2011-09-14 10:06:06

Từ một lần gặp gỡ (48): Làm việc và nghỉ ngơi


Các bạn trẻ thân mến,

Dù trẻ con, người già hay tuổi trẻ, ai lại không có kinh nghiệm về nhu cầu cần được nghỉ ngơi. Sau một ngày làm việc vất vả - cần nghỉ ngơi; sau một thời gian dài cố gắng - cần nghỉ ngơi; hay ngay cả sau một cuộc đi chơi hết mình - cũng cần nghỉ ngơi. Sức con người có hạn, do đó người ta cần nghỉ ngơi để cơ thể nạp lại năng lượng. Giê-su mời người ta đến nghỉ ngơi với Ngài. Ngài mời rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).

Nhiều khi ta nghĩ rằng, đến với Chúa thì phải trang nghiêm, phải cầm lòng cầm trí, hay ngay cả phải chuẩn bị điều gì đó trước, để khi đến với Chúa có cái để nói hay để xin. Bạn có thấy nếu ta làm như thế là đã đặt Chúa vào trong khung và đóng lại kỹ quá không? Tại sao lại không để Chúa nghỉ ngơi với bạn? Ai cũng có những người bạn để chia sẻ những chuyện rất nghiêm túc, nhưng đôi lúc những người bạn ấy cũng có thể cùng với ta nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Tại sao Giê-su lại không thể là một người bạn như thế của ta được? Ngài là một người bạn, và đúng nghĩa là một người bạn. Ngài cùng đồng hành với bạn trong những chuyện nghiêm túc rất riêng tư của bạn, nhưng Ngài cũng đồng hành với bạn trong những giây phút nghỉ ngơi.

Giê-su đã có những kinh nghiệm về sự quá tải, và Ngài cũng đọc ra điều ấy nơi khuôn mặt của các môn đệ. Ngài dạy các môn đệ, nhưng Ngài cũng chăm lo cho họ cả đến những việc nghỉ ngơi nữa. Khi khuôn mặt họ đã lộ lên vẻ thấm mệt, Giê-su nói với họ: “chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Hơn thế nữa, nghỉ ngơi không phải chỉ là nhu cầu bất khả kháng, khi cơ thể không còn sức chịu đựng cho công việc nữa. Nhưng nghỉ ngơi cũng là để những gì đã qua có cơ hội đọng lại. Thường công việc cuốn người ta đi khiến họ không còn thời gian để nhìn lại những gì đã qua. Giê-su không muốn các môn đệ của Ngài trở thành những con người của công việc, nhưng muốn họ có một cuộc sống tròn đầy và công việc của họ thể hiện sự tròn đầy đó.


Ngày nay, với nhiều công cụ hỗ trợ, chúng ta giải quyết công việc nhanh hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng không nhờ thế mà chúng ta nhẹ gánh hơn; đôi khi ngược lại là đàng khác. Không ít người đã tự mình chất thêm những gánh nặng mà quên rằng cuộc sống đâu phải chỉ có công việc. Thực ra, nghỉ ngơi không phải để phí thời gian, nhưng nghỉ ngơi để làm mới lại cuộc sống và làm cho công việc trở nên hiệu quả. Đúng thật là công việc hấp dẫn và luôn cuốn hút người ta, nhưng nếu mình là người tham công tiếc việc thì cũng nên biết rằng nghỉ ngơi cũng là một việc cần thiết không thua kém gì những công việc khác. Nếu bạn không đủ can đảm để rời công việc, hãy để Chúa mời bạn: “con cần đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút”! Và ở nơi thanh vắng đó, hãy để Chúa có thêm một lời mời: “hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Chúa không cần bạn đến với Ngài như một đầy tớ khúm núm hay như một người chỉ nói những chuyện trang nghiêm, Ngài muốn bạn ở với Ngài như với một người bạn, cùng với Ngài đủ chuyện trên trời dưới đất, hay ngay cả ở bên Ngài mà không một lời lẽ nào.

Cũng có thể khi nghỉ ngơi, bạn tránh hết mọi sự phiền toái từ người khác, kể cả Chúa. Nhưng bạn có biết rằng bạn cần Chúa để có một kỳ nghỉ thật vui, bạn cần Ngài để có một đêm ngon giấc, hay bạn cần có ngài để cuốn phim bạn xem mang lại lợi ích cho bạn…? Đừng xem Thiên Chúa là kẻ làm phiền bạn, nhưng hãy để Ngài làm cho cuộc vui hay kỳ nghỉ của bạn nên trọn vẹn.

Các bạn trẻ thân mến,
Ắt hẳn rằng, chỉ tìm cách nghỉ ngơi mà không làm việc là điều không thể chấp nhận được. Nhưng ngược lại, làm việc mà không nghỉ ngơi cũng là một điều thái quá. Chúa ban cho con người khả năng để làm việc, và Ngài cũng ban cho họ khả năng để cảm nhận cuộc sống. Một phần con người được thành hình bởi công việc, nhưng họ còn được hun đúc bởi tương quan – tương quan với người khác, với chính mình và với Đấng tạo dựng nên họ. Nghỉ ngơi là một cơ hội tốt để họ tìm gặp những tương quan như thế. Thật vậy, nghỉ ngơi không chỉ là “xả hơi” nhưng còn là “nạp năng lượng”. Vì thế, từ nghỉ ngơi cần được gắng với trạng từ “hiệu quả” và “bổ ích” – Cuộc sống cần được nghỉ ngơi hiệu quả và bổ ích.

Xin Chúa chúc lành cho việc nghỉ ngơi của chúng ta để cuộc sống của chúng ta được thêm vui tươi và hạnh phúc!


Hà Thanh Bình







All the contents on this site are copyrighted ©.