2011-08-24 12:42:55

Từ một lần gặp gỡ (40): Bỏ ngài con biết theo ai


Các bạn trẻ thân mến,

Hẳn nhiều người quen thuộc với bài hát “bỏ Ngài con biết theo ai, vì Ngài có lời ban sự sống…”. Với những tâm tình trong bài hát, người hát như đang đặt mình trong vị thế của Phê-rô và các bạn khi đứng trước câu hỏi của Thầy: “cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao” (Ga 6, 67). Với câu hỏi này, Chúa Giê-su đặt các môn đệ trước chọn lựa tiếp tục theo Thầy hay bỏ Thầy mà đi, nhưng đồng thời Chúa cũng cần có người hiểu Ngài và chia sẻ những sự thật về Ngài.

Nhiều người đã bỏ đi sau khi nghe Chúa Giê-su nói về thịt và máu của Ngài là của ăn, của uống, lại còn, nếu không ăn thịt và uống máu Ngài thì không có sự sống nơi mình. Họ cảm thấy “lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” và nhiều người đã rút lui, không theo Người nữa. Chúa Giê-su như đang đứng trước một sự thật đau lòng. Khi Ngài làm phép lạ hóa bánh nuôi họ, chữa bệnh, trừ quỷ cho họ thì họ vui và chạy theo, đến khi Ngài nói về một sự thật vượt quá sức hiểu của họ, thì họ không dám mở tầm mắt và vươn cao hơn để ngắm nhìn, ngược lại họ rút lui.

Khi thấy người ta lần lượt bỏ đi, Chúa Giê-su buồn chứ. Nhưng Chúa không thể không nói một sự thật, sự thật mang tính quyết định cho những người mà Ngài yêu mến. Giê-su làm người người để dẫn con người lên cùng Thiên Chúa, để con người được sống. Nhưng nếu họ không chấp nhận sự thật rằng chỉ có Mình và Máu của Ngài mới có thể mang lại sự sống, thì Ngài có thể làm được gì hơn cho họ. Dù sao, Ngài cũng biết rằng điều này không dễ để chấp nhận. Vì thế, Ngài đã nhẹ nhàng dẫn người ta đi như một người Thầy đang dạy cho những học trò nhỏ những bài học cơ bản, và kiên nhẫn để nghe những phản ứng của chúng. Còn học trò thì chưa bao giờ trải qua một kinh nghiệm nào vượt quá trí hiểu đến thế.

Cuộc sống, đâu phải điều gì cũng dễ hiểu. Đó là giới hạn của con người, nhưng giới hạn đó lại giúp người ta thấy mình cần đến người khác, để hiểu những gì khó hiểu, để học cho biết thế nào cảm thông và kiên nhẫn. Nếu những người không đủ kiên nhẫn đã bỏ Chúa Giê-su mà đi, thì các môn đệ lại nhìn thấy những tia hy vọng dù chỉ là le lói: “bỏ Thầy con biết theo ai, chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”. Nếu giải quyết vấn đề theo kiểu “hoặc có hoặc không” nghĩa là không phải chờ đợi và kiên nhẫn, thì người ta bỏ lỡ biết bao cơ hội. Ngược lại, với sự kiên nhẫn và chờ đợi người ta có nhiều thời giờ hơn để hiểu, để cảm thông và để sự việc tự tỏ lộ.

Bao lâu còn kiên nhẫn, bấy lâu người ta còn nổ lực đi tìm những phương thức mới để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, với tư tưởng sống vội như hiện nay, dường như người ta không còn thời gian để cảm nếm hương vị của cuộc sống, đặc biệt là hương vị được rút ra từ những thử thách và thất bại. Nếu không có một đức tính mà thánh Phao-lô đã nói, đức nhẫn nại, thì quả là tệ hại khi ta không còn thuận buồm xuôi gió. Ngược lại, với những ai nhẫn nại, hay chỉ cần ước ao được nhẫn nại, họ có thể tìm thấy những sức bật vượt quá sự mong đợi của họ. Khi đó họ mới hiểu ra những điều tưởng chừng như không thể hiểu được.

Khi nhắc đến từ “hiểu”, không ít bạn trẻ nghĩ đến cha mẹ hay những người lớn không cùng thế hệ với mình. Người nhỏ không hiểu người lớn, người lớn không biết người nhỏ đang nghĩ gì! Sao mà khó thế! Uhm, nhưng mà lại dễ hiểu. Bởi vì các thế hệ khác nhau sống ở những hoàn cảnh khác nhau với những lối hành xử khác nhau. Nhưng nếu người ở thế hệ này dám đặt mình vào vị thế của thế hệ kia thì hai chữ “nhẫn nại” sẽ không còn quá khó, dù vẫn phải chấp nhận là “hơi kho khó”. Chúa Giê-su đã cần các môn đệ hiểu, và các ông đã dám hiểu dù cái hiểu của các ông vẫn còn trong đêm tối.

Khi các môn đệ dám tiếp tục đi với Thầy, các ông cũng chấp nhận cái bấp bênh của quyết định đó. Dù các ông tuyên xưng “Thầy mới có lời ban sự sống”, nhưng bao nhiêu phần trăm các ông ý thức về lời tuyên xưng của mình? Cái bấp bênh của phận người vẫn còn đó, nhưng điều thú vị lại nằm trong sự bấp bênh. Nói thế thì cũng hơi quá, nhưng nghĩ cho cùng, nếu một người chỉ biết ở trong chăn ấm lụa là, người ấy sẽ không cảm nhận được nhưng thú vị của hương đồng gió nội, mà những kẻ bụi bụi mới cảm nhận được.

Cuộc sống chông chênh chứ. Ai có thể nắm chắc về tương lai của mình. Nhưng trên sự chông chênh ấy, đôi lúc chúng ta cũng phải quyết định cuộc đời chúng ta. Phê-rô và các bạn đã phải quyết định trên sự chông chênh như thế. Điều quan trọng vẫn là xác tín về điều mình chọn “bỏ Thầy con biết theo ai” dù điều đó vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Tuổi trẻ chúng ta cần có những kinh nghiệm xác tín của riêng mình để tính tự quyết của chúng ta có cơ hội thành hình và lớn lên đến trưởng thành.

Xin Chúa khích lệ chúng ta trong những quyết định cho cuộc sống, và nhẫn nại trước những tình huống tưởng chừng như không còn gì để chờ đợi. Với ơn Chúa và sự trợ giúp của Ngài, chúng ta có thể thưa cùng Chúa, nhẹ nhàng nhưng xác tín: “bỏ Ngài con biết theo ai”.
 
Hà Thanh Bình







All the contents on this site are copyrighted ©.