văn hóa Việt Nam cũng rất bao dung với những người hối cải: đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Với lý lẽ tự nhiên, người ta dễ dàng chấp nhận việc tha thứ cho những người biết nhận lỗi. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không dừng lại ở việc tha thứ cho ai và tha thứ đến mức độ nào. Đối với Ngài, tha thứ đồng nghĩa với yêu thương. Nếu anh chưa yêu thương người xúc phạm đến anh thì anh chưa thật tình tha thứ cho họ.

Với luật Cựu Ước, người ta phải tha thứ cho kẻ xúc phạm mình đến ba lần. Vì thế, với tư cách là môn đệ Thầy Giê-su đáng kính, Phê-rô quyết tâm phải đi xa hơn thế. Phê-rô đã lấy con số của Cựu Ước, nhân cho hai, rồi cộng thêm một. Vậy là quá chắc ăn với con số 7, Phê-rô đến hỏi Thầy để xin Thầy xác chuẩn (Mt 18, 21-35). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã đẩy Phê-rô đi xa hơn. Ngài như chơi chữ với con số 7 của Phê-rô: bảy mươi lần bảy. Đến đây Phê-rô hiểu rằng, với lối nói này của Thầy, mình không thể vừa tha thứ cho anh em, vừa ngồi đếm từng lần mình đã tha thứ.

Nói về chuyện tha thứ là điều không dễ, nhưng không phải quá khó để nói về nó; nhưng thực thi việc tha thứ lại là một điều khó hơn gấp bội. Vì thế, người ta khó tha thứ cho người khác nếu họ chưa có kinh nghiệm về sự thứ tha. Cũng như ai trong đời đã trải qua gian nan thì họ dễ đồng cảm hơn với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Thực ra, ai trong đời lại không ít nhiều nhận được sự tha thứ từ người khác. Nhân vô thập toàn mà…! Hơn thế nữa, nếu ai ý thức nhiều hơn về tương quan của mình với Thiên Chúa thì quả là một cơ hội tốt để nhận ra mình được tha thứ thế nào. Bao nhiêu lần phản bội, là bấy nhiêu lần mình nhận được sự tha thứ từ Ngài. Với hình ảnh người cha nhân hậu, Đức Giê-su đã cho các môn đệ thấy khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ và mong mỏi gặp lại đứa con hoang đàng. Nếu để lòng mình chạm đến lòng của người Cha, thì ắt hẳn kinh nghiệm này dạy cho người ta biết thế nào là nhu cầu tha thứ và cần được tha thứ của một con người.

Thực ra, tha thứ cũng cần phải tập. Tập tha thứ cũng là tập để chiến thắng bản thân. Có lẽ tha thứ không phải là đức tính có tự bản chất con người, nhưng đó là kết quả của một quá trình tập luyện. Quả thật, tha thứ là một nhân đức tốt lành cho cả người tha thứ lẫn người được tha thứ. Đối với người tha thứ, đó là một hành trình dài tập luyện để chiến thắng bản thân; còn đối với người được tha thứ, đó là một cơ hội để họ cảm nhận được tình liên đới giữa người với người. Người tha thứ chiến thắng chính bản thân mình vì họ đã vượt qua những rào cản khiến họ không thể nói lời tha thứ, dù đôi khi lý trí mách bảo họ hãy tha thứ. Điều đáng quý của sự tha thứ là sự khiêm tốn và đôi chút chấp nhận thiệt thòi về mình để người khác được lớn lên. Tha thứ là một nhân đức, và nó sẽ đúng nghĩa là một nhân đức khi nó được gắn với sự tha thứ mà mình nhận được từ Thiên Chúa.

Nơi Kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giê-su dạy và chúng ta lặp lại hằng ngày: “xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, chúng ta nhận thấy một tinh thần khiêm tốn nhưng cũng rất tin tưởng của người con khi đến với Cha của mình. Khi đặt mình vào tương quan Cha con với Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng nhận ra lòng nhân hậu của Ngài, và giúp chúng ta thêm tin tưởng để xin được tha thứ. Cùng lúc đó chúng ta cũng nhìn những người bên cạnh trong tương quan anh em, họ cũng đang cần được tha thứ như chúng ta cần được tha thứ!

Tuy nhiên, điều khiến người ta khó tha thứ cho người khác là người có lỗi cứ tiếp tục phạm lỗi như thể không có gì xảy ra. Khi ấy, đòi hỏi của sự tha thứ còn phải đi xa hơn. Tha thứ không chỉ là bỏ qua, nhưng là giúp người ta tốt hơn. Chúa Giê-su dạy các môn đệ cách sửa lỗi người khác (Mt 18, 15-18). Qua sự sửa lỗi này, hy vọng người ta có thể nhận ra lỗi của họ. Trước tiên là sửa lỗi cá nhân, một mình với người ấy. Nếu người ấy không nghe, thì nhờ thêm hai hoặc ba người khác để cùng thuyết phục họ. Nếu họ vẫn không nghe thì nhờ đến cộng đoàn. Nếu họ vẫn không chịu nghe cộng đoàn, thì “hãy kể họ như người ngoại hay người thu thuế”. Lúc này thì chính họ đã chọn một cách thức khác với cộng đồng mà họ đang sống. Tuy nhiên, dù họ có cùng quan điểm với mình và cộng đoàn hay không thì họ cũng cần được tha thứ, và trách nhiệm của mình là phải tha thứ cho họ. Với tiến trình sửa lỗi này, đôi khi chính mình cũng nhận ra mình cũng có một phần nào đó trong lỗi này. Lúc đó, mình sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác hơn.

Tha thứ chưa bao giờ là chuyện dễ, vì thế chúng ta cần ơn Chúa và cần mẫu gương tha thứ của Ngài để tha thứ cho người khác. Xin Chúa giúp chúng ta dám chiến thắng mình để tha thứ cho những người có lỗi với chúng ta!

Hà Thanh Bình







All the contents on this site are copyrighted ©.