2011-09-07 12:21:20

Từ một lần gặp gỡ (47): Tình yêu lớn hơn sự sợ hãi


Các bạn trẻ thân mến,

Sống ở đời, ai trong chúng ta chẳng có ít nhiều nỗi sợ: sợ không an toàn, sợ mất việc, sợ bị cười chê, và ngay cả sợ phải thay đổi,… Những nỗi sợ như thế dường như gắn liền với thân phận làm người với những bất toàn của mình. Nhưng sợ hãi không phải là điều chi phối lớn nhất của cuộc sống.

Thánh Luca đã kể câu chuyện về chị phụ nữ khóc dưới chân Đức Giê-su, nước mắt của chị tưới ướt chân Người và chị đã lấy tóc để lau. Nếu chị là người bình thường hay là người đạo hạnh mà làm điều đó thì việc chị làm chỉ khiến người ta đôi chút ngạc nhiên, nhưng thực ra mọi người đều sửng sốt và cả ông Pha-ri-sêu, người đã mời Đức Giê-su vào nhà dùng bữa, đã phải đặt câu hỏi về căn tính của Đức Giê-su, vì Ngài đã để cho người phụ nữ này làm như vậy. Ông đã quá biết chị này, và ông có thể khẳng định về chị: một người tội lỗi. Từ ngữ “tội lỗi” ở đây hàm ý đến nghề của chị, nghề lấy thân xác để mua vui cho kẻ khác.

Hẳn chị cũng sợ những người khác nhìn đến chị. Việc xuất hiện bình thường của chị trước công chúng đã là một điều lạ, nay chị xuất hiện như một người cá biệt chạy đến với một người đặc biệt lại là một điều lạ hơn. Người ta có thể nhìn thấy nơi khuôn mặt và cử chỉ của chị một sự vượt thắng ghê gớm những nỗi sợ, và đặc biệt hơn, khi vượt qua những nỗi sợ, đời chị được lóe lên một tia sáng: đổi đời.

Với một nghề bị khinh rẻ, chị thừa biết người ta nhìn chị với cặp mắt nào. Với lòng tự trọng hoặc ít nhất với chút sĩ diện còn sót lại, chị sợ người ta xoi mói cuộc đời chị. Như thế, để có thể chạy đến quỳ dưới chân một người đang nổi tiếng như Giê-su, trước hết chị phải gạt đi nỗi sợ về thân phận của mình, hay nói rõ hơn với ngôn từ của các bạn trẻ, đó là “sợ quê”. Hãy đặt mình vào vị thế của chị để thấy nỗi sợ này lớn đến mức nào, dù vô hình như khó vượt qua.

Kế đến, chị còn phải đối diện với một tương lai không nghề nghiệp, dù rằng nghề trước đây của chị chẳng đáng được gọi là nghề. Chẳng lẽ chị đến gặp một người thánh thiện và thanh khiết như thế mà lại tiếp tục hành nghề trước đây nữa chăng? Mặt mũi nào cho phép chị làm như vậy. Nếu chị nghĩ về tương lai của mình, ắt hẳn chị không thể không thấy trước một sự bấp bênh cho tương lai của chị. Do đó, chị cũng phải vượt qua nỗi sợ này.

Hai nỗi sợ trên mang tính chủ quan, dù sao chị cũng có thể nhắm mắt vượt qua được. Nhưng khi nhắm mắt như thế, chị lại gặp một bức tường khá lớn: sợ người khác ngăn cản. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra nếu người ta ngăn cản chị. Họ ngăn cản cũng có lý lắm chứ! Mọi người đều quá biết chị và họ cũng biết Thầy Giê-su, chính họ thấy phải có trách nhiệm bảo vệ sự thánh thiện của Thầy khỏi hạng người tội lỗi như chị. Thêm một nỗi sợ nữa chị phải vượt qua, và chị đã chấp nhận thất bại nếu chuyện không thành. Muốn trở nên tốt hơn cũng đồng nghĩa với chấp nhận đôi chút mạo hiểm!

Nhưng có lẽ nỗi sợ lớn nhất và hợp lý nhất mà chị phải đối diện, đó là sợ Ngài không chấp nhận. Mọi cố gắng sẽ là công cốc nếu Ngài chỉ phán một câu đụng đến tự ái của chị. Như thế, để đến với Đức Giê-su như một người hối cải, chị phụ nữ không chỉ phải vượt qua những chướng ngại nhưng điều quan trọng hơn, chị cần có thái độ tin tưởng. Chị tin là Giê-su không làm chị thất vọng. Và đúng là như vậy, Giê-su đã chạm đến cõi sâu nhất trong tâm hồn chị mà chính chị lâu nay cũng không dám đụng đến. Nhờ cuộc gặp gỡ kỳ lạ này, chị phụ nữ đã có cơ hội đổi đời. Chị đã không bao giờ nghĩ là tự mình có thể làm được như thế. Gặp gỡ và tương quan biến đổi mọi sự trở nên tốt hơn.

Các bạn trẻ thân mến,
Cuộc sống ngày nay cung cấp cho chúng ta nhiều điều, nhưng nó không cất khỏi chúng ta những nỗi sợ. Tuy nhiên, sợ hãi không phải là điều chi phối mạnh nhất trên cuộc đời chúng ta. Niềm tin và tình yêu mới thực sự làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ và vượt thắng tất cả.

Biết rằng cuộc sống không dễ dàng như một thước phim, nhưng sức mạnh mà ta nhận được từ cuộc sống cũng không phải nhỏ. Chị phụ nữ đã vượt những chướng ngại tưởng chừng như cố hữu: chướng ngại của sự gièm pha, của lời ra tiếng vào, chướng ngại của tự ái nơi chính chị, để rồi chị coi thường tất cả ngoại trừ tương lai của chị. Giê-su đón nhận chị và trả lại cho chị sự bình an.

Giê-su cũng sẽ là sức mạnh của chúng ta, để chúng ta vượt qua những sợ hãi. Đức Gioan Phao-lô II đã khích lệ thế giới về điều này: “Anh chị em đừng sợ! Chúa Ki-tô biết rõ mọi điều trong lòng người, và chỉ một mình Ngài biết rõ.” Giê-su sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta khỏi sợ hãi để chúng ta canh tân đời sống và để giúp chúng ta làm chứng cho sự thật. Niềm tin và tình yêu vẫn luôn lớn hơn sự sợ hãi.

Hà Thanh Bình







All the contents on this site are copyrighted ©.